Trong suốt quá trình học tập tại trường tiểu học, trung học cơ sở, người học dễ dàng tiếp cận với nhiều loại từ, trong đó có từ láy, mảng từ vựng thể hiện rõ nhất đóng góp của hình thức ngữ âm tiếng Việt trong việc biểu lộ tư tưởng tình cảm của người sử dụng ngôn ngữ. Cùng tìm hiểu từ láy dưới đây:
Mục lục bài viết
1. Từ láy là gì?
Láy là một phương thức cấu tạo từ quan trọng của tiếng Việt. Nói đến từ láy là nói đến một lớp từ có giá trị đặc biệt bởi khả năng gợi tả, gợi cảm, tạo âm thanh hình ảnh cao của nó.
Xung quanh vấn đề về từ láy tiếng Việt có rất nhiều công trình nghiên cứu đề cập đến từ láy và hiện tượng láy, các đặc trưng của của từ láy như: đặc điểm cấu tạo, đặc trưng ý nghĩa, giá trị gợi tả âm thanh, hình ảnh, giá trị biểu cảm… Những kết quả đạt được cho thấy sự khám phá về hiện tượng láy trong tiếng Việt là hết sức khả quan. Tuy nhiên bên cạnh kết quả đó còn tồn tại không ít vấn đề còn đang được bàn cãi, tranh luận do còn có nhiều ý kiến khác nhau giữa các nhà nghiên cứu. Ngay trong khái niệm về từ láy cũng đã tồn tại nhiều tên gọi khác nhau: từ phản điệp (Đỗ Hữu Châu, 1962); từ lắp láy (Hồ Lê, 1976); từ lấp láy Nguyễn Nguyên Trứ, 1970); Từ láy âm (Nguyễn Tài Cẩn,1975; Nguyễn Văn Tu, 1976); từ láý (Đào Thản, 1970; Hoàng Văn Hành, 1979, 1985; Nguyễn Thiện Giáp, 1985; Đỗ Hữu Châu, 1986; Diệp Quang Ban, 1989).
khái niệm từ láy được tiếp cận và được nhiều học giả đưa ra, tuy nhiên, để dễ dàng hiểu và nắm bắt nhất, Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) định nghĩa đơn giản là “từ song tiết trong đó một âm tiết có hình thức là láy âm của âm tiết kia”, Tuy nhiên, sự phân loại từ láy lại không thật đơn giản. Thông thường, người ta chia thành láy bộ phận và láy hoàn toàn, nhưng theo Trương Thị Nhàn (trong bài viết “Bàn thêm về vấn đề nhận diện từ láy tiếng Việt”) trong trường hợp láy hoàn toàn cần loại trừ những trường hợp là từ đơn đa âm (như chích choè, ba ba, thuồng luồng…) và những trường hợp là từ ghép hợp nghĩa mà một bộ phận trong đó đã bị mờ nghĩa (chim chóc, hỏi han, chùa chiền…)…
2. Đặc điểm của từ láy:
– Về cấu tạo: Từ láy được cấu tạo theo phương thức láy. Biểu đồ của phương thức láy là: Hình vị A -> Hình vị AA’
(A’ có thể lặp lại hoàn toàn về ngữ âm hoặc một bộ phận ngữ âm của A và ta có AA’ là từ láy).
Từ láy tiếng Việt khi căn cứ vào số lượng âm tiết, các nhà nghiên cứu thường phân chia thành từ láy đôi: vui vui, cỏn con, nhỏ nhắn, xinh xắn, lom khom, lừng khừng, lờ phờ…; từ láy ba: dửng dừng dưng, cỏn còn con…; từ láy tư: đỏng đà đỏng đảnh, ẽo à ẽo ợt, thậm thà (thì) thậm thụt…
– Về ý nghĩa: Từ láy có ý nghĩa đột biến hoặc ý nghĩa sắc thái hóa. Ý nghĩa đột biến của từ láy là loại ý nghĩa khác biệt hẳn với ý nghĩa của hình vị cơ sở tạo nên từ láy. Ý nhĩa sắc thái hóa của từ láy có thể tạo nên sự gia tăng ý nghĩa so với hình vị cơ sở khi hình vị láy ở trước có thanh trắc thì cường độ của tính chất tăng lên như: sạch sẽ có mức độ khái quát, cao hơn sạch; sạch sành sanh có nghĩa “[mất, hết] sạch hoàn toàn, không còn sót lại tí gì [cái mà trước đó vốn rất nhiều].
Từ láy trong Tiếng anh là: “Alliterative Expression“.
3. Tác dụng của từ láy:
Từ có một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo nên các tác phẩm văn học nghệ thuật, bởi nó là đơn vị chất liệu cơ bản của ngôn ngữ dùng để tạo ra các thông điệp.
Từ láy là loại từ đặc biệt mang trong mình những đặc trưng riêng biệt có tính chất loại hình của tiếng Việt. Đây là một hiện tượng đặc trưng cho loại hình ngôn ngữ đơn lập, phân tích tính, không phải ngôn ngữ nào cũng có. Chính các phương thức láy ở các ngôn ngữ này đã giúp cho từ láy có sức phái sinh cao và lực cấu tạo mạnh.Từ đó có thể nói từ láy là một sự hòa phối ngữ âm giữa các yếu tố tương ứng của các âm tiết và có tác dụng biểu trưng hóa. Vì thế nội dung ngôn ngữ chứa đựng trong mỗi từ láy, bên cạnh những đặc điểm vốn có như những từ khác, còn có những đặc điểm rất riêng. Thêm vào đó, nhìn từ góc độ sử dụng, từ láy có ba giá trị: giá trị gợi tả, giá trị biểu cảm và giá trị phong cách.
