Vốn là một thuật ngữ được sử dụng khá phổ biến và được biểu hiện bằng tiền của toàn bộ giá trị tài sản của doanh nghiệp được sử dụng vào hoạt động kinh doanh để nhằm mục đích sinh lợi. Để các doanh nghiệp tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp cần có yếu tố vốn. Vậy vốn khả dụng là gì? Vốn khả dụng của công ty chứng khoán?
Mục lục bài viết
1. Vốn khả dụng là gì?
Vốn khả dụng được hiểu cơ bản chính là lượng dự trữ được ngân hàng ký gửi với cơ quan quản lý tiền tệ quốc gia (ngân hàng trung ương, cơ quan quản lý tiền tệ). Vốn khả dụng bao gồm: dự trữ tiền gửi, tiền gửi thanh toán liên ngân hàng và nhiều nguồn khác. Vốn khả dụng thực chất chính là chỉ tiêu đo lường mức độ thanh khoản của bảo lãnh ngân hàng và là cơ sở quan trọng để các chủ thể là những nhà quản lý quỹ của các cơ quan quản lý tiến hành nghiệp vụ thị trường mở. Vốn khả dụng của ngân hàng khi càng lớn thì hạn mức tín dụng mà ngân hàng có thể cung cấp càng lớn. Bằng cách rút hoặc bơm thêm vốn khả dụng, cơ quan quản lý tiền tệ có thể tác động đến chênh lệch cung và cầu về dự trữ ngân hàng, cũng chính bởi vì nguyên nhân đó mà buộc các ngân hàng phải điều chỉnh hành vi của mình trên thị trường. Do đó, tỷ giá chào bán liên ngân hàng cũng sẽ có thể được điều chỉnh theo quyết định của các cơ quan quản lý tiền tệ.
Như vậy, ta nhận thấy vốn khả dụng là số tiền có sẵn trong tài khoản của chủ sở hữu, được sử dụng để các chủ thể có thể rút tiền hoặc cho các mục đích khác. Loại vốn này có thể là vốn từ khoản vay thấu chi hoặc hạn mức tín dụng, cũng như số dư khả dụng từ các khoản tiền gửi hiện có và đã xử lý.
Hay ta hiểu một cách đơn giản theo những căn cứ pháp luật hiện hành thì vốn khả dụng cũng có thể là những những khoản vốn được rút từ tài khoản ký quỹ của một công ty môi giới, nơi mà các khoản vay ký quỹ vẫn chưa được giải quyết. Vốn khả dụng còn có thể là một số tiền mà một cá nhân có thể kiếm được về nhanh chóng cho một mục đích nhất định nào đó từ các nguồn như là những hạn mức tín dụng chưa được dùng đến, các khoản vay ngân hàng hay các công cụ có liên quan, hoặc cũng có thể là tài sản có khả năng thanh lý nhanh chóng. Lượng tiền này thực tế cũng có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau nhằm mục đích để có thể từ đó xác định tính thanh khoản của một cá nhân hay công ty ngay lập tức.
2. Một số quy định về vốn khả dụng của công ty chứng khoán:
Theo quy định pháp luật thì vốn khả dụng của công ty chứng khoán xác định theo quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư 91/2020/TT-BTC, cụ thể như sau:
– Vốn góp của chủ sở hữu, không bao gồm vốn cổ phần ưu đãi hoàn lại (nếu có).
– Thặng dư vốn cổ phần không bao gồm vốn cổ phần ưu đãi hoàn lại (nếu có).
– Quyền chọn chuyển đổi trái phiếu – Cấu phần vốn (đối với công ty chứng khoán có phát hành trái phiếu chuyển đổi).
– Vốn khác của chủ sở hữu.
– Chênh lệch đánh giá tài sản theo giá trị hợp lý.
– Chênh lệch tỷ giá hối đoái.
– Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ.
– Quỹ dự phòng tài chính và rủi ro nghiệp vụ.
– Quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu được trích lập phù hợp với quy định của pháp luật.
– Lợi nhuận chưa phân phối.
– Số dư dự phòng suy giảm giá trị tài sản.
– Năm mươi phần trăm (50%) phần giá trị tăng thêm của tài sản cố định được định giá lại theo quy định của pháp luật (trong trường hợp định giá tăng), hoặc trừ đi toàn bộ phần giá trị giảm đi (trong trường hợp định giá giảm).
– Các khoản giảm trừ theo quy định tại Điều 5 Thông tư 91/2020/TT-BTC.
– Các khoản tăng thêm theo quy định tại Điều 7 Thông tư 91/2020/TT-BTC.
– Vốn khác (nếu có).
Vốn khả dụng của công ty quản lý quỹ xác định theo quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư 91/2020/TT-BTC, cụ thể như sau:
– Vốn đầu tư của chủ sở hữu, không bao gồm vốn cổ phần ưu đãi hoàn lại (nếu có).
– Thặng dư vốn cổ phần không bao gồm vốn cổ phần ưu đãi hoàn lại (nếu có).
– Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ.
– Quỹ đầu tư phát triển (nếu có).
– Quỹ dự phòng tài chính và rủi ro nghiệp vụ.
– Quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu được trích lập phù hợp với quy định của pháp luật.
– Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
– Số dư dự phòng suy giảm giá trị tài sản.
– Năm mươi phần trăm (50%) phần giá trị tăng thêm của tài sản cố định được định giá lại theo quy định của pháp luật (trong trường hợp định giá tăng), hoặc trừ đi toàn bộ phần giá trị giảm đi (trong trường hợp định giá giảm).
