Hiện nay, các phụ huynh thường có xu hướng cho con em theo học các hệ thống trường tư thục bởi những ưu việt và chường trình đào tạo học tập đa dạng. Vậy trường tư thục được hiểu như thế nào cũng như có khác gì với trường dân lập? Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây:
Mục lục bài viết
1. Trường tư thục là gì?
Trường tư thục do cá nhân hoặc một nhóm cá nhân đầu tư trực tiếp vốn cho cơ sở vật chất của trường, thực hiện điều hành các hoạt động trong trường và sẽ phải chịu trách nhiệm về những vấn đề pháp lý với cơ quan Nhà nước. Nguồn kinh phí của hệ thống trường tư thục không liên quan đến ngân sách Nhà nước.
Mục đích hoạt động của trường tư thục có thể hoạt động không vì lợi nhuận là trường mà nhà đầu tư cam kết và thực hiện cam kết hoạt động không vì lợi nhuận, được ghi trong quyết định thành lập hoặc quyết định chuyển đổi loại hình trường; hoạt động không vì lợi nhuận, không rút vốn, không hưởng lợi tức; phần lợi nhuận tích lũy hằng năm thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia để tiếp tục đầu tư phát triển nhà trường. Trường tư nhân sẽ không phải chịu sự quản lý bởi chính quyền hay cơ quan địa phương.
2. Đặc điểm của trường tư thục:
– Chủ thể thành lập:
Khác với trường công lập do Nhà nước thành lập và đầu tư kinh phí hoạt động. Còn đối với trường tư nhân là do một cá nhân hay nhóm cá nhân thành lập trên cơ sở được cho phép thành lập và đầu tư bởi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
– Cơ sở vật chất:
Hệ thống cơ sở vật chất của trường tư thục sẽ rất hiện đại và khang trang, sạch sẽ và đầy đủ trang thiết bị trong cơ sở giáo dục, thậm chí có những hệ thống trường sẽ được đầu tư theo mô hình nước ngoài.
Vì bản chất nguồn kinh phí của các trường tư thục là xuất phát tự chủ và tự chi, do nhà đầu tư bỏ ra hay từ nguồn đóng học phí của học sinh, sinh viên, do đó nhà trường hoàn toàn có quyền tự quyết trong việc thay đổi hoặc sửa chữa các trang thiết bị một cách nhanh chóng, kịp thời để phục vụ công tác dạy và học của nhà trường.
– Về chương trình học:
Thực tế, hệ thống chương trình đào tạo của trường tư thục thường đa dạng và thực tế hơn so với hệ thống đào tạo của trường công lập. Các trường tư thục nhằm thu hút học sinh, sinh viên nên sẽ tập trung vào chương trình đào tạo có liên kết với chương trình đào tạo nước ngoài. Và khi học tại các trường tư thục, học sinh, sinh viên sẽ được tập trung vào việc thực hành hơn so với việc học lý thuyết. Đồng thời, học sinh, sinh viên sẽ được tham gia các chương trình ngoại khóa thường xuyên để rèn luyện kinh nghiệm thực tế cũng như tích lũy dạn dày trong giao tiếp.
– Quy mô số lượng học sinh trong lớp:
Trong các trường tư thục, mỗi lớp sẽ có số lượng học sinh nhất định và thường sẽ ít học sinh để đảm bảo cho việc tương tác với giáo viên được tốt hơn; đồng thời giáo viên cũng sẽ sát sao với các học sinh nhiều hơn, đảm bảo cho việc trao đổi kiến thức được tiếp thu một cách hiệu quả nhất.
– Giáo viên có trình độ cao:
Các giáo viên tại trường tư thục thường sẽ phải trải qua các kỳ phỏng vấn nghiêm ngặt, dạy học thực tế. Trong suốt quá trình giảng dạy, giáo viên sẽ được tham gia vào các khóa đào tạo chuyên môn, cập nhật các phương pháp dạy học sáng tạo, hiện đại có liên kết với chương trình đào tạo nước ngoài.
– Mức đóng học phí:
Trường tư thục không được hỗ trợ từ nguồn Ngân sách Nhà nước, nguồn thu chính xuất phát từ học phí của học sinh, sinh viên hay từ nguồn đầu tư của các nhà đầu tư. Cũng chính vì lý do đó, việc thu học phí của học sinh, sinh viên tại trường tư thục cũng cao hơn bình thường so với hệ thống trường công lập.
