Tính chất điển hình của Cách mạng tháng Tám năm 1945? Vai trò của Đảng trong Cách mạng tháng Tám năm 1945?
Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam bởi nhà sáng lập, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh vào mùa Xuân năm 1930 đã chấm dứt một giai đoạn khủng hoảng về đường lối dẫn đến thất bại trong phong trào yêu nước chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam. Với vũ khí tư tưởng là chủ nghĩa Mác-Lênin, với cương lĩnh, đường lối đúng đắn, phù hợp với tình hình trong nước và quốc tế lúc bấy giờ, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, cách mạng Việt Nam đã bước sang giai đoạn mới, mở đầu cho những thắng lợi vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc. Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đứng lên phá bỏ xiềng xích nô lệ gần một thế kỷ dưới ách thống trị của thực dân Pháp, phát xít Nhật và hàng nghìn năm của chế độ quân chủ; giành quyền làm chủ đất nước, làm chủ cuộc đời mới. Mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc, kỷ nguyên độc lập, tự do và CNXH.
Mục lục bài viết
1. Tính chất điển hình của Cách mạng tháng Tám năm 1945:
Một là, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thành công đầu tiên ở một nước thuộc địa và phụ thuộc do một chính đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo. Cuộc Cách mạng giành chiến thắng là thắng lợi đầu tiên của một phong trào đấu tranh cách mạng do một Đảng Cộng sản lãnh đạo.
Trong hoàn cảnh lịch sử của một đất nước bị thực dân đế quốc và chế độ phong kiến lỗi thời lạc hậu áp bức bóc lột, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã tìm ra con đường cứu nước cho cả dân tộc. Trung thành và kiên định với đường lối đã lựa chọn, vượt qua những thách thức nghiệt ngã của cuộc đấu tranh một mất một còn. Sức mạnh của lòng yêu nước, truyền thống văn hiến của một dân tộc có hàng ngàn năm lịch sử, nỗi nhục mất nước và khát vọng độc lập tự do đã kết thành một sức mạnh đủ để “nhấn chìm tất cả lũ cướp nước và bán nước”, khôi phục lại quốc hiệu Việt Nam và làm sống lại một dân tộc có nền văn hiến của khu vực và trên thế giới.
Hai là, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là biểu hiện tập trung nhất của lý tưởng độc lập tự chủ, tự lực, tự cường của dân tộc ta: “Đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Nhờ sức mạnh của khối đại đoàn kết, các tầng lớp nhân dân đã hợp lực lại tạo thành khối liên minh Công – Nông dưới sự lãnh đạo vững chắc của Đảng Cộng sản, nổi lên như một người, quyết chí giành độc lập, tự do. Tất cả đồng bào cả nước, mọi tầng lớp dân tộc chung một lòng chiến đấu, quyết tâm đánh thế lực thù địch đang xâm chiếm đất nước, trong hàng ngũ cách mạng chẳng những là công nhân, nông dân như trước nay, mà còn có trí thức, tiểu thương, điền chủ, tư sản, công chức trong chính quyền cũ. Các dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo đều có đại diện trong hàng ngũ đấu tranh.
Ba là, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 còn là điển hình của nghệ thuật “chớp thời cơ” và lựa chọn hình thái khởi nghĩa. Thời cơ chỉ có giá trị khi con người nhận thức được và làm chủ được tình thế tận dụng và phát huy để giành chiến thắng. Để có một Cách mạng Tháng Tám thành công thắng lợi xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó nghệ thuật “Chớp thời cơ” đóng góp một phần không nhỏ trong thành công của Cách mạng.
Bốn là, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 còn là mẫu mực của quá trình lật đổ chế độ cũ, xây nên chế độ mới một cách nhân văn và tiến bộ. Với tình hình quân lực của ta, ưu tiên hàng đầu luôn là hạn chế mức thấp nhất đổ máu. Đây cũng là truyền thống nhân ái và cao thượng của một dân tộc đại đoàn kết. Và thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là kết quả rõ nét nhất, đánh dấu sự thành công của Đảng ta trong việc hạn chế đến mức thấp nhất sự đổ máu. Thực hiện chiến lược đại đoàn kết toàn dân, một số quan chức cũ của triều đình Nhà Nguyễn cũng được mời tham gia chính quyền cách mạng. Kiên quyết, triệt để mà hạn chế được sự đổ máu, đó cũng là nét đặc biệt của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở nước ta. Cách mạng thành công, bộ máy nhà nước nhanh chóng được thiết lập trên khắp cả nước từ trung ương đến địa phương mà không gặp những cản trở lớn.
2. Vai trò của Đảng trong Cách mạng tháng Tám năm 1945:
Một là, Đảng đã dự kiến đúng đắn mâu thuẫn Nhật – Pháp.
Sau khi nhận được tin phát xít Nhật Bản đã bị thua to trên hầu khắp các chiến trường châu Á – Thái Bình Dương trong thế chiến II, nên phải gửi công hàm cho các nước Đồng minh đề nghị ngừng bắn. Bằng nhãn quan chính trị nhạy bén, tầm nhìn chiến lược, nắm bắt thời cuộc kịp thời, đồng chí Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã nhóm họp ngay tại Tân Trào để quyết định Tổng khởi nghĩa vũ trang trong cả nước. Ngay sau cuộc họp, “Mệnh lệnh khởi nghĩa” đã được phát ra. Chiều tối ngày hôm sau, 13/8/1945, đang trong lúc Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp để nhận định tình hình, phân công nhiệm vụ chỉ đạo khởi nghĩa vụ trang, thì tiếp tục nhận được thêm một tin rất quan trọng, đó là phát xít Nhật đã bại trận và chuẩn bị đầu hàng quân Đồng minh.
