Tín dụng tư nhân là một loại hình thức tín dụng được sử dụng rất nhiều tại nước ta. Với loại hình tín dụng này đã góp phần giải quyết được những vấn đề về nguồn vốn, kinh phí và chi phí sinh hoạt . Vậy, tín dụng tư nhân là gì? Đặc điểm, phân loại tín dụng tư nhân?
Mục lục bài viết
1. Tín dụng tư nhân là gì?
Tín dụng là một thuật ngữ đã quá quen thuộc trong đời sống hằng ngày của mỗi chúng ta. Tín dụng hay còn gọi là cho vay, là việc phát sinh từ nhu cầu cần vay tiền và bên đáp ứng được nhu cầu đó. Khi trên thị trường nhu cầu vay vốn càng tăng thì hoạt động tín dụng ngày càng được xem trọng. Đây là một trong những hoạt động nhằm giải quyết những vấn đề khó khăn về tài chính đối với những doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức cần nguồn vốn để kinh doanh hoặc chi tiêu, trang trải cuộc sống hằng ngày.
Theo đó, tín dụng tư nhân là hoạt động tín dụng do chủ thể là những tổ chức, đơn vị tư nhân hoạt động mà không có sự can thiệp của nhà nước bao gồm tín dụng thương mại và tín dụng ngân hàng.
- Tín dụng thương mại là hình thức hỗ trợ vốn trong hoạt động mua bán được thực hiện giữa các doanh nghiệp với nhau. Cùng nhau hỗ trợ trong quá trình kinh doanh, làm ăn để cùng mang lại lợi ích chung, đôi bên cùng có lợi. Giải quyết được các vấn đề doanh nghiệp thiếu vốn và doanh nghiệp tồn đọng hàng hóa.
- Tín dụng ngân hàng: Đây là một chủ thể lớn đại diện là các ngân hàng và khách hàng chính là những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Và tại nước ta thì đây là hình thức được sử dụng nhiều nhất, đang giải quyết được nhiều vấn đề về tài chính, nguồn vốn, tiêu dùng của nhiều đối tượng khác nhau, qua đó đáp ứng được cả nguồn vốn ngắn hạn và dài hạn cho doanh nghiệp và cá nhân.
2. Những thuật ngữ pháp lý liên quan dịch sang Tiếng Anh:
Tín dụng tư nhân được dịch sang tiếng anh như sau: Private credit
Khái niệm về tín dụng tư nhân được dịch sang tiếng anh: Private credit is a credit activity operated by private organizations and units without state intervention, including commercial credit and bank credit.
3. Đặc điểm, phân loại tín dụng tư nhân:
Tín dụng tư nhân bao gồm các hình thức tín dụng sau đây:
3.1. Tín dụng thương mại:
Đây là loại hình tín dụng được xây dựng dựa trên mối quan hệ tín dụng giữa các doanh nghiệp dưới hình thức mua và bán hàng hóa với hình thức mua nợ. Đối tượng của tín dụng thương mại chính là những doanh nghiệp cụ thể là giữa các nhà sản xuất, kinh doanh mua bán với các đối tác khách hàng nhưng phải dựa trên mối quan hệ tin tưởng lẫn nhau thì mới có thể thực hiện được. Hành vi mua bán chịu hàng hóa được xem là hình thức tín dụng mà tại đây người bán chuyển giao cho người mua quyền sử dụng đối với hàng hóa, thiết bị mà chưa cần thanh toán tiền trong một thời gian nhất định do các bên tự thỏa thuận với nhau. Và đến một thời điểm nhất định nào đó người mua cần phải hoàn lại vốn cho người bán dưới hình thức tiền tệ và cả phần tiền lãi mà bên bán đã chịu thay cho bên mua.
Hay nói rõ ràng hơn thì đây chính là loại tín dụng dưới hình thức các nhà kinh doanh ứng vốn cho nhau, qua lại để cùng tạo điều kiện cho nhau, cùng đưa sản phẩm hay hàng hóa ra thị trường tiêu thụ. Thay vì bên bán không thể cung cấp một số lượng lớn hàng hóa, hay tìm kiếm các khách hàng tiềm năng hoặc hoạt động marketing không tốt thì lúc này sẽ tạo điều kiện cho bên mua mua sản phẩm và cho tiêu thụ ra ngoài thị trưởng.
