Với một thị trường toàn cầu như hiện nay, dưới sự cạnh tranh quyết liệt, các doanh nghiệp để chiếm lĩnh và tồn tại trong chuỗi cung ứng đó, đều phải có chiến lược riêng. Chiến lược trong kinh doanh vừa là khoa học vừa là nghệ thuật đã và đang được vận dụng phổ biến. Vậy xác lập chiến lược kinh doanh tổng thể là gì? Các bước xác lập?
Mục lục bài viết
1. Xác lập chiến lược kinh doanh tổng thể là gì?
Ngày nay thuật ngữ chiến lược lại được sử dụng rộng rãi trong kinh doanh. Phải chăng những nhà quản lý đã thực sự đánh giá được đúng vai trò to lớn của nó trong công tác quản trị của công ty nhằm đạt được những mục tiêu to lớn đã đề ra. Chiến lược kinh doanh tổng thể là tiến trình xác định mục tiêu dài hạn, lựa chọn phương tiện đạt tới các mục tiêu đó- là phác thảo hình ảnh tương lai của công ty.
Chiến lược kinh doanh tổng thể giúp các doanh nghiệp thấy rõ hướng đi của đơn vị trong tương lai, nhận thức được những thời cơ, cơ hội và nguy cơ có thể xảy ra, nhằm giúp các doanh nghiệp đưa ra các quyết định đúng đắn phù hợp với môi trường đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất. Giúp các doanh nghiệp tạo ra những chiến lược kinh doanh tốt hơn thông qua việc sử dụng phương pháp tiếp cận hệ thống, tạo cơ sở tăng sự liên kết và tăng sự gắn bó của nhân viên quản trị trong việc thực hiện mục tiêu doanh nghiệp. Chiến lược kinh doanh giúp tăng doanh số bán ra, tăng năng suất lao động và tăng hiệu quả quản trị, tránh được rủi ro về tài chính, tăng khả năng phòng ngừa, ngăn chặn các vấn đề khó khăn của doanh nghiệp.
Xác lập chiến lược kinh doanh tổng thể là hoạt động của doanh nghiệp trong việc tạo dựng, xây dựng, tập hợp đưa ra các chương trình hành động tổng quát cho từng thời kỳ, lựa chọn các phương án hành động, triển khai việc phân bổ các nguồn lực để thực hiện mục tiêu đó. Xác lập chiến lược kinh doanh tổng thể là giai đoạn đầu tiên, đặt nền tảng và đóng vai trò hết sức quang trọng trong toàn bộ quá trình quản trị chiến lược. Trong giai đoạn này, cần xác định tầm nhìn, sứ mạng và các mục tiêu chiến lược của tổ chức. Trên cơ sở đó thiết lập chiến lược, chính sách kinh doanh, quyết định kinh doanh (thị trường, mặt hàng,…) mới nào tham gia, ngành nào nên rút ra hay thu hẹp phạm vi kinh doanh,… Trong giai đoạn này cần tập trung phân tích các yếu tố của môi trường bên ngoài và bên trong, xác định chính xác các cơ hội, nguy cơ, điểm yếu, trên cơ sở đó kết hợp và lựa chọn được những chiến lược thích hợp.
2. Các bước xác lập chiến lược kinh doanh tổng thể:
“Chiến lược kinh doanh tổng thể” có 3 ý nghĩa chính là: Xác định tầm nhìn, sứ mạng, các mục tiêu dài hạn và cơ bản của công ty. Đây cũng là các bước để xác lập chiến lược kinh doanh tổng thể, cụ thể:
Bước 1: Xác định tầm nhìn (Vision): là hình ảnh, tiêu chuẩn, hình tượng và lý tưởng trong tương lai, là những điều doanh nghiệp muốn đạt tới hoặc trở thành. Tầm nhìn rất quan trọng giúp cá nhân hay tổ chức nhìn ra sẽ đi về đâu, có mục tiêu, định hướng.
