Theo truyền thuyết,
Mẫu Thoải là một vị thần quan trọng, giúp nhân dân ta trong những ngày đầu của nền
nông nghiệp lúa nước. Chính vì vậy, ở trên khắp cả nước đầu tôn thờ và có đền thờ
cho Bà. Bài viết dưới đây xin giới thiệu: Mẫu đệ tam Thoải Phủ – Mẫu Thoải là
ai? Thần tích Mẫu Thoải? Đền Mẫu Thoải ở đâu? Hướng dẫn Dâng lễ Mẫu Đệ Tam Thoải
Phủ?
Mục lục bài viết
1. Mẫu đệ tam Thoải Phủ – Mẫu Thoải là ai?
Theo tín ngưỡng thờ cúng Mẫu Việt Nam, Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ hay thường được nhắc tới với tên gọi Mẫu Thoải, là con gái út của Vua Cha Bát Hải Động Đình, là một trong ba vị Tam Tòa Thánh Mẫu thuộc hệ thống thần linh Tứ Phủ. Mẫu chịu trách nhiệm cai quản mọi miền sông nước, là người tạo ra những vùng ao, đầm, sông, biển và điều hòa mưa gió, thời tiết ở đất trời. Chữ “thoải” trong tên Mẫu cũng phát âm lái từ chữ “thủy” mang ý nghĩa là nước mà ra.
Ngoài danh hiệu Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ, Mẫu Thoải còn có một số danh hiệu khác được biết tới như: Mẫu Đệ Tam Thủy Cung; Thủy Tiên Công Chúa; Thủy Cung Thánh Mẫu; Xích Lân Công Chúa; Động Đình Công Chúa; Ngọc Hồ Thần Nữ
2. Thần tích Mẫu Thoải:
Thần tích Mẫu Thoải được ghi lại trong bản chầu văn Mẫu Thủy Cung, ngoài ra còn được gợi nhắc tới trong tác phẩm “Liễu Nghị Truyền Thư” của Lý Triều Uy hay trong câu chuyện phù trợ vua Lý, Trần và Lê chống giặc xâm lược ngoại xâm.
2.1. Sự tích lưu truyền trong dân gian:
Vào những năm đầu tiên mở nước, lúc bấy giờ, Vua Kinh Dương Vương vẫn còn đang ngao du sơn thủy tìm nơi phù hợp đặt kinh đô. Khi hướng về phía Nam đất nước tới vùng đất có tên là Hồng Ngàn, nơi có khung cảnh hùng vĩ, thế núi rồng cuộn hổ ngồi rất hợp ý mình, nên vua đã sai người xây thành đắp lũy tại đây. Sau khi xong việc, vua tiếp tục ngao du trên con thuyền trở lại phương Bắc trên dòng sông Lam, khi tới gần cửa Hội, bỗng vua gặp được một người con gái xinh đẹp tuyệt trần xưng là con gái của Vua Động Đình Quân Thần Long. Sau này, Nàng trở thành vợ của Vua và hạ sinh Sùng Lãm hay Lạc Long Quân.
2.2. Sự tích dựa trên Liễu Nghị Truyền Thư:
Mẫu Thủy Cung xuất thân là con gái út của Vua Cha Bát Hải Động Đình, khi nàng đến tuổi xuất giá, được gả vào gia đình Kinh Xuyên. Hai vợ chồng có cuộc sống hòa hợp yên ấm cho tới khi Kinh Xuyên lấy Thảo Mai làm thiếp, người thiếp thê này đã giở trò vu oan cho Tiên Chúa rằng cô là một người không chung thủy, giấu chồng tư thông với người ngoài. Phu Quân của cô đã không xem xét kỹ lưỡng đúng sai mà đã nhẫn tâm đầy Tiên Chúa vào chốn rừng sâu mặc kệ sự sống chết của nàng cho dã thú hơi rừng hoang vu.
Lúc trong rừng, đôi khi Chúa hiện thân thành long xà, lúc thì hiện thành mỹ nữ tâm sự với hoa lá chim muông. Với tấm lòng từ bi nhân hậu, phúc hậu của mình, đã không một loài thú dữ nào xâm hại đến Nàng, ngược lại, chúng còn yêu quý và nghe lời của nàng một cách ngoan ngoãn.
