Danh y Lê Hữu Trác hay còn được người đời gọi với cái tên Hải Thượng Lãn Ông, được mệnh danh là vị Đại danh y trong bầu trời y học Việt Nam. Với tài năng học rộng, ông đã có những đóng góp to lớn cho cả nền y học và văn học Việt Nam.
Mục lục bài viết
1. Vài nét về tiểu sử Lê Hữu Trác:
Lê Hữu Trác sinh trưởng tại thôn Văn Xá, làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay thuộc xã Mỹ Hào, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), trong một gia đình danh gia vọng tộc, có nhiều người đỗ đạt, hiển vinh, làm đại thần triều đình. Chú ruột của ông là Lê Hữu Kiều, đỗ đệ tam giáp tiến sĩ, làm quan đến chức Thượng thư Bộ Lễ, phong tặng Quận Công (ông là bố vợ của Bảng nhãn Lê Quý Đôn). Cha là Lê Hữu Mưu, đỗ đệ tam giáp tiến sĩ, làm Thị lang Bộ Công triều Lê Dụ Tông, gia phong chức Ngự sử, tước Bá (được truy phong Thượng thư); mẹ là Bùi Thị Thưởng (vợ thứ).
Lê Hữu Trác là con thứ bẩy, nên lúc nhỏ tục gọi là cậu Chiêu Bẩy. Thuở nhỏ, ông sống ở quê nhà, rồi theo cha đi học ở Kinh thành Thăng Long (Hà Nội). Hồi trẻ, ông nổi tiếng là người thông minh, học giỏi, hiểu rộng, thơ hay. Đến năm Kỷ Mùi (1739), khi mới 20 tuổi thì cha mất, phải thôi học. Ông thi đậu tam trường rồi sau không đi thi nữa. Về nhà, ông tiếp tục đọc sách, luyện chí, tu thân, trở thành một người uyên thâm, thấu hiểu sâu sắc cả các học thuyết của Nho, Phật, Lão.
Lê Hữu Trác lớn lên vào thời Lê Mạt, giữa lúc chế độ phong kiến khủng hoảng nghiêm trọng, xã hội rối ren, Trịnh Nguyễn phân tranh, nhân dân cực khổ, khắp nơi nổi dậy chống phong kiến. Vì vậy, ngoài việc dùi mài kinh sử, ông đã học thêm thuật Âm Dương trong môn học “Thiên Nhân” của ẩn sĩ họ Vũ ở Đặng Xá. Vài năm sau khi triều đình tuyển mộ, ông đã gác bút nghiên tòng quân. Ông nghiên cứu binh thư, biết võ thuật, lại là con cháu các đại thần nên rất được tín nhiệm và được cử cầm quân. Trong khi tại ngũ, Lê Hữu Trác thường đau yếu do hoàn cảnh khắc nghiệt của chiến tranh, được người quen giới thiệu, ông vào tận Rú Thành (Thanh Chương, Nghệ An) tìm đến nhà lương y Trần Độc để chạy chữa và dưỡng bệnh. Trong thời gian này, ông đã mượn cuốn sách thuốc “Cẩm nang Phùng thị” để đọc. Càng đọc càng say mê, thích thú và càng thấu hiểu y lý, ông nhận thấy nghề thuốc là nghề nhân đạo, cứu nhân độ thế. Do vậy, sau mấy năm tham gia quân đội Trịnh, ông đã tận mắt chứng kiến cảnh đau thương chết chóc, cốt nhục tương tàn rồi chán ghét bỏ quan, cởi giáp trở về sống cuộc đời của một thường dân.
Con đường mà Lê Hữu Trác đến với y học rồi nguyện cống hiến cả cuộc đời cho nghề thuốc không bằng phẳng, suôn sẻ mà trải qua nhiều biến cố thăng trầm nhiều băn khoăn, do dự. Sống trong một xã hội loạn lạc, đầy sóng gió thời “vua Lê, chúa Trịnh”, ông đã thấy rõ “cảnh làm quan là cái biển lênh đênh, chìm mổi hiểm nghèo”, “vào cửa công hầu sâu tựa biển” (tự thuật), bản thân thì bị bệnh kéo dài mãi không khỏi, con cái thì bệnh tật, chết yểu, đặc biệt là trường hợp mất đứa con yêu thông minh, dĩnh ngộ cộng với sự ra đi của người anh trai thứ năm vì mắc bệnh hiểm nghèo khiến cho ông giác ngộ mới quyết tâm theo đuổi nghiệp y.
Vào khoảng năm 1743, ông rời Thăng Long về quê ngoại, ở thôn Bầu Thượng, xã Tình Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, để thay anh chăm sóc mẹ già. Đây là nơi Lