Hai cây phong là một đoạn trích từ tác phẩm Người thầy đầu tiên nổi tiếng của nhà văn người Cư-rơ-gư-xtan (Kyrgyzstan) Ai-ma-tôp. Trong bài viết này sẽ đưa ra một số bài văn trình bày cảm nhận của em về vẻ đẹp của hai cây phong giúp các bạn hiểu rõ hơn về nội dung của văn bản.
Mục lục bài viết
1. Dàn ý Cảm nhận về đoạn trích Hai cây phong:
Mở bài:
– Ai-ma-tốp (Aitmatov), sinh năm 1928 và mất 2008. Ông là nhà văn nước Cộng hòa Cư-rơ-gư-xtan – một nước cộng hoà ờ vùng Trung Á, thuộc Liên Xô trước đây. Các tác phẩm của ông chủ yếu là truyện ngắn nói về cuộc sống khắc nghiệt nhưng đầy lãng mạn của những người dân vùng đồi núi Cư-rơ-gư-xtan.
– Đoạn trích Hai cây phong được trích trong tác phẩm “Người thầy đầu tiên” của Ai-ma-tốp. Tác phẩm đã mang đến cho người đọc nhiều bài học quý giá về tình nghĩa thầy trò, chi tiết hai cây phong trong tác phẩm đã được miêu tả một cách tinh tế và rõ nét bằng ngòi bút đậm chất hội cọa của ông. Qua đó ta thấy hiện lên tình yêu quê hương tha thiết và tình cảm của thầy Đuy-sen đã dành cả cuộc đời mình để ươm mầm ước mơ, hi vọng cho những học trò của mình.
Thân bài:
* Phương thức biểu đạt tựu sự với ngôi kể thứ nhất:
– Tác giả dùng ngôi kể “tôi” cho thấy những chi tiết trong bài là cảm nhận chủ quan của nhân vật về hai cây phong, thể hiện được hết những giá trị tư tưởng và biểu cảm của đoạn trích.
– Ngôi kể “chúng tôi” là khi đại diện cho những đứa trẻ có cùng những kỷ niệm tươi đẹp với hai cây phong, làm cho đoạn trích thêm phần linh hoạt và sinh động hơn cả.
* Hình ảnh hai cây phong trong cảm tưởng của nhân vật chính:
– Miêu tả hai cây phong:
+ Câu giới thiệu: “Phía trên làng tôi, trên ngọn đồi, có hai cây phong lớn”
+ Hình ảnh so sánh độc đáo, sống động “chúng luôn hiện ra trước mắt giống như những ngọn hải đăng trên núi”.
– Tình cảm của nhân vật với hai cây phong:
+ Đối với tác giả, hai cây phong thật thân thuộc gần gũi.
+ Trong mắt ông dường như chúng cũng có cảm xúc, linh tính như một con người: “có tiếng nói riêng và hẳn phải có tâm hồn riêng, chan chứa những lời ca êm dịu”; “dù ngày hay đêm chúng vẫn nghiêng ngả thân cây, lay động lá cành, không ngớt tiếng rì rào theo nhiều cung bậc khác nhau”
+ Trong hai cây phong cũng ấp ủ những cảm xúc khó nói, những rung động mãnh liệt giống như một con người có linh hồn, lúc thì như làn sóng thủy triều vỗ vào bãi cát, lúc lại dịu dàng thiết tha, nồng thắm, lúc “im bặt một thoáng, “cất tiếng thở dài một lượt như thương tiếc người nào”.
+ Hai cây phong đứng đó phải gánh chịu những “bão giông, xô gãy cành, tỉa trụi lá” như những biến cố lớn trong cuộc đời con người, chịu khắc nghiệt đến thế nhưng chúng vẫn “dẻo dai và reo vù vù như một ngọn lửa bốc cháy rừng rực” => Thể hiện sức sống bền bỉ và tinh thần mạnh mẽ là nguồn động lực cho con người vượt qua mọi khó khăn trắc trở khi nhìn vào.
– Khi trưởng thành ông vẫn trân trọng những cảm nhận và những giá trị mà ông từng nghĩ về hai cây phong khi ở thuở ấu thơ.
* Ký ức về hai cây phong thuở ấu thơ với những người bạn:
– Hình ảnh hai cây phong trong mắt tác giả “như muốn chào mời chúng tôi đến với bóng râm mát rượi và tiếng lá xào xạc dịu dàng”.