Bước 2: Xác định sứ mệnh (Mission): nội dung về xác định sứ mệnh là lý do để tổ chức tồn tại. Các tổ chức thường thể hiện sứ mệnh bằng “tuyên bố sứ mệnh” súc tích, ngắn gọn, giải thích tổ chức đó tồn tại để làm gì và sẽ làm gì để tồn tại. Phạm vi sứ mệnh thường liên quan đến sản phẩm, thị trường, khách hàng, công nghệ và những triết lý mà công ty theo đuổi. Sứ mệnh rất cần thiết để thiết lập mục tiêu và soạn thảo các chiến lược hiệu quả.
Bước 3: Xác định mục tiêu: là kết quả mong đợi xác định mà tổ chức tìm cách đạt được khi theo đuổi sau một thời gian nhất định, có thể gồm cả mục tiêu ngắn hạn (1-3 năm) và mục tiêu dài hạn (5-10 năm). Một mục tiêu được coi là thiết lập tốt nếu có đủ các đặc tính sau: Chính xác, rõ ràng và có thể đo lường được; Phải thể hiện được các vấn đề trọng tâm, chỉ ra thứ tự ưu tiên và cơ sở cho sự lựa chọn và đánh đổi; Phải có thách thức nhưng có thể thực hiện được; Phải ứng với thời gian cụ thể; Các giá trị cốt lõi (Core Values); cà các nguyên tắc, nguyên lý nền tảng và bền vững của tổ chức.
3. Ý nghĩa của việc phân tích môi trường kinh doanh:
Khi tiến hành xác lập chiến lược kinh doanh tổng thể, doanh nghiệp phải xem xét đến các yếu tố môi trường. Phân tích môi trường kinh doanh nhằm xác định cơ hội và mối đe dọa của doanh nghiệp, cụ thể:
– Môi trường bên ngoài: các yếu tố môi môi trường sau đây ảnh hưởng đến doanh nghiệp: môi trường kinh tế, môi trường chính trị, pháp luật, môi trường tự nhiên, môi trường văn hóa xã hội, dân cư và môi trường công nghệ.
Môi trường kinh tế: Sự tác động của môi trường này mang tính trực tiếp và ảnh hưởng hơn so với một số yếu tố khác đối với môi trường tổng quát. Ảnh hưởng đến các chiến lược của doanh nghiệp. Các yếu tố cơ bản được quan tâm nhất: tốc độ tăng trưởng kinh tế, xu hướng tổng sản phẩm quốc gia nội (GDP) và tổng sản phẩm quốc dân (GNP).
Môi trường chính trị – pháp luật: Bao gồm hệ thống các đường lối – quan điểm – chính sách hệ thống pháp luật hiện hành của giai cấp cầm quyền. Đó là các yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành – phát triển của doanh nghiệp. Mọi hoạt động kinh doanh ở các quốc gia đều được quản lý thông qua các quy định của pháp luật, thương mại quốc tế, tập quán kinh doanh quốc tế, hiệp định quy ước quốc tế.
Môi trường tự nhiên: Các doanh nghiệp từ lâu đã nhận ra những tác động do hoàn cảnh tự nhiên ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Những ảnh hưởng tự nhiên chính bao gồm: vị trí địa lý, khí hậu, ô nhiễm, năng lượng, tài nguyên thiên nhiên…
– Môi trường bên trong: tiềm lực của công ty thể hiện ở nội lực của công ty ở sự thống nhất, kết nối mọi yếu tố trong công ty tạo nên sức mạnh bền vững. Kiểm soát và phân tích môi trường bên trong nhằm đánh giá điểm mạnh và điểm yếu của doanh nghiệp, bao gồm nguồn lực, Marketing, tài chính, sản xuất và tác nghiệp, nghiên cứu và phát triển và thông tin.