Các loại tín dụng thương mại được sử dụng phổ biến hiện nay:
- Tín dụng thương mại tự do: Đây là loại tín dụng được chấp nhận trong khoảng thời gian được hưởng chiết khấu.
- Tín dụng thương mại có chi phí: Là loại tín dụng ngoài tín dụng thương mại tự do với chi phí bằng đúng % chiết khấu cho phép.
Tuy nhiên, trên thực tế thì đa số các nhà quản trị, các chủ doanh nghiệp vẫn thường hay lựa chọn hình thức tín dụng thương mại tự do. Bởi lẽ với loại tín dụng này họ sẽ chỉ sử dụng tín dụng thương mại có chi phí trong trường hợp phân tích chi phí vốn và chắc chắn rằng nó sẽ nhỏ hơn các chi phí vốn có từ các nguồn khác. Còn đối với tín dụng thương mại có chi phí thì sẽ tốn khá nhiều nguồn vốn vào các khoản chi phí phát sinh để hỗ trợ cho quá trình hoạt động.
- Đặc điểm của tín dụng thương mại:
Bất kỳ một vấn đề nào tồn tại trong thực tế xã hội đều sẽ tồn tại những đặc điểm để phân biệt, so sánh với những vấn đề khác. Và tín dụng tư nhân cũng mang những đặc điểm nổi bật như sau:
– Tín dụng thương mại là loại tín dụng mà sử dụng vốn cho vay dưới dạng hàng hóa, sản phẩm, nguyên liệu, vật liệu hoặc bộ phận của vốn sản xuất chuẩn bị chuyển hóa thành tiền, chưa phải là tiền nhàn rỗi.
– Người cho vay và người được vay thực chất là những doanh nghiệp, mối quan hệ của những chủ thể này được xây dựng dựa trên quan hệ hợp tác kinh doanh, làm ăn, hoặc cụ thể hơn là giữa bên mua và bên bán. Những doanh nghiệp này là những chủ thể tham gia vào quá trình sản xuất và lưu thông hàng hóa.
– Khối lượng tín dụng lớn hay nhỏ phụ thuộc vào tổng giá trị khối lượng hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp cho vay đưa ra để mua bán chịu với đối tác.
Ưu và nhược điểm của tín dụng thương mại
Một, ưu điểm
– Tín dụng thương mại góp phần vào việc đẩy nhanh quá trình sản xuất, tốc độ lưu thông hàng hóa ra ngoài thị trường. Từ đó giúp cho hoạt động mua bán hàng hóa được thực hiện nhanh hơn, góp phần giúp cho doanh nghiệp bán nợ có thể tung ra thị trường các sản phẩm của mình và ngược lại cũng giúp cho bên mua nợ có thể kiếm lợi nhuận từ hoạt động mua bán này.
– Tín dụng thương mại tham gia vào quá trình điều tiết vốn giữa các doanh nghiệp một cách trực tiếp. Việc huy động vốn nhanh chóng và tiện lợi, thủ tục cũng được đơn giản hơn, ngoài ra còn có thể giảm được mức lãi suất thay vì phải vay vốn từ ngân hàng. Không chỉ như thế mà còn giúp cho doanh nghiệp bán nợ thu được lãi suất nếu nguồn vốn này dư trong ngân sách.
– Tín dụng thương mại góp phần làm giảm khối lượn tiền mặt trong lưu thông, đồng thời làm giảm chi phí lưu thông xã hội.
Hai, nhược điểm:
– Về thời gian: Khả năng lấy lại vốn của doanh nghiệp bán nợ sẽ mất khá nhiều thời gian bởi phụ thuộc vào tốc độ lưu thông hàng hóa trên thị trường. Đồng thời thời gian tín dụng thương mại là dưới 1 năm. Vì vậy sẽ gây nhiều áp lực đối với doanh nghiệp mua nợ.
– Về quy mô: Lượng giá trị cho vay bị giới hạn trong khả năng vốn hàng hóa mà doanh nghiệp có.
– Về điều kiện kinh doanh, chu kỳ sản xuất: Chính vì thời gian tín dung thương mại là 1 năm nên sẽ khiến cho doanh nghiệp mua nợ cần phải đẩy nhanh tốc độ kinh doanh, chiến lược kinh doanh để phù hợp với thời gian hoàn nợ.