– Nó mở ra trong lũ trẻ một thế giới mới rộng lớn hơn và bao la hơn với những vùng đất chưa biết tên, con sông chưa từng nghe nói, vượt ra khỏi ngôi làng bé nhỏ, thảo nguyên rộng lớn,
– Nó mở ra trong tâm hồn lũ trẻ những ước mơ, hoài bão và những khao khát khám phá vượt ra khỏi ngôi làng nhỏ bé đến với những vùng đất rộng lớn hơn,…
Kết bài:
– Đoạn trích miêu tả và cảm nhận về Hai cây phong đã đem đến cho độc giả những cảm xúc đặc biệt về tình cảm gắn bó với quê hương của những đứaa trẻ vùng núi Cư-rơ-gư-xtan thông qua hình ảnh hai cây phong độc đáo, được miêu tả với bút pháp hội họa đậm chất lãng mạn, hoài niệm.
2. Đoạn văn nêu cảm nhận về hình ảnh hai cây phong:
2.1. Đoạn văn cảm nhận về hình ảnh hai cây phong mẫu 1:
Hai cây phong là nơi chất chứa bao kỷ niệm của tuổi thơ, tuổi học trò với những trò chơi thuở nhỏ “Khi bắt đầu nghỉ hè, bọn con trai chạy ào lên đấy phá tổ chim”. Song kí ức sâu đậm trở thành điểm nhớ về hai cây phong thuở ấu thơ của nhân vật “tôi” ở đây chính là “thế giới diệu kỳ được mở ra trong tâm hồn trẻ thơ” từ tầm nhìn mà hai cây phong ấy đem lại. Trước hết, là hai cây phong là nơi để bọn trẻ trong ngôi làng đua nhau thể hiện ý chí của bản thân: “Chúng tôi cứ leo lên cao nữa – nào xem ai can đảm và khéo léo hơn ai!”. Nhưng thế giới xung quanh ngoài kia mới là điều thật sự kinh ngạc và quyến rũ bọn trẻ. Trên hai cây phong ấy, “chúng tôi” cố giương hết tầm mắt nhìn vào nơi xa thẳm xanh biêng biếc của thảo nguyên và nhìn thấy không biết bao nhiêu là vùng đất lạ mà trước đây chúng tôi chưa từng được biết đến, chúng tôi thấy cả những con sông mà trước đây chúng tôi chưa từng nghe nói. Những dòng sông ấy sáng lấp lánh tận chân trời bởi ánh nắng như những sợi chỉ bạc mỏng manh… Chúng tôi ngồi nép trên các cành cây trên hai cây phong, lặng yên lắng nghe tiếng gió và tiếng lá cây như đáp lại lời của gió, chúng tôi thì thầm to nhỏ về những miền đất bí ẩn đầy sức quyến rũ ở tận chân trời xa xăm và biêng biếc kia. Càng đọc câu truyện, ta càng cảm nhận được tinh thần muốn vượt ra khỏi ngôi làng của những đứa trẻ ở đây, càng cảm nhận được thế giới “bí ẩn đầy sức quyến rũ” của những miền đất lạ đã thu hút tâm hồn trẻ thơ, đọng lại một khoảng trong tâm hồn của nhân vật “tôi” để khi trưởng thành nỗi nhớ về ký ức tuổi thơ và hình ảnh hai cây phong lại rực lên lung linh, kỳ thú như thuở nào, khi xa quê lâu ngày lòng lại thao thức. Cuối cùng, qua những kỉ niệm này ta hiểu rằng nỗi nhớ và cảm xúc cùng thế giới tuổi thơ vẫn đọng lại nguyên vẹn trong hai cây phong ấy chính là tình yêu quê hương da diết.
2.2. Đoạn văn cảm nhận về hình ảnh hai cây phong mẫu 2:
Trong đoạn trích về hình ảnh hai cây phong, hai cây phong được miêu tả hiện lên một cách sinh động bằng ngòi bút đậm chất hội họa của tác giả. Hai cây đứng sừng sững trên đồi với dáng vóc khổng lồ với các cành cao ngất đến ngang tầm cánh chim bay, bóng râm mát rượi với dáng vẻ đung đưa như đang chào mới tất cả mọi người đến với nó. Chính dáng vẻ chào mời ấy là lí do khiến cho tác giả có nhiều kỉ niệm đối với nó, khơi nguồn cảm hứng cho người kể chuyện. Hai cây phong gắn với tình yêu quê hương da diết của tác giả và những đứa trẻ thơ ở nơi đây khiến cho người đọc cũng cảm thấy hồi tưởng và trân trọng những kỉ niệm tuổi thơ mà đôi lần chúng ta đã vội lãng quên.