– Giá trị gợi tả làm cho người đọc, người nghe cảm thụ và hình dung được một cách cụ thể tinh tế sống động như âm thanh, hình ảnh, màu sắc của sự vật mà từ đó biểu thị. Giá trị tượng thanh của từ láy có khả năng mô phỏng hay miêu tả những âm thanh trong tự nhiên và giọng nói con người một cách tinh tế và hài hoà.
– Giá trị biểu cảm là khả năng biểu đạt thái độ cảnh tỉnh, tình cảm của người nói đối với sự vật hiện tượng.
– Giá trị phong cách của từ láy là khả năng sử dụng từ láy trong nhiều phong cách khác nhau. Đối với mỗi phong cách cụ thể từ láy cũng thể hiện khả năng riêng của mình. Chẳng hạn, đối với phong cách nghệ thuật, từ láy được sử dụng rất phong phú và đa dạng. Mỗi từ láy được ví như là một “nốt nhạc “trong bản nhạc âm thanh, chứa đựng trong mình một bức tranh cụ thể của các giác quan từ thị giác, thính giác, xúc giác, vị giác cho đến khứu giác. Cho nên từ láy là công cụ tạo hình đắc lực của nghệ thuật văn học nhất là thi ca.
Láy là một phương thức cấu tạo từ quan trọng của tiếng Việt. Trong hệ thống từ vựng tiếng Việt từ láy chiếm một số lượng phong phú. Mấy thập kỷ qua, từ láy tiếng Việt luôn là vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước bởi tính đa diện, phức tạp nhưng cũng đầy lý thú của nó. Đối với các sáng tác văn chương thì sự tồn tại của từ láy có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi giá trị tượng thanh, tượng hình, cũng như giá trị biểu cảm rõ rệt mà nó tạo ra. Vì vậy khi nói về tác dụng của từ láy Đỗ Hữu Châu có nhận định “Mỗi từ láy là một nốt nhạc về âm thanh chứa đựng trong mình một bức tranh cụ thể của các giác quan: thị giác, thính giác, xúc giác, khứu giác… làm theo những ấn tượng chủ quan, những cách đánh giá, những thái độ của người nói trước sự vật, hiện tượng đủ sức thông qua các giác quan hướng nội và hướng ngoại của người nghe mà tác động mạnh mẽ đến họ…”. Có thể nói từ láy là một công cụ đặc biệt của các nhà văn, nhà thơ trong quá trình sáng tác.
4. Phân biệt từ láy với từ ghép:
Khái niệm về từ láy hiện nay do chưa có sự thống nhất giữa các nhà nghiên cứu ngôn ngữ nên việc xác định từ láy đôi khi cũng gặp những khó khăn. Có một số lượng không nhiều những từ mà khi xác định loại từ đó thuộc lớp từ nào thì có người lại xếp vào lớp từ láy, có người lại xếp vào từ ghép, có người lại cho đó là lớp từ trung gian. Những ý kiến đó được trình bày qua một số công trình nghiên cứu của một số tác giả. Ở đây, tôi chỉ đi vào xem xét những trường hợp mà ranh giới giữa từ láy và từ ghép khó xác định chứ không phải đi vào phân biệt hai lớp từ cơ bản của Tiếng Việt là từ láy và từ ghép. Từ láy và từ ghép là sản phẩm của hai cơ chế cấu tạo từ khác nhau. Từ láy là sản phẩm của cơ chế láy, từ ghép là sản phẩm của cơ chế ghép.
Chóc = chim (chim chóc) – Trong tiếng Tày, chóc là con chim sẻ
Han = hỏi (hỏi han)
Những yếu tố mất nghĩa ngày nay lại là những từ có nghĩa, được dùng trong Tiếng Việt từ thế kỷ XIX trở về trước nên tác giả xếp vào từ ghép đẳng lập. Tác giả Nguyễn Đức Dương coi những trường hợp : • người người, đo đỏ, đèm đẹp,….. là kiểu láy nghĩa là những tổ hợp vốn láy cả nghĩa lẫn âm • bập bùng, đỏ đắn,… là tổ hợp ghép nghĩa • bơ vơ, tôm tép, ba ba,… là hiện tượng láy ngẫu nhiên • cào cào, châu chấu, se sẻ, đom đóm,… là tổ hợp láy dùng để gọi tên những sự vật, loài vật. Tác giả viết : “ Để phân tích nghĩa của các tổ hợp kiểu đỏ đắn, bập bùng, … chúng ta hãy xét chúng ở mặt hình thái học trước. Kiểu tổ hợp này lâu nay vẫn được xếp vào loại “láy”. Nhưng thực ra tính chất của phương thức ghép thể hiện đâm hơn nhiều.” Xu thế chuyển đổi từ kiểu ghép nghĩa sang kiểu láy âm, hiện nay vẫn đang tiếp tục diễn ra nhất là trong những kiểu ghép gồm hai thành tố đẳng lập. Việc cùng một số từ giống nhau được xếp vào các loại lớp từ khác nhau đó là do cách nhìn, cách xem xét những từ đó dưới những bình diện khác nhau: về nguồn gốc của từ hay sự phát triển của từ trong sự phát triển chung của ngôn ngữ. Xác định từ láy trên diện đồng đại tức là trừ một số lượng ít ỏi các từ gồm hai tiếng có nghĩa nên đưa về từ ghép. Các từ còn lại, tức các từ mà cả hai tiếng vô nghĩa hoặc chỉ có một tiếng có nghĩa đều nên coi là từ láy chân chính xét cả về nội dung ý nghĩa lẫn cấu tạo hình thức của từ.