Xã hội công dân là xã hội ưu việt đề cao vị trí, vai trò của người dân trong mọi hoạt động của Nhà nước? Vậy, xã hội công dân là gì? Muốn xây dựng xã hội công dân thì cần phải làm như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Những hiểu biết chung về xã hội công dân:
1.1. Xã hội công dân là gì?
Xã hội công dân (Civil society) là một thuật ngữ còn nhiều xa lạ đối với chúng ta. Hiện nay chưa có một nhận thức thống nhất về điều này nhưng việc xây dựng xã hội công dân chính là mục tiêu cuối cùng mà quốc gia hướng đến. Vậy xã hội công dân có ưu điểm gì khiến cho mỗi quốc gia theo đuổi?
Về cơ bản, Xã hội công dân được coi là nền tảng của lý luận về nhà nước pháp quyền và dân chủ chính trị. Điều này được thể hiện rõ trong chủ nghĩa Mác-Lênin và sau này chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng tư tưởng của mình trên chính quan điểm này. Theo đó, xã hội công dân hướng đến một xã hội do nhân dân tạo lập là nhà nước của dân, do dân, vì dân. Hiện nay nhà nước ta cũng đang định hướng xây dựng một xã hội bình đẳng, tự do, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước.
Thấm nhuần các quan điểm và tư tưởng tiến bộ cùng với xu thế chung của thời đại, công dân có thể hiểu chung nhất về xã hội công dân: Đó là một cộng đồng có sự gắn bó mật thiết với nhau bởi một thị trường thống nhất và nằm trong sự kiểm soát quản lý của pháp luật Nhà nước, nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước và có quyền thể hiện ý chí của mình thông qua hệ thống pháp luật đồng thời cũng tận dụng được quyền năng của mình liên quan đến chế định về quyền con người quyền và nghĩa vụ công dân.
Ngay từ đầu, Nhà nước ta đã thống nhất việc xây nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa diễn ra cùng lúc đồng thời với việc xây dựng xã hội công dân. Con đường này không thể hình thành một cách tự phát mà đó là một quá trình tự giác dưới sự hỗ trợ tích cực của nhà nước và đường lối dẫn dắt của Đảng.
1.2. Xã hội công dân có phải là xã hội lý tưởng của mọi quốc gia?
Khi đất nước được thành lập dựa trên ý chí, nguyện vọng của người dân đương nhiên trách nhiệm của Nhà nước sẽ phải thực thi quyền làm chủ đất nước dựa trên những lợi ích của nhân dân. Điểm mới trong xã hội công dân đó là quyền làm chủ của người dân, được làm những gì pháp luật không ngăn cấm và trái đạo đức xã hội. Nếu thấy cần thiết người dân có thể gây sức ép đòi Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi những chính sách hoặc người lãnh đạo không đảm bảo về đạo đức, tầm nhìn, kiến thức.
Xã hội công dân nếu được hình thành sẽ phát huy được ý thức làm chủ tinh thần trách nhiệm đối với xã hội lòng yêu nước đối với người dân và làm cho xã hội ngày càng ổn định trật tự, văn minh.
Xã hội công dân cũng tạo nên một sức ép vô hình, đặt thẩm quyền của cơ quan nhà nước vào một cái khuôn khổ nhất định để hạn chế việc tập trung quyền lực hoặc đối với những chính sách chuyên quyền độc đoán và tham nhũng.
Ngày nay, Đảng ta tập trung xây dựng ba trụ cột cơ bản đó là kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Ba trụ cột này có mối quan hệ mật thiết với nhau, cùng thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Nếu như nền kinh tế thị trường là điều kiện cần thiết cho sự phát triển của quốc gia, nhà nước pháp quyền là yếu quyết trực tiếp đến sự phát triển, thì xã hội công dân là một đảm bảo cho sự phát triển đó, tạo nền tảng vững chắc phát triển kinh tế- xã hội.
2. Cách thức xây dựng xã hội công dân ở Việt Nam:
Một xã hội công dân ở Việt Nam cần có sự thay đổi, phối hợp giữa nhiều lĩnh vực và nhiều chủ thể khác nhau. Mỗi đối tượng cũng cần làm tròn trách nhiệm của bản thân thì mới xây dựng xã hội công dân đúng nghĩa.
