Trong quá trình phát triển của con người, nhân cách và trí tuệ sẽ dần dần được hình thành theo thời gian và qua những sự kiện trong cuộc đời. Hiện nay, vẫn chưa có một nhận định nào rõ ràng để định nghĩa một cách cụ thể về nhân cách và trí tuệ. Cùng bài viết dưới đây tìm hiểu về trí tuệ:
Mục lục bài viết
1. Trí tuệ là gì?
Theo từ điển tiếng Việt, trí tuệ có nghĩa là phần suy nghĩ, tư duy của con người, bao gồm những khả năng tưởng tượng, ghi nhớ, phê phán, lý luận, thu nhận tri thức… có thể tiến lên tới phát minh khoa học, sáng tạo nghệ thuật. Có thể hiểu, trí tuệ là khả năng suy nghĩ và hành động sử dụng kiến thức, kinh nghiệm, sự hiểu biết, ý thức chung và cái nhìn sâu sắc, là kết quả của quá trình trao đổi hoạt động tri thức dựa trên nền tảng của lý trí. Tuy nhiên, trí tuệ hoàn toàn không được nhận định theo bằng cấp mà trí tuệ được thể hiện qua tư duy sáng tạo của con người, và nó mang nhiều cấp độ khác nhau. Trước đây, con người đã từng cho rằng tri thức rất quan trọng, nhưng cho đến nay, tri thức không thể so với trí tuệ. Vì suy cho cùng, tri thức chỉ là nền tảng sơ khai ban đầu để rèn luyện trí tuệ mà thôi.
Trong từ điển tiếng Anh, trí tuệ được định nghĩa là khả năng, năng lực phán đoán đúng đắn các vấn đề liên quan đến cuộc sống, hành vi từ đó đưa ra những lựa chọn phù hợp có mục đích. Thậm chí, đó có thể là vấn đề khai sáng, uyên bác, học hỏi.
Một người có trí tuệ sẽ được hiểu như thế nào? Người có trí tuệ là người có thể quan sát mọi sự vật, sự việc đang diễn ra một cách rõ ràng, chính xác về bản chất, hình thức cũng như các tính chất khác của các sự việc, sự vật tại từng thời điểm cụ thể diễn ra trong cuộc sống. Họ là người biết rõ những giá trị sẽ đem lại lợi ích cho bản thân mình. Và đương nhiên, họ cũng biết rõ việc để có được những giá trị này thì phải đánh đổi cụ thể những gì, ví dụ như thời gian, vật chất hay tinh thần… Để giữ được sự sáng suốt để quan sát và đánh giá mọi vật, mọi việc một cách khách quan chính xác nhằm đưa ra những quyết định và hành động đúng đắn thì người có trí tuệ phải là người luôn giữ được sự bình tâm tự nhiên.
Từ đó, có thể hiểu người có trí tuệ theo một cách thông thường nhất rằng họ là người có tư tưởng đúng, tư duy đúng và sử dụng nguồn lực đúng.
2. Vai trò của trí tuệ:
Từ những định nghĩa nêu trên, chúng ta có thể có những nhận thức về trí tuệ và có thể biết được vai trò của trí tuệ khá quan trọng đối với đời sống của con người. Trí tuệ giúp con người có những quyết định và hành động đúng đắn. Mà những quyết định và hành động đó xuất phát từ tư tưởng, tư duy của con người. Để có thể có được những điều này, con người phải trải qua quá trình học hỏi và tích luỹ. Khi có được những quyết định đúng đắn, con người có thể có cơ hội sớm tìm ra giá trị đích thực mà bản thân thực sự cần.
Nói một cách khác, những giá trị mà con người theo đuổi được hình thành từ những quyết định của họ. Không những thế, một quyết định đúng được đưa ra có thể giúp con đường phát triển của người đó tiến xa hơn, và họ có thể đạt được những mục tiêu mà mình mong muốn. Đi từ quyết định đúng dẫn đến việc hành động đúng. Khi hành động đúng, con người sẽ có kinh nghiệm nhiều hơn và có được những thành quả xứng đáng với giá trị hao phí sức lực mà họ bỏ ra. Một người có trí tuệ sẽ không chỉ dừng lại ở mức khá được định nghĩa trong thực tế mà trí tuệ có thể giúp họ phát triển, hoàn thiện đến mức xuất sắc.
Ở đây không nhằm so sánh với bất kỳ ai vì hiện nay vẫn chưa có một cột mốc chính xác nào định lượng về trí tuệ, không ai nhận định được rằng người này có trí tuệ cao hơn người kia. Cốt lõi là việc chính bản thân chúng ta khi tiếp thu kiến thức hình thành trí tuệ sẽ tốt hơn chúng ta của trước kia. Đó là một vai trò to lớn của trí tuệ.
3. Quan điểm của đạo Phật về trí tuệ:
Trên đây là những định nghĩa về trí tuệ thông thường, nhưng riêng đối với đạo Phật, trí tuệ sẽ có ý nghĩa riêng. Trong đạo Phật, trí tuệ là trí huệ vì cùng một chữ Hán có thể đọc là huệ hoặc tuệ. Theo đó, có thể hiểu Phật dạy về trí tuệ như sau: trí tuệ của đạo Phật không chỉ nhờ sự học tập, tích luỹ kiến thức trong đời sống hằng ngày mà có được.
