Văn tự sự là gì? Yếu tố miêu tả là gì? Yếu tố biểu cảm là gì? Tác dụng của yếu tố miêu tả và yếu tố biểu cảm trong văn tự sự? Đoạn văn mẫu?
Tự sự là một dạng văn phổ biến trong chương trình học. Nhưng nếu viết một bài văn tự sự sẽ không chỉ có yếu tố tự sự vì sẽ gây nhàm chán, khô khan cho bài viết. Vì thế việc sử dụng những chi tiết có yếu tố miêu tả và biểu cảm trong văn tự sự là hết sức cần thiết.
Mục lục bài viết
1. Văn tự sự là gì?
Văn tự sự là văn kể chuyện, trình bày một chuỗi các sự việc nối tiếp và có liên hệ mật thiết với nhau. Cuối mỗi bài văn luôn là những kết thúc có ý nghĩa về một phương diện nhất định trong cuộc sống.
Mục đích chính của một bài văn tự sự là giúp người đọc hiểu rõ hơn về sự việc, sự vật, và con người đang diễn ra trong mỗi câu chuyện. Từ đó, mang đến cho họ góc nhìn chân thực hoặc bài học hữu ích.
Bố cục làm bài văn tự sự thường gồm 3 phần chính:
Mở bài: Giới thiệu sơ lược sự việc và nhân vật chính trong câu chuyện.
Thân bài: Trình bày diễn biến các sự việc diễn ra trong câu chuyện theo một trình tự liền mạch và có mối liên kết mạch lạc với nhau. Trong đó, lời kể cần đan xen cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật hoặc người kể chuyện cho bài văn tăng thêm sinh động và tự nhiên.
Kết bài: Nêu phần kết truyện và bày tỏ thái độ cũng như ý nghĩa muốn truyền đạt của người kể đến đọc giả.
2. Yếu tố miêu tả là gì?
Miêu tả là việc tái hiện sự vật, làm cho sự vật hiện lên sinh động với những chi tiết về hình dáng, kích thước, khối lượng, màu sắc, âm thanh… như nó vốn có trong cuộc sống để người đọc (người nghe) dễ hình dung hơn như được nhìn thấy, nghe thấy, ngửi thấy… đối tượng miêu tả một cách cụ thể và sinh động.
Miêu tả trong văn bản tự sự là yếu tố phụ, là phương tiện giúp cho câu chuyện diễn ra sinh động, miêu tả không phải là mục đích chính của văn bản tự sự.
3. Yếu tố biểu cảm là gì?
Biểu cảm là biểu lộ cảm xúc, tư tưởng, tình cảm, thái độ… trước một đối tượng nhất định (cảnh vật, con người, những vấn đề trong cuộc sống, những hình tượng nghệ thuật).
Biểu cảm trong văn tự sự cũng là yếu tố phụ, không phải mục đích chính chủ yếu dùng để hỗ trợ, làm tươi mới câu chuyện; tuy nhiên, yếu tố biểu cảm trong văn tự sự sẽ là phương tiện giúp cho văn bản tự sự có được chiều sâu của cảm xúc.
4. Tác dụng của yếu tố miêu tả và yếu tố biểu cảm trong văn tự sự?
Hiệu quả của yếu tố miêu tả trong văn tự sự dựa trên những tiêu chuẩn:
– Yếu tố đó có miêu tả sinh động các đối tượng (nhân vật, cảnh vật, tâm trạng…) hay không?
– Yếu tố đó có giúp cho việc kể chuyện hấp dẫn hay không?
Hiệu quả của yếu tố biểu cảm trong văn bản tự sự dựa trên những tiêu chuẩn:
– Yếu tố biểu cảm có gây xúc động, gợi suy nghĩ đối với người đọc hay không?
– Yếu tố biểu cảm đó có giúp cho việc kể chuyện thêm sinh động hay không?
Tác dụng
– Giúp cho việc kể chuyện thêm sinh động và sâu sắc hơn.
