Trong lĩnh vực kinh tế hiện nay, Việt Nam được xem là nước hội nhập mạnh mẽ trong khu vực Đông Nam Á và toàn thế giới. Cũng chính bước ngoặt lớn này đã mang về kết quả xuất siêu và đóng góp vào sự phát triển nền kinh tế của nước ta. Vậy xuất siêu là gì? Những tác động của xuất siêu đến nền kinh tế như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Xuất siêu là gì?
Xuất siêu là khái niệm dùng mô tả tình trạng Cán cân thương mại có giá trị lớn hơn 0 (zero). Nói cách khác, khi kim ngạch xuất khẩu cao hơn nhập khẩu trong một thời gian nhất định, đó là xuất siêu.
Xuất siêu được dịch sang tiếng Anh có nghĩa là Export surplus
2. Ảnh hưởng của xuất siêu đến nền kinh tế như thế nào?
Hai tháng đầu năm 2016, Việt Nam xuất siêu hơn 865 triệu USD nhưng công lớn này đến từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Theo số liệu Bộ Công Thương vừa công bố trong tháng 2-2016, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam thặng dư 100 triệu USD giúp cán cân từ đầu năm đến nay thặng dư (xuất siêu) khoảng 865 triệu USD.
2.1. Doanh nghiệp nội vẫn khó khăn:
– Trong đó, khu vực doanh nghiệp (DN) trong nước nhập siêu 2,1 tỉ USD và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) kể cả dầu thô xuất siêu tới 2,9 tỉ USD. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng trong ngắn hạn, xuất siêu là tín hiệu mừng bởi tạo thêm việc làm, thuế cho ngân sách nhưng về dài hạn, cứ “xuất hộ” khu vực FDI thì không ổn bởi tỉ lệ nội địa hóa không cải thiện và nền kinh tế thực chất chỉ gia công, lắp ráp.
– Điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm là xuất khẩu của nhóm hàng nông, lâm, thủy sản có dấu hiệu phục hồi khi đạt kim ngạch khoảng 2,95 tỉ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Có điều, theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm của cả nước tăng thêm 667 triệu USD so với cùng kỳ nhưng kim ngạch của khu vực FDI không kể dầu thô tăng 806 triệu USD, trong khi khu vực DN trong nước lại giảm 288 triệu USD, phản ánh bức tranh xuất khẩu của DN nội địa vẫn còn nhiều khó khăn. Riêng trong tháng 2, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 10,3 tỉ USD thì riêng khu vực FDI, con số này đã chiếm tới 7,25 tỉ USD (chiếm 70,38%).
– Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa của nhóm hàng cần nhập (nguyên phụ liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất như thủy sản, bắp, đậu tương, bông sơ xợi, nguyên liệu dệt may, da giày…) ước đạt 19,95 tỉ USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ, trong khi tốc độ giảm của nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu và nhóm hàng cần hạn chế nhập lại không nhiều, thậm chí tăng so với cùng kỳ.
– Nếu so với con số nhập siêu của Việt Nam năm ngoái hơn 3,54 tỉ USD, mức xuất siêu trên 865 triệu USD trong 2 tháng đầu năm là tín hiệu tích cực. Thặng dư nguồn ngoại tệ khá lớn đã góp phần kéo giảm áp lực lên cầu ngoại tệ và giúp tỉ giá bớt căng thẳng những tháng đầu năm. Dù vậy, nhìn số liệu tính đến ngày 15-2 của Tổng cục Hải quan sẽ thấy xuất siêu của Việt Nam có được do kim ngạch xuất nhập khẩu nhiều mặt hàng giảm mạnh – dấu hiệu phản ánh hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN kém khả quan.
– Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 1 (15 ngày đầu tháng 2-2016) giảm tới 48,2% so với kỳ trước đó. Kết quả này đã kéo tổng kim ngạch xuất nhập khẩu từ đầu năm tới ngày 15-2 chỉ còn 33,38 tỉ USD, giảm 19,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
– Tốc độ giảm nhập khẩu hàng hóa mạnh hơn xuất khẩu đã giúp xuất siêu nhưng cho thấy bức tranh kém lạc quan về hoạt động của các DN. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực từ dệt may, điện thoại các loại và linh kiện, giày dép, máy tính, thủy hải sản… đều có kim ngạch giảm hàng trăm triệu USD so với cùng kỳ.
2.2. Gia tăng nội địa hóa, nâng sức cạnh tranh:
– Chuyên gia kinh tế – TS Bùi Trinh cho rằng xuất siêu của Việt Nam đang hoàn toàn đến từ khu vực FDI với những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao như điện thoại các loại và linh kiện, hàng điện tử và linh kiện, máy tính các loại lại đều chủ yếu gia công, lắp ráp ở Việt Nam. Kết quả, giá trị gia tăng đem lại cho nền kinh tế và tác động lan tỏa tới khu vực DN trong nước chưa nhiều. Và trong dài hạn, nền kinh tế cứ tiếp tục xuất siêu nhờ nước ngoài, đến một lúc nào đó họ chuyển lợi nhuận về nước thì “tiết kiệm, để dành” của Việt Nam sẽ không còn gì.
