Sau chiến tranh thế giới II, Nhật Bản bị thiệt hại vô cùng nặng nề. Nhưng chỉ trong 20 năm sau, nền kinh tế Nhật Bản đã được đánh giá bước vào giai đoạn phát triển thần kì. Vậy sự phát triển thần kỳ của kinh tế Nhật Bản được thể hiện như thế nào? Việt Nam rút ra bài học gì về sự phát triển thần kì của Nhật Bản?
Mục lục bài viết
1. Sự phát triển thần kỳ của kinh tế Nhật Bản:
Chiến tranh thế giới lần thứ 2 kết thúc, nền kinh tế nước Nhật lâm vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng; thiếu năng lượng, lạm phát kinh tế, vấn nạn thất nghiệp…Đất nước Nhật Bản bị quân đội Mỹ chiếm đóng.
Hầu hết các cơ sở sản xuất đều được chuyển sang sản xuất phục vụ chiến tranh, trong đó phần lớn bị phá hủy trong cuộc chiến. 6 triệu lính và người dân Nhật từ khắp các vùng chiến sự ở Thái Bình Dương quay trở về nước, Chính phủ nước này phải đối diện với gánh nặng – thất nghiệp.
=> Đây chính là lực cản trong quá trình khôi phục kinh tế.
Nước Nhật đã thực hiện một số cải cách lớn về kinh tế- xã hội:
– Giải thể các nhóm Zaibatsu: Việc này nhằm tiêu diệt sức mạnh quân sự của Nhật, xóa bỏ quyền kiểm soát của một số công ty lớn trong nền kinh tế.
– Đồng thời, thực hiện cải tổ các công ty theo hướng phu tập trung hóa. Giải pháp này đã tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ cho tất cả các ngành công nghiệp và thúc đẩy cơ chế thị trường hoạt động mạnh,
– Giải quyết vấn đề việc làm: Thực hiện cải thiện điều kiện làm việc, tăng lương cho công nhân. Đặc biệt, thực hiện dân chủ hóa lao động.
Trong khoảng thời gian từ 1945-1947, 3 đạo luật đã được ban hành là Luật công đoàn, Luật tiêu chuẩn lao động và Luật điều chỉnh các quan hệ lao động.
=> Những cải cách này nhằm tạo điều kiện để nước Nhật khôi phục kinh tế và chuyển hướng từ Nhà nước quân sự sang Nhà nước hướng phát triển kinh tế.
– Cải cách ruộng đất: Quy định địa chủ chỉ được giữ lại một phần ruộng đất, tối đa là 5ha, giảm xuống còn 1ha. Phần còn lại nhà nước sẽ mua và chuyển nhượng cho những nông dân không có ruộng đất.
Sự phát triển thần kỳ:
– Tốc độ phát triển kinh tế tăng nhanh
Từ 1952 – 1973, tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc dân thực tế của Nhật Bản ở mức cao nhất trong các nước tư bản. So với thời điểm năm 1950, năm 1973 giá trị tổng sản phẩm trong nước tăng hơn 20 lần, từ 20 tỷ USD lên 402 tỷ USD, vượt Anh, Pháp và CHLB Đức.
Từ 1951- 1973, kinh tế Nhật Bản bước vào sự phát triển thần kỳ
Tốc độ phát triển công nghiệp thời kỳ 1950-1960 là 15,9%; từ 1960-1969 là 13,5%. Giá trị tổng sản lượng công nghiệp tăng từ 4,1 tỷ USD năm 1950 lên 56,4 tỷ USD năm 1969.
– Các ngành công nghiệp phát triển và đẩy mạnh
Những ngành công nghiệp then chốt đã tăng lên với nhịp độ nhanh. Mặc dù Nhật hầu như không có mỏ dầu, xong lại đứng đầu các nước tư bản về nhập và chế biến dầu thô. Riêng năm 1971 đã nhập tới 186 triệu tấn dầu thô; công nghiệp sản xuất thép năm 1950 là 4,8 triệu tấn, đến năm 1973 là 117 triệu tấn.
Năm 1960, ngành công nghiệp ô tô của Nhật đứng hàng thứ 6 trong thế giới tư bản và đến năm 1967 vươn lên hàng thứ 2 sau Mỹ.
Công nghiệp đóng tàu đến những năm 1970 chiếm 50% tổng số tàu biển và có sáu trong mười nhà máy đóng tàu lớn nhất thế giới tư bản.
Sự phát triển nhanh của một số ngành kinh tế lớn đã làm thay đổi nhanh cơ cấu ngành sản xuất của Nhật Bản. Tỷ trọng các ngành nông-lâm-ngư nghiệp giảm đi đáng kể. Thay vào đó là sự tăng trưởng trong ngành công nghiệp, dịch vụ.
