Tuyên ngôn độc lập của Mỹ 1776 là văn bản chuẩn mực thúc đẩy tinh thần nhân loại đứng lên đấu tranh lật đổ chế độ chuyên chế, lật đổ ách thống trị của thực dân và đấu tranh giành lại nhân quyền cùng tự do. Ở bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp cho các bạn những thông tin về Bản tuyên ngôn độc lập Mỹ 1776.
Mục lục bài viết
1. Sự ra đời của bản tuyên ngôn độc lập Mỹ 1776:
Từ đầu thế kỉ XVII đến đầu thế kỉ XVIII, thực dân Anh đã thành lập 13 thuộc địa chủ mình ở Bắc Mĩ. Các tầng lớp nhân dân, tư sản, chủ đồn điền, công nhân, nô lệ đều đấu tranh chống ách thống trị của thực dân Anh.
Vào ngày 4 tháng 7 năm 1776, tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ được thông qua bởi cuộc họp của Đệ nhị Quốc hội Lục địa tại Tòa nhà bang Pennsylvania (nay là Independence Hall) ở Philadelphia, Pennsylvania. Tuyên ngôn này tuyên bố rằng Mười ba thuộc địa trong tình trạng chiến tranh với Vương quốc Liên hiệp Anh sẽ coi mình là mười ba quốc gia độc lập có chủ quyền, không còn phải chịu sự cai trị của người Anh và nước Anh. Các quốc gia mới này đã thực hiện bước đầu tiên tập thể để hình thành Hợp chúng quốc Hoa Kỳ với Tuyên ngôn độc lập này. Tuyên ngôn được ký bởi các đại diện từ New Hampshire, vịnh Massachusetts, Rhode Island, Connecticut, New York, New Jersey, Pennsylvania, Maryland, Delaware, Virginia, Bắc Carolina, Nam Carolina và Georgia.
Tuy nhiên, cuộc chiến tranh giành độc lập của nhân dân thuộc địa vẫn còn phải tiếp diễn. Sau nhiều cuộc chiến khác nhau, hợp chủng quốc Hoa Kỳ mới chính thức được thành lập.
2. Nội dung chính của Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ năm 1776:
Mở đầu của bản Tuyên ngôn, một vấn đề của tự nhiên đã được đặt ra, đó chính là một dân tộc sẽ đứng lên đấu tranh để giành độc lập chính trị khi chịu sự áp bức, bóc lột nặng nề, tàn ác. Bản tuyên ngôn đã công nhận rằng các căn cứ cho sự độc lập cần sự có lý, và từ đó có thể đưa ra lời giải thích: “Trong tiến trình lịch sử nhân loại, khi một dân tộc thấy cần rũ bỏ những mối liên hệ chính trị ràng buộc họ với một dân tộc khác và cần giành lấy một địa vị riêng biệt, bình đẳng trong hàng cường quốc trên trái đất này – địa vị mà các quy luật của thiên nhiên và của đấng cai quản muôn loài cho phép họ được hưởng – thì vì nghiêm túc tôn trọng phán xét của nhân loại, họ không thể không tuyên bố những căn nguyên khiến họ phải ly khai.”
Tiếp theo, Bản Tuyên ngôn đã khẳng định những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, đó là quyền sống, quyền tự do, quyền bình đẳng… – tất cả những quyền thiết yếu nhất của con người: “Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc.” Câu nói này đã trở thành một tuyên bố nổi tiếng về quyền con người. Đây được gọi là “một trong những câu nổi tiếng nhất trong tiếng Anh”, có chứa “những từ có tiềm năng và hệ quả nhất trong lịch sử Hoa Kỳ”. Có thể thấy, câu văn đã thể hiện một tiêu chuẩn đạo đức mà Hoa Kỳ hướng đến phấn đấu xây dựng trong tương lai.
Từ những khẳng định trên về quyền con người, bản Tuyên ngôn đã nhấn mạnh chính phủ được lập ra vì nhân dân, nhân dân có quyền thay đổi hoặc loại bỏ chính quyền đó và lập nên một chính quyền mới. Bản tuyên ngôn còn khẳng định quyền và nghĩa vụ của nhân dân trong việc lật đổ chính quyền có hành vi lạm quyền, áp bức, bóc lột, khiến xã hội tụt dốc: “Để đảm bảo cho những quyền này, chính phủ đã được lập ra từ trong nhân dân và có được quyền lực chính đáng là do có sự ưng thuận của nhân dân. Bất cứ khi nào một hình thức chính quyền nào đó trở nên có hại cho việc thực hiện những mục tiêu này thì đương nhiên nhân dân có quyền thay đổi và loại bỏ nó, và lập chính quyền mới, đặt nền tảng trên những nguyên tắc đó và sắp xếp quyền lực cho nó dưới một hình thức nào đó, sao cho có thật nhiều khả năng làm cho nhân dân được an toàn và hạnh phúc.”
