Bộ Tài chính là cơ quan thực hiện quyền quản lý nhà nước về tài chính- ngân sách của toàn quốc. Do đó, để chuyên biệt hóa nhiệm vụ của mình, Bộ Tài chính được tổ chức thành nhiều Cục, Vụ khác nhau với những nhiệm vụ khác nhau. Và Vụ Ngân sách nhà nước là một vụ thuộc Bộ Tài chính.
Mục lục bài viết
1. Vụ Ngân sách nhà nước là gì?
Tại Điều 1 Quyết định số 998/QĐ- BTC ngày 10 tháng 6 năm 2019 của Bộ Tài chính quy định về Vụ Ngân sách nhà nước quy định như sau:
“Điều 1. Vị trí và chức năng
Vụ Ngân sách nhà nước là đơn vị thuộc Bộ Tài chính, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về ngân sách nhà nước (sau đây viết tắt là NSNN) theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, có thể thấy Vụ Ngân sách nhà nước chính là một đơn vị thuộc Bộ Tài chính, là cơ quan thuộc Bộ Tài chính. Quy định này cũng đã được thể hiện ở Điều 3 Nghị định số 87/2017/NĐ- CP. Và quy định này đã quy định về nhiệm vụ chính của Vụ Ngân sách nhà nước đó chính là quản lý nhà nước về Ngân sách nhà nước.
2. Nhiệm vụ, chức năng của Vụ Ngân sách nhà nước:
Nhiệm vụ của Vụ ngân sách nhà nước thuộc Bộ Tài chính được quy định chi tiết tại Điều 2 Quyết định số 998/QĐ- BTC ngày 10 tháng 6 năm 2019 của Bộ Tài chính. Theo đó, Vụ Ngân sách nhà nước có các nhiệm vụ sau:
– Trình Bộ Tài chính các dự án, dự thảo các văn bản pháp luật và các văn bản khác về Ngân sách nhà nước; các chiến lược về ngân sách nhà nước; các dự toán ngân sách nhà nước,… Vụ Ngân sách nhà nước là cơ quan chuyên trách quản lý ngân sách nhà nước, do đó, Vụ sẽ trực tiếp xây dựng các dự thảo luật để trình lên cơ quan có thẩm quyền, cũng như các chiến lược về ngân sách.
– Tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về ngân sách nhà nước và thực hiện quyền kiểm tra, giám sát việc thực hiện đó.
– Tham gia xây dựng chính sách tài chính quốc gia chiến lược tài chính quốc gia; phối hợp xây dựng các cân đối lớn về vay, trả nợ, dư nợ công, dư nợ Chính phủ, dư nợ nước ngoài của quốc gia, cân đối các nguồn vốn đầu tư phát triển, cân đối ngoại tệ nhà nước, cân đối các quỹ trong và ngoài ngân sách; … (Khoản 3 Điều 2 Quyết định số 998/BTC)
– Xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, bằng cách tham gia các chiến lược; tham gia thực hiện với các cơ quan khác và cơ quan ở địa phương và phối hợp tham gia với các đơn vị thuộc Bộ.
– Lập kế hoạch tài chính 05 năm: hướng dẫn các tỉnh xây dựng kế hoạch; tổng hợp kế hoạch của các tỉnh; đồng thời phối hợp các các đơn vị thuộc Bộ cân đối nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
– Lập kế hoạch tài chính- ngân sách nhà nước 03 năm: hoạt động này cũng tương tự hoạt động trên, thể hiện qua việc hướng dẫn các cơ quan khác xây dựng kế hoạch- tài chính; phối hợp với các bộ về để xác định dự kiến thu- chi thường xuyên, trần bổ sung cân đối,…; phối hợp với các cơ quan khác trong việc dự kiến các chỉ tiêu kinh tế- xã hội làm cơ sở; và tổng hợp, lập kế hoạch tài chính- ngân sách nhà nước 03 năm quốc gia.
– Lập dự toán ngân sách nhà nước và phương án điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước: chủ trì trình cấp có thẩm quyền quyết định các nguyên tắc trong việc phân bổ chi thường xuyên; chi đầu tư phát triển; phối hợp xây dựng dự toán thu ngân sách; chủ trì trình cơ quan có thẩm quyền về kiểm tra chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách của các bộ; tổ chức làm việc về các tỉnh về ngân sách địa phương; chủ trì tổng hợp, lập dự toán thu, chi ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách; …
– Tổ chức điều hành dự toán ngân sách nhà nước hàng năm, trong đó thực hiện các nhiệm vụ như tổng hợp kết quả quyết định và giao dự toán ngân sách nhà nước hàng năm cho các địa phương; tổ chức điều hành ngân sách trung ương; phối hợp theo dõi, đôn đốc tập trung các khoản thu vào ngân sách nhà nước; phối hợp trong việc quản lý quỹ ngân sách nhà nước; các khoản vay trong nước, ngoài nước; ….
