Giá trị hiện thực là gì? Tóm tắt tác phẩm Vợ chồng A Phủ? Giá trị hiện thực trong tác phẩm Vợ chồng A phủ? Dàn bài Phân tích giá trị hiện thực của Vợ chồng A Phủ hay và chọn lọc? Phân tích giá trị hiện thực của Vợ chồng A Phủ hay và chọn lọc?
Hiện thực cuộc sống những năm xã hội Việt Nam chịu sự ảnh hưởng của chế độ phong kiến đã trở thành nguồn cảm hứng để làm nên những thiên truyện nổi tiếng. ” Vợ chồng A Phủ” cũng là một trong số những tác phẩm được đánh giá cao bởi giá trị hiện thực mà nó gợi ra. Bài văn dưới đây sẽ đi phân tích giá trị hiện thực của Vợ chồng A Phủ để độc giả thấy rõ được bản chất tàn bạo, dã man của giai cấp thống trị Tây Bắc.
Mục lục bài viết
1. Giá trị hiện thực là gì?
Giá trị hiện thực của tác phẩm văn học là toàn cảnh bức tranh xã hội lúc bấy giờ nhà văn phản ánh vào trong từng trang văn, tùy vào ý đồ sáng tạo của tác giả mà hiện thực đó có thể đồng nhất với thực tại cuộc sống hoặc có sự phản chiếu ở những mức độ khác nhau. Thông qua lăng kính của mình, bằng cái nhìn khác nhau về cuộc sống mà tác giả đã tái hiện lại một cách tinh tế và sinh động về một xã hội mà tác giả đang sống. Đồng thời đảm bảo tính chân thực cao và sắc nét, thể hiện quan niệm và tư tưởng của người viết. Tác phẩm văn học nào cũng có giá trị hiện thực, vì văn học bắt nguồn từ cuộc sống: hiện thực đời sống sinh hoạt hàng ngày, hiện thực tình cảm, tâm lí…
Nói đến giá trị hiện thực trong một tác phẩm văn học người ta thường đề cập 3 nét chính:
– Phản ánh chân thực, sâu sắc cuộc sống cơ cực, nỗi khổ về vật chất hay tinh thần của những con người bé nhỏ, bất hạnh.
– Chỉ ra nguyên nhân gây ra đau khổ cho con người.
– Miêu tả tinh tế vẻ đẹp tiềm ẩn trong con người.
=> Ở mỗi một tác phẩm cụ thể, giá trị hiện thực được biểu hiện đa dạng.
2. Tóm tắt tác phẩm Vợ chồng A Phủ:
Truyện ngắn vợ chồng A Phủ kể về cuộc đời và số phận của nhân vật Mị. Mị là một cô gái người dân tộc Mông xinh đẹp, chăm chỉ nhưng cuộc đời lại tủi nhục và bất hạnh vô cùng, chỉ vì món nợ truyền kiếp từ đời cha mình mà Mị phải làm con dâu gạt nợ cho nhà Thống lý Pá Tra, cuộc sống của người con dâu gạt nợ chẳng khác gì người ở không công Mị không chỉ bị chà đạp, hành hạ, bóc lột về thể xác và còn bị đè nén về tinh thần tước đoạt đi tự do. Vì ở trong cái cực khổ nhiều nên Mị đã quen dần với cuộc sống đó, cô chấp nhận và cam chịu cuộc sống này. Cũng tại nhà của Thống lí Mị đã gặp A Phủ, chàng trai lương thiện tốt bụng, chăm chỉ, lao động giỏi nhưng chỉ vì mâu thuẫn nên đã đánh A Sử con trai thống lý mà bị bắt, đánh đập, phạt vạ và trở thành đầy tớ không công cho nhà thống lý, sau đó chỉ vì để hổ bắt mất một con bò mà anh bị trói cho đến chết. Trước hoàn cảnh thương tâm đó Mị đã động lòng và đồng cảm với A Phủ, Mị đã cắt sợi dây cởi trói cho A Phủ và xin A Phủ cho mình theo với. Hai người cùng nhau và chạy trốn khỏi Hồng Ngài.