– Với làn sóng DN FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) nhưng DN trong nước lại chưa tham gia nhiều vào chuỗi cung ứng, nguồn nguyên phụ liệu đầu vào cho các ngành sản xuất chưa phát triển (công nghiệp phụ trợ gần như giẫm chân tại chỗ)…, nguy cơ nhập siêu trở lại và ở mức cao là khó tránh khỏi; đồng thời, sức ép cạnh tranh từ bên ngoài trước bối cảnh hội nhập khiến DN trong nước đang bị lép vế, lấn át so với khối DN FDI.
Dù vậy, đại diện Bộ Công Thương nhìn nhận việc tham gia các FTA, trong đó có những nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật, Liên minh châu Âu (EU), Liên minh Kinh tế Á – Âu, Hàn Quốc sẽ giúp Việt Nam có cơ hội cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn bởi Việt Nam đang lệ thuộc quá lớn vào một số thị trường trong khu vực.
Và, cơ hội để gia tăng xuất khẩu trong thời gian tới là rất lớn. Đại diện Vụ Kế hoạch tổng hợp – Bộ Công Thương phân tích khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực sẽ giúp gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Nhờ TPP, các thị trường lớn như Mỹ, Nhật, Canada… giảm thuế nhập khẩu về 0% sẽ tạo cú hích lớn với những hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, giày dép, thủy sản…
– Việt Nam là một trong những nền kinh tế mới nổi, có mức độ mở của lớn trên Thế giới. Việc cán cân thương mại tiếp tục duy trì đã khiến cho xuất siêu tác động tích cực đến tăng trưởng của nền kinh tế. Việc xuất siêu đã có tác động tích cực về nhiều mặt. Trực tiếp nhất là góp phần cải thiện cán cân thanh toán, góp phần tăng dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá VND/USD. Qua đây, khả năng can thiệp của cơ quan điều hành cũng trở nên dễ dàng và tốt hơn.
– Qua con số xuất siêu những năm gần đây đã khẳng định hàng hóa của Việt Nam vững bước trên Thế giới.
– Một tác động khác của hiện tượng xuất siêu đó là trong điều kiện tích lũy tài sản và tiêu dùng cuối cùng ở trong nước còn yếu so với sản xuất thì việc tăng xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu sẽ có tác động “kích cung”- tức kích sản xuất trong nước.
- Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất khẩu , nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 9/2020 (từ ngày 01/9 đến ngày 15/9) đạt 24,301 tỷ USD, giảm 8,9% so với kỳ 2 tháng 8/2020. Lũy kế đến hết ngày 15/9, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 361,51 tỷ USD.
- Trong kỳ 1 tháng 9,cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục thặng dư 973 triệu USD nâng mức thặng dư luỹ kế từ đầu năm đến hết ngày 15/9 đạt 14,46 tỷ USD. Đây là mức thặng dư kỷ lục của Việt Nam.
Về xuất khẩu, trong kỳ 1 tháng 9, Việt Nam đạt giá trị xuất khẩu 12,63 tỷ USD, giảm 15,8% so với kỳ trước. Trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt giá trị xuất khẩu 7,83 tỷ USD.
Luỹ kế từ đầu năm đến hết ngày 15/9, giá trị xuất khẩu của Việt Nam đạt 187,9 tỷ USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 120,47 tỷ USD.
Tương tự các tháng trước đó, trong kỳ 1 tháng 9, Việt Nam tiếp tục có thế mạnh xuất khẩu ở một số mặt hàng như: Điện thoại các loại và linh kiện đạt giá trị xuất khẩu 2,327 tỷ USD; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,18 tỷ USD; Dệt may đạt 1,37 tỷ USD; Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 1,21 tỷ USD và giày dép các loại đạt 581 triệu USD.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 9 đạt 11,664 tỷ USD, tăng 0,1% so với kỳ 2 tháng 8. Trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt giá trị nhập khẩu 6,64 tỷ USD.
Lũy kế đến hết ngày 15/9, giá trị nhập khẩu của Việt Nam đạt 173,5 tỷ USD. Trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt giá trị nhập khẩu 96,7 tỷ USD.
Cũng theo báo cáo sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong kỳ 1 tháng 9/2020 Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất ở các mặt hàng: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt giá trị 3,1 tỷ USD; Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt giá trị 1,65 tỷ USD; Điện thoại các loại và linh kiện đạt giá trị nhập khẩu 898 triệu USD; Vải các loại đạt giá trị 453 triệu USD; và chất dẻo các loại đạt giá trị 341 triệu USD.
– Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 10/2020 của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy kim ngạch xuất khẩu tháng 10 ước đạt 26,7 tỷ USD, giảm 1,7% so với tháng trước nhưng tăng 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 10 tháng, giá trị xuất khẩu ước đạt gần 229,3 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ và có 31 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD, 5 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD.