Thế nào là kỹ năng sống?Phân loại kỹ năng sống?Giáo dục kỹ năng sống ?Tổng hợp những câu danh ngôn, câu nói hay về kỹ năng sống?Sách gối đầu giường về kỹ năng sống?
Kỹ năng sống đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống, giúp con người có thể đương đầu với khó khăn thử thách. Ở bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp cho các bạn các kiến thức cơ bản và những câu danh ngôn, câu nói hay về kỹ năng sống mà chúng tôi đã sưu tầm được.
Mục lục bài viết
1. Thế nào là kỹ năng sống?
Hiện nay chưa có một định nghĩa nào đồng nhất trên thế giới về kỹ năng sống. Kỹ năng sống được tiếp cận theo nhiều quan điểm khác nhau, và điều này cũng ảnh hưởng đến cách phân loại các kỹ năng sống.
Quan niệm rộng nhất là quan niệm do Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hiệp quốc (UNESCO) đưa ra, dựa trên cơ sở là 4 mục tiêu cơ bản của việc học: Học để biết – Học để làm – Học để là chính mình – Học để cùng chung sống. Dựa vào đó, UNESCO đưa ra khái niệm “Kỹ năng sống là năng lực cá nhân để thực hiện đầy đủ các chức năng và tham gia vào cuộc sống hàng ngày”.
Quan niệm hẹp hơn là quan niệm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra, đó là dựa trên cơ sở lý thuyết học tập xã hội của Bandura (1977), tức là nhấn mạnh sự học tập qua quá trình trải nghiệm của con người, qua sự tích lũy kinh nghiệm sống, cấu trúc kinh nghiệm và chủ động nắm lấy kinh nghiệm. Theo đó, WHO đưa ra khái niệm “Kỹ năng sống là những năng lực giao tiếp đáp ứng và những hành vi tích cực của cá nhân có thể giải quyết có hiệu quả những yêu cầu và thách thức của cuộc sống hàng ngày”.
Quỹ cứu trợ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) định nghĩa về kỹ năng sống như sau: “Kỹ năng sống là những kỹ năng tâm lý xã hội có liên quan đến tri thức, những giá trị và thái độ, cuối cùng thể hiện ra bằng những hành vi làm cho các cá nhân có thể thích nghi và giải quyết có hiệu quả các yêu cầu và thách thức của cuộc sống”.
Qua đó, ta cũng có thể hiểu khái quát về kỹ năng sống như sau: Kỹ năng sống là khả năng tâm lý xã hội – đó là tập hợp các kỹ năng mà con người tiếp thu qua giáo dục hoặc trải nghiệm trực tiếp được dùng để xử lý các vấn đề và câu hỏi thường gặp trong đời sống thường nhật. Các chủ đề rất đa dạng tùy thuộc vào chuẩn mực xã hội và mong đợi của cộng đồng. Kỹ năng sống có chức năng đem lại hạnh phúc và hỗ trợ các cá nhân trở thành người tích cực và có ích cho cộng đồng.
2. Phân loại kỹ năng sống:
Trên thế giới có rất nhiều những quan điểm khác nhau về vấn đề này nhưng tựu chung lại chúng đều xoay quanh hành vi tích cực và có ích vô cùng trong cuộc sống con người. Như đã đề cập đến ở trên, kỹ năng sống được tiếp cận theo nhiều quan điểm khác nhau, và điều này cũng ảnh hưởng đến cách phân loại các kỹ năng sống. Giống như Văn phòng Đánh giá của UNICEF cho rằng “chưa có danh sách cuối cùng” về các kỹ năng tâm lý xã hội.
2.1. Theo các tổ chức UNESCO, WHO và UNICEF:
Ba tổ chức này đã thống nhất 10 kỹ năng sống cơ bản, được xem như cần thiết nhất cho tất cả mọi người.
Dưới đây là một số kỹ năng sống quan trọng được nhận định qua phương pháp Delphi method bởi Tổ chức Y tế Thế giới WHO:
– Đưa ra quyết định
– Giải quyết vấn đề
– Tư duy sáng tạo
– Tư duy phản biện/sáng suốt
– Giao tiếp hiệu quả
– Mối quan hệ tương tác giữa các cá nhân
– Tự ý thức về bản thân/trách nhiệm của mình
– Quyết đoán
– Đồng cảm
– Tâm xả
– Đối phó với căng thẳng, tổn thương và mất mát
– Khả năng phục hồi tâm lý.