Với một sự nhạy bén chính trị đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương Đảng quyết định triệu tập ngay Hội nghị Thường vụ mở rộng để bàn biện pháp ứng phó với tình hình. Hội nghị nhận định sau cuộc đảo chính này, phát xít Nhật là kẻ thù chính, kẻ thù cụ thể trước mắt duy nhất của nhân dân Đông Dương. Vì vậy, khẩu hiệu “đánh Pháp đuổi Nhật” trước đây được thay bằng khẩu hiệu “đánh đuổi phát xít Nhật”, cùng với việc thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân. Ngay sau đó, từ những nhận định đúng đắn và quyết định quan trọng của Hội nghị, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị lịch sử “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”.
Hai là, Ðảng chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ địa cách mạng.
Sau khởi nghĩa Bắc Sơn (27-9-1940), Ðảng chủ trương phát triển lực lượng vũ trang từ đội du kích Bắc Sơn, xây dựng căn cứ địa Bắc Sơn – Vũ Nhai, xây dựng cứu quốc quân. Ngày 28-1-1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước và trực tiếp chỉ đạo xây dựng căn cứ địa cách mạng ở Cao Bằng. Tại các căn cứ địa lực lượng chính trị của quần chúng tập hợp trong Mặt trận Việt Minh ngày càng phát triển rộng lớn. Từ lực lượng chính trị đó phát triển lực lượng vũ trang. Những vấn đề về chính quyền, về kinh tế, xã hội cũng được đặt ra và thực hiện ở vùng căn cứ địa cách mạng. Đó là quá trình vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin về khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng trong điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam. Các căn cứ địa cách mạng trên cả nước góp phần vào sự thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại.
Ba là, Đảng động viên, tổ chức và đoàn kết lực lượng của toàn dân trong Mặt trận dân tộc thống nhất và lựa chọn hình thức tổ chức Mặt trận Việt Minh.
Nếu Hội nghị Trung ương chủ trương lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương thì Hội nghị Trung ương tháng 5-1941 chủ trương lập Mặt trận riêng của Việt Nam đó là Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh). Tổ chức Mặt trận trong khuôn khổ dân tộc Việt Nam nhằm khơi dậy mạnh mẽ tinh thần dân tộc, yêu nước nhằm vào mục tiêu độc lập dân tộc. Mặt trận được xây dựng hệ thống tổ chức chặt chẽ và bao gồm các đoàn thể cứu quốc. Ðảng lãnh đạo Mặt trận bằng cách đưa quan điểm, chính sách vào các đoàn thể và hoạt động của Mặt trận và thông qua các đảng viên tham gia Mặt trận và đoàn thể.
Bốn là, Đảng tiền phong đề ra đường lối cách mạng đúng đắn, sẵn sàng lãnh đạo quần chúng khởi nghĩa giành chính quyền.
Ngay từ năm 1930 tại Hội nghị thành lập Đảng, Chánh cương vắn tắt của Đảng xác định nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam “Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến, làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập”. Đường lối chiến lược và sách lược của Đảng đúng đắn ngay từ đầu và không ngừng được bổ sung, phát triển cho phù hợp với từng giai đoạn cách mạng.
Trong bối cảnh 16 nghìn quân Anh chưa vào miền Nam và khi 20 vạn quân Tưởng chưa vào miền Bắc để giải giáp quân Nhật; quân Nhật bại trận mất tinh thần, hoang mang, rệu rã ngồi chờ quân Đồng minh đến tước vũ khí; còn chính quyền bù nhìn tay sai Trần Trọng Kim thì bỏ trốn hoặc đầu hàng chính quyền cách mạng, có thể khẳng định, thành công lớn nhất của nghệ thuật khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám là Đảng ta đã phát hiện thời cơ và chớp thời cơ để cuộc Tổng khởi nghĩa nổ ra đúng lúc, giành thắng lợi trong cả nước, ít đổ máu. Đồng thời, thắng lợi này là do lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đảng ta đã nhanh chóng và kịp thời chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng. Sự chủ động và nhạy bén đó bắt nguồn từ bản chất cách mạng, đường lối, quan điểm đúng đắn, trí tuệ tập thể của Đảng và vận dụng động trung thành, sáng tạo, phát triển quy luật về thời cơ cách mạng, chứng tỏ tầm nhìn thời đại của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đến đây, trong một thời gian dài chuẩn bị lực lượng từ năm 1930. Đảng sẵn sàng lãnh đạo quần chúng nhân dân chớp thời cơ nổi dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền, đây là nhân tố vô cùng quan trọng để cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi.
Thời gian không ngừng trôi, thắng lợi Cách mạng Tháng Tám mãi mãi là mốc son chói lọi của lịch sử cách mạng, lịch sử dân tộc Việt Nam. Những bài học đúc rút từ thắng lợi của Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát huy trong điều kiện mới.