Ủy thác xuất nhập khẩu là nội dung được pháp luật công nhận nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa, ở đó, họ tiền hành "trao quyền" cho đơn vị kinh doanh dịch vụ xuất nhập khẩu để đơn vị kinh doanh thực hiện các hoạt động. Cùng tìm hiểu ủy thác xuất nhập khẩu là gì? Quy trình ủy thác xuất nhập khẩu?
Mục lục bài viết
1. Ủy thác xuất nhập khẩu là gì?
Khi một doanh nghiệp có hàng hóa muốn xuất (nhập) khẩu nhưng không thể trực tiếp tham gia xuất (nhập) khẩu. Họ (bên ủy thác) sẽ tìm đến một doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa xuất nhập khẩu (bên nhận ủy thác) làm dịch vụ cho mình. Bên ủy thác sẽ trả phí ủy thác theo thỏa thuận trên hợp đồng ủy thác. Định nghĩa về ủy thác xuất nhập khẩu như sau: Ủy thác xuất nhập khẩu là hoạt động dịch vụ thương mại, cơ sở để thực hiện là hợp đồng ủy thác xuất hoặc nhập khẩu và phải phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành về ủy thác và hợp đồng ủy thác.
Các cá nhân được tự do đăng ký kinh doanh, nhiều hình thức mua bán, nhiều loại hàng hóa dịch vụ, thì ủy thác xuất nhập khẩu lại càng thể hiện được sự quan trọng. Bởi vì đây là một loại hình dịch vụ đòi hỏi tính chuyên sâu, do đó những người tham gia phải dày dạn kinh nghiệm, am hiểu thị trường, họ sẽ giúp cho chủ hàng xuất khẩu được với giá cao, thu hồi vốn nhanh hoặc nhập khẩu hàng hóa đúng chất lượng và giá cả.
Hiện nay xuất nhập khẩu ủy thác vẫn diễn ra và có chiều hướng tăng lên. Có nhiều doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả nhờ vào việc xuất nhập khẩu ủy thác. Nhưng cũng có không ít doanh nghiệp vì mục đích kiếm lời mà lợi dụng ủy thác xuất nhập khẩu để hoạt động trái pháp luật như gian lận thương mại, trốn thuế… Do đó, nếu không có những biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ đối với hoạt động này, nhất là trong lúc biến động kinh tế hiện nay, sẽ không ít kẻ làm thất thu nguồn thu cho đất nước, lũng đoạn thị trường,…
2. Các nguyên nhân làm cho việc xuất nhập khẩu ủy thác không thể thay thế được:
– Thiếu năng lực: Một số lượng lớn các doanh nghiệp chưa đăng ký mã số xuất nhập khẩu với cục hải quan, các tổ chức, cá nhân không phải là thương nhân có nhu cầu. ngoài ra, các công ty hoạt động trong lĩnh vực này còn hạn chế về nhân lực hoặc thiếu năng lực nên để giảm thiểu chi phí thì họ cũng ủy thác cho một doanh nghiệp chuyên nghiệp hơn làm thay. Thị trường thế giới phức tạp, cần cập nhật thường xuyên nên chỉ có các công ty chuyên loại hình dịch vụ này mới có thể giải quyết các tranh chấp nếu có phát sinh.
– Chiếm dụng vốn: Việc di chuyển hàng hóa giữa các quốc gia với nhau thường mất thời gian dài, bên nhận ủy quyền thường đại diện cho bên ủy quyền thanh toán cho đối tác nước ngoài trong hợp đồng nhập khẩu bằng tài khoản của mình (nếu thỏa thuận trong hợp đồng). Trong khi bên ủy thác chỉ cần bỏ ra một khoản phí rất nhỏ so với khoản tiền phải bỏ ra ngay khi trực tiếp thực hiện.
– Thiếu thị trường: Đối với người mua nhỏ và doanh nghiệp sản xuất nhỏ lẻ, họ không có kinh phí cũng như kỹ năng để tìm một đối tác ở thị trường nước ngoài, cho nên các công ty kinh doanh xuất nhập khẩu là lựa chọn tốt nhất.
Trong nền kinh tế thị trường các chủ thể tham gia đều nhằm mục tiêu lợi nhuận và ủy thác xuất nhập khẩu cũng không ngoài mục tiêu đó. Khi mới chuyển sang cơ chế mới, nhà nước đã lập ra các công ty, tổng công ty trực thuộc nhà nước có chức năng kinh doanh xuất nhập khẩu. Nhà nước quản lý bằng việc ra những quyết định doanh nghiệp nào được ủy thác xuất nhập khẩu, điều này đã tạo ra được lòng tin với các bạn hàng nước ngoài, hoạt động xuất nhập khẩu ủy thác không ngừng phát triển.
Hoạt động của uỷ thác xuất nhập khẩu song song với xuất nhập khẩu trực tiếp sẽ đem lại hiệu quả tích cực cho nền kinh tế. Vì nền kinh tế thị trường đã mang lại cho các đơn vị kinh tế quyền hoàn toàn tự chủ trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Đối với mỗi doanh nghiệp khi xuất hiện nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hoá thì vấn đề đặt ra là họ sẽ chọn xuất nhập khẩu uỷ thác hay tự mình tiến hành hoạt động xuất nhập khẩu (bằng cách đăng ký giấy phép xuất nhập khẩu trực tiếp theo quy định của luật thương mại)
3. Quy trình ủy thác xuất nhập khẩu:
3.1. Đối với ủy thác xuất khẩu:
Bên ủy thác sẽ đem mẫu mã của mặt hàng đó đến doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu (bên nhận ủy thác) có kinh nghiệm đối với mặt hàng mà mình muốn xuất, bên ủy thác sẽ viết một đơn yêu cầu ủy thác xuất khẩu hàng hóa và gửi cho bên nhận ủy thác.