Đến nay, Nhật đã vươn lên trở thành “con rồng châu Á” với nền kinh tế phát triển mạnh mẽ
Hiện nay, Nhật Bản đang là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế hàng đầu châu Á và thế giới, được ví như “con rồng châu Á”. Để đáp ứng nhu cầu phát triển nền kinh tế, Nhật đã và đang đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao động từ nhiều quốc gia trong khu vực, trong đó, Việt Nam là một trong những thị trường chủ lực.
Yếu tố mang lại sự phát triển thần kỳ cho Nhật Bản:
– Phát huy vai trò của nhân tố con người
Sự phát triển “thần kỳ” của nên kinh tế Nhật Bản phải kể đến yếu tố đầu tiên là con người. Kế thừa nền giáo dục của thời kỳ trước, từ sau thế chiến thứ hai, Nhật đã phổ cập hệ giáo dục 9 năm. Trên cơ sở đó, người Nhật chú trọng đào tạo đội ngũ công nhân lành nghề, có đủ khả năng nắm bắt và sử dụng kỹ thuật, công nghệ mới.
Sự phát triển thần kỳ của nền kinh tế- đầu tiên phải kể đến yếu tố con người
Thêm đó, đội ngũ cán bộ khoa học – kỹ thuật của Nhật Bản khá đông đảo, có chất lượng cao, góp phần đắc lực vào bước phát triển nhảy vọt về kỹ thuật và công nghệ của đất nước.
Các nhà quản lý kinh doanh cũng được đánh giá là những người nhạy bén, biết nắm bắt thị trường và đổi mới phương pháp kinh doanh, đem đến những thắng lợi của công ty Nhật trên trường quốc tế.
– Duy trì mức tích lũy và sử dụng vốn đầu tư có hiệu quả
“Đất nước mặt trời mọc” được coi là nước có tỷ lệ tích lũy vốn cao nhất trong những nước tư bản phát triển. Tỷ lệ tích lũy vốn thường xuyên của giai đoạn 1052-1973 khoảng 30-35% thu nhập quốc dân.
Trong đó, tỷ lệ đầu tư vào tư bản cố định trong tổng sản phẩm xã hội của Nhật Bản cao. Đây là một trong những nhân tố quyết định, đảm bảo cho nền kinh tế Nhật phát triển với tốc độ cao.
Về sử dụng vốn, Nhật cũng là một nước sử dụng vốn táo bạo và có hiệu quả. Tại Nhật Bản, nhiều ngân hàng thương mại chấp nhận cho vay đến 95% tổng số vốn. Biện pháp có phần mạo hiểm này tạo điều kiện tăng nhanh số vốn chuyển vào sản xuất kinh doanh.
2. Việt Nam rút ra bài học gì về sự phát triển thần kì của Nhật Bản?
– Áp dụng những thành tựu khoa học kĩ thuật một cách hiệu quả vào sản xuất.
– Tăng cường vai trò quản lý điều tiết của nhà nước trong phát triển nền kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực của Việt Nam.
Bên cạnh đó, còn một số bài học kinh nghiệm khác Việt Nam có thể rút ra từ sự phát triển thần kì của Nhật Bản như sau:
– Sẵn sàng tiếp thu những giá trị tiến bộ của thế giới nhưng vẫn giữ được bản sắc dân tộc.
– Tổ chức quản lí có hiệu quả của các xí nghiệp, công ty.
– Nâng cao vai trò quan trọng của Nhà nước trong việc đề ra các chiến lược phát triển, nắm bắt đúng thời cơ và sự điều tiết cần thiết để đưa nền kinh tế liên tục tăng trưởng.
– Phát triển con người, chú trọng giáo dục đào tạo, áp dụng thành tựu khoa học-kĩ thuật, có ý chí vươn lên, cần cù lao động, đề cao kỉ luật và coi trọng tiết kiệm.
3. Cơ hội cho Việt Nam học hỏi từ kinh tế Nhật Bản:
– Nền kinh tế Việt Nam đang đi lên và có nguồn lực lao động ngày càng chất lượng. Điều này là cơ hội cho Việt Nam có thể áp dụng kinh nghiệm phát triển kinh tế của Nhật Bản vào sự phát triển kinh tế Việt Nam.
– Cùng thuộc khu vực Châu Á nên có sự tương đồng nhất định về lịch sử, truyền thống, văn hóa, đặc biệt là những sự tương đồng về điều kiện vị trí địa lý, tự nhiên
4. Thách thức cho Việt Nam học hỏi từ kinh tế Nhật Bản:
Thể chế kinh tế của 2 nền văn hóa, 2 đất nước là khác nhau. Việt Nam theo nền chính trị dân chủ cộng hòa còn Nhật Bản là quân chủ lập hiến.