3. Giá trị hiện thực trong tác phẩm Vợ chồng A phủ:
3.1. Phản ánh chân thực, sâu sắc cuộc sống cơ cực, nỗi thống khổ về vật chất và tinh thần của đồng bào miền núi Tây Bắc:
Nhân vật Mị:
Người phụ nữ cơ cực từ khi sinh ra đã mang theo trên người món nợ truyền kiếp của cha mẹ. Trong một đêm mùa xuân, Mị bị bắt về làm dâu trừ nợ cho nhà thống lí Pá Tra. Thế là Mị trở thành một món hàng trừ nợ. Hình thức cho vay nặng lãi đã cột chặt bao nhiêu người nghèo vào số phận nô lệ, phụ thuộc vào bọn chủ nợ giàu có.
Sự cam chịu ấy, không dám phản kháng lại đã khiến cuộc đời của Mị bước vào trang bi tối, cùng đường. Nỗi đau về vật chất đã khủng khiếp, nhưng nỗi đau về tinh thần lại càng khủng khiếp hơn trong những ngày Mị làm dâu nhà Thống lí Pa Tra.
Nhân vật A Phủ:
Cũng giống như Mị, vì món nợ vô lí suốt đời không thể trả nổi mà A Phủ phải bước chân vào nhà thống lí. Cũng chỉ vì yêu lẽ phải, dũng cảm đánh lại con nhà giàu để bảo vệ công lí mà A Phủ bị bắt phạt vạ một cách bất công.
Chỉ vì do một lần gặp sự cố khi đi chăn bò, gặp đàn hổ đi săn và bị chúng ăn mất một con mà A Phủ – nạn nhân của xã hội phong kiến đã bị đánh đập dã man, tàn bạo mặc kệ sống chết. Rõ ràng bọn chúng chỉ quan tâm đến lợi ích, tiền bạc mà quên đi ngoài kia đang có những hơi thở hấp hối vì sự chuyên quyền ấy. Mị và A Phủ đã đại diện cho tầng lớp người nông dân bị bóc lột, chà đạp lúc bấy giờ.
3.2. Lên án chế độ phong kiến thực dân:
Thống lí là người đứng đầu bộ máy chính quyền ở các bản làng vùng dân tộc. Chúng đạo diện cho bọn cường hào ác bá, chuyên quyền lúc bấy giờ. Thông qua hình thức như cho nợ cùng các thủ tục lạc hậu thì bọn chúng đã tạo ra xiềng xích vô hình chói buộc cuộc sống của người dân nơi đây. Khi người dân ngu muội tin vào chuyện ma quái đó thì bọn giàu có độc ác càng có cơ hội nô dịch họ.
Bộ mặt tàn bạo của chúng không chỉ hiện ra qua những hành động đánh đập dã man đối với kẻ ăn người ở trong nhà mà còn qua những lời nguyền rủa rất thâm hiểm: “đời mày, đời con, đời cháu mày tao cũng bắt thế, bao giờ hết nợ tao mới thôi”. Có lẽ đó không chỉ là lời nguyền rủa của một hai cá nhân mà còn là lời nguyền rủa của cả một chế độ xã hội. Bao giờ còn chế độ xã hội đó thì vẫn còn những kẻ ác như Pá Tra và những nạn nhân của hắn như Mị và A Phủ.
3.3. Tái hiện quy luật đâu tranh xã hội:
Không dừng lại ở việc nắm bắt và phơi bày bản chất của cuộc sống, giá trị hiện thực của tác phẩm còn thể hiện qua cách thức tái hiện quy luật đấu tranh xã hội: có áp bức, có đấu tranh; có thống trị tàn bạo, có vùng lên quật cường.
