Tên gọi của hợp đồng thường gắn liền với nội dung của hợp đồng. Tuy nhiên, dưới góc độ tính chất của hợp đồng, thì một hợp đồng có thể có tên gọi khác nhau. Trong số các hợp đồng được gọi với tính chất, thì có thể kể đến hợp đồng cam kết trung thực tuyệt đối.
Mục lục bài viết
1. Về hợp đồng cam kết trung thực tuyệt đối:
Dù với tên gọi như thế thì thì mỗi hợp đồng đều phải tuân theo nguyên tắc chung của hợp đồng dân sự. Tại Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định tại Điều 385 như sau: “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.”
Hiểu đơn giản theo quy định này thì hợp đồng chính là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi, chấm dứt các quyền, các nghĩa vụ giữa các bên chủ thể trong quan hệ hợp đồng nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng của họ.
Cam kết là sự đảm bảo sẽ thực hiện một công việc, một hoạt động gì đó ở hiện tại hoặc tương lai.
Trung thực được hiểu là việc thật thà, tôn trọng sự thật, không gian dối, che giấu sự thật.
Còn tuyệt đối được hiểu như mức giới hạn cao nhất, nhiều nhất mà không có gì vượt qua được.
Từ đó có thể hiểu “cam kết trung thực tuyệt đối” chính là sự đảm bảo tuân theo sự thật khách quan, không gian dối, che dấu sự thật một cách hoàn toàn, đạt tiêu chuẩn cao nhất, không có bất kì ngoại lệ nào.
Hợp đồng cam kết trung thực tuyệt đối đó chính là sự thỏa thuận của các bên trong đó thể hiện nội dung yêu cầu các bên trong hợp đồng đảm bảo sẽ tuân theo sự thật khách quan, không gian dối, che dấu sự thật một cách hoàn toàn, đạt tiêu chuẩn cao nhất về sự thật và không có bất kì ngoại lệ nào.
Hợp đồng cam kết trung thực tuyệt đối được thể hiện thông qua nhiều nhất ở hợp đồng bảo hiểm. Việc hợp đồng này thường được sử dụng trong bảo hiểm bởi trong lĩnh vực bảo hiểm, sự cam kết trong thực thể hiện trên một nguyên tắc chặt chẽ hơn, và ràng buộc cao hơn về mặt trách nhiệm. Theo nguyên tắc cam kết trong thực tuyệt đối được thể hiện trong hợp đồng cam kết trung thực tuyệt đối này, hai bên trong mối quan hệ bảo hiểm (người bảo hiểm và người được bảo hiểm) phải tuyệt đối trung thực với nhau, tin tưởng lẫn nhau, không được lừa dối nhau. Các bên chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin cung cấp cho bên kia. Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm giữ bí mật về thông tin do bên mua bảo hiểm cung cấp. Nếu một bên vi phạm thì hợp đồng bảo hiểm trở nên không có hiệu lực. (Điều 19 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000).
2. Đặc điểm của hợp đồng cam kết trung thực tuyệt đối:
Hợp đồng cam kết trung thực tuyệt đối mang bản chất là hợp đồng nên nó chứa đựng những đặc điểm của hợp đồng nói chung và có những đặc điểm riêng của loại hợp đồng này. Các đặc điểm chung có thể kể đến như:
Bản chất hợp đồng được hình thành từ hành vi có ý chí, có mục đích của con người. Các chủ thể thông qua hành vi để bày tỏ ý chí về việc cùng nhau thiết lập một hợp đồng nhất định, nhằm thực hiện việc mua bán, trao đổi, cho vay, tặng cho, thuê mượn tài sản hoặc thực hiện cho nhau các dịch vụ nhất định.
Hợp đồng là sự thỏa thuận, thống nhất ý chí giữa các bên chủ thể. Các bên chủ thể đã thỏa thuận thống nhất được ý chí với nhau thì việc trao đổi các lợi ích về vật chất hoặc dịch vụ mới được hình thành. Nếu một bên thể hiện ý chí của mình trong khi bên chủ thể kia không chấp nhận thì không thể hình thành một quan hệ hợp đồng để qua đó các chủ thể thực hiện việc chuyển giao tài sản hoặc thực hiện các công việc cho nhau được.
Các bên chủ thể khi thiết lập quan hệ hợp đồng bao giờ cũng hướng tới một hậu quả pháp lý nhất định: xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt các quyền, nghĩa vụ dân sự. Khi xác lập một quan hệ hợp đồng nói chung, các chủ thể sẽ hướng tới một hậu quả pháp lý nhất định và thường là hướng đến làm phát sinh một quan hệ pháp luật về nghĩa vụ, để qua đó các bên thực hiện nghĩa vụ đã cam kết đối với nhau và đem lại cho nhau những lợi ích nhất định. Bên cạnh hậu quả làm phát sinh nghĩa vụ, các chủ thể khi thiết lập quan hệ hợp đồng còn nhằm chấm dứt các quyền và nghĩa vụ mà họ đang có đối với nhau.