– Diễn tả một cách chi tiết, cụ thể và đậm nét những sự việc.
– Tô đậm tâm trạng, cảm xúc của tác giả.
5. Đoạn văn mẫu:
Đề bài: Viết một bài văn kể về những kỷ niệm, tình cảm của bạn đối với bố
Chắc hẳn đối với mỗi người, bố luôn là một người đàn ông vĩ đại nhất, là cả tuổi tuổi thơ của mỗi đứa trẻ, là bờ vai vững chắc nhất cho ta dựa vào và tớ cũng vậy. Bố là tất cả đối với tớ. Với tớ, thật nhiều những kỷ niệm về bố mà tớ chẳng thể quên đặc biệt là khi tớ dần lớn lên.
Hôm trước tớ có đọc được một bài chia sẻ như thế này
“Ngày hôm ấy khi tôi về đến cửa, đập vào mắt tôi là một tờ giấy báo tin buồn, mà trên tờ giấy đó là tên của bố…
Thời gian ấy tôi đang trong đợt ôn thi nước rút cho kỳ thi chuyển cấp, bố tôi bị tai nạn, nhưng mẹ bảo không có gì nghiêm trọng cả. Sau khi kết thúc kỳ thi, cô giáo đưa tôi về nhà và khi vừa bước từ xe xuống thì đập vào mắt tôi là một tờ giấy báo tin buồn, mà trên tờ giấy đó là tên của bố… Tôi đã không thể đứng vững và ngất ngay tại chỗ. Đến giờ tôi vẫn luôn day dứt một điều, đó là tôi đã không đáp lại lời chào cuối cùng của bố dành cho tôi. Trước khi tôi rời nhà chuẩn bị cho kỳ thi ấy, tôi và bố đã xảy ra mâu thuẫn nên hai bố con không nói chuyện với nhau. Tôi nhớ có một hôm bố đi làm về rất muộn và tôi ra mở cửa cho ông, bố bảo: “Chào con gái”, tôi chỉ im lặng quay vào. Tôi chẳng thể ngờ rằng đó là lần cuối tôi được nghe hai tiếng “con gái” từ bố…”
Đây là câu chuyện tớ vô tình đọc được vài hôm trước, khi ấy tớ cũng đang giận dỗi với bố. Tớ hay tự nhận mình là người chín chắn, trưởng thành, nhưng chả hiểu sao với gia đình tớ lại luôn rất trẻ con.
Hôm trước, chỉ là vô tình bố trêu tớ 1 câu rất đơn giản, nhưng tâm trạng lúc đó của tớ lại đang khá tệ làm tớ ứa nước mắt và cứ thế tắt điện thoại. Mấy ngày sau bố gọi điện tớ đều không nghe. Và chẳng biết tớ đã khóc từ lúc nào… Tớ bấm máy và gọi cho bố: “Bố ơi, lát con về nha” và thế rồi tớ xách balo, lái xe một mình về quê lúc hơn 8h tối.
Suốt dọc đường về quê, những hình ảnh về bố cứ hiện lên trong đầu tớ. Bố tớ là một người đàn ông cao gầy, với đôi mắt sáng, vầng trán cao. Bố có một thân hình cường tráng đặc biệt là một bờ vai rộng để tớ tựa vào.
Bố tớ không phải người nói quá nhiều, nhưng lại nói nhiều với tớ. Từ bé đến lớn tớ bị mẹ đánh nhiều lắm nhưng chưa từng bị bố đánh một lần nào. Bố tớ nấu ăn ngon lắm, skill nấu ăn bây giờ của tớ cũng là bố dạy tớ. Tối hè, bố và tớ hay ngồi ngoài ban công tâm sự đủ thứ trên đời, những đêm World Cup, tớ và bố thường trốn mẹ ngồi hò hét cả đêm. Thực sự tớ rất hợp bố luôn, em gái suốt ngày ghen tị, bố chỉ bênh chị thôi.
