Cảnh quan đô thị là một hiện tượng cụ thể và khách quan được thể hiện bằng chất lượng của các yếu tố vật lý của môi trường. Cảnh quan đô thị là không gian không thể thiếu và có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với con người. Vậy cảnh quan đô thị là gì? Các quy định quản lý cảnh quan đô thị?
Mục lục bài viết
1. Cảnh quan đô thị là gì?
Khái niệm về cảnh quan: Tùy theo mỗi ngành có một cách quan niệm khác nhau về cảnh quan. Theo các nhà thiết kế cảnh quan:
– Cảnh quan theo các nhà địa lý cảnh quan là bộ phận của bề mặt đất, có những đặc điểm riêng về địa hình, khí hậu, thủy văn, đất đai…nó phân biệt hẳn với những khu vực xung quanh.
– Con người chịu tác động của môi trường cảnh quan thông qua tất cả các giác quan (chủ yếu là thị giác). Môi trường này được hình thành do hệ quả tác động tương hỗ của các thành phần cảnh quan. Hệ thống mối quan hệ này đã tạo nên nét đặc trưng cho mỗi vùng với kiểu cảnh quan khác nhau. Tùy theo cách phân loại mà ta có các loại cảnh quan như cảnh quan đô thị, cảnh quan nông thôn, cảnh quan biển,…
Định nghĩa về cảnh quan đô thị được luật hóa trong Luật Quy hoạch đô thị, theo đó, tại Khoản 14 Điều 3 giải thích rằng: “Cảnh quan đô thị là không gian cụ thể có nhiều hướng quan sát ở trong đô thị như không gian trước tổ hợp kiến trúc, quảng trường, đường phố, hè, đường đi bộ, công viên, thảm thực vật, vườn cây, vườn hoa, đồi, núi, gò đất, đảo, cù lao, triền đất tự nhiên, dải đất ven bờ biển, mặt hồ, mặt sông, kênh, rạch trong đô thị và không gian sử dụng chung thuộc đô thị.” Từ định nghĩa này, có thể nêu rõ hai đặc điểm của cảnh quan đô thị:
– Thứ nhất, cảnh quan đô thị là không gian cụ thể. Tính cụ thể ở đây là việc xác định được vị trí thực tế, hiển nhiên và tồn tại độc lập có thực.
– Thứ hai, không gian cụ thể đó phải có nhiều hướng quan sát ở trong đô thị. Đây cũng là đặc điểm bắt buộc để biến một không gian trở thành cảnh quan đô thị. Việc có nhiều hướng quan sát không phụ thuộc rất nhiều vào các cơ sở hạ tầng xung quanh trong đô thị.
Điều đặc biệt trong định nghĩa ở trên là Luật quy hoạch đô thị đã liệt kê khá cụ thể và đầy đủ các không gian ở các vị trí nhất định, từ đó giúp người đọc hay áp dụng pháp luật cũng dễ dàng xác định hơn về cảnh quan đô thị.
2. Nguyên tắc và trách nhiệm quản lý cảnh quan đô thị:
Trước đây, quản lý cảnh quan đô thị được quy định rất cụ thể trong Nghị định 38/2010/NĐ-CP về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, tuy nhiên, hiện nay Nghị định này đã hết hiệu lực, các quy định về quản lý cảnh quan đô thị được thực hiện theo quy định tại Nghị định 85/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Kiến trúc, nhưng phải nhận định rằng, nó không còn được cụ thể hay chi tiết như Nghị định cũ, bởi suy cho cùng, cảnh quan đô thị cũng chỉ là một phần nhỏ trong nghiên cứu về kiến trúc.
Quản lý cảnh quan đô thị thường đi cùng với các quy định về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, đó là một chỉnh thể thống nhất, không tách rời và hiện chịu sự điều chỉnh chủ yếu bởi Luật Quy hoạch đô thị. Nội dung các quy định quản lý cảnh quan đô thị phản ánh qua các khía cạnh:
Thứ nhất, nguyên tắc quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị.
Nhắc tới nguyên tắc là nhắc tới những định hướng, những chuẩn mực chi phối tới mọi hoạt động quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị. Nguyên tắc quản lý được quy định tại Điều 58 Luật quy hoạch đô thị, bao gồm 3 nguyên tắc cơ bản:
– Một là, chủ sở hữu các vật thể kiến trúc có ảnh hưởng đến không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị phải có trách nhiệm bảo vệ, duy trì trong quá trình khai thác, sử dụng bảo đảm mỹ quan, an toàn, hài hòa với không gian xung quanh.
Nguyên tắc đầu tiên được đặt ra đối với chủ sở hữu các vật thể kiến trúc có ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị. Đây là nguyên tắc quan trọng bởi hành vi của chủ sở hữu trong quá trình khai thác, sử dụng có thể dẫn đến những ảnh hưởng tới cảnh quan, bởi họ đang “lợi dụng” quyền sở hữu của mình. Hành vi mà chủ sở hữu có thể thực hiện đó là lấn chiếm vỉa hè, trồng cây quá cao,….