Nguồn nhân lực: Nhân lực là yếu tố quan trọng đầu tiên trong việc phân tích môi trường bên trong của một doanh nghiệp. Trong đó cần phân tích rõ nhà quản trị các cấp và người thừa hành.
Marketing: Marketing được mô tả như là quá trình xác định, dự báo, thiết lập và thỏa mãn các nhu cầu, mong muốn của người tiêu dùng đối với sản phẩm và dịch vụ.
Tài chính – Kế toán: Điều kiện tài chính thường được xem là phương pháp đánh giá vị trí cạnh tranh tốt nhất và là điều kiện thu hút đối với các nhà đầu tư. Chức năng chính của tài chính kế toán gồm: quyết định đầu tư, quyết định tài trợ và quyết định về tiền lãi cổ tức, cổ phần. Phân tích các chỉ số tài chính là phương pháp thông dụng nhất để xác định điểm mạnh, điểm yếu của tổ chức về tài chính kế toán, các nhóm chỉ số tài chính quan trọng là: khả năng thanh toán, đánh giá khả năng thanh toán các khoảng nợ ngắn hạn đáo hạn, đòn cân nợ cho thấy phạm vi được nhà tài trợ bằng các khoản nợ, chỉ số hoạt động, các chỉ số tăng trưởng cho thấy khả năng duy trì vị thế công ty trong mức tăng trưởng của nền kinh tế.
Sản xuất và tác nghiệp: Chức năng sản xuất và tác nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh bao gồm tất cả các hoạt động nhằm biến đổi đầu vào thành hàng hóa và dịch vụ. Quản trị sản xuất – tác nghiệp là quản trị đầu vào, quá trình biến đổi và đầu ra. Những yếu tố này khác nhau tùy theo ngành nghề và môi trường.
4. Quy trình ra quyết định lựa chọn chiến lược kinh doanh:
Để hình thành và lựa chọn chiến lược khả thi cho công ty có thể tóm tắt qui trình ra quyết định gồm 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1:Giai đoạn nhập vào, vì giai đoạn này tóm tắt các thông tin cơ bản ban đầu và hình thành các chiến lược. Trong giai đoạn này người ta sử dụng 3 công cụ: ma trận đánh giá các yếu tố bên trong, ma trận hình ảnh cạnh tranh và ma trận đánh giá các yếu tố bên ngoài.
Giai đoạn 2:Giai đoạn kết hợp đưa ra các chiến lược khả thi có thể chọn lựa, bằng cách sắp xếp, kết hợp các yếu tố bên trong và bên ngoài quan trọng trong giai đoạn này các kỹ thuật sử dụng bao gồm: ma trận SWOT (Strength – Weakness – Opportunity – Threat ). Các ma trận này sử dụng thông tin nhập vào được rút ra từ giai đoạn 1 để kết hợp các điểm mạnh – điểm yếu bên trong với cơ hội -nguy cơ bên ngoài. Sự kết hợp các yếu tố thành công quan trọng bên trong với các yếu tố thành công quan trọng bên ngoài là chìa khóa để hình thành các chiến lược khả thi.
Giai đoạn 3:Giai đoạn quyết định, người ta sử dụng một công cụ duy nhất là ma trận QSPM (Quantitative Strategic Planning Matrix). Ma trận này sử dụng các thông tin ở giai đoạn nhập vào để đánh giá, xếp hạng các phương án chiến lược ở giai đoạn kết hợp. Chiến lược có tổng số điểm cao nhất là chiến lược được ưu tiên lựa chọn. Lựa chọn chiến lược phù hợp với điều kiện môi trường, chính sách đối ngoại, quan điểm và phương pháp quản lý của công ty: Phù hợp với khả năng tài chính, vật chất và nhân sự của doanh nghiệp; Tận dụng tối đa ưu thế của ngành và lợi thế của doanh nghiệp; Phù hợp với mục tiêu lâu dài; Xác định đúng thời điểm.