Trách nhiệm vật chất trong quan hệ lao động là gì? Nội dung và ví dụ về trách nhiệm vật chất trong quan hệ lao động? Đặc điểm của trách nhiệm vật chất trong quan hệ lao động? Căn cứ áp dụng trách nhiệm vật chất?
Hiện nay như chúng ta thấy khái niệm quan hệ lao động đã rất quen thuộc với chúng ta, quan hệ này gồm bên sử dụng lao động và bên lao động, theo đó trong hợp đồng lao động có quyền và nghĩa vụ của cả hai bên, trong đó chúng ta phải kể đến những quy định để người lao động có thê thực hiện trách nhiệm của mình khi có vi phạm đó là trach nhiệm vật chất.
Mục lục bài viết
1. Trách nhiệm vật chất trong quan hệ lao động là gì?
Khi nhắc tới trách nhiệm vật chất chúng ta thường hiểu đây là trách nhiệm bồi thường của người lao động khi làm thiệt hại về tài sản do hành vi vi phạm kỷ luật lao động hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm trong quá trình thực hiện nghĩa vụ lao động đã gây ra theo quy định của pháp luật Lao động. Theo đó, chỉ áp dụng trách nhiệm vật chất đối với đối tượng người lao động, việc này không chỉ nhằm đảm bải quyền sở hữu của người sử dụng lao động mà còn góp phần vào việc đảm bảo và tăng cường kỉ luật trong các đơn vị sử dụng lao động.Ngoài ra việc này còn giúp nâng cao ý thức bảo quản cơ sở vật chất, trang thiết bị trong quá trình công tác của người lao động, buộc người lao động phải tuân thủ các quy định về kỉ luật lao động mà người sử dụng lao động đã đề ra từ trước đó.
Tuy nhiên trên thực tế thì không phải tất cả các quốc gia đều có điều khoản quy định về trách nhiệm vật chất trong lĩnh vực lao động. Nguyên nhân dẫn đến trách nhiệm vật chất là do người lao động mắc những lỗi về làm mất dụng cụ, thiết bị, các tài sản khác do doanh nghiệp giao; hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép. Theo đó nên chúng ta cầ lưu ý về các nguyên tắc áp dụng của trách nhiệm vật chất là phải căn cứ vào lỗi, mức độ gây thiệt hại trên thực tế và các hoàn cảnh khách quan khác của người lao động, do đó dẫn đến các hình thức bồi thường khác nhau.
Từ những phân tích như trên chúng ta hiểu rằng trách nhiệm vật chất của người lao động là trách nhiệm phải bồi thường những thiệt hại về tài sản do hành vi vi phạm kỷ luật lao động hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm trong khi thực hiện nghĩa vụ lao động đã gây ra cho doanh nghiệp nào đó hoặc bên sử dụng lao động nói chung.
2. Nội dung và ví dụ về trách nhiệm vật chất trong quan hệ lao động:
Trách nhiệm vật chất trong quan hệ lao động chủ yếu có hai trường hợp :
+ Làm mất dụng cụ, thiết bị, làm mất các tài sản khác do doanh nghiệp giao; hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép.
+ Làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại cho tài sản của doanh nghiệp.
Từ đó chúng ta có thể nhìn nhận về trách nhiệm vật chất trong quan hệ lao động, ta thấy quy định “người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại cho tài sản của doanh nghiệp thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật về thiệt hại đã gây ra” thì thực chất là trách nhiệm dân sự. Bên cạnh đó, điểm khác biệt của trách nhiệm vật chất trong quan hệ lao động với trách nhiệm dân sự là nếu gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất thì phải bồi thường nhiều nhất ba tháng lương. Quy định này phù hợp với đặc tính của pháp luật lao động, thực chất là một dạng của trách nhiệm vật chất hạn chế. Ở nhiều nước khác, với lập luận người lao động do không có tài sản nên trong trường hợp này thì không phải bồi thường, nhưng lại có thể bị sa thải.
Việc bồi thường không quá ba tháng lương vừa tăng cường tinh thần trách nhiệm của người lao động, vừa bảo vệ được chỗ làm việc của người lao động. Đối với người sử dụng lao động cũng bù đắp được một phần thiệt hại và giữ được quan hệ sử dụng lao động ổn định. Trường hợp không phải do sơ suất, thiệt hại nghiêm trọng thì việc bồi thường đã theo trách nhiệm dân sự.