2.2. Theo tổ chức ESCAP (Hội đồng kinh tế xã hội châu Á Thái Bình Dương của Liên Hiệp Quốc):
Tổ chức này phân loại kỹ năng sống thành 3 dạng:
– Kỹ năng sống để phát triển cá nhân
– Kỹ năng sống để tạo mối quan hệ với người khác
– Kỹ năng công nghệ thông tin (theo đề nghị của các đại diện trẻ tại một hội nghị).
2.3. Theo quan điểm Thái Lan:
Các nhà giáo dục Thái Lan cho rằng kỹ năng sống là thuộc tính hay năng lực tâm lý xã hội giúp cá nhân đương đầu với tất cả tình huống hàng ngày một cách có hiệu quả và có thể đáp ứng với hoàn cảnh tương lai để có thể sống hạnh phúc. Họ chia kỹ năng sống làm 10 nhóm như sau:
– Kỹ năng ra quyết định một cách đúng đắn
– Kỹ năng sáng tạo
– Kỹ năng giải quyết xung đột
– Kỹ năng phân tích và đánh giá tình hình
– Kỹ năng giao tiếp
– Kỹ năng quan hệ liên nhân cách
– Kỹ năng làm chủ cảm xúc
– Kỹ năng làm chủ được cú sốc
– Kỹ năng đồng cảm
– Kỹ năng thực hành.
2.4. Theo quan điểm Ấn Độ:
Người Ấn Độ hiểu kỹ năng sống là những khả năng tăng cường sự lành mạnh về tinh thần và năng lực của con người. Họ chia kỹ năng sống thành các nhóm như sau:
– Kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy phê phán, tư duy sáng tạo,
– Kỹ năng giao tiếp,
– Kỹ năng đàm phán
– Kỹ năng đối phó với tình trạng căng thẳng
– Kỹ năng từ chối
– Kỹ năng kiên định, hài hoà
– Kỹ năng ra quyết định.
2.5. Theo quan điểm Bhutan:
Người Bhutan định nghĩa kỹ năng sống là: “Kỹ năng là bất kỳ kỹ năng nào góp phần phát triển xã hội, kinh tế, chính trị, văn hoá, tinh thần và tạo quyền cho cá nhân trong cuộc sống hàng ngày của họ và giúp xoá bỏ nghèo đói dẫn đến phẩm cách và cuộc sống hạnh phúc trong xã hội”. Họ phân kỹ năng sống thành 14 loại khác nhau:
– Những giá trị tinh thần
– Niềm tin và thực hành
– Cầu nguyện và những thực hành tôn giáo khác
– Truyền thống xã hội
– Ra quyết định
– Giải quyết vấn đề
– Giao tiếp liên nhân cách
– Lãnh đạo
– Đào tạo kỹ năng nghề nghiệp
– Hệ thống tin dụng nhỏ
– Hợp tác
– Những hoạt động thúc đẩy văn hoá
– Trao đổi giữa những nền văn hoá
– Văn hoá địa phương
– Tính thống nhất và cái riêng biệt về văn hoá.
3. Giáo dục kỹ năng sống:
Giáo dục kỹ năng sống thường được con cái tiếp thu qua quá trình giáo dục của bố mẹ, hoặc trực tiếp với mục đích giảng dạy một kỹ năng cụ thể. Nói cách khác cha mẹ chính là tấm gương cho con cái noi theo và vì lẽ đó, bản thân cha mẹ có thể được coi là một tập hợp các kỹ năng sống mà con cái sẽ tiếp thu một cách tự nhiên hoặc được dạy. Lấy một ví dụ cụ thể, khi cha mẹ giáo dục con cái về những kỹ năng để ứng phó với việc mang thai hoặc nuôi dạy con của mình thì cũng có thể trùng khớp với việc phát triển kỹ năng sống bổ sung cho con cái và giúp cha mẹ hướng dẫn trẻ ở tuổi trưởng thành.
Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng có được sự giáo dục từ cha mẹ. Vì thế cho nên có không ít chương trình kỹ năng sống được cung cấp khi các cấu trúc gia đình truyền thống và các mối quan hệ lành mạnh đã bị phá vỡ, dù là do mất cha mẹ, ly hôn hoặc do vấn đề với trẻ em (chẳng hạn như lạm dụng chất gây nghiện hoặc các hành vi nguy hiểm khác). Ví dụ, Tổ chức Lao động Thế giới đang dạy các kỹ năng sống cho trẻ em lao động sớm và đang có nguy cơ ở Indonesia để ngăn ngừa sớm và phục hồi từ các hình thức lạm dụng trẻ em tồi tệ nhất. Ngoài ra, ở Việt Nam cũng có rất nhiều những lớp rèn luyện kỹ năng sống được thành lập với mục đích giáo dục con người.
4. Tổng hợp những câu danh ngôn, câu nói hay về kỹ năng sống:
4.1. Ca dao, tục ngữ Việt Nam:
– “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang
Người khôn nói tiếng dịu dàng, dễ nghe”
– “Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”
– “Người thanh tiếng nói cũng thanh
Chuông kêu chuông đánh bên thành cũng kêu”
– “Người khôn ăn nói nửa chừng
Để cho người dại nửa mừng nửa lo”
– “Ăn có nhai, nói có nghĩ.”
– “Lời chào cao hơn mâm cỗ”
– “Vàng thời thử lửa, thử than,
Chuông kêu thử tiếng, người ngoan thử lời.”
– “Một điều nhịn, chín điều lành”
– “Kim vàng ai nỡ uốn câu
Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời”
– “Rượu lạt uống lắm cũng say
Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm”
4.2. Danh ngôn nước ngoài:
– “Tis skill, not strength, governs a ship.”
– Thomas Fuller
Dịch: “Kỹ năng, chứ không phải sức mạnh, điều khiển con tàu”
– “Communication is a skill that you can learn. It’s like riding a bicycle or typing. If you’re willing to work at it, you can rapidly improve the quality of every part of your life.”
– Brian Tracy
Dịch: “Giao tiếp là một kỹ năng bạn có thể học. Nó cũng giống như đi xe đạp hay tập đánh máy. Nếu bạn sẵn sàng nhọc công vì nó, bạn có thể nhanh chóng cải thiện chất lượng của mọi phần trong cuộc sống của mình.”
– “Knowledge is gained by learning; trust by doubt; skill by practice; and love by love.”
– Thomas Szasz
Dịch: “Tri thức đạt được qua học hỏi; sự tin tưởng đạt được qua nghi ngờ; kỹ năng đạt được qua rèn luyện; tình yêu thương đạt được qua yêu thương.”
– “The acquisition of skills is not an end in itself. They are things to be put to use, and that use is their contribution to a common and shared life.”
– John Dewey
Dịch: “Đạt được kỹ năng chưa phải là kết thúc. Kỹ năng là những thứ cần phải được sử dụng, và sự sử dụng đó là cống hiến của chúng cho cuộc sống chung.”
– “Have faith in your skills. Negative thoughts can kill your dreams before others do. Doubt kills more dreams than failure ever will.”
– Suzy Kassem
Dịch: “Hãy tin tưởng vào những kỹ năng của bản thân. Suy nghĩ tiêu cực có thể giết chết giấc mơ trước khi người khác kịp làm việc đó. Sự nghi ngờ giết chết nhiều giấc mơ hơn là thất bại.”
– “Only those who have the patience to do simple things perfectly will acquire the skill to do difficult things easily.”
– Friedrich Schiller
Dịch: “Chỉ những người có lòng kiên nhẫn để làm điều đơn giản một cách hoàn hảo mới đạt được kỹ năng để làm điều khó khăn một cách dễ dàng.”
– “My best skill was that I was coachable. I was a sponge and aggressive to learn.”
– Michael Jordan
Dịch: “Kỹ năng tốt nhất của tôi là sự cầu thị. Tôi là miếng bọt biển và năng nổ muốn học hỏi.”
– “Learn to hide your need and show your skill.”
– Jim Rohn
Dịch: “Hãy học cách giấu đi mong muốn và thể hiện kỹ năng.”
– “The interaction of knowledge and skills with experience is key to learning.”
