Chính sách văn hóa là một trong những chính sách quan trọng bên cạnh chính sách kinh tế- xã hội, chính sách quốc phòng an ninh để tạo nên một hệ thống công cụ định hướng và quản lý của nhà nước. Vậy, Tổ chức thực hiện chính sách văn hoá là gì? Các bước thực hiện như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Tổ chức thực hiện chính sách văn hoá là gì?
1.1. Khái niệm:
Khái niệm về chính sách văn hóa được chúng tôi thống nhất đưa ra là: “Chính sách văn hóa” là những quan điểm, chủ trương và kế hoạch hành động có tính chất định hướng nhằm duy trì, thúc đẩy hoặc kiềm chế các hành vi và hoạt động văn hóa. Nội dung chủ yếu trong các chính sách văn hóa là:
“Tư tưởng, đạo đức, lối sống, đời sống văn hóa: hướng mọi hoạt động văn hóa vào việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo; tuân thủ pháp luật; có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái khoan dung, trọng nghĩa tình, lối sống văn hóa, quan hệ hài hòa trong gia đình, cộng đồng và xã hội, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách, thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; gắn kết mối quan hệ giữa văn hóa và xây dựng môi trường văn hóa với vấn đề hình thành nhân cách.”
Tổ chức thực hiện chính sách văn hóa là quá trình sắp xếp, bố trí nhân lực trong tổng thể các hoạt động có mục đích, có chủ định của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và các cá nhân để hiện thực hóa các quy phạm pháp luật và các chính sách khác của Nhà nước về văn hóa đi vào cuộc sống của đối tượng được điều chỉnh trong chính sách văn hóa, chẳng hạn: tổ chức thực hiện chính sách văn hóa đối với các đồng bào dân tộc thiểu số.
1.2. Đặc điểm:
Tổ chức thực hiện chính sách văn hóa có những đặc điểm sau:
-Tổ chức thực hiện chính sách văn hóa phải là hành vi xác định hay xử sự thực tế của con người.
– Tổ chức thực hiện chính sách văn hóa là xử sự của các chủ thể có năng lực hành vi pháp luật, tức là xử sự của chủ thể có năng lực hành vi pháp luật, bằng hành vi của chính mình xác lập và thực hiện các quyền và nghĩa vụ pháp lý của mình.
– Tổ chức thực hiện chính sách văn hóa cần tuân thủ theo pháp luật nhưng vẫn phải gìn giữ được những giá trị văn hóa truyền thống.
Tổ chức thực hiện chính sách văn hóa là một khâu hợp thành chu trình chính sách văn hóa. Tổ chức thực hiện chính sách văn hóa có vị trí đặc biệt quan trọng, là bước hiện thực hóa chính sách văn hóa của nhà nước vào đời sống xã hội. Chính sách văn hóa dù được xây dựng đảm bảo chất lượng và tốt đến mấy nếu không được đưa vào thực hiện thì nó trở thành vô nghĩa, trở thành khẩu hiệu suông.
2. Các bước tổ chức thực hiện chính sách văn hóa:
Bước 1: Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chính sách văn hóa.
Đây là bước đầu tiên và cũng là bước có vai trò quan trong nhất trong các bước tổ chức thực hiện chính sách, việc xây dựng kế hoạch tốt sẽ giúp cho công tác triển khai tổ chức thực hiện chính sách được hiệu quả và suôn sẻ.
Kế hoạch triển khai phải đúng và sát thực tế, đảm bảo theo các yêu cầu của các văn bản chỉ đạo của cấp trên; kế hoạch phải rõ ràng, đảm bảo đầy đủ nội dung. Việc xây dựng kế hoạch cần tập trung nghiên cứu địa bàn thực hiện, nghiên cứu những kế hoạch trước đây, những kế hoạch của các chính sách tương tự để rút kinh nghiệm và xây dựng kế hoạch cho tốt. Xây dựng kế hoạch là khâu đầu tiên trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách nên trong quá trình thực hiện xây dựng kế hoạch cần phải xác định cho đúng mục đích, yêu cầu cần đạt được trong kế hoạch để xây dựng kế hoạch cho xác thực tế, không xây dựng kế hoạch có cách hiểu chung chung.
Bước 2: Phổ biến, tuyên truyền, thực hiện chính sách văn hóa.
Phổ biến, tuyên truyền, thực hiện chính sách văn hóa là khẩu đặc biệt quan trọng, thực tê trong những năm qua, nhờ có công tác tuyên truyền mà các chính sách của Đảng và nhà nước đã được thực hiện, đời sống tinh thần, văn hóa của người dân được cải thiện rõ rệt, các hủ tục cũng dần dần được xóa bỏ. Hình thức phổ biến, tuyên truyền khá đa dạng, người dân cũng dễ tiếp cận hơn và tiếp thu hơn.
Bước 3: Phân công phối hợp thực hiện chính sách văn hóa.
Tổ chức phân công phối hợp thực hiện chính sách văn hóa, nội dung phải sát thực tế với nhiệm vụ mà người được phân công đảm nhận. tránh những trường hợp không có người nên cán bộ xây dựng kế hoạch đưa vào cho đầy đủ số lượng mà bỏ qua chất lượng công việc.