Khi bị đẩy đến cùng đường, trong sự lóe sáng của tình người, con người lương thiện sẽ tự vùng dậy. Cuộc giải thoát của Mị dành cho A Phủ cũng là sự giải thoát cho chính mình. Khởi nguồn của sự giải thoát đó chính là sự đánh thức lương tri của con người khi chứng kiến nỗi bi đát tột cùng của đồng loại.
4. Dàn bài Phân tích giá trị hiện thực của Vợ chồng A Phủ hay và chọn lọc:
MỞ BÀI
Giới thiệu tác giả, tác phẩm và nội dung yêu cầu của đề bài: Giá trị hiện thực của tác phẩm.
THÂN BÀI
A. Giá trị hiện thực là gì?
Được mệnh danh là thư ký trung thành của thời đại, mỗi nhà văn có những cách thể hiện giá trị hiện thực qua những cách khác nhau. Đó là một bức tranh có cuộc sống nghèo khổ, lam lũ của người nông dân nói chung, sự tàn bạo chuyên quyền của bọn cường hào ác bá hay lên án một xã hội phong kiến thối nát đã vui dập cuộc sống của những con người thấp cổ bé họng,…
B. Giá trị hiện thực trong tác phẩm
Cuộc sống bị áp bức, số phận người lao động miền núi thời thuộc Pháp
Tác phẩm cho ta thấy cuộc sống cơ cực, bị đè nén, áp bức nặng nề của người dân miền núi vùng Tây Bắc dưới ách thống trị hà khắc của bọn lang đạo phong kiến cấu kết với thực dân Pháp. Tiêu biểu cho số phận những con người khốn khổ, bị vùi dập không khác nào con sâu cái kiến, bị coi không bằng trâu ngựa của nhà thống lí ấy là Mị và A Phủ (dẫn ra một số chi tiết tiêu biểu và phân tích để thấy được cuộc sống nô lệ tăm tối ở Hồng Ngài của hai nhân vật này).
Bộ mặt tàn bạo của bọn phong kiến miền núi
Thông qua những chi tiết miêu tả những hành động tàn ác của cha con nhà Thống lí Pá tra, một xác hội phong kiến chuyên quyền hiện lên thật dã man và tàn bạo. Họ coi mạng sống của những người dân như cỏ rác để rồi mặc nhiên chà đạp, đánh đập và cho mình tự quyền quyết định cuộc sống của người khác.
C. Đánh giá chung
Đồng cảm với nối khổ của nhân vật,
KẾT BÀI
– Khẳng định giá trị vai trò của giá trị hiện thực với tác phẩm và tác giả.
5. Phân tích giá trị hiện thực của Vợ chồng A Phủ hay và chọn lọc:
“Cuộc đời là nơi xuất bản, cũng là nơi đi tới của văn học”,
Đầu tiên, chúng ta đi tìm hiểu giá trị hiện thực là gì? Giá trị hiện thực là sự miêu tả chân thực hiện thực cuộc sống vật chất/tinh thần của con người và thông qua đó, phần nào thể hiện thái độ phê phán chế độ xã hội cũ hoặc các thế lực áp bức bóc lột…Tác phẩm văn học nào cũng có giá trị hiện thực, vì văn học bắt nguồn từ cuộc sống: hiện thực đời sống sinh hoạt hàng ngày, hiện thực tình cảm, tâm lí…Trong tác phẩm vợ chồng A phủ, giá trị hiện thực được thể hiện qua: Chế độ phong kiến miền núi tàn bạo độc ác, Cuộc sống thống khổ bị bóc lột của người dân miền núi bởi cường quyền và thần quyền và Lên án xã hội phong kiến thực dân chuyên quyền, tàn bạo.