2.1. Đối tượng có vai trò xây dựng xã hội công dân:
– Đối với vai trò của Đảng: Đảng ta có trách nhiệm đề ra chủ trương về xây dựng phát triển và lãnh đạo xã hội công dân Việt Nam phù hợp nền kinh tế xã hội. Điều này được thể hiện qua các thể chế quan điểm đường lối của Đảng, quy định trong chính sách, pháp luật và tăng cường xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân do nhân dân, vì nhân dân. Trong các quy định của Hiến pháp năm 2013, quy định về tiếp tục đổi mới sắp xếp bộ máy nhà nước của hệ thống chính trị một cách tinh gọn hoạt động hiệu quả hơn. Bộ máy nhà nước phải được phân định rõ chức năng, quyền hạn và trách nhiệm tránh dư thừa nhân lực và tạo điều kiện để người dân có thể tiếp cận dễ đối thoại kiểm tra giám sát; không những thế nhà nước cũng tạo điều kiện và đưa ra những chính sách huy động được tài năng trí tuệ của công dân ưu tú tham gia vào quản lý nhà nước.
– Về vai trò của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị- xã hội khác: Các tổ chức này đã phát huy rõ vai trò và vị trí của mình theo quy định của Đảng và các văn bản pháp luật luôn đại diện cho người dân giám sát và đưa ra những hướng giải pháp giải quyết phát huy được tính dân chủ quyền và lợi ích của các thành viên đoàn viên hội viên và nhân dân.
– Trách nhiệm của mỗi công dân:
Nhà nước được thành lập vì bảo đảm sự tự do của người dân trong khuôn khổ pháp luật, ngăn chặn và hạn chế những hành vi gây ảnh hưởng đến trật tự an ninh của xã hội. Điều này đặt ra một vấn đề là công dân phải có sự hiểu biết nhất định và đều ý thức được vai trò, tầm quan trọng của chính bản thân để không ngừng nâng cao kiến thức chuyên môn và kỹ năng khác tham gia vào quá trình quản lý kiểm soát nhà nước.
Để làm được điều này trước tiên người dân phải nắm vững được quan điểm mới của chủ nghĩa Mác-Lênin và thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về xã hội công dân đó là nhà nước của dân do dân và vì dân- người dân không phân biệt màu da, sắc tộc hay tôn giáo đều được đối xử bình đẳng, công bằng trong mọi mặt cuộc sống và được tham gia vào trong quá trình quản lý giám sát của nhà nước. Hiểu được những điều này, nó sẽ là tiền đề vững chắc cho công dân chủ động tham gia vào hoạt động trong bộ máy nhà nước như việc tham gia ứng cử bầu cử hoặc lựa chọn người đại diện cho mình. Trong tố tụng, việc thành lập Hội thẩm nhân dân trong quá trình xét xử cũng là một điểm sáng trong định hướng phát triển một xã hội công dân tiêu chuẩn. Công dân có quyền đóng góp những ý kiến liên quan đến việc thay đổi ban hành hoặc sửa sửa đổi pháp luật, được tố cáo, tố giác tội phạm vì mục tiêu chung đem lại lợi ích và sự an toàn cho xã hội. Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tự do hội họp, có quyền lao động, nghỉ ngơi quyền nhà ở…
2.2. Chính sách xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật:
– Hoàn thiện thể chế pháp luật: Luật pháp quy định quyền và nghĩa vụ của công dân đối với nhà nước cũng như ràng buộc những quyền và nghĩa vụ của nhà nước đối với công dân . Việc xây dựng một pháp luật minh bạch, công bằng là cơ sở hình thành nên một xã hội công dân thể hiện lên quyền làm chủ của nhân dân trong mọi hoạt động xã hội. Khi một công dân có hành vi vi phạm pháp luật thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và ngược lại đối với những cán bộ, cơ quan nhà nước khi thực hiện trách nhiệm của mình mà xảy ra những sai phạm cũng phải chịu sự kiểm soát của quy định pháp luật. Đối với cơ quan nhà nước thì chỉ được làm những gì luật cho phép còn đối với công dân thì được làm tất cả trừ những điều luật cấm. Quy định này cho thấy những quyền hạn của công dân có phạm vi rộng hơn ít bị giới hạn bởi những quy chuẩn hoặc điều kiện đặc biệt.