Phật giáo đặt trọng tâm vào sự thành tựu trí tuệ, tức là sự chứng ngộ chân lý của vạn pháp, nhờ vào kiến thức và tư duy đó ứng dụng vào việc chuyển hoá thân tâm. Và hơn hết, khi nhắc đến đạo Phật không thể không nhắc đến Luật Nhân quả. Đối với trí tuệ theo quan điểm của đạo Phật cũng thế. Đức Phật có dạy, phải giữ tâm khiêm, xem mình là tầm thường nhỏ bé, biết tích luỵ học hỏi và luôn lắng nghe, tôn trọng mọi người.
Dẫu biết trong quá trình tích luỹ sẽ giúp chúng ta phát triển và tốt hơn nhưng Phật dạy rằng dù giỏi nhưng không được kiêu ngạo vì kiến thức của chúng ta chỉ là hạt bụi giữa sa mạc. Cụ thể hơn về Luật Nhân quả đối với trí tuệ, ngoài việc siêng năng học tập, chúng ta cần phải làm phước để tạo công đức. Khi công đức đủ lớn, “nhân” tạo đủ nhiều thì “quả” sẽ là sự may mắn và trí tuệ sẽ ngày càng được tích luỹ nhiều hơn. Đó là những gì mà Đức Phật đã giảng dạy cho các phật tử. Ngoài ra, trong các kinh phật lưu truyền từ nhiều thời đại sẽ có những cách hiểu về trí tuệ khác nữa vì được dịch từ tiếng Hán qua tiếng Việt nên ngữ nghĩa sẽ khác đi. Tuy nhiên, những điểm khác biệt vẫn không đáng kể vì chung quy lại Đức Phật cũng chỉ nói về trí tuệ với những điều cơ bản trên.
Ngoài những định nghĩa nêu trên và quan điểm của đạo Phật về trí tuệ, liên quan đến vấn đề trí tuệ trong thời đại hiện nay và liên quan đến pháp luật học phải kể đến vấn đề sở hữu trí tuệ. Việt Nam có những quy định riêng về sở hữu trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ như sau:
4. Sở hữu trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ:
Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2019 quy định về quyền sở hữu trí tuệ là quyền của các tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, cụ thể là quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng tại khoản 1 Điều 4.
Các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ được quy định cụ thể tại Điều 3 của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2019 bao gồm:
– Đối tượng quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.
– Đối tượng quyền sở hữu công nghiệp bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý.
– Đối tượng quyền đối với giống cây trồng là vật liệu nhân giống và vật liệu thu hoạch.
Như vậy, trí tuệ được xem là một dạng tài sản do cá nhân hay tổ chức phát minh ra nhằm tạo ra những giá trị vật chất hoặc tinh thần mang lại lợi ích cho con người nói riêng và xã hội nói chung.
Trí tuệ ngày càng nâng cao thì con đường thành công và phát triển cũng được xây dựng nhanh hơn.
Đối với chủ thể quyền sở hữu trí tuệ
Đây là kết quả của quá trình nghiên cứu, sáng tạo, đầu tư công sức và tiền bạc của cá nhâ, tổ chức để tạo ra một công trình riêng cho họ. Và việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của nhà nước giúp tạo động lực và khuyến khích nhằm thúc đẩy cá nhân hay tổ chức ngày càng nâng cao kỹ thuật, nâng cao trình độ để họ tạo ra được nhiều sản phẩm, công trình mang lại lợi ích cho xã hội.
Đối với chủ thể sản xuất, kinh doanh
Bất kì một một chủ thể kinh doanh hay sản xuất ở một lĩnh vực hoặc dịch vụ nào, thì chắc chắn rằng họ đang sử dụng quyền sở hữu trí tuệ ở trong đó. Do đó, việc xem xét và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của Doanh nghiệp là điều cần thiết để việc sản xuất kinh doanh đạt được hiệu quả cao nhất.
Song, nếu một Doanh nghiệp nào đó đang sử dụng quyền sở hữu trí tuệ của người khác, cần phải xem xét việc mua sản phẩm, công trình đó hoặc có thể nhận được quyền sử dụng các quyền đó thông qua ký kết hợp đông chuyển giao việc sử dụng để tránh sau này xảy ra những tranh chấp không đáng có.
Do đó, khi gặp phải trường hợp trên cần phải xem xét kĩ lưỡng để đưa ra phương án tốt nhất để có thể sử dụng quyền sở hữu trí tuệ nhằm phục vụ cho mục đích của cá nhân, tổ chức kinh doanh.
Đối với người tiêu dùng
Việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả sẽ mang đến cho người tiêu dùng có nhiều cơ hội chọn lựa và sử dụng sản phẩm hay dịch vụ đáp ứng được nhu cầu, mong muốn của họ.
Ngoài ra, bảo về quyền sở hữu trí tuệ cũng giúp một phần nào đó giảm thiểu những hành vi vi phạm về sở hữu trí tuệ hoặc tạo ra các mặt hàng kém chất lượng, hơn thế nữa là các hành vi cạnh tranh không lành mạnh nhằm chiếm lĩnh thị trường hàng hóa, dịch vụ.
Đối với nhà nước
Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ sẽ tạo ra một môi trường, thị trường trường cạnh tranh lành mạnh và cũng là động lực để cá nhân, tổ chức ngày càng phát triển hơn về lĩnh vực kinh doanh của mình, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút các nguồn đầu tư trong và ngoài nước. Do đó, sở hữu trí tuệ được coi là một công cụ hỗ trợ đắc lực để phát triển kinh tế cho đất nước.