– John Dewey
Dịch: “Sự tương tác giữa tri thức và kỹ năng với trải nghiệm là chìa khóa của việc học hỏi.”
– “Will is a skill.”
– Jillian Michaels
Dịch: “Ý chí là một loại kỹ năng.”
– A leader should never compare his technical skills with his employee’s. Your employee should have superior technical skills than you. If he doesn’t, it means you have hired the wrong person.
– Jack Ma
Dịch: “Người lãnh đạo không bao giờ nên so sánh kỹ năng kỹ thuật của mình với nhân viên. Nhân viên của bạn nên có kỹ năng kỹ thuật tốt hơn bạn. Nếu không phải thế thì có nghĩa là bạn đã tuyển nhầm người.”
– “Method is much, technique is much, but inspiration is even more.”
– Benjamin Cardozo
Dịch: “Phương pháp quan trọng, kỹ năng quan trọng, nhưng cảm hứng còn quan trọng hơn nữa.”
– “A group becomes a team when each member is sure enough of himself and his contribution to praise the skills of others.”
– Norman Shidle
Dịch: “Một nhóm người trở thành một đội ngũ khi mỗi thành viên đủ chắc chắn về bản thân mình và sự cống hiến của mình trong nhóm để có thể khen ngợi những kỹ năng của người khác.”
5. Sách gối đầu giường về kỹ năng sống:
– Đắc nhân tâm (Dale Carnegie): Đây là cuốn sách gối đầu giường về nghệ thuật đối nhân xử thế.
– Nghệ thuật nói trước công chúng (Dale Carnegie): quyển sách tập hợp các kỹ năng giúp bạn vượt qua sự e ngại với khán giả, giúp bạn tự tin hơn khi đứng đối mặt với bất kì ai trong mọi tình huống của cuộc sống.
– Quẳng gánh lo đi và vui sống (Dale Carnegie): Quyển sách này giúp bạn cân bằng mọi thứ trong cuộc sống, học được cách vượt qua và coi đó chính là động lực để bản thân phải thay đổi, để thành công.
– Bộ sách “Hạt giống tâm hồn” (nhiều tác giả): bộ sách tổng hợp những câu chuyện để nuôi dưỡng tâm hồn của mỗi người, bất cứ ai cũng có thể tìm thấy bản thân mình trong những mẩu chuyện giản dị, bình thường nhưng đầy triết lý nhân sinh.
– Tuổi Trẻ Đáng Giá Bao Nhiêu (Rosie Nguyễn): là cuốn sách self-help nổi tiếng, giúp người đọc nhận ra giá trị bản thân bằng tư tưởng tích cực để mạnh mẽ hơn trong cuộc sống.
– Khéo Ăn Nói Sẽ Có Được Thiên Hạ (Trác Nhã): cuốn sách kỹ năng giao tiếp nổi tiếng. Thông qua những quy tắc được tổng hợp trong cuốn sách này, độc giả sẽ tự tin và nói chuyện khéo léo hơn.
– Rèn Luyện Tư Duy Phản Biện (Albert Rutherford): cuốn sách có mục đích giúp người đọc xác định tính logic của các quan điểm, phân tích và đánh giá các lập luận để giải quyết vấn đề một cách hệ thống và lý trí.
– Nghệ Thuật Tập Trung (DaiGo): Khả năng tập trung đóng vai trò rất lớn đến sự thành công hay thất bại của con người và cuốn sách sẽ hướng dẫn ta làm sao để rèn luyện, hoàn thiện kỹ năng tập trung.
– Từ IQ Đến EQ (Trương Manh): giúp bạn nhận biết và bồi dưỡng trí tuệ cảm xúc cho bản thân, định hình thực tại và phát triển bản thân, mở rộng và xây dựng các mối quan hệ xã giao trở nên tốt đẹp hơn và cuối cùng là khai thác và vận dụng lợi ích từ các mối quan hệ này.
– Điềm Tĩnh Và Nóng Giận (Tạ Quốc Kế): cuốn sách sẽ giúp bạn học cách giữ bình tĩnh, nhìn nhận lại bản thân, cảm xúc của chính mình để xử lý mọi vấn đề xung quanh một cách tốt nhất.