Tổ chức thực thi kế hoạch hành động là nội dung cực kỳ quan trọng, đây là một trong hai bước tổ chức thực hiện kế hoạch hành động và là bước quyết định đến tính hiệu quả, sự tác động, ảnh hưởng của kế hoạch hành động tới đời sống xã hội. Vậy, tổ chức thực thi kế hoạch hành động thực chất là gì? Có đặc điểm ra sao và nội dung như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Tổ chức thực thi kế hoạch hành động là gì?
Nếu như lập kế hoạch hành động là bước tiền đề trong tổ chức thực hiện kế hoạch hành động thì tổ chức thực thi kế hoạch hành động bước quan trọng để hiện thực hóa kế hoạch hành động. Tổ chức thực thi kế hoạch hành động là hoạt động trả lời cho câu hỏi: Làm sao để bản kế hoạch hành động thành công theo đúng nội dung đã được đề ra?. Giai đoạn tổ chức thực thi đề cao vai trò của nguồn nhân lực đã được giao trách nhiệm trong kế hoạch hành động và nguồn tài chính đã được phân bổ.
Tổ chức thực thi kế hoạch hành động là một quá trình mà chủ thể có thẩm quyền thiết lập các hành động có tính tổ chức cho phép thực hiện kế hoạch đã được thiết lập. Về bản chất, thực thi kế hoạch là quá trình biến ý tưởng kế hoạch đã được hoạch định thành các hành động cụ thể hướng tới việc thực hiện sứ mạng, tầm nhìn và mục tiêu được nêu trong kế hoạch hành động. Nói cách khác đây là quá trình chuyển hóa từ “lập kế hoạch hành động” sang “thực hiện theo kế hoạch”. Việc thực thi kế hoạch hành động trong thực tế sẽ phức tạp và khó khăn hơn rất nhiều so với công tác lập kế hoạch. Bởi khi nói Nhà nước sẽ làm gì (lập kế hoạch hành động) dễ hơn nhiều so với khi tiến hành được các công việc đó (thực thi kế hoạch hành động).
2. Đặc điểm về tổ chức thực thi kế hoạch hành động:
Quá trình tổ chức thực thi kế hoạch hành động liên quan đến rất nhiều các hoạt động như: phải dự tính trước các yếu tố khách quan tác động đến tiến trình phát triển kinh tế; Bộ máy tổ chức quản lí, triển khai thực hiện kế hoạch phải được tổ chức tốt một cách chu đáo; và những cán bộ, chuyên gia, các nhà chuyên môn tương ứng với yêu cầu của các bước thực hiện cần phải được dự kiến và phân công cụ thể.
Tổ chức thực thi kế hoạch hành động là một khâu hợp thành chu trình kế hoạch và là trung tâm kết nối các bước trong chu trình kế hoạch. Kế hoạch hành động trở nên vô nghĩa nếu nó không được đưa vào thực hiện.
Tổ chức thực thi kế hoạch hành động là giai đoạn biến ý đồ kế hoạch thành hiện thực, để thực hiện các mục tiêu kế hoạch và mục tiêu chung. Đây cũng là giai đoạn thể hiện tính đúng đắn của kế hoạch hành động: Một khi kế hoạch được triển khai thực hiện rộng rãi trong đời sống xã hội, thì tính đúng đắn của kế hoạch được khẳng định ở mức cao hơn, được cả xã hội thừa nhận. Qua việc tổ chức thực thi kế hoạch hành động giúp cho kế hoạch hành động ngày càng hoàn chỉnh hơn.
Tùy thuộc vào các kế hoạch hành động mà hoạt động tổ chức thực thi có thể diễn ra trên phạm vi cả nước hoặc từng địa phương hay đối với lĩnh vực, ngành nghề nhất định. Số lượng cá nhân, cơ quan có thẩm quyền, cá nhân, tổ cức trong xã hội tham gia thực thi kế hoạch là rất lớn. Trong thực tế thường hay phân công cơ quan chủ trù và cơ quan phối hợp thực hiện một kế hoạch hành động cụ thể nào đó.
Quá trình tổ chức thực thi kế hoạch hành động diễn ra trong thời gian và có liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân, vì thế kết quả tổ chức thực thi kế hoạch cũng sẽ chịu nhiều yếu tố ảnh hưởng, chẳng hạn về yếu tố khách quan: tính chất của vấn đề kế hoạch hành động đơn giản hay phức tạp; cấp bách hay không cấp bách; môi trường thực thi kế hoạch hành động (kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, môi trường tự nhiên và quốc tế); mối quan hệ giữa các đối tượng thực thi kế hoạch hành động. Về yếu tố chủ quan: thực hiện đúng, đầy đủ các bước trong quy trình tổ chức thực thi kế hoạch hành động- đây cũng là một nguyên tắc hành động của các nhà quản lý; năng lực thực thi kế hoạch hành động của cán bộ, công chức; điều kiện vật chất cần cho quá trình thực thi kế hoạch; sự đồng tình, ủng hộ của dân chúng.