– Thúc đẩy hoàn thiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Quá trình xây dựng xã hội công dân còn là quá trình thúc đẩy và hoàn thiện cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bởi vậy Nhà nước đưa ra hàng loạt những chính sách để mở rộng quyền tự do trong kinh doanh của công dân các lĩnh vực đa dạng mà người dân được tham gia liên quan đến sản xuất thương mại, lao động, tín dụng, ngân hàng…
– Việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc là không thể tách rời trong việc xây dựng một xã hội công dân bởi đây chính làđiều kiện để xã hội công dân được hình thành trên nền tảng là sự bình đẳng hòa hợp giữa các dân tộc trong nhà nước pháp quyền. Các dân tộc khác nhau cùng sinh sống hòa thuận và giúp đỡ nhau trong cuộc sống nâng cao chất lượng và phát triển kinh tế xã hội, cùng với đó việc này củng cố nền chính trị của quốc gia tránh tình trạng những thành phần phản động hoặc những tư tưởng trái với đường lối của Đảng có cơ hội được xuất hiện và gây ảnh hưởng đến bình ổn đất nước.
3. Những khó khăn trong quá trình xây dựng xã hội công dân:
Không thể phủ nhận được sự cố gắng và nỗ lực của Đảng và nhà nước ta trong quá trình xây dựng xã hội công dân. Tuy nhiên, bất kỳ một vấn đề nào vẫn luôn còn tồn tại những hạn chế. Trong quá trình hoạt động của các cơ quan nhà nước, người dân vẫn còn gặp nhiều những khó khăn để được giải quyết vấn đề một cách thấu đáo. Số lượng thư, đơn khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến cơ quan chức năng nhưng chưa được giải quyết còn chiếm tỷ lệ khá cao. Những nhận thức của người dân về cách thức chỉ đạo tổ chức thực hiện các chủ trương vẫn còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế bởi vì không phải công dân nào cũng có đủ những điều kiện để học tập nghiên cứu và áp dụng những thông tin đó vào trong thực tế. Điển hình là những công dân sinh sống và làm việc tại vùng núi còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận thông tin cũng như là cũng như là khó khăn trong hoạt động phát triển kinh tế. Chưa kể đến tình trạng tham nhũng ngày càng phức tạp và đa dạng hơn, gây nên một cái nhìn không tốt về người đại diện của nhân dân trong bộ máy chính trị Nhà nước.
Mặc dù nhà nước luôn đề ra những chính sách xã hội để hỗ trợ giảm bớt sự thiếu cân bằng chênh lệch giàu nghèo bất bình đẳng tại các vùng miền khác nhau trên tổ quốc. Tuy nhiên những chính sách này vẫn còn rất nhiều những hạn chế cần được khắc phục. Sự phát triển các lĩnh vực trong những vùng miền thiếu sự thống nhất đồng bộ. Có những chính sách xóa đói giảm nghèo nhưng trên thực tế quyền lợi vẫn chưa thực sự thuộc về nhân dân Ví dụ như những khoản tiền hỗ trợ covid vẫn bị những cá nhân có thẩm quyền ăn chặn trước khi đến tay người dân và tình trạng chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn cũng là vấn đề cần lưu ý trong khi những thành phố lớn mức sinh hoạt khá là đắt đỏ, người dân tại đây được tiếp cận với những thông tin sát với thực tiễn xã hội còn đối với những vùng nông thôn hoặc xa xôi thì cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn và bất bình đẳng có xu hướng gia tăng.
Về hệ thống pháp luật: Thời gian trở lại đây pháp luật về các tổ chức xã hội công dân nói riêng và cả hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung đã có những tiến bộ hoàn thiện đáng kể. Tuy hệ hệ thống pháp luật của nước ta còn nhiều những chồng chéo mâu thuẫn hệ thống pháp luật đa dạng về thể loại văn bản số lượng văn bản quy phạm pháp luật thì liên tục được soạn thảo và sửa đổi vì vậy người dân rất khó để nắm bắt cập nhật những thông tin văn bản quy phạm mới nhất áp dụng cho thực tiễn. Điều này cũng không thể tránh khỏi bởi vì xã hội luôn có sự chuyển động thay đổi nên pháp luật phải bám sát với thực tiễn và phải thay đổi theo thực trạng đời sống kinh tế xã hội.
Liên quan đến tính minh bạch của hệ thống pháp luật điều: thông qua việc cố gắng phổ cập đưa những văn bản quy phạm pháp luật đến với người dân. Ta có thể nhận thấy đối với Trung ương và các tỉnh thành mỗi quyết định hay nghị quyết đều được đăng tải khá đầy đủ và kịp thời trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Ngoài ra các cán bộ liên quan đến pháp luật cũng không ngừng tuyên truyền giáo dục người dân để hiểu biết hơn những quy định pháp luật nhằm xây dựng Niềm tin của công dân đối với nền pháp luật quốc gia. Tuy nhiên điều này chỉ diễn ra được một phạm vi nhỏ.