Bên cạnh đó, Bản tuyên ngôn đã tố cáo những tội ác của thực dân Anh đã gây ra những đau thương mất mát, những hậu quả khủng khiếp cho người dân nơi thuộc địa. Có thể nói, đây chính là bản cáo trạng, ghi lại những tổn thương và mất mát của nhân dân Mỹ bị chính quyền Anh cướp đi – cụ thể là: không phê chuẩn những quy định pháp luật tốt đẹp; không thông qua những quy định pháp luật về cư trú; nhiều lần giải tán các hạ nghị viện; ngăn cản việc dân số tăng trưởng ở các bang; ngăn cản việc đưa luật nhập quốc tịch cho người nước ngoài vào thực tiễn đời sống xã hội, không thông qua những đạo luật khác khuyến khích nhập cư và bổ sung thêm một số điều kiện đối với quyền sở hữu đất đai; từ chối thông qua những đạo luật thiết lập các cơ quan tư pháp, từ đó bắt buộc các quan tòa phụ thuộc vào quyết định của nhà vua. Không chỉ vậy, chính quyền Anh còn thành lập không ít cơ quan mới và bổ sung thêm rất nhiều quan lại mới để bóc lột dân chúng và vơ vét tài sản của họ. Hơn thế, chính quyền Anh còn có những tác động khiến ngành quân sự độc lập và vượt lên trên quyền lực dân sự; buộc nhân dân phải tuân theo nền pháp quyền đi ngược lại với hiến pháp của họ và không được pháp luật của họ thừa nhận: “Cho phép những đội quân có võ trang đông đảo đồn trú trên đất nước ta. Qua những phiên tòa giả hiệu, che chở cho chúng khỏi bị trừng phạt trước hậu quả của những vụ sát hại dân cư ở các bang này.”
Quá đáng hơn khi chính quyền Anh còn tiến hành cắt đứt những quan hệ thương mại quốc tế của Mỹ với các quốc gia khác; áp đặt các khoản thuế vô lý lên nhân dân, đối với các tội trạng không có luật còn tiến hành đưa người Mỹ sang phía bên kia đại dương để xét xử. Ngoài ra còn có thể kể đến một số tội ác khác mà chính quyền Anh đã gây ra cho nhân dân 13 nước thuộc địa, cụ thể: Xóa bỏ thể thế tự do và thiết lập chính quyền độc đoán, tước đoạt hiến chương, hủy bỏ những bộ luật giá trị, đình chỉ các cơ quan lập pháp;…
Nội dung cuối cùng là phần tố cáo, “…đã nhiều lần chúng ta cảnh báo họ về mưu toan của cơ quan lập pháp của họ trong việc bành trướng quyền tài phán quá đáng sang đất nước chúng ta. Chúng ta đã nhắc nhở họ về hoàn cảnh nhập cư và cư trú của chúng ta tại nơi này. Chúng ta đã kêu gọi ý thức công bằng và lòng hào hiệp ở họ, chúng ta đã yêu cầu họ vì mối liên hệ ruột thịt giữa đôi bên mà từ bỏ những hành vi chiếm đoạt, vì chắc chắn những hành vi này sẽ gây trở ngại cho sự giao thiệp và trao đổi thư từ giữa hai phía với nhau. Họ cũng không thèm lắng nghe tiếng nói của công lý, tiếng nói của tình máu mủ. Vì vậy, chúng ta đành chấp nhận tuyên bố cắt đứt quan hệ với họ và đối xử với họ giống như với tất cả những người khác: Thời bình là bạn, thời chiến là thù.”