Theo quy định của Luật giáo dục 2019 quy định cơ sở giáo dục tư thục sẽ được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí và các dịch vụ khác bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý; chịu trách nhiệm công khai chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo và mức thu theo cam kết trong đề án thành lập trường, công khai cho từng khóa học, cấp học, năm học theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, song song với việc nộp mức phí cao khi học tập thì học sinh, sinh viên cũng sẽ nhận được những chế độ hay môi trường học tập một cách tốt nhất.
– Cơ hội về việc làm:
Khi học trong môi trường tư thục, học sinh, sinh viên sẽ dễ được tiếp cận với chương trình đào tạo nước ngoài, do đó rất có lợi trong việc tìm kiếm việc làm với mức lương cao tại các công ty, doanh nghiệp nước ngoài. Hoặc với những ai có định hướng sau này đi du học thì cũng sẽ dễ dàng hơn khi ban đầu đã được tiếp xúc với môi trường học có liên kết đào tạo nước ngoài.
3. Phân biệt giữa trường dân lập và tư thục?
Các tiêu chí | Trường dân lập | Trường tư thục |
Chủ thể thành lập | Cộng đồng dân cư ở cơ sở gồm tổ chức và cá nhân tại thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc, xã, phường, thị trấn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm điều kiện hoạt động. | Do một cá nhân hay nhóm cá nhân thành lập trên cơ sở được cho phép thành lập và đầu tư bởi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. |
Mục tiêu hoạt động | Hoạt động vì lợi nhuận. | Hoạt động vì lợi nhuận. Tuy nhiên, cũng có những trường tư thục xây dựng nên, các nhà đầu tư cam kết không vì lợi nhuận và điều này sẽ được ghi trong quyết định thành lập hay quyết định chuyển đổi loại hình trường học. |
Phạm vi áp dụng | hệ thống trường dân lập chỉ áp dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non. | Áp dụng với tất cả các cơ sở giáo dục. |
Thẩm quyền thành lập | Do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập. | Do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quyết định tùy cơ sở giáo dục thành lập mà thẩm quyền có thể thuộc. |
Hội đồng trường | – là tổ chức thực hiện quyền đại diện sở hữu của nhà trường do cộng đồng dân cư thành lập trường đề cử; chịu trách nhiệm quyết định phương hướng hoạt động, quy hoạch, kế hoạch phát triển, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản, bảo đảm thực hiện mục tiêu giáo dục, phù hợp với quy định của pháp luật. – hội đồng trường gồm đại diện cộng đồng dân cư, đại diện chính quyền địa phương cấp xã và người góp vốn xây dựng, duy trì hoạt động của nhà trường. | – là tổ chức quản trị nhà trường, thực hiện quyền đại diện cho nhà đầu tư và các bên có lợi ích liên quan, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện quyết định của nhà đầu tư. – hội đồng trường của trường tư thục do nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư gồm đại diện nhà đầu tư, thành viên trong và ngoài trường do hội nghị nhà đầu tư bầu, quyết định theo tỷ lệ vốn góp. – thành phần của hội đồng trường của trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận do nhà đầu tư trong nước đầu tư gồm đại diện nhà đầu tư do các nhà đầu tư bầu, quyết định theo tỷ lệ vốn góp; thành viên trong và ngoài trường. |
4. Có nên cho con em học tại trường tư thục không?
Như trên phân tích, mỗi trường sẽ có những đặc điểm riêng và những ưu khuyết điểm riêng. Việc cân nhắc cho con em mình học tại trường nào sẽ phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tài chính, kinh phí trong gia đình như thế nào? Đam mê, mong muốn của con cái mình ra sao?…
Do vậy, nếu như gia đình có điều kiện về mặt tài chính tốt thì có thể lựa chọn môi trường học tư thục bởi hệ thống trường tư thục sẽ chú trọng vào cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ. Có đầy đủ các phòng học chức năng, nhà thi đấu, canteen, thư viện, phòng thí nghiệm,…tất cả đều được xây dựng dựa theo tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời số lượng học sinh trong mỗi lớp học ít, giáo viên có thể theo sát từng học sinh; bên cạnh đó chương trình đào tạo đa dạng có các loại chương trình như nâng cao, song ngữ, hay chương trình quốc tế,…
Bên cạnh đó, học sinh sẽ được chú trọng việc đào tạo cũng như nâng cao khả năng tiếng Anh; các hoạt động ngoại kháo, chương trình kỹ năng hay các hoạt động nghệ thuật nhằm đảm bảo cho các học sinh phát triển toàn diện về cả kiến thức cũng như các kỹ năng mềm.
Do vậy, các tiêu chí trên cũng đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của các phụ huynh học sinh và giúp cho các bậc cha, mẹ yên tâm hơn khi cho con theo học các trường trong hệ thống tư thục.