Một ngày kia Tiên Chúa đã may mắn gặp được người tên là Liễu Nghị đang trên đường tới kinh thành ứng thi, nàng đã nhờ hắn gửi cho Vua Cha một bức thư cùng một chiếc kim thoa làm chứng vật. Sau khi nhận sự nhờ vả của nàng, Liễu Nghị tới được thủy cung, chàng đưa được tới tận tay Vua Cha bức thư mà nàng gửi gắm. Vua Cha sau khi đọc xong bức thư vô cùng tức giận nên đã sai con trai trưởng là Xích Long Hầu đi đón con gái trở về và ngay lập tức trừng phạt Kính Xuyên và Thảo Mai, sau đó gắn kết mỗi nhân duyên của con gái với thư sinh Liễu Nghị.
2.3. Sự tích bốn lần phù trợ các đời vua xây dựng, bảo vệ bờ cõi đất nước:
Phù trợ Trần Hưng Đạo:
Vào nhiều năm trị vì của vua Trần Nhân Tông, khi quân Nguyên xâm lược nước ta do hai tướng Thoát Hoan và Ô Mã Nhi cầm đầu kéo 10 vạn quân hòng chiếm đánh nước ta, vua Trần Nhân Tông lệnh Hưng Đạo Đại Vương đem quân đánh giặc. Khi đi ngang qua sông Xâm Miện thì trời ông đã sẩm tối, ông lệnh cho toàn quân dừng chân dựng trại lên bãi, còn bản thân mình thì vẫn ở lại trên thuyền. Nửa đêm, ông nằm mơ thấy một cô gái với trang phục màu trắng, mang đai ngọc cưỡi kim long tới trước mặt ông và nói:
“Ta là con gái của Long Vương tên Thủy Tinh Ngọc Dung Công Chúa theo lệnh vua cha tới đây trợ Ngài tiêu diệt giặc ngoại xâm. Ngài hãy đem toàn quân truy đuổi giặc, thiếp sẽ theo sau trợ giúp”
Khi tỉnh lại, Hưng Đạo Đại Vương biết được có thần linh phù hộ, ông lệnh toàn quân xông lên giao chiến với giặc. Trong lúc, đôi bên giao tranh bỗng có cơn gió thổi mạnh, nước sông nổi sóng lớn cuồn cuộn làm thuyền của giặc bị nhấn chìm tơi tả. Sau khi chiến thắng trở về, ông đã kể lại toàn bộ sự việc được báo mộng cho vua, nhà vua đã sai người về Xâm Miện xây miếu cảm tạ và ban sắc phong như sau:
“Hoàng Long Tĩnh Mạch, Đoan Trang
Anh Linh Thục Diệu Phu Nhân Trung Đẳng Thần”
Phù trợ Vua Lê Thánh Tông:
Vào thời vua Lê Thánh Tông, vào lúc nhà vua đem quân đánh Chiêm Thành. Khi đi qua khu vực sông Lèn bỗng có một trận gió lớn nổi lên, vua sai người lập đàn để cầu xin thần linh tương trợ. Mẫu hay tin có người xin giúp đỡ đã sai một nữ tướng đến trấn và sau đó, mặt sông bỗng trở lại tĩnh lặng. Sau khi chiến thắng trở về, vua đã phong tặng cho Mẫu danh hiệu Thủy Phủ Thần Nữ để tưởng nhớ công ơn của bà. Ngày nay, bên bờ sông Lèn có đền Hàn Sơn là một trong những ngôi đền thờ phụng Mẫu Thoải rất nổi tiếng.
Phù trợ vua Lý Thái Tổ
Tại vùng trung du Bắc Bộ nước ta khi ấy thường hay có lũ lụt. Khi Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long đã ngay lập tức thực hiện việc trị thuỷ. Tuy nhiên, tận đời vua Lý Thái Tông mới hoàn thành, các đoạn đê được gắn nối vào nhau trở thành trở thành một hệ thống đê điều vững chãi như hiện nay. Trong những năm hệ thống chưa hoàn thành, việc lũ lụt vẫn xảy ra liên miên, gây rất nhiều khó khăn trong việc ổn định mùa màng và đời sống của nhân dân.