Hai cây phong đối với tác giả chính là một kỷ niệm và cũng từ đó mà có rất nhiều những kỉ niệm vô cùng đẹp đẽ của tuổi học trò, dường như mỗi khi hồi tưởng tác giả như đang cảm nhận nó từng chút một và đưa người đọc cùng có cảm nhận cùng hồi tưởng lại với nhà thơ. Hai cây phong chính là nhân chứng của câu chuyện về thầy Đuy-sen và cô bé An-tư-nai đã đem hai cây phong trồng trên đồi. Khi đó, thầy đã gửi gắm những hi vọng và mơ ước cho những đứa trẻ nghèo ở vùng đất này sẽ được vươn ra khỏi ngôi làng nhỏ này, ngày càng được mở mang kiến thức và trở thành những con người có ích. Hình ảnh nhân hóa hai cây phong cũng có tiếng nói riêng êm dịu và cũng có cảm xúc riêng giống như những con người có tâm hồn với những cung bậc cảm xúc khác nhau. Hai cây phong được kể và tả nghệ thuật tài hoa của tác giả, bằng chính trí tưởng tượng và những tâm trạng đan xen của người nghệ sĩ, đã mang đến cho người đọc thật nhiều tâm trạng và cảm xúc về quê hương và những kỉ niềm thời thơ ấu.
2.3. Đoạn văn cảm nhận về hình ảnh hai cây phong mẫu 3:
Đến với đoạn trích “Hai cây phong” được trích trong tác phẩm “Người thầy đầu tiên”, người đọc sẽ cảm thấy ấn tượng với hình ảnh sinh động nổi bật lên xuyên suốt câu truyện đó là hình ảnh hai cây phong. Đây là hình ảnh đầu tiên được hiện lên trong sự hồi tưởng của nhân vật “tôi” khi nhớ về quê hương. Hai cây phong nằm ở giữa, trên đỉnh một ngọn đồi. Ai đi từ phía nào cũng đến ngôi làng này cũng đều thấy chúng xuất hiện sừng xững trước tiên, như ngọn hải đăng trên núi. Từ đó, nó trở thành dấu hiệu nhận biết của làng Ku-ku-rêu. Hai cây phong có một tiếng nói riêng, tâm hồn riêng chan chứa những lời ca êm dịu: ban ngày hay ban đêm đều rì rào với nhiều cung bậc khác nhau. Hai cây phong gắn bó với sự sống của con người: nơi bọn trẻ con trong làng mỗi dịp nghỉ hè “chạy ào lên phá tổ chim, hai cây phong khổng lồ lại nghiêng ngả đung đưa như muốn chào mời chúng tôi đến với bóng râm mát rượi và tiếng lá xào xạc dịu hiền…”. Không chỉ vậy, hai cây phong gắn với kỉ niệm về thầy Đuy-sen, người đã vun trồng hy vọng, ước mơ cho những học trò ở nơi đây. Nhân vật tôi có một tình cảm gắn bó đặc biệt với hai cây phong. Có thể thấy, hai cây phong là biểu tượng của tình yêu quê hương sâu nặng, gắn liền với những kỉ niệm tuổi thơ đẹp đẽ của nhân vật tôi.
2.4. Đoạn văn cảm nhận về hình ảnh hai cây phong mẫu 4:
Hình ảnh “hai cây phong” là một chi tiết đắt giá, đã để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng mỗi người khi đọc đoạn trích này của tác phẩm “Người thầy đầu tiên”. Hình ảnh hai cây phong hiện lên chiếm vị trí trung tâm, được nhìn thấy đầu tiên khi ai muốn đến ngôi làng Ku-ku-rêu cạnh chân núi, trên một cao nguyên rộng có những khe nước ào ào từ nhiều ngách đổ xuống. Hai cây phong trên núi như hai ngọn hải đăng, trở thành biểu tượng của ngôi làng. Hai cây phong được miêu tả có một tiếng nói riêng, có tâm hồn riêng và chan chứa những lời êm dịu của ngôi làng. Và trong kí ức của nhân vật tôi khi hồi tưởng lại, vào năm học cuối trước khi bắt đầu nghỉ hè, cậu và lũ trẻ đã có những kỉ niệm đẹp đẽ với hai cây phong này. Đặc biệt, hai cây phong còn gắn với kỉ niệm về người thầy Đuy-sen, người đã gửi gắm và đem đến niềm hy vọng, ước mơ cho những học trò của mình. Như vậy, hai cây phong là biểu tượng của tình yêu quê hương sâu nặng, gắn liền với những kỉ niệm tuổi thơ đẹp đẽ của nhân vật tôi.