Bởi vì những tội ác tày trời, khó thể tha thứ của Hoàng Gia Anh mà bản tuyên ngôn đã đề cập ở trên nên đến phần này, bản Tuyên ngôn đã tuyên bố, khẳng định lại một lần nữa đó chính là “Vì vậy, thông qua Quốc hội này, chúng tôi, những người đại diện cho Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ, đang tề tựu nơi đây để thỉnh nguyện Đấng phán xét tối cao chứng giám cho ý định đúng đắn của chúng tôi, đồng thời nhân danh những người lương thiện ở các thuộc địa này và do sự ủy quyền của họ, chúng tôi long trọng công khai tuyên bố rằng các thuộc địa liên minh với nhau này đã và có quyền phải là Quốc gia Tự do và Độc lập, rằng họ từ bỏ mọi sự trung thành đối với vương miện của Anh Quốc, rằng những liên hệ chính trị giữa họ với nước Anh đã và phải hoàn toàn bị xóa bỏ, rằng với tư cách là Quốc gia Tự do và Độc lập, họ hoàn toàn có quyền tiến hành chiến tranh, ký kết hiệp ước hòa bình, xây dựng liên minh, thiết lập quan hệ thương mại và thực thi mọi công việc thuộc quyền của những Quốc gia Độc lập. Với niềm tin vững chắc vào sự phù trợ của Chúa, chúng ta nguyện cùng hiến dâng tính mạng, tài sản và danh dự thiêng liêng của mình để bảo đảm cho bản tuyên ngôn này”. Những người ký tên trong bản tuyên ngôn này đã khẳng định và nhấn mạnh rằng các thuộc địa phải từ bỏ quan hệ chính trị với Vương quốc Anh và cho ra đời các quốc gia độc lập.
3. Ý nghĩa của Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ năm 1776:
Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ là văn bản chính trị tuyên bố ly khai khỏi Vương quốc Anh của 13 nước thuộc địa Bắc Mỹ. Đây cũng là văn bản chuẩn mực tinh thần góp phần cổ vũ, kêu gọi nhân loại đứng lên đấu tranh lật đổ chế độ chuyên kế, lật đổ ách thống trị của thực dân, đấu tranh cho nhân quyền và tự do.
Tuyên ngôn độc lập đã truyền cảm hứng cho nhiều tài liệu xây dựng các bản hiến pháp ở nhiều quốc gia trên thế giới, phải kể đến đầu tiên là bản Tuyên ngôn độc lập năm 1789 của nước Bỉ thống nhất được ban hành trong cuộc Cách mạng Brabant ở Hà Lan thuộc Áo. Nó cũng là mô hình chính cho nhiều tuyên bố độc lập ở khu vực châu Âu và khu vực châu Mỹ Latinh, cũng như châu Phi (Liberia) và Châu Đại Dương (New Zealand) trong nửa đầu thế kỷ 19.
4. Điểm tiến bộ và điểm hạn chế của Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ năm 1776:
4.1. Điểm tiến bộ:
Quyền con người và quyền công dân chính thức được tuyên bố trước toàn thể nhân loại.
Nguyên tắc về chủ quyền của nhân dân được đề cao.
Mặc dù ra đời sớm, nhưng câu hói bất hủ trong bản tuyên ngôn độc lập này vẫn giữ nguyên giá trị đến ngày hôm nay, khẳng định quyền cơ bản của nhân loại. Ví dụ như Bác Hồ vĩ đại của dân tộc Việt Nam đã trích dẫn câu nói “Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc” – để làm nổi bật lên ý nghĩa của Bản tuyên ngôn độc lập 1945.
4.2. Điểm hạn chế:
Tuyên ngôn không đề cập đến việc xóa bỏ chế độ nô lệ cùng việc bóc lột giai cấp công nhân và nhân dân lao động.
Thực chất chỉ bảo vệ quyền lợi cho người da trắng.
5. Những điều thú vị của ngày Quốc khánh Mỹ:
Xuyên suốt lịch sử của mình, Mỹ ghi nhận ba trên năm tổng thống đầu tiên của Mỹ đã qua đời trùng với ngày quốc khánh. Tổng thống thứ hai – John Adams và tổng thống thứ ba – Thomas Jefferson, là hai đối thủ trong suốt sự nghiệp chính trị nhưng lại qua đời chỉ cách nhau vài giờ vào đúng dịp kỷ niệm 50 năm ngày quốc khánh. Năm năm sau, tổng thống thứ năm – James Monro cũng mất vào đúng dịp kỷ niệm 55 ngày quốc khánh Mỹ.
Từ năm 1777, người Mỹ bắt đầu tổ chức lễ độc lập. Các lễ kỷ niệm lớn đầu tiên diễn ra thành phố ở Philadelphia, mở màn bằng diễu hành, bắn 13 quả pháo chúc mừng cùng lễ hội pháo hoa. Thế nhưng, mãi đến năm 1870 (tức là 93 năm sau), quốc hội Mỹ mới chính thức công nhận ngày 4/7 là ngày lễ quốc khánh hợp chủng quốc Hoa Kỳ.