Cùng với sự phát triển của hoạt động thương mại quốc tế, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu ngày càng tăng. Do vậy, sự ra đời của hoạt động "tài trợ xuất nhập khẩu" được coi như một phương tiện "cứu cánh" cho các doanh nghiệp, giải quyết nỗi lo về tài chính. Vậy tài trợ xuất nhập khẩu là gì? Chức năng và tầm quan trọng trong ngoại thương?
Mục lục bài viết
Ẩn1. Tài trợ xuất nhập khẩu là gì?
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh tế quốc dân và ngày càng được mở rộng và phát triển. Ngay từ xa xưa, hoạt động này rất cần đến sự hỗ trợ của các ngân hàng. Trong các hội chợ thương mại diễn ra ở thế kỷ 12, các ngân hàng đầu tiên thường giữ vai trò tổ chức trung gian trao đổi cần thiết, cho phép thực hiện các giao dịch giữa những người buôn bán với nhau từ khắp các khu vực châu Âu và bằng các đồng tiền khác nhau. Có thể nói, để một thương vụ thành công, bên cạnh vấn đề chất lượng, giá cả, thương hiệu,… của sản phẩm thì vấn đề tài chính phục vụ nó được đặt ra không kém phần quan trọng.
Hoạt động ngoại thương ngày càng được mở rộng về quy mô, với số thành viên tham gia ngày càng lớn đa làm cho nhu cầu về hoạt động tài chính ngày càng trở nên cấp thiết, đặc biệt là trong thương mại xuyên lục địa. Việc tạo điều kiện thuận lợi về mặt tài chính đã là công cụ của hoạt động cạnh tranh bên cạnh các yếu tố khác. Hoạt động xuất nhập khẩu càng phát triển thì các hình thức thanh toán cũng đa dạng và tất yếu dẫn tới sự đa dạng của các hình thức tài chính tài trợ xuất nhập khẩu. Mỗi một hình thức thanh toán đòi hỏi phải có một hình thức tài chính tương ứng, phục vụ nó và đảm bảo cho nó. Ngược lại, hoạt động tài chính đối ngoại ngày càng được mở rộng bao nhiêu thì mối quan hệ thương mại càng được mở rộng bấy nhiêu. Chất lượng của hoạt động tài chính ngoại thương là cơ sở để tạo lòng tin cho bạn hàng trong thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình lưu thông hàng hoá, tạo thêm sức mạnh cạnh tranh trên toàn thế giới.
Xuất nhập khẩu là hoạt động kinh tế đối ngoại được coi là cầu nối giữa thị trường trong nước và thị trường quốc tế. Nó có khả năng đem lại những hiệu quả đột biến rất cao hoặc ngược lại có thể gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế quốc gia. Bởi vì, nó luôn phải đối đầu với một hệ thống kinh tế khác từ bên ngoài mà các chủ thể trong nước tham gia xuất nhập khẩu không dễ dàng khống chế được. Bởi vậy, trong lĩnh vực xuất nhập khẩu mỗi quốc gia đều phải tìm mọi biện pháp để phát huy những tác động tích cực và hạn chế những mặt tiêu cực nhằm đạt được hiệu quả kinh tế – xã hội cao.
Tài trợ xuất nhập khẩu là việc ngân hàng hỗ trợ về mặt tài chính cũng như cung cấp các phương tiện nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ của mình khi tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu. Tài trợ xuất nhập khẩu thể hiện mối quan hệ giữa một bên là ngân hàng – bên đưa ra trợ giúp về tài chính và một bên là doanh nghiệp xuất nhập khẩu – bên cần trợ giúp.
Ngày nay, tài trợ xuất nhập khẩu đã được phát triển với nhiều hình thức phong phú, đa dạng đã mang lại tích cực cho hoạt động ngoại thương. Do khả năng tài chính có hạn mà các nhà xuất nhập khẩu không phải lúc nào cũng có đủ tiền để thanh toán tiền hàng nhập hay đầu tư để sản xuất hàng xuất, từ đó nảy sinh quan hệ vay mượn với ngân hàng phục vụ mình. Khi thị trường thương mại thế giới ngày càng mở rộng không ngừng, nhu cầu về thị trường tiêu thụ hàng hoá càng lớn thì nhu cầu tài trợ càng trở nên cấp bách. Có thể nói sự ra đời của tài trợ xuất nhập khẩu là một yêu cầu khách quan, gắn liền với các quan hệ ngoại thương giữa các nước với nhau. Vai trò quan trọng của tín dụng tài trợ xuất nhập khẩu đối với sự tồn tại và phát triển của ngoại thương cũng như đối với sự phát triển kinh tế của đất nước
2. Chức năng của tài trợ xuất nhập khẩu trong ngoại thương:
Tài trợ xuất nhập khẩu đóng vai trò quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của ngoại thương cũng như đối với sự phát triển của đất nước. Vai trò đó được thể hiện qua các mặt sau:
– Ngân hàng cho các doanh nghiệp vay để nhập khẩu máy móc, dây chuyền thiết bị hiện đại… nhằm hạ giá thành, nâng cao chất lượng hàng hóa từ đó tăng khả năng cạnh tranh.