Bên nhận ủy thác nếu đáp ứng được các yêu cầu cần thiết của bên ủy thác thì sẽ chào hàng cho đối tác nước ngoài. Nếu có người đặt hàng thì bên nhận ủy thác sẽ thông báo lại cho bên ủy thác. Nếu bên nước ngoài yêu cầu thay đổi một điều kiện nào đó, bên nhận ủy thác sẽ thông báo lại cho bên ủy thác để xem xét. Nếu đồng ý thì bên nhận ủy thác báo xác nhận với bên nước ngoài, nếu không đồng ý thì cũng phải thông báo lại.
Cuối cùng bên nhận ủy thác sẽ làm một văn bản chấp nhận ủy thác và gửi cho bên ủy thác. Trên cơ sở thương lượng giữa bên nhận ủy thác và ủy thác, hai bên thỏa thuận ngày giờ, địa điểm ký kết hợp đồng ủy thác xuất khẩu trong đó có các điều khoản chi tiết và cụ thể.
3.2. Đổi với ủy thác nhập khẩu:
Bên ủy thác thảo công văn yêu cầu đơn vị kinh doanh xuất nhập khẩu (bên nhận ủy thác) nhập khẩu hàng hóa đó, kèm theo là các loại giấy tờ yêu cầu về mẫu mã, thông số của hàng hóa cần nhập.
Bên nhận ủy thác nếu chấp nhận sẽ đặt hàng với bên nước ngoài. Nếu bên nước ngoài có hàng hóa đúng yêu cầu, họ sẽ gửi thông báo đồng ý kèm theo là giá, mẫu mã,…
Bên nhận ủy thác sẽ thông báo lại cho bên ủy thác, nếu bên ủy thác đồng ý, bên nhận ủy thác soạn thảo công văn chấp nhận ủy thác và gửi cho bên ủy thác một bản. Sau đó hai bên sẽ bàn bạc các điều kiện để đi đến việc ký kết hợp đồng ủy thác nhập khẩu. Đây là cơ sở pháp lý cho thỏa thuận của hai bên, đảm bảo trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ thể hợp đồng.
Cần chú ý tới hoạt động ký kết hợp đồng ủy thác xuất nhập khẩu: Sau khi ký kết với bên nước ngoài xong, công ty sẽ tiến hành ký hợp đồng ủy thác, các điều khoản trong hai bản hợp đồng có sự liên quan và ràng buộc nhau, vì vậy phải đề cập tới mọi vấn đề, tránh bỏ sót bất cứ điều khoản nào. Hợp đồng ủy thác này sẽ do bên nhận ủy thác soạn thảo bằng văn bản trên cơ sở thỏa thuận giữa hai bên. Nếu các bên không có thỏa thuận gì thêm thì thời hạn mở L/C phụ thuộc vào thời gian giao hàng. Các bên thường sử dung bộ quy tắc UCP500 hoặc UCP600 trong việc thanh toán quốc tế.
Các bên tham gia trong hợp đồng phải thực hiện nghiêm chỉnh những điều khoản trong hợp đồng. Nếu vi phạm thì sẽ tùy theo mức độ vi phạm mà xử lý theo pháp luật và quy định hiện tại. Mọi tranh chấp sẽ do các bên thương lượng để giải quyết. Nếu thương lượng không đạt kết quả thì tòa án kinh tế có thể giải quyết và phán quyết của tòa án là phán quyết cuối cùng mang tính bắt buộc.
Các hoạt động được ủy thác được nêu rõ trong hợp đồng ủy thác, trong đó có thể kể đến:
– Kiểm nghiệm và kiểm dịch hàng hóa: Khi xuất khẩu, công ty cử nhân viên xuống tận cơ sở để theo dõi và kiểm tra việc giao nhận hàng. Đây là khâu làm căn cứ cho việc giải quyết các tranh chấp sau này. Việc kiểm tra sẽ thực hiện trước khi giao hàng hay nhận hàng, các bên sẽ kiểm tra về số lượng, chất lượng, phẩm chất, trọng lượng,… Cần phải kiểm tra kỹ nhằm tránh những xung đột sau này, vì để giải quyết những vụ việc này mất rất nhiều thời gian, công sức do các bên ngăn cách nhau về địa lý, luật lệ,… Đây là khâu quan trọng, qua đó tạo dựng uy tín cho công ty. Ngoài ra còn có khâu kiểm tra tại cảng, nhưng đó chỉ là những thủ tục quốc tế cần phải hoàn thành.
– Việc này cũng được quy định khi chọn điều kiện vận chuyển hàng hóa, việc này gồm các bước:
+ Khai báo hải quan: Bên có trách nhiệm khai báo khai các chi tiết về hàng hóa, kèm theo đó là hóa đơn, phiếu đóng gói, bảng kê chi tiết.
+ Xuất trình hàng hóa: Việc kê khai phải trung thực, nếu hải quan thấy có sai sót, điều đó có thể làm cho hàng hóa không thông quan được. Hàng hóa phải sắp xếp thuận tiện cho việc kiểm soát, vì việc mở và đóng lại các kiện hàng do bên đi khai báo chịu.
+ Thực hiện các quyết định của cơ quan hải quan: Hải quan có thể cho hàng đi qua, hoặc hàng không được xuất, nhập khẩu. Doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện những quyết định đó.