Việc phân công phân nhiệm phải rõ ràng, minh bạch và phối hợp thực hiện theo nhiệm vụ đã phân công. Trong những năm gần đây việc phân công phối hợp thực hiện luôn được xây dựng kế hoạch nhưng khi thực hiện, thường thì chỉ có đơn vị chủ trì thực hiện chính sách, những đơn vị còn lại chỉ mang tính chất tham gia nhưng còn rất hạn chế.
Bước 4: Duy trì thực hiện chính sách văn hóa.
Để chính sách thực hiện tốt và duy trì được thường xuyên, cần phải tổ chức duy trì thực hiện chính sách văn hóa. Đây là nhiệm vụ chính của cơ quan chuyên môn tại địa phương và cùng toàn thể các cơ quan đơn vị làm công tác liên quan đến chính sách văn hóa. Việc duy trì thực hiện chính sách văn hóa có ý nghĩa hết sức quan trọng trong thực hiện chính sách văn hóa, giúp chính sách không bị ngắn quảng, được thực hiện thường xuyên, qua duy trì chính sách sẽ giúp chính sách dần dần đi vào đời sống của bà con, đem lại hiệu quả thiết thực. Thông qua việc duy trì chính sách văn hóa sẽ giúp chúng ta nhận biết những vấn đề đúng sai, bất cập trong quá trình thực hiện chính sách để có hướng điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, sát với nội dung công việc, sát với điều kiện thực tế của người dân địa phương.
Bước 5: Điều chỉnh chính sách văn hóa.
Đây là bước hết sức quan trọng trong quá trình thực hiện chính sách văn hóa. Quá trình duy trì thực hiện chính sách sẽ xảy ra rất nhiều nảy sinh, phát sinh, sự bất cập … cần phải có sự điều chỉnh trong thực hiện chính sách vă hóa. Hầu như các chính sách khi ban hành luôn cần có sự điều chỉnh. Đây là việc thật sự không tốt đối với người xây dựng chính sách, nhưng nó là một việc không thể thiếu trong quá trình thực hiện chính sách. Việc điều chỉnh chính sách sẽ giúp cho chính sách hoàn thiện hơn, đầy đủ hơn, sát với thực tế hơn…
Bước 6: Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện chính sách.
Kiểm tra, đôn đốc thực hiện chính sách văn hóa là khâu rất quan trọng, nó thể hiện năng lực quản lý, giám sát và trách nhiệm của cán bộ quản lý về chính sách văn hóa và đây cũng là khâu giúp cho chính sách được sát với thực tế, sát với nội dung công việc, qua đó rút ra những kinh nghiệm trong những đợt thực hiện tiếp theo. Để thực hiện tốt việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện chính sách văn hóa, cán bộ thực hiện chính sách văn hóa cần phải có kế hoạch kiểm tra định kỳ, đồng thời kết hợp kiểm tra bất thường để đánh giá nhập xét cho sát, đúng, giúp công việc đạt hiệu quả cao hơn.
Bước 7: Tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện chính sách văn hóa.
Công tác sơ kết, tổng kết việc thực hiện chính sách văn hóa phải nêu lên được kết quả toàn diện về triển khai công việc trong kỳ, kể cả mặt được và mặt chưa được trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng; phải chỉ ra được nguyên nhân khách quan và chủ quan, nguyên nhân trực tiếp và nguyên nhân sâu xa dẫn tới những mặt đạt được và chưa đạt được của kết quả đã nêu; phải rút ra được những bài học kinh nghiệm qua việc triển khai công việc, nhất là những bài học kinh nghiệm tổng kết ý kiến phản hồi của người dân được thụ hưởng chính sách và chính quyền địa phương; phải đề xuất được các kiến nghị và giải pháp phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những tồn tại, yếu kém hoặc phải đưa ra được những giải pháp khắc phục những hậu quả do việc triển khai công việc không thành công.
Trong bước này cầy chú ý đến việc xây dựng báo cáo tổng hợp.Tập trung phân tích, đánh giá các nội dung sau:
– Đối tượng thụ hưởng chính sách;
– Nguồn lực đảm bảo cho việc tổ chức thực hiện chính sách;
– Đánh giá quá trình tổ chức thực hiện chính sách (khâu quản lý, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra);
– Hiệu quả của chính sách (nhấn mạnh hiệu quả tổng hợp về kinh tế – xã hội);
– Mặt hạn chế (chưa phù hợp, thiếu tính khả thi) của chính sách đối với các địa phương qua thời gian tổ chức thực hiện;
– Đề xuất, kiến nghị bổ sung hoàn chỉnh chính sách (cả về nội dung chính sách, tổ chức thực hiện, nguồn lực đảm bảo và đối tượng thụ hưởng)
– Xin ý kiến đóng góp vào dự thảo và hoàn chỉnh báo cáo và trình cấp có thẩm quyền (có thể tổ chức Hội nghị sơ kết, tổng kết việc thực hiện chính sách nấu thấy cần thiết). Mỗi vấn đề đưa ra trong báo cáo phải có nhận định, có dẫn chứng, phân tích nguyên nhân; bố trí các phần trong báo cáo hài hoà cân đối nhau theo một quan hệ tỷ lệ.