Văn Cao là một tài hoa thiên bẩm, nhạc sĩ của nhiều bài hát làm rung động lòng người, những bài hát đã trở thành một phần trong tài sản tinh thần của biết bao thế hệ người Việt
Mục lục bài viết
1. Tiểu sử Văn Cao :
Văn Cao tên thật là Nguyễn Văn Cao sinh ngày 15/11/1923 – mất ngày 10/7/1995, Văn Cao sinh ra và lớn lên tại Lạch Tray (nay là phường Lạch Tray, quận Ngô Quyền), thành phố Hải Phòng, nhưng quê gốc ở thôn An Lễ, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Xuất thân trong một gia đình viên chức, cha của Văn Cao vốn là giám đốc nhà máy nước Hải Phòng.
Thuở nhỏ, Văn Cao học ở trường tiểu học Bonnal, sau lên học trung học tại trường dòng Saint Josef, là nơi ông bắt đầu học âm nhạc. Năm 1938, khi mới 15 tuổi, vì gia đình sa sút, Văn Cao bỏ học sau khi kết thúc năm thứ hai bậc thành trung. Ông làm điện thoại viên ở sở Bưu điện tại Hải Phòng, nhưng được một tháng thì bỏ việc.
Cuối những năm 1930, tân nhạc Việt Nam ra đời. Ở Hải Phòng khi đó tập trung nhiều nhạc sĩ tiên phong như Đinh Nhu, Lê Thương, Hoàng Quý… Văn Cao tham gia vào nhóm Đồng Vọng của Hoàng Quý cùng Tô Vũ, Canh Thân, Đỗ Nhuận… và bắt đầu sáng tác ca khúc đầu tay là “Buồn tàn thu” vào năm 16 tuổi. Cùng nhóm Đồng Vọng, Văn Cao còn sáng tác một số ca khúc hướng đạo vui tươi khác như “Gió núi”, “Gò Đống Đa”, “Anh em khá cầm tay”. Cũng trong thời gian ở Hải Phòng, Văn Cao làm quen với Phạm Duy, khi đó là ca sĩ trong gánh hát Đức Huy. Phạm Duy chính là người đã hát “Buồn tàn thu”, giúp ca khúc trở nên phổ biến. Năm 1940, Văn Cao có một chuyến đi vào miền Nam. Ở Huế, Văn Cao đã viết “Một đêm đàn lạnh trên sông Huế”, được coi là bài thơ đầu tay.
Năm 1942, nghe theo lời khuyên của Phạm Duy, Văn Cao rời Hải Phòng lên Hà Nội. Ông thuê căn gác nhỏ số 171 phố Mongrant – nay là 45 Nguyễn Thượng Hiền – và theo học dự thính tại Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Văn Cao còn làm thơ, viết truyện đăng trên Tiểu thuyết Thứ Bảy. Năm 1943 và 1944, Văn Cao hai lần xuất hiện trong triển lãm Salon Unique tổ chức tại nhà Khai trí Tiến Đức, Hà Nội với các bức tranh sơn dầu: “Cô gái dậy thì”, “Sám hối”, “Nửa đêm”. Đặc biệt tác phẩm “Cuộc khiêu vũ những người tự tử” (“Le Bal aux suicidés”) được đánh giá cao và gây chấn động dư luận. Tuy được báo chí khen ngợi, nhưng tranh của Văn Cao không bán được. Ông trải qua một thời gian dài ở Hà Nội trong thiếu thốn. Cùng bạn bè, Văn Cao thường phải đứng bán các tác phẩm của mình trên các đường phố Hà Nội, Hải Phòng.
2. Các tác phẩm nghệ thuật của Văn Cao:
Văn Cao bước vào con đường nghệ thuật khá sớm, khi mới ở tuổi thiếu niên. Đầu tiên ông xuất hiện ở làng văn nghệ bằng những vở kịch và truyện ngắn, sau đó ông chuyển sang thơ và nhạc. Đúng như giới văn nghệ sĩ đánh giá, Văn Cao là một nghệ sĩ tài hoa trên cả ba lĩnh vực: thơ, họa, nhạc.