– Hai là, việc xây mới, cải tạo, chỉnh trang, sửa chữa và phá bỏ vật thể kiến trúc, cây xanh trong khu vực công cộng, khuôn viên công trình và nhà ở có ảnh hưởng đến không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị phải xin phép cơ quan quản lý có thẩm quyền.
Nguyên tắc này được đặt ra đối với cá nhân, tổ chức có quyền tác động tới các cơ sở hạ tầng, cây xanh. Đây là những cá nhân, tổ chức thực hiện việc xây mới, cải tạo, chỉnh trang, sửa chữa, phá bỏ, …đều là những hành vi có khả năng làm thay đổi mọi thứ và gây ảnh hưởng tới cảnh quan đô thị. Nguyên tắc này ràng buộc trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức, nhưng cũng đề cao nhiệm vụ của cơ quan quản lý có thẩm quyền trong việc kiểm soát, giám sát và cấp phép phù hợp.
– Ba là, trước khi lập dự án đầu tư xây dựng công trình có quy mô lớn, có ý nghĩa và vị trí quan trọng trong đô thị phải thi tuyển thiết kế kiến trúc.
Đây là nguyên tắc được đặt ra đối với cơ quan có thẩm quyền hoặc các nhà đầu tư xây dựng, nguyên tắc này khá hợp lý bới thiết kế kiến trúc là hoạt động quan trọng, lại đòi hỏi chuyên môn, cần phải thi tuyển để chắc chắn lựa chọn được những cá nhân đủ năng lực thực hiện, đảm bảo được khả năng đảm đương công việc và thực hiện đúng với quy hoạch đã đề ra.
Thứ hai, trách nhiệm quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị.
Điều 59 Luật quy hoạch đô thị đã nêu rõ trách nhiệm của chủ thể có thẩm quyền như sau:
“1. Ủy ban nhân dân thành phố, thị xã, thị trấn quản lý toàn diện không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý.
2. Cơ quan quản lý quy hoạch đô thị giúp Ủy ban nhân dân thành phố, thị xã, thị trấn quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị.“
Như vậy, Ủy ban nhân dân với tư cách là cơ quan hành chính quản lý nhà nước về mọi mặt trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý có trách nhiệm quản lý toàn diện về cảnh quan đô thị. Việc quản lý được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và phải đảm bảo được tính chặt chẽ, nghiêm ngặt, góp phần xây dựng cảnh quan đô thị sạch đẹp, văn minh.
3. Một số quy định về cảnh quan đô thị:
Bên cạnh hai nội dung chính về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị ở trên, các quy định khác được quy định rời rạc trong Nghị định 85/2020/NĐ-CP, chẳng hạn:
“Điều 6. Định hướng kiến trúc, không gian cảnh quan
1. Định hướng chung
Định hướng chung kiến trúc cho toàn đô thị; khu trung tâm, khu vực giáp ranh nội ngoại thị; khu vực nông nghiệp thuộc đô thị; khu đô thị hiện hữu, khu phát triển mới…
2. Định hướng cụ thể
a) Về không gian cảnh quan đô thị:
– Các vị trí điểm nhấn về cảnh quan đô thị.
– Không gian mở, tầm nhìn đến các khu vực cảnh quan tự nhiên như đồi núi, mặt nước, hai bên tuyến đường, tuyến sông.
– Hệ thống công viên, cây xanh, mặt nước.“
Hay tại Điều 8:
“1. Xác định một số hình thái không gian kiến trúc đô thị với đặc điểm nổi bật, có giá trị về không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, phản ánh quá trình lịch sử phát triển kinh tế – xã hội, kiến trúc theo từng thời góp phần tạo nên bản sắc riêng cho đô thị.
2. Xác định các khu vực bảo tồn, khu vực có các công trình có giá trị, định hướng bảo tồn, phân vùng theo cấp độ kiểm soát, bảo vệ; quy định khu vực cho phép phát triển (quy định quản lý bảo tồn, phát huy những giá trị của khu vực như văn hóa, không gian, kiến trúc, cảnh quan; tiện ích đô thị phù hợp).
3. Quy định về không gian kiến trúc đô thị làm cơ sở cho việc cải tạo, xây dựng các công trình kiến trúc riêng lẻ bảo đảm sự hài hòa với khu vực, gìn giữ và phát huy các đặc trưng về kiến trúc và cảnh quan đô thị (không gian kiến trúc đô thị đặc thù có thể theo dạng tuyến – một dãy công trình chung, mảng – một cụm công trình hoặc điểm – trọng tâm là một công trình chính).“
Thực tế, các quy định này sẽ có giá trị áp dụng liên quan đến cảnh quan đô thị trong mối quan hệ với các đối tượng khác. Điều quan trọng là phải biết kết hợp các quy định để tạo nên quá trình áp dụng thống nhất, hiệu quả, tác động tới nhận thực của cá nhân, tổ chức trong xã hội về việc xây dựng cảnh quan đô thị tốt đẹp hơn.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
Văn bản hợp nhất 16/VBHN-VPQH năm 2020 hợp nhất Luật Quy hoạch đô thị do Văn phòng Quốc hội ban hành.
Nghị định 85/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Kiến trúc.