Quá trình tổ chức thực thi kế hoạch hành động phải đảm bảo các yêu cầu về thực hiện mục tiêu, đảm bảo tính hệ thống, yêu cầu các cơ quan nhà nước phải đảm bảo tính khoa học, hợp lý và pháp lý trong tổ thực thi kế hoạch.
3. Nội dung về tổ chức thực thi kế hoạch hành động:
Nội dung chính của hoạt động tổ chức thực thi kế hoạch hành động bao gồm:
Thứ nhất, tổ chức bộ máy nhân sự chịu trách nhiệm quản lí thực hiện kế hoạch, bao gồm các bộ phận, các đơn vị, cá nhân tham gia trong các quá trình thực thi kế hoạch. Đây là vấn đề rất quan trọng quyết định đến hiệu quả của quá trình thực thi kế hoạch, nếu tổ chức bộ máy nhân sự không được bố trí hợp lý, cân bằng, sẽ dẫn đến lãng phí nguồn lực lại không đạt được mục tiêu đề ra.
Thứ hai, tổ chức sự phối hợp giữa các bộ phận có liên quan trong cơ cấu tổ chức đó để thực hiện kế hoạch một cách tốt nhất và có hiệu quả nhất. Để tạo nên sức mạnh và đồng bộ trong hoạt động, việc phối hợp hoạt động là điều cần thiết, huy động được sự giúp đỡ và tận dụng được lợi thế tối đa về năng lực của các bộ phân có liên quan. Kế hoạch hành động có thể tác động đến lợi ích của một bộ phận dân cư, nhưng kết quả tác đọng lại liên quan đến nhiều yếu tố, quá trình thuộc các bộ phận khác nhau nên cần phải phối hợp chúng lại để đạt được yêu cầu quản lý.
Thứ ba, rà soát, kiểm tra, kể cả đề xuất hệ thống cơ chế, chính sách, những hỗ trợ cần thiết cần được sử dụng trong tiến trình thực thi kế hoạch. Đây là nội dung được thực hiện trong khi đang tổ chức thực thi kế hoạch hành động nhằm hoàn thiện hơn và gắn thực tiễn vào kế hoạch, đem tới sự tương thích giữa mục tiêu, hành động và thực thi thực tiễn.
Thứ tư, duy trì kế hoạch hành động. Đây là nội dung liên quan đến việc làm cho kế hoạch hành động phải sống được trong môi trường thực tế và phát huy tác dụng, phải thường xuyên quan tâm và tạo lập môi trường thuận lợi cho việc thực thi kế hoạch hành hành động. Bên cạnh đó, cần chủ động điều chỉnh kế hoạch hành động sao cho phù hợp với hoàn cảnh mới.
Các cơ quan nhà nước có thể kết hợp sử dụng các biện pháp hành chính để duy trì chính sách, tăng cường thực hiện dân chủ để người dân mạnh dạn tham gia quản lý xã hội, trong đó tự giác chấp kế hoạch và tham gia tìm kiếm, đề xuất các biện pháp thực hiện mục tiêu.
Thứ năm, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch: căn cứ để kiểm tra là kế hoạch hành động. Phát hiện, đánh giá khách quan về những điểm mạnh, điểm yếu của công tác tổ chức thực thi kế hoạch hành động, giúp phát hiện những thiếu sót trong công tác lập kế hoạch hành động để điều chỉnh.
Tạo điều kiện phối hợp nhịp nhàng các hoạt động độc lập của các cơ quan, đối tượng thực thi kế hoạch . Tạo sự tập trung thống nhất trong việc thực hiện mục tiêu kế hoạch. Kịp thời khuyến khích những nhân tố tích cực trong thực thi kế hoạch hành động để tạo ra những phong trào thết thực cho thực hiện mục tiêu.
Thực tế cho thấy, khi đã có trong tay bản kế hoạch hành động, điều quan trọng là tổ chức triển khai kế hoạch hành động này như thế nào. Nếu có kế hoạch hành động mà không triển khai thực hiện, có nghĩa là nó vẫn chỉ là bản kế hoạch trên giấy và nằm trong ngăn kéo của cơ quan kế hoạch hay các nhà lãnh đạo. Vì vậy, kế tiếp khâu lập kế hoạch hành động, nhất thiết phải là khâu triển khai thực hiện. Tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch hành động là một quá trình phức tạp không kém phần lập kế hoạch, vì trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch, có những khả năng dẫn đến sự không thành công, điều đó có thể là do:
– Sự thay đổi trong các yếu tố khách quan tác động đến thực hiện kế hoạch như: cơ cấu tổ chức của hệ thống lãnh đạo; tư duy và ý chí của các nhà lãnh đạo; sự biến động bất ổn của các nguồn lực dự kiến; những biến động của hệ thống quản lí ảnh hưởng đến kế hoạch dài hạn.
– Trình độ tổ chức của bộ máy quản lí, trình độ của cán bộ quản lí và khả năng thực hiện điều phối các mối quan hệ kinh tế trong triển khai thực hiện kế hoạch.