Đọc những trang đầu tiên của tác phẩm, một xã hội được mở ra, nơi những con người lao động sống dưới chế độ phong kiến cổ hủ đang bị hành hạ về thể xác lẫn tinh thần. Đó là Mị – một cô gái người Mèo có đủ khả năng và điều kiện hưởng một cuộc sống hạnh phúc, có một tương lai tươi sáng. Ấy vậy nhưng không, món nợ truyền đời truyền kiếp của cha mẹ Mị, với những yêu cầu quá quắt của phong tục miền núi khiến Mị mất đi tự do, trở thành con dâu gạt nợ nhà thống lí Pá Tra. Gọi là con dâu, nhưng lại là kiếp con dâu gạt nợ, chẳng khác gì một con ở không công đến suốt đời suốt kiếp cho nhà thống lí, không được ngơi nghỉ. Lúc nào cũng là “những việc giống nhau, mỗi năm một mùa, mỗi tháng lại làm đi làm lại: Tết xong lên núi hái thuốc phiện; giữa năm thì giặt đay; đến mùa đi nương bẻ bắp. Và dù đi hái củi, bung ngô, lúc nào cũng gài một bó đay trong cánh tay để tước sợi. Bao giờ cũng thế, suốt năm, suốt đời thế. Con ngựa, con trâu làm có lúc, đêm còn được đứng gãi chân, nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này vùi vào việc cả đêm cả ngày.” Một cô gái ấy nhưng làm việc không ngơi nghỉ, ngày đêm làm việc, bị vắt kiệt sức lao động. Thậm chí Mị còn nghĩ mình không bằng cả con trâu, con ngựa bởi chúng nó còn có lúc được nghỉ ngơi, chăm sóc cẩn thận. Khổ, bị áp bức, bị bóc lột nhưng Mị không dám bỏ trốn, bởi Mị đã bị chúng nó đem đi cúng trình ma rồi. Mị đi đâu, con ma nhà thống lí sẽ theo tới đó bắt Mị trở lại. Cách duy nhất chỉ có một con đường chính là chết thôi, nhưng Mị không thể chết được. Sự mê tín vào thần quyền đã ràng buộc Mị lại cuộc sống không khác gì địa ngục này, vùng vẫy thế nào cũng không thể thoát ra được. Rõ ràng, một cô gái tuổi 19 đôi mươi có quyền được mơ mộng về một cuộc sống tốt đẹp, một cuộc đời khác. Những hiện thực nghiệt ngã xô đẩy, từ một cô gái trẻ trung, Mị mất dần sức sống, trở thành loài thảo mộc chẳng còn biết rung rinh trước gió, bị ràng buộc. Mị đã bị tha hóa, thay đổi, trở thành nô lệ. Đau khổ quá người ta còn nghĩ đến cái chết, nhưng bản thân Mị đã tê liệt cảm xúc, như một cái xác không hồn không hề còn cảm giác gì nữa.
Đó là anh chàng A Phủ, một số phận không khác Mị là mấy. Vì món nợ vô lí suốt đời không thể trả nổi mà A Phủ phải bước chân vào nhà thống lí. Cũng chỉ vì yêu lẽ phải, dũng cảm đánh lại con nhà giàu để bảo vệ công lí mà A Phủ bị bắt phạt vạ một cách bất công. Anh bị bắt, bị đánh đập tàn ác: “Mặt A Phủ sưng lên, môi và đuôi mắt dập chảy máu. Xong một lượt đánh, kể, chửi, lại hút…Cứ như thế, suốt chiều, suốt đêm, càng hút, càng tỉnh, càng đánh, càng chửi, càng hút…”.Mạng người bị coi rẻ; pháp luật, công lí thuộc về tay kẻ có tiền, có thế lực. Chính vì sự ngông cuồng ấy đã cho họ quyền mặc nhiên quyết định cuộc sống của người khác. A Phủ trở thành cái máy làm việc trong nhà thống lí: “ Đốt rừng, cày nương, cuốc nương, săn bò tót,bẫy hổ, chăn bò, chăn ngựa, quanh năm một mình rong ruổi ngoài gò, ngoài rừng”. Cha con nhà Thống lí Pá tra mặc nhiên coi những người làm ở đó là con nợ, tùy tiện đánh đạpa, chà đạp, coi họ như là một công cụ để kiếm tiền, chuộc lợi trên chính sức lao động cùng mồ hôi và nước mắt của những người dân hiền lành đó. Chẳng thể kháng cự, đấu tranh, họ chỉ có thể âm thầm chịu đựng một cuộc sống đau khổ ấy. Mị và A Phủ đã đại diện cho tầng lớp người dân cam chịu, nhẫn nhục lúc bấy giờ.