2.1. Trong lĩnh vực âm nhạc:
Ngay từ trước cách mạng, Văn Cao đã là một nhạc sĩ tài danh với những ca khúc trữ tình nổi tiếng. Bài hát đầu tay của ông viết năm 1939 tại Hải Phòng là “Buồn tàn thu”, tiếp sau đó là những giai điệu ngọt ngào, sâu lắng với những ca từ đạt đến độ hoàn mỹ của “Thiên thai”, “Suối Mơ”, “Trương Chi”, “Bến xuân”, “Cung đàn xưa”, “Đàn chim Việt”…
Tuy đa phần những ca khúc đó đều chứa đựng một tâm sự buồn của bản thân ông, nhưng đó thực sự là những khúc tình ca bất hủ không chỉ của riêng ông mà còn của cả nền âm nhạc Việt Nam suốt hơn nửa thế kỷ qua. Bên cạnh những sáng tác nhạc trữ tình, Văn Cao còn có những hành khúc hùng tráng lấy đề tài từ lịch sử dân tộc như: “Gò Đống Đa”, “Thăng Long hành khúc ca” viết cho tráng sinh Hướng đạo thuộc nhóm “Đồng Vọng” của Nhạc sĩ Hoàng Quý – một nhóm nhạc nổi tiếng ở Hải Phòng trước cách mạng.
Tham gia Việt Minh, Văn Cao viết những ca khúc: Chiến sĩ Việt Nam (1945), Không quân Việt Nam (1945), Hải quân Việt Nam (1945), Công nhân Việt Nam,… Năm 1947, sau chiến thắng sông Lô, Văn Cao viết Trường ca Sông Lô – được đánh giá là một tác phẩm vĩ đại, chẳng thua bất cứ một tuyệt phẩm nào của nhạc cổ điển Tâ
Sau năm 1954, những ca sĩ hàng đầu của Sài Gòn như: Thái Thanh, Khánh Ly, Hà Thanh, Ánh Tuyết…đã trình diễn và ghi âm nhạc phẩm của Văn Cao. Đặc biệt, bản nhạc “Mùa xuân đầu tiên” (1976) của Văn Cao viết về sự kiện trọng đại của dân tộc: Mùa xuân mới đầu tiên thực sự của Nam – Bắc cùng đoàn tụ, vui chung một nhà, hòa vào tình cảm yêu thương ruột thịt, cùng nhau đón Tết! Ca khúc thể hiện đúng với lòng mong ước sáng trong của Hồ Chủ tịch: “Bắc – Nam sum họp Xuân nào vui hơn!”.
2.2. Trong lĩnh vực thơ ca:
Độc giả biết đến Văn Cao với những vần tự sự về chính cuộc đời ông, về quê hương, về cuộc sống tự do với bạn bè; biết đến những vần thơ đau thương nhất của ông về cuộc sống cùng cực của người dân nghèo nơi xóm ả đào, nẻo nhà ga, lề đường, góc chợ.
Đối với Văn Cao, “người làm thơ phải đi tìm những tư tưởng, cảm xúc và cảm giác trong thực tế ở những con người đang hàng ngày túi bụi xây dựng”. Với bài thơ đầu tiên “Một đêm đàn lạnh trên sông Huế” và tiếp theo là: “Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc”, “Bến Ngự trên thương cảng”, “Ngoại ô mùa Đông năm 1946”, “Những người trên cửa biển”, “Với
2.3. Trong lĩnh vực hội hoạ:
Nói đến Văn Cao, người ta không thể không nhắc đến lĩnh vực hội họa. Ở lĩnh vực này, ông là một họa sĩ sử dụng cọ và màu cũng sắc sảo, mặn nồng không thua gì các họa sĩ chuyên nghiệp. Ông đã có những bức tranh minh họa, những bìa sách và nhiều bức sơn dầu nổi tiếng. Đặc biệt, với lối vẽ tranh sơn dầu bằng hình thức và nội dung mới, bức họa đầu tay “Cuộc khiêu vũ của những người tự tử” được Văn Cao trưng bày tại Phòng triển lãm Duy nhất (Hà Nội-1944) đã làm giới mỹ thuật ngạc nhiên về bút pháp và màu sắc.
3. Nhạc sĩ Văn Cao và bài “Tiến Quân Ca”:
Quốc ca Việt Nam là bài “Tiến quân ca” do Nhạc sĩ Văn Cao sáng tác, với những giai điệu thiêng liêng, hào hùng. Bài hát ra đời gắn với những ký ức Việt Nam thời kỳ tiền khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám cùng những kỷ niệm khó quên của tác giả.
Theo lời kể lại vào năm 1976 của tác giả về hoàn cảnh ra đời của bài Quốc ca, đó là vào những ngày mùa đông năm 1944, khi cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc đang sục sôi khí thế. Văn Cao gặp Vũ Quý, là một cán bộ Việt Minh, cũng là một người vẫn theo dõi những hoạt động nghệ thuật của Văn Cao. Ông Vũ Quý hỏi như đề nghị Văn Cao thoát ly hoạt động cách mạng và giao nhiệm vụ đầu tiên cho Văn Cao là sáng tác một bài hát cho quân đội cách mạng.