Bên cạnh đó đặc điểm riêng của loại hình hợp đồng này đó chính là sự “cam kết trung thực tuyệt đối”. Cam kết trung thực tuyệt đối ở đây không phải là đối tượng của hợp đồng mà là nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên trong quan hệ hợp đồng. Hai bên có nghĩa vụ cam kết trung thực mọi thông tin với nhau và cùng có nghĩa vụ bảo mật thông tin của đối phương. Sự cam kết trung thực tuyệt đối chính là một trong các nghĩa vụ của các bên. Nghĩa vụ này lại là căn cứ để chấm dứt hợp đồng khi có sự vi phạm. Sự cam kết trung thực tuyệt đối thể hiện ở việc cung cấp đúng và đầy đủ các thông tin của cá nhân mình trong quan hệ hợp đồng. Và sự cam kết trung thực tuyệt đối được áp dụng với tất cả các bên trong quan hệ hợp đồng, được áp dụng từ ngay giai đoạn đàm phán, ký kết và thực hiện, chấm dứt hợp đồng.
3. Vai trò của hợp đồng cam kết trung thực tuyệt đối:
Hợp đồng cam kết trung thực tuyệt đối được xây dựng từ nguyên tắc trung thực tuyệt đối, do đó, vai trò của hợp đồng cũng như vai trò của nguyên tắc này được hiểu tương đối giống nhau. Trong đó, vai trò cơ bản đó chính là ràng buộc trách nhiệm và đề cao trách nhiệm của các bên trong quan hệ hợp đồng. Hợp đồng đó được xây dựng trên nền tảng của sự trung thực, dó đó, chỉ khi các bên thực sự trung thực thì mục đích của hợp đồng mới đạt được. Sự cam kết trung thực ở đây đóng vai trò như “điều kiện đủ” để một hợp đồng có hiệu lực và được thi hành.
Ví dụ như với hợp đồng bảo hiểm, là loại hình đặc trưng và thường được áp dụng của hợp đồng cam kết trung thực tuyệt đối, thì cả người bảo hiểm và người được bảo hiểm phải trung thực tuyệt đối trong quan hệ hợp đồng. Như đối với bên mua bảo hiểm, thì nghĩa vụ khai báo rủi ro và cung cấp thông tin liên quan đến đối tượng của hợp đồng bảo hiểm là nghĩa vụ đầu tiên mà bên mua bảo hiểm phải thực hiện khi đề nghị giao kết hợp đồng. Việc khai báo căn cứ vào các nội dung được đưa ra trong mẫu giấy yêu cầu bảo hiểm do doanh nghiệp soạn thảo. Dựa vào sự khai báo này doanh nghiệp bảo hiểm mới có căn cứ đánh giá được rủi ro và đưa ra quyết định có chấp nhận hay không chấp nhận việc bảo hiểm cũng như định ra giá phí mà người được bảo hiểm phải trả. Do đó, mà hợp đồng bảo hiểm phải được ký kết và thực hiện trên nguyên tắc tin tưởng và trung thực tuyệt đối, pháp luật cấm bên mua bảo hiểm cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm để được trả tiền bảo hiểm hoặc được bồi thường.
Tương tự như nghĩa vụ cung cấp thông tin của người mua bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm cũng có nghĩa vụ cung cấp mọi thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, giải thích điều kiện, điều khoản bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng (Điều 16, Điều 17, Điều 19 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000). Thông thường, các điều khoản trong hợp đồng không phải là kết quả của sự thỏa thuận và nhượng bộ của các bên, bên mua bảo hiểm chỉ có thể tán đồng nếu chọn và không thể thỏa thuận để thay đổi theo ý chí của mình. Do đó, đây là nghĩa vụ bắt buộc của các doanh nghiệp bảo hiểm. Khi thực hiện các nghĩa vụ này, doanh nghiệp bảo hiểm cũng phải đảm bảo nguyên tắc trung thực tuyệt đối, giải thích đúng và đầy đủ cho người mua bảo hiểm về những nội dung quy định. Khi đó thì mới đảm bảo được điều kiện giao kết hợp đồng.
Dù bất kỳ hợp đồng nào cũng được xây dựng trên sự trung thực, nhưng hợp đồng cam kết trung thực tuyệt đối chính là một cấp bậc cao hơn của sự trung thực đó. Các bên trong quan hệ hợp đồng này phải trung thực với nhau trên mọi thông tin, mọi khía cạnh liên quan đến nội dung hợp đồng. Việc trung thực tuyệt đối này nhằm bảo vệ quyền lợi tối đa của các bên, phòng tránh những rủi ro không đáng có trong quan hệ hợp đồng. Bởi việc một bên không trung thực sẽ gây hại cho bên kia trong trường hợp hợp đồng được xây dựng chủ yếu trên sự tin tưởng. Hợp đồng cam kết trung thực tuyệt đối đã đặt trách nhiệm của các bên giao kết hợp đồng lên đầu, đề cao giá trị con người trong giao kết hợp đồng. Và bất kì sự vi phạm dù nhỏ nhất về sự trung thực tuyệt đối đều coi là sự vi phạm dẫn đến chấm dứt hợp đồng.