Lúc đó, Thủy Cung Thánh Mẫu đã sai thần tướng, binh lính của mình tới các vùng ven kinh thành Thăng Long để âm thầm trợ giúp việc đắp đê chống lũ, cứu dân. Ngày nay, tại các địa danh cổ như làng Nhật Chiêu, Quảng Bá, Tây Hồ ,Yên Phụ… vẫn còn các bút tích chép lại của thần tích này.
Trợ giúp vua Lê Thần Tông:
Dưới thời Lê Thần Tông, trong những mùa lũ lụt, một lần nước sông Hồng dâng lên cao, ngập cả vào Yên Phụ, vua đã phải đích thân làm lễ tế cáo trời đất. Khi ấy, Mẫu Thủy Cung đã hiển linh và giúp chống lụt và xua đuổi thủy quái.
3. Đền Mẫu Thoải ở đâu?
Trên khắp cả nước, có rất nhiều các đền thờ Tứ Phủ và Tam Tòa Thánh Mẫu thờ Mẫu Thoải. Trong số đó, một số ngôi đền thờ chính và nổi tiếng, đa phần đều nằm gần các khu vực sông suối lớn như:
Đền Mẫu Thoải ở Lạng Sơn:
Đền thờ Mẫu Thoải ở Lạng Sơn hay còn được gọi là đền Cửa Đông, là một trong bốn ngôi đền linh thiêng thuộc tỉnh Lạng Sơn ngày nay. Ngôi đền nằm cạnh con sông Kỳ Cùng phía Đông thành phố trên đường Hùng Vương, thuộc phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn.
Đền Mẫu Thoải ở Thái Bình:
Đền Mẫu Thoải ngự tại xã Đông Hải, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, kế bên cạnh sông Diêm Hộ.
Đền Mẫu Thoải ở Thanh Hóa:
Đền Hà Sơn nay thuộc huyền Hà Trung tỉnh Thanh Hóa nằm kế bên sông Lèn. Hằng năm, vào khoảng tháng 6 âm lịch, dân nơi đây thường tổ chức lễ hội Hàn Sơn.
Đền Mẫu Thoải ở Hải Phòng
Đền thờ Mẫu Thoải tại Đền Tứ Phủ nằm tại địa chỉ số 41 Bùi Mộng Hoa, Trần Thành Ngọ, Kiến An, thành phố Hải Phòng.
Đền thờ Mẫu Thoải ở Hà Nội
Đền Mẫu Thoải Phúc Xá – Long Biên
Tại địa chỉ số 21, tổ 9 phường Ngọc Thụy, quận Long Biên thành phố Hà Nội, ngôi đền có tên chữ là “Phúc Xá linh từ”
Đền Mẫu Thoải Thanh Trì
Ngụ tại ngõ 767 đê Nguyễn Khoái, huyện Thanh Trì, quận Hoàng Mai.
Đền Mẫu Thoải Thường Tín
Địa chỉ tại thôn Xâm Dương, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, Hà Nội còn có tên gọi là là Xâm Xương Linh Từ, nơi đây còn gắn liền với thần tích Mẫu Thủy Cung báo mộng cho Trần Hưng Đạo đánh giặc
4. Hướng dẫn Dâng lễ Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ:
Khi chuẩn bị lễ đến đền, tín chủ cần lưu ý:
Những ngày dâng lễ: Ngày 15 âm lịch, mùng 1 âm lịch hoặc những ngày đầu năm mới. Đặc biệt, có thể dâng lễ vài ngày Tiệc Mẫu Đệ Tam (tức 10/6 âm lịch).
Chuẩn bị lễ vật: Không cần quá cầu kỳ, có thể tham khảo một số vật phẩm sau:
+ Hoa và quả tươi.
+ Trầu cau.
+ Xôi gà hoặc xôi thịt và rượu trắng.
+ Tiền vàng và cánh sớ.
+ Một đĩa oản.
+ Bài văn khấn dâng lễ Mẫu.
Ngoài ra, tín chủ đi lễ đền Mẫu Đệ Tam cần chú ý phải thật thành tâm, thành kính, chỉ nên cầu khấn những điều thực tế, không được cưỡng cầu những điều trái với luân thường đạo lý.