Văn Cao lúc ấy, chưa biết đến chiến khu, chỉ biết những con đường Phố Ga, đường Hàng Bông, đường Bờ Hồ (Hà Nội) theo thói quen đi và cũng chưa gặp các chiến sĩ quân đội cách mạng trong khóa quân chính đầu tiên và không biết họ hát như thế nào… tác giả “đang nghĩ cách viết một bài hát thật giản dị cho họ có thể hát được…”.
Ông đã trăn trở, tìm kiếm những âm thanh, hình ảnh trong buổi chiều đi dọc các con phố Hà Nội… và ông đã viết được những nét nhạc đầu tiên của bài “Tiến quân ca”. Ông đã chỉnh sửa và hoàn thiện bài hát nhiều ngày sau đó tại căn gác số 45 Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội trong những ngày đông ảm đạm, đói, rét, khổ cực.
“Đoàn quân Việt Nam đi,
Chung lòng cứu quốc
Bước chân rộn vang trên đường gập ghềnh xa…”.
“…Nhịp điệu ngân dài của bài hát mở đầu cho một tiếng cồng vang vọng”… Nhạc sĩ Văn Cao nhớ lại, khi bài hát viết xong, ông Vũ Quý đã rất hài lòng: “Da mặt anh đen sạm. Đôi mắt và nụ cười của anh lấp lánh”.
“Tiến quân ca” là bài ca cách mạng, với âm hưởng hào hùng, thôi thúc, cổ vũ tinh thần, nhiệt huyết và lòng yêu nước của bộ đội, nhân dân Việt Nam cùng đứng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Ngày 17/8/1945, “bài hát Tiến quân ca đã vang lên giữa bầu trời Hà Nội…hàng ngàn giọng hát cất lên, vang theo những đoạn sôi nổi…
Ngày 19/8/1945, một cuộc mít-tinh lớn họp tại quảng trường Nhà hát Lớn. Dàn đồng ca của Thiếu niên Tiền phong hát “Tiến quân ca” chào lá cờ đỏ sao vàng… Hàng chục ngàn giọng hát cất lên, thét lên tiếng thét căm thù vào bọn đế quốc, và sự hào hùng chiến thắng của cách mạng”.
Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, năm 1946, Quốc hội khóa I đã chính thức quyết định chọn “Tiến quân ca” làm Quốc ca Việt Nam. Trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam năm 1946, tại Điều 3, ghi rõ: Quốc ca là bài “Tiến quân ca”.
Bài Tiến Quân ca “không những chỉ là một bản nhạc hay so với nhiều bài quốc ca của các nước khác mà nó còn có đầy đủ giá trị tiêu biểu, vì nó đã gắn bó tình cảm với nhiều thế hệ nối tiếp nhau trải qua nhiều chặng đường gian nan và vinh quang của lịch sử dân tộc Việt Nam”. Bài hát “Tiến quân ca” ra đời trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt, với cá nhân tác giả và dân tộc Việt Nam.
Nhiều năm trôi qua, bài hát trở thành hành khúc, đồng hành cùng nhân dân Việt Nam trong suốt những năm tháng đấu tranh giành và bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa và là niềm tự hào của nhân dân Việt Nam.
4. Những giải thưởng nghệ thuật mà Văn Cao đã đạt được:
Cho đến nay bản lĩnh sáng tạo trong ca khúc của Văn Cao được ghi nhận là sự tổng hợp hài hoà của nhạc-hoạ-văn-thơ. Giai điệu âm nhạc của ông bao giờ cũng đẹp, uyển chuyển; ca từ được gọt rũa kỹ, hình ảnh đẹp. Đúng như sự đánh giá của nguyên Tổng Bí thư Đảng Đỗ Mười: Văn Cao- “người nhạc sĩ đầy tài năng” của nền âm nhạc Việt Nam.
Với những cống hiến trọn đời cho nền âm nhạc dân tộc, năm 1993, Văn Cao đựợc Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc Lập hạng Nhất. Năm 1996, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, đợt I cho các ca khúc: “Tiến quân ca” (1944), “Chiến sĩ Việt Nam” (1945), “Làng tôi” (1947), “Sông Lô” (1947), “Tiến về Hà Nội” (1948), “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” (1950).