3. Đặc điểm của trách nhiệm vật chất trong quan hệ lao động:
Trách nhiệm vật chất có những đặc điểm khác biệt với những trách nhiệm khác như trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trách nhiệm thực hiện công việc, đó cũng chính là cơ sở để phân biệt trách nhiệm vật chất với các trách nhiệm khác:
Thứ nhất, trách nhiệm vật chất trong luật lao động chỉ áp dụng đối với một bên của quan hệ lao động, đó là người lao động làm công ăn lương theo hợp đồng lao động. Đây là trách nhiệm mà người lao động phải chịu đối với người sử dụng lao động khi có hành vi gây ra thiệt hại, là sự ràng buộc để người lao động nghiêm chỉnh chấp hành nghiêm túc kỷ luật trong khi làm việc
Thứ hai, trách nhiệm vật chất chỉ phát sinh khi trong khi người lao động thực hiện quyền và nghĩa vụ lao động. Đối với trách nhiệm vật chất thì người sử dụng chỉ được áp dụng đối với người lao động khi trách nhiệm đó xảy ra khi người lao động đang thực hiện quyền và nghĩa vụ lao động gây ra thiệt hại
Thứ ba, tài sản bị thiệt hại phải thuộc quyền quản lý, sử dụng, bảo quản, lưu giữ hoặc chế biến của người sử dụng lao động. Để truy cứu trách nhiệm vật chất đối với người lao động thì người sử dụng lao động phải chứng minh được thiệt hại xảy ra đối với tài sản thuộc phạm vi của mình có quyền
Thứ tư, trách nhiệm vật chất do người sử dụng lao động áp dụng cho người lao động. Chủ thể được áp dụng trách nhiệm này đó chính là người sử dụng lao động, vì người sử dụng lao động là người đang bị xâm phạm về quyền và lợi ích liên quan nên người sử dụng lao động có quyền áp dụng chế tài này để bảo vệ quyền lợi của mình
4. Căn cứ áp dụng trách nhiệm vật chất:
Căn cứ áp dụng trách nhiệm vật chất là những điều kiện cần và đủ để người sử dụng lao động quy trách nhiệm vật chất đối với người lao động gây thiệt hại. Việc áp dụng trách nhiệm vật chất chỉ được tiến hành khi có các căn cứ sau đây:
4.1. Có hành vi vi phạm kỷ luật lao động:
Hành vi vi phạm kỷ luật lao động là hành vi không hoàn thành nghĩa vụ được giao hoặc thực hiện sai các nghĩa vụ đó và như vậy là vi phạm các quy định của pháp luật và nội quy lao động. Hành vi vi phạm kỷ luật lao động còn được hiểu ở góc độ là người lao động không có trách nhiệm đầy đủ trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ lao động của mình dẫn đến thiệt hại về tài sản của người sử dụng lao động.
4.2. Có thiệt hại về tài sản cho người sử dụng lao động:
Thiệt hại là sự giảm bớt số lượng hoặc giá trị của tài sản của người sử dụng lao động. Xác định căn cứ này là việc tìm ra tài sản bị thiệt hại là tài sản gì, tài sản đó bị hư hỏng hay bị mất, số lượng và giá trị của sự thiệt hại là bao nhiêu.
4.3. Có quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại tài sản:
Xác định quan hệ nhân quả này là quá trình chứng minh rằng sự thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động là do hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động gây ra và sự thiệt hại là kết quả tất yếu của sự vi phạm đó. Nếu giữa hành vi vi phạm kỷ luật lao động và thiệt hại tài sản xảy ra không có mối quan hệ nhân quả này thì người vi phạm không phải bồi thường.
4.4. Có lỗi:
Xác định lỗi của người vi phạm là một bước quan trọng để xác định trách nhiệm vật chất. Trong trách nhiệm vật chất, lỗi là thái độ tâm lý của người có hành vi vi phạm kỷ luật lao động gây thiệt hại đến tài sản của người sử dụng lao động. Nếu có lỗi, người gây thiệt hại mới phải bồi thường; không có lỗi mặc dù có đầy đủ 3 căn cứ trên thì cũng vẫn không đủ điều kiện để áp dụng chế độ trách nhiệm vật chất. Ví dụ như trường hợp người lao động có làm thiệt hại đến tài sản của người sử dụng lao động nhưng do tác động của các điều kiện khách quan không thể lường trước được hoặc vượt quá mức khắc phục của họ thì họ không có lỗi và không chịu trách nhiệm vật chất.
Trong trường hợp có nhiều người có lỗi cùng gây ra một thiệt hại thì phải căn cứ vào nghĩa vụ lao động cụ thể của từng người và các điều kiện cụ thể của họ để xác định mức độ lỗi của cá nhân mỗi người một cách chính xác.
Lỗi có 2 loại, lỗi cố ý và vô ý, song trách nhiệm vật chất chỉ áp dụng với lỗi vô ý, không áp dụng với lỗi cố ý vì vi phạm theo lỗi cố ý sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.