Tớ còn nhớ về những hình ảnh người bố bặm bụi sau một ngày làm việc dài. Bố tớ làm về xây dựng, nhìn thương lắm. Mà cũng tại cái nghề ấy, trong một lần làm việc, mắt bố tớ đã bị thương và kém đi rất nhiều. Và rồi đôi mắt mờ ấy đã một lần khiến bố tớ gặp tai nạn. Hôm ấy, bố đi có việc về tối, bị xe đi ngược chiều chiếu đèn pha vào mắt và rồi bố ngã… Chẳng biết qua bao lâu bố tớ tỉnh lại rồi khập khiễng về nhà, tớ sẽ chả bao giờ quên hình ảnh mặt toàn máu của bố, tớ chỉ biết khóc nấc lên, rồi hô mẹ gọi xe đưa bố đi viện đi. Bị vậy rồi, mà bố vẫn ôm tớ, bảo bố không sao. Cũng thật may lần ấy bố tớ chỉ bị nhẹ thôi. Nhưng sau lần ấy, tớ sợ máu lắm, nhìn thấy là có thể ngất luôn.
Xe cứ bon bon, tớ chợt nhận ra, tớ ngày càng trưởng thành, còn bố ngày càng già đi rồi thì phải. Chỉ vài năm trước thôi, thương tớ say xe, bố lặn lội buộc vali lên xe máy rồi đèo tớ xuống tận trọ. Những ngày đầu tớ xuống Hà Nội nhập học, nghe mẹ kể bố tớ cứ thấp thỏm, rồi gọi cho tớ nhiều lắm, hỏi “con gái ăn cơm chưa”, “thế nay ăn gì” rồi “thôi cố gắng, cuối tuần về, bố thịt gà cho ăn”…. Thế mà hôm nay, tớ đã sắp bay ra khỏi vòng tay bố rồi, tớ đi học, đi làm thật nhiều, mấy tháng mới về nhà một lần, tần suất gọi điện cho bố cũng ít đi, nhưng bố vẫn thường nhắn tin cho tớ, chỉ để đảm bảo tớ vẫn ổn… Và ngày hôm nay, tớ đã có thể tự lái xe về quê, lái xe đi học mà không cần bố đưa đón.
Mải nghĩ tớ về đến nhà lúc nào không hay. Về đến cổng đã thấy bố tớ đứng đợi, bố mắng tớ “con gái mà sao về tối thế này, nhỡ có chuyện gì thì sao”, cứ thế tớ òa lên khóc thật to, lao vào ôm bố. Bố nhoắng lên, “sao, sao, có chuyện gì à?” – “Không ạ, chỉ là con nhớ bố thôi”….
Hai ngày ở nhà nhanh quá, tớ chẳng kịp tâm sự với bố nhiều vì hình như tớ đã lớn hơn rồi thì phải, thật nhiều thứ phải làm, tớ phải cố chạy theo guồng quay công việc ngoài kia. Hôm tớ đi, sáng dậy đã thấy đùm to, đùm nhỏ bố chuẩn bị cho tớ. Bố đi ra đi vào dặn tớ “đây, túi này là gà, bố làm sạch rồi; còn túi này là hoa quả, toàn thứ con gái thích thôi đấy…” huhu chắc tớ phải chăm về nhà hơn thôi, về nhà để ở bên bố nhiều hơn, về nhà để bố được thấy tớ trưởng thành từng ngày, về nhà để được bình yên bên bố…
Kể từ ngày hôm đó, tớ chả bao giờ giận hờn với bố nữa. Tớ học cho mình cách trân trọng gia đình và mỗi giây phút ở bên bố mẹ.
Bố có lẽ là tất cả đối với tớ, dù cho có trưởng thành đến bao nhiêu, có bao nhiêu khó khăn thử thách thì bố vẫn là nơi bình yên để tớ trở về.