Như vậy, chúng ta có thể thấy tín dụng thương mại thực chất là hoạt động mua bán nợ giữa các chủ doanh nghiệp với nhau. Mục đích của hoạt động này chính là nhằm tạo điều kiện cho khách hàng có thể đưa sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa của mình ra ngoài thị trường để tiêu thụ. Và sau khi bên nợ bán được một số lượng sản phẩm, hàng hóa nhất định thì sẽ tiến hành hoàn lại số tiền mà doanh nghiệp đã cho bán nợ, trường hợp có lãi suất thì bên mua nợ cần phả thanh toán số tiền lãi này.
3.2. Tín dụng ngân hàng:
Tín dụng ngân hàng là một giao dịch về tài sản cụ thể là tiền giữa các hàng với cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hoặc với các chủ thể khác. Hầu như đối tượng của tín dụng ngân hàng không bị giới hạn bởi bất kỳ yếu tố nào. Bên cạnh đó với sự đa dạng về hình thức vay vốn, mục đích cho vay và khả năng vay đơn giản mà hiện nay tín dụng ngân hàng được nhiều đối tượng sử dụng.
Các loại hình tín dụng ngân hàng sẽ được chia dựa theo các tiêu chí như sau:
Một, căn cứ vào thời hạn cho vay:
- Tín dụng ngắn hạn: Có thời gian nhỏ hơn hoặc bằng 12 tháng. Tín dụng ngắn hạn sẽ giúp các khách hàng có thể sử dụng để giải quyết các vấn đề cấp bách nhưng không thể xoay sở được. Tín dụng ngắn hạn bao gồm các hình thức như sau: Chiết khấu; Ứng trước trên tài khoản và thấu chi.
- Tín dụng trung gian: Đây là loại tín dụng có thời hạn trên 12 tháng đến 60 tháng nhưng còn tùy thuộc vào mục đích, định hướng phát triển mà từng quốc gia sẽ có nhữn quy định riêng. Mục đích của loại tín dụng này là nhằm sử dụng để cho vay theo dự án, cho thuê tài chính.
- Tín dụng dài hạn: Đây là loại tín dụng có thời hạn trên 60 tháng và sẽ có hai hình thức cho vay như sau: Cho vay theo dự án và cho thuê tài chính.
Hai, căn cứ vào mức độ bảo đảm sẽ có các hình thức tín dụng sau:
- Tín dụng có bảo đảm. Đây là hình thức tín dụng mà người vay cần phải đặt cọc một số tiền hay được hiểu là giới hạn tín dụng của thẻ tín dụng được bảo đảm thường được đặt ở mức tối đa hoặc thấp hơn tiền ký quỹ.
- Tín dụng không bảo đảm. Mục đích của thẻ tín dụng không có bảo đảm là một thẻ không được bảo vệ chống lại một hình thức thế chấp và là loại thẻ tín dụng được sử dụng rộng rãi nhất. Với loại tín dụng này thì lãi suất sẽ cao hơn rất nhiều.
Bên cạnh hai loại tín dụng ngân hàng này sẽ có thêm một số hình thức tín dụng khác như tín dụng trực tiếp, tín dụng gián tiếp, tín dụng bằng tiền, tín dụng bằng hiện vật,….
Đặc điểm của tín dụng ngân hàng
– Tín dụng ngân hàng hầu như không giới hạn số tiền cho vay, chỉ cần một số điều kiện đi kèm thì lúc này người vay có thể vay được số tiền mà mình muốn vay.
– Chủ thể của hình thức tín dụng rất là đa dạng, bao gồm nhiều chủ thể khác nhau như doanh nghiệp, cá nhân…và mục đích của việc vay vốn sẽ không bị ràng buộc. Người vay có thể lựa chọn gói vay phù hợp với nhu cầu, mục đích của cá nhân, doanh nghiệp và từ đó lựa chọn gói vay phù hợp.
– Quy mô vay vốn rất rộng lớn và bao phủ trên khắp cả nước. Tất cả các tỉnh thành đều có các ngân hàng hoạt động vay vốn và nhu cầu vay vốn của người dân cũng rất cao.
Như vậy, tín dụng tư nhân sẽ bao gồm các hình thức tín dụng như trên. Tùy theo từng mục đích sử dụng, nhu cầu, và đối tượng vay mà sẽ có những hình thức tín dụng phù hợp.