Để rồi từ đó, trước cuộc sống vất vả, khổ cực ấy, qua ngòi bút của mình, nhà văn đã lên án chế độ phong kiến thực dân. Một sự thật đau lòng diễn ra không hề cá biệt là khi ái đó liều mình đi vay nợ thì vĩnh viễn số phận họ và cả số phận đời con cháu họ cũng không thể thoát được kiếp ngựa trâu cho bọn nhà giàu. Chính xã hội thực dân nửa phong kiến đã trao cho chúng cái quyền phi lí đó. Đây là nguyên nhân trực tiếp gây nên nỗi khổ của những người dân thấp cổ, bé miệng như Mị và A Phủ. Bộ mặt tàn bạo của chúng không chỉ hiện ra qua những hành động đánh đập dã man đối với kẻ ăn người ở trong nhà mà còn qua những lời nguyền rủa rất thâm hiểm: “đời mày, đời con, đời cháu mày tao cũng bắt thế, bao giờ hết nợ tao mới thôi”. Có lẽ đó không chỉ là lời nguyền rủa của một hai cá nhân mà còn là lời nguyền rủa của cả một chế độ xã hội. Bao giờ còn chế độ xã hội đó thì vẫn còn những kẻ ác như Pá Tra và những nạn nhân của hắn như Mị và A Phủ.
Không dừng lại ở việc nắm bắt và phơi bày bản chất của cuộc sống, giá trị hiện thực của tác phẩm còn thể hiện qua cách thức tái hiện quy luật đấu tranh xã hội: có áp bức, có đấu tranh; có thống trị tàn bạo, có vùng lên quật cường. Mặc dù ở thân phận nô lệ, tù đày, mặc dù nỗi buồn khổ, tủi nhục đã biến Mị thành một cái bóng lặng lẽ, âm thầm; nhưng trong con người Mị vẫn âm ỉ một khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc mãnh liệt. Bởi lẽ, Mị là cô gái ham sống, yêu đời, yêu tự do, khát khao hạnh phúc. Sức sống tiềm tàng mãnh liệt ở Mị dù có bị vùi dập đến kiệt cùng vẫn không lụi tắt. Sức sống ấy chỉ tạm thời bị phủ dưới lớp tro nguội lạnh để chờ cơ hội bùng lên cháy sáng. Khi bị đẩy đến cùng đường, trong sự lóe sáng của tình người, con người lương thiện sẽ tự vùng dậy. Cuộc giải thoát của Mị dành cho A Phủ cũng là sự giải thoát cho chính mình. Khởi nguồn của sự giải thoát đó chính là sự đánh thức lương tri của con người khi chứng kiến nỗi bi đát tột cùng của đồng loại.
Như vậy, bằng tài năng nghê thuật xây dựng tâm lý nhân vật và tình huống truyện độc đáo, nhà văn đã đồng cảm, xót thương cho số phận của những người nông dân miền núi thật thà chất phác nhưng cuộc sống éo le đã dần đưa họ vào con đường tăm tối. Qua cả thiên truyện tác giả đã phản ánh hiện thực cuộc sống đầy bất hạnh của những người dân nghèo miền Tây Bắc trước sự thống trị của cường quyền phong kiến và thần quyền phong kiến tàn bạo. Từ đó thấy rõ được những tội ác và hành động tàn bạo của cha con thống lí không chỉ hành hạ về thể xác mà còn hành hạ về tinh thần, tâm hồn của những người dân vô tội.