– Chênh lệch tỷ giá hối đoái.
– Các khoản giảm trừ theo quy định tại Điều 6 Thông tư 91/2020/TT-BTC.
– Các khoản tăng thêm theo quy định tại Điều 7 Thông tư 91/2020/TT-BTC.
– Vốn khác (nếu có).
Cần chú ý các loại vốn khả dụng quy định tại cụ thể được nêu trên cần phải được điều chỉnh giảm cổ phiếu quỹ (nếu có).
3. Các khoản giảm trừ khỏi vốn khả dụng của công ty chứng khoán:
– Giá trị ký quỹ.
Trong trường hợp công ty chứng khoán có tài sản đảm bảo để ngân hàng thực hiện bảo lãnh thanh toán khi phát hành chứng quyền có bảo đảm thì giá trị giảm trừ là giá trị nhỏ nhất của các giá trị sau: giá trị bảo lãnh thanh toán của ngân hàng; giá trị tài sản đảm bảo được xác định theo quy định tại khoản 6 Điều 10 Thông tư 91/2020/TT-BTC.
– Giá trị tài sản dùng để bảo đảm cho nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khác có thời hạn còn lại trên chín mươi (90) ngày. Giá trị tài sản được xác định theo quy định tại khoản 6 Điều 10 Thông tư 91/2020/TT-BTC.
– Toàn bộ phần giá trị giảm đi của các tài sản tài chính ghi theo giá trị ghi sổ, không bao gồm chứng khoán quy định tại khoản 7 Điều 5 Thông tư 91/2020/TT-BTC, trên cơ sở chênh lệch giữa giá trị ghi sổ so với giá thị trường xác định theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 91/2020/TT-BTC.
– Các khoản giảm trừ khác xác định theo quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư 91/2020/TT-BTC như sau:
+ Các chỉ tiêu trong tài sản dài hạn, trừ các trường hợp theo quy định tại khoản 6 Điều 5 Thông tư 91/2020/TT-BTC.
+ Các chỉ tiêu trong tài sản ngắn hạn sau: Chứng khoán quy định tại khoản 7 Điều 5 Thông tư 91/2020/TT-BTC tại chỉ tiêu tài sản tài chính ngắn hạn; Các khoản trả trước; Các khoản phải thu có thời hạn thu hồi hoặc thời hạn thanh toán còn lại trên chín mươi (90) ngày; Các khoản tạm ứng có thời hạn hoàn ứng còn lại trên chín mươi (90) ngày; Các tài sản ngắn hạn khác, trừ các trường hợp theo quy định tại khoản 5 Điều 5 Thông tư 91/2020/TT-BTC.
+ Các khoản ngoại trừ, có ý kiến trái ngược hoặc từ chối đưa ra ý kiến (nếu có) trên báo cáo tài chính đã được kiểm toán, soát xét mà chưa được trừ ra khỏi vốn khả dụng theo quy định tại điểm a, b khoản này. Trường hợp tổ chức kiểm toán xác nhận là đã hết ngoại trừ thì tổ chức kinh doanh chứng khoán không phải trừ đi khoản này.
– Phần giảm trừ khỏi vốn khả dụng theo quy định tại điểm a, b khoản 4 Điều này không bao gồm các chỉ tiêu sau:
+ Các tài sản phải xác định rủi ro thị trường theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư này, trừ các chứng khoán theo quy định tại khoản 7 Điều 5 Thông tư 91/2020/TT-BTC.
+ Dự phòng suy giảm giá trị tài sản tài chính ghi nhận theo giá trị ghi sổ.
+ Dự phòng suy giảm giá trị các tài sản khác.
+ Dự phòng phải thu khó đòi.
+ Các hợp đồng, giao dịch nêu tại điểm k khoản 1 Điều 10 Thông tư 91/2020/TT-BTC.
– Khi xác định các chỉ tiêu tài sản giảm trừ khỏi vốn khả dụng quy định tại khoản 1, khoản 2, điểm a, b khoản 4 Điều 5 Thông tư 91/2020/TT-BTC, tổ chức kinh doanh chứng khoán được điều chỉnh giảm phần giá trị giảm trừ như sau:
+ Đối với tài sản dùng để bảo đảm cho nghĩa vụ của chính tổ chức kinh doanh chứng khoán, khi tính giảm trừ được giảm đi giá trị nhỏ nhất của các giá trị sau: giá trị thị trường của tài sản đó xác định theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 91/2020/TT-BTC (nếu có), giá trị sổ sách, giá trị còn lại của nghĩa vụ;
+ Đối với tài sản được bảo đảm bằng tài sản của khách hàng, khi tính giảm trừ được giảm đi giá trị nhỏ nhất của các giá trị sau: giá trị tài sản bảo đảm xác định theo quy định tại khoản 6 Điều 10 Thông tư 91/2020/TT-BTC, giá trị sổ sách.
– Các chứng khoán dưới đây trong chỉ tiêu tài sản tài chính ngắn hạn và tài sản tài chính dài hạn phải tính giảm trừ khỏi vốn khả dụng:
+ Chứng khoán phát hành bởi các tổ chức có liên quan với tổ chức kinh doanh chứng khoán trong các trường hợp dưới đây: Là công ty mẹ, công ty con của tổ chức kinh doanh chứng khoán hay là công ty con của công ty mẹ của tổ chức kinh doanh chứng khoán.
+ Chứng khoán có thời gian bị hạn chế chuyển nhượng còn lại trên chín mươi (90) ngày kể từ ngày tính toán.