Sự khác biệt về tính cách, lối sống của con người:
– Con người Nhật Bản sống nghiêm khắc, kỷ luật còn Việt Nam thì đại đa số vẫn theo lối sống tự do
– Người Nhật khi làm việc, hay bất kỳ làm chuyện gì trong cuộc sống cũng thường rất hay lập kế hoạch cụ thể và luôn tuân thủ theo kế hoạch đó để tiến hành công việc.
Trong khi đó, nếu so sánh sẽ thấy người Việt Nam khá nhanh nhạy trong việc thích ứng nếu có sự thay đổi. Có nhiều thay đổi liên tục như kiểu người Nhật sẽ nghĩ:”Tại sao bây giờ mới nói?”, thì điều này với người Việt lại có thể đối ứng một cách dễ dàng. Thay vào đó, người Việt lại luôn có xu hướng bắt đầu công việc ở mức sát deadline.
– Người Nhật có xu hướng tránh làm mất lòng người khác, người Nhật hiếm khi nói “không” với người không thân thiết.
Thay vào đó, họ thường nói vòng vo và mong muốn nhận được sự thấu hiểu của đối phương khi giao tiếp. Họ không bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ của mình rõ ràng mà luôn giữ cảm xúc đó ở một giới hạn rất mơ hồ. Do vậy không phải dễ dàng để biết được liệu đối phương đang nghĩ gì, cảm nhận như thể nào.
Còn ở Việt Nam, đa số người ta sẽ nói ra vấn đề của mình rằng có việc bận, hoặc thậm chí nói thẳng là không muốn đi vì một lí do nào đó. Đối với tư duy người Việt, nói thẳng ra vấn đề chính là cách minh chứng cho sự thành thật của mình đối với đối phương.
5. Tìm hiểu thêm một số thông tin về Nhật Bản:
Nhật Bản là một quốc gia nằm ở vùng Đông Á với tổng diện tích là 379.954 km². Nhật Bản nằm ở rìa phía Đông của Lục Địa Châu Á tiếp giáp với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga và Đài Loan.
Về khí hậu:
Khí hậu Nhật Bản là khí hậu ôn đới và Nhật Bản có bốn mùa rõ rệt, mỗi vùng theo chiều dài đất nước lại có khí hậu khác nhau. Nhật Bản nổi tiếng với số lượng các hòn đảo và núi lửa. Trong đó, có khoảng 6.852 đảo và 186 núi lửa vẫn còn đang hoạt động nên được biết đến như một quần đảo núi lửa.
Dân số:
Dân số Nhật Bản đứng thứ mười trên thế giới với khoảng 126.9 triệu người. Thủ đô Tokyo với hơn 35 triệu dân, là thành phố đông dân thứ tám trong khối OECD với nền kinh tế đô thị phát triển nhất thế giới.
Sự phát triển kinh tế:
Từ 1974 đến nay tốc độ phát triển tuy đã chậm lại so với sau chiến tranh thế giới thứ hai nhưng nền kinh tế Nhật Bản vẫn đứng thứ ba trên thế giới. Từ năm 1990 đến năm 2010, Nhật Bản chỉ đứng sau Mỹ về nền kinh tế tuy nhiên từ đầu năm 2010, Trung Quốc đã vượt Nhật bản để đứng thứ hai trên thế giới. Cán cân thương mại thặng dư và dự trữ ngoại tệ đứng hàng đầu thế giới, nên nguồn vốn đầu tư của Nhật bản ra nước ngoài rất nhiều, là nước cho vay, viện trợ tái thiết và phát triển lớn nhất thế giới. Nhật Bản có nhiều tập đoàn tài chính, ngân hàng đứng hàng đầu thế giới. Đơn vị tiền tệ là: đồng yên Nhật.
Ngành công nghiệp lớn của Nhật Bản bao gồm: Dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, bán lẻ, giao thông, viễn thông. Đặc biệt, Nhật Bản có năng lực rất lớn về công nghiệp, và đây là trụ sở của nhiều nhà sản xuất công nghệ tiên tiến bậc nhất thế giới về các sản phẩm xe có động cơ, trang thiết bị điện tử, công cụ máy móc, thép, phi kim loại, công nghiệp tàu thủy, hóa học, dệt may, thức ăn chế biến. Đây cũng là nơi đặt trụ sở của các tập đoàn đa quốc gia và nhiều mặt hàng thương mại trong lĩnh vực công nghệ và máy móc. Xây dựng từ lâu đã trở thành một trong những nền công nghiệp lớn nhất của Nhật Bản.
Nhật Bản là trụ sở của một trong những ngân hàng lớn nhất thế giới, tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ (Mitsubishi UFJ Financial Group). Nhật Bản cũng là nơi có thị trường chứng khoán lớn thứ hai thế giới – thị trường chứng khoán Tokyo với khoảng 549.7 nghìn tỉ yên vào tháng 12/2006. Đây cũng là trụ sở của một số công ty dịch vụ tài chính, những tập đoàn kinh doanh và những ngân hàng lớn nhất thế giới.