– Tổ chức hướng dẫn, thẩm định, tổng hợp, lập quyết toán ngân sách: phối hợp xây dựng hệ thống Mục lục ngân sách nhà nước, chỉ tiêu báo cáo thu, chi ngân sách nhà nước; phối hợp hướng dẫn các cơ quan thực hiện xử lý ngân sách cuối năm và lập quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm; phối hợp trong việc xét duyệt, thẩm định báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách của các Bộ, cơ quan ở Trung ương; tổng hợp báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách địa phương; phối hợp tổng hợp, lập, giải trình quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm;…
– Phối hợp với các đơn vị khác quản lý nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia.
– Tham gia đàm phán về vay nợ, viện trợ, các chỉ tiêu cam kết có liên quan đến tài chính; tổ chức thực hiện các dự án hợp tác nước ngoài về lĩnh vực ngân sách nhà nước;
– Thực hiện thống kê, phân tích dự báo ngân sách nhà nước; cung cấp số liệu thống kê, dự báo ngân sách cho tổ chức, cơ quan trong và ngoài nước
– Chủ trì trong việc đánh giá tình hình và kết quả thực hiện các cơ chế chính sách tài chính – ngân sách, hiệu quả chi ngân sách nhà nước, tình hình thực hiện ngân sách, đánh giá hiệu quả chi ngân sách.
– Thực hiện nhập dữ liệu trên hệ thống quản lý ngân sách (TABMIS) đối với dự toán chi ngân sách trung ương cấp 0 và cấp 0 đến cấp 1 (cả dự toán đầu năm và số bổ sung trong năm).
– Thực hiện công khai Ngân sách nhà nước
– Tham gia với các bộ, ngành về đề án tổng thể cải cách tiền lương; chủ trì xây dựng phương án nguồn để thực hiện cải cách tiền lương.
– Phối hợp, tham gia xử lý, giải quyết các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước; lĩnh vực ngân sách thuộc phạm vi quản lý của Vụ, tổng hợp, giải trình, thuyết minh, đánh giá kết quả thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về ngân sách nhà nước.
– Tổ chức thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hợp nhất văn bản, pháp điển văn bản, kiểm tra văn bản
– Tổ chức nghiên cứu khoa học hoặc hợp tác nghiên cứu khoa học
Có thể thấy nếu như nói chung chung thì Vụ Ngân sách nhà nước thực hiện chức năng chuyên biệt về quản lý nhà nước về ngân sách nhà nước. Nhưng hoạt động quản lý này được hiểu theo nghĩa rất rộng, trong mọi khía cạnh của ngân sách nhà nước; từ giai đoạn xây dựng chiến lược về ngân sách trung hạn, dài hạn hay xây dựng ngân sách hằng năm; thu, chi ngân sách, sử dụng ngân sách, đánh giá hiệu quả sử dụng ngân sách,… đều có sự chủ trì, phối hợp, tham gia thực hiện của Vụ Ngân sách nhà nước. Việc Bộ Tài chính quy định rõ ràng về nhiệm vụ của Vụ Ngân sách nhà nước thể hiện sự chuyên biệt hóa chức năng của Vụ Ngân sách nhà nước nói riêng và của các Vụ thuộc Bộ Tài chính nói chung. Cụ thể hóa chức năng của Vụ sẽ giúp dễ dàng thực hiện chức năng của Vụ một cách sâu, rộng và đầy đủ nhất. Đánh giá chung quy định về nhiệm vụ của Vụ Ngân sách nhà nước hiện nay khá đầy đủ, bao quát hết các khía cạnh của ngân sách nhà nước.
3. Cơ cấu tổ chức của Vụ Ngân sách nhà nước:
Hiện nay, đứng đầu Vụ Ngân sách nhà nước đó chính là Vụ trưởng Vụ ngân sách nhà nước. Và dưới Vụ trưởng có không quá 3 Phó Vụ trưởng. Vụ trưởng là người đứng đầu, chịu mọi trách nhiệm về hoạt động của Vụ cũng như có quyền quyết định chính về các hoạt động của Vụ. Vụ trưởng sẽ phân công các nhiệm vụ cho Phó Vụ trưởng cấp dưới của mình.
Theo quy định tại Điều 3 Quyết định số 998/BTC quy định về cơ cấu tổ chức của Vụ Ngân sách nhà nước như sau:
“Vụ Ngân sách nhà nước có các phòng:
1. Phòng Tổng dự toán.
2. Phòng Quản lý ngân sách nhà nước.
3. Phòng Dự toán ngân sách địa phương.
4. Phòng Quản lý ngân sách địa phương.
5. Phòng Phân tích, dự báo và thống kê ngân sách.
Nhiệm vụ cụ thể của các phòng do Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước quy định.
Vụ Ngân sách nhà nước làm việc theo tổ chức phòng kết hợp với chế độ chuyên viên. Đối với công việc thực hiện theo chế độ chuyên viên, Vụ trưởng phân công nhiệm vụ cho cán bộ, công chức phù hợp với chức danh, tiêu chuẩn, và năng lực chuyên môn để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao.”
Như vậy, quy định này đã thể hiện rõ cơ cấu tổ chức của Vụ sẽ bao gồm 5 phòng, làm việc đó chính là các công chức nhà nước giữ các ngạch chuyên viên theo pháp luật công chức. Các phòng sẽ được phân công với những nhiệm vụ riêng biệt, nhưng từ tên các phòng chúng ta cũng có thể hình dung sơ bộ về nhiệm vụ của từng phòng.