– Giúp doanh nghiệp tồn tại đứng vững trong nền kinh tế thị trường, mở rộng sản xuất kinh doanh, đồng thời hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế cho NSNN.
– Tín dụng tạo điều kiện giúp các đơn vị tiểu thủ công nghiệp phát triển sản xuất, tăng nhanh sản lượng hàng hóa, đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu.
– Góp phần phục vụ chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước, mở rộng quan hệ đối ngoại với các nước trên thế giới.
Đối với nền kinh tế đất nước: Tạo điều kiện cho hàng hóa xuất nhập khẩu lưu thông trôi chảy, hàng hóa xuất nhập theo yêu cầu của thị trường được thực hiện thường xuyên, tăng tính năng động của nền kinh tế, ổn định thị trường. Sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng đã tác động đến sự phát triển của nền kinh tế nói chung.
3. Tầm quan trọng của tài trợ xuất khẩu trong ngoại thương:
Tầm quan trọng của tài trợ xuất khẩu được trả lời thông qua câu hỏi: Sự cần thiết của hoạt động tài trợ xuất khẩu?
Trong thời gian vừa qua, nền thương mại quốc tế đã phát triển mạnh mẽ cùng với sự gia tăng các mối quan hệ thương mại đa phương và tính chất tương thuộc của các nền kinh tế quốc gia riêng lẻ. Khuynh hướng này đã và đang được thúc đẩy sự gia tăng nhu cầu về các dịch vụ tài chính quốc tế trên khắp thế giới. Cùng với khuynh hướng này là quá trình tự do hoá tài chính, dỡ bỏ dần các hàng rào thương mại và xu thế hội nhập trong bối cảnh toàn cầu hoá kinh tế quốc tế đang lan nhanh.
Hoạt động xuất nhập khẩu cũng đang dần thay đổi những khuôn mẫu kinh doanh cho phù hợp với những chuyển biến thực tiễn. Một trong những đặc điểm quan trọng nhất hiện nay là môi trường cạnh tranh hết sức quyết liệt giữa các nhà cung ứng hàng hoá dịch vụ trên thương trường quốc tế. Mỗi nhà kinh doanh xuất khẩu không những phải đối đầu với các doanh nghiệp bản xứ mà còn phải cạnh tranh với vô số doanh nghiệp khác khắp toàn cầu. Người mua nước ngoài cũng ngày càng khắt khe hơn về uy tín, chất lượng hàng hoá dịch vụ cung ứng, và bao giờ cũng lựa chọn nhà cung cấp nào mời chào nhiều ưu đãi nhất, trong đó có ưu đãi về thời hạn thanh toán.
Bên cạnh đó, hoạt động xuất nhập khẩu luôn ẩn chứa các nguy cơ dẫn tới rủi ro và thất bại trong giao thương giữa các bên mua bán ở các nước khác nhau. Ngoài những khó khăn thông thường như trong kinh doanh thương mại nội địa, các doanh nghiệp tham gia ngoại thương còn phải đương đầu với những nguy cơ khác. Những nguy cơ này xuất phát từ nhiều yếu tố đặc thù trong giao thương quốc tế về thời gian thực hiện giao dịch và khoảng cách địa lí, về loại tiền thanh toán và những biến động tỷ giá hối đoái, về sự khác biệt luật lệ, tập quán kinh doanh và các quy định điều tiết giữa các chính phủ
Đối với giới doanh nghiệp, một thị trường tiêu thụ nội địa bão hoà và mang tính cạnh tranh cao bên cạnh một thị trường quốc tế hết sức rộng lớn, đa dạng, với vô số cơ hội kinh doanh hấp dẫn chính sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp có năng lực và tham vọng luôn mong muốn tìm kiếm cơ hội và mở rộng kinh doanh ở những thị trường mới trên khắp thế giới . Tuy nhiên do khả năng tài chính có hạn mà doanh nghiệp không phải lúc nào cũng đủ vốn để phục vụ cho mục đích hoạt động của mình. Trong trường hợp này, doanh nghiệp cần đến sự trợ giúp từ các tổ chức, các định chế tài chính như các ngân hàng thương mại
Vì vậy, hoạt động tài trợ xuất nhập khẩu ra đời là một tất yếu khách quan, nó đáp ứng nhu cầu đa dạng của doanh nghiệp về phát triển kinh doanh, chống đỡ rủi ro, nâng cao hiệu quả và tăng cường khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực thương mại quốc tế.
Qua các hoạt động tài trợ này, các ngân hàng cung cấp hệ thống giải pháp và kĩ thuật tài trợ phong phú, hữu hiệu, giải quyết phần lớn những khó khăn về tài chính. Mặt khác, hoạt động tài trợ xuất nhập khẩu cũng mang lại một nguồn thu nhập lãi và phí dịch vụ hấp dẫn cho ngân hàng. Thực tế cho thấy hầu hết tổ chức tài chính ở khắp các nước đều đặc biệt chú trọng cung ứng hệ thống dịch vụ tài trợ xuất nhập khẩu. Có thể nhận thấy rằng mối quan hệ gắn bó chặt chẽ về lợi ích giữa ngân hàng và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu là động lực mạnh mẽ thúc đẩy hoạt động tài trợ xuất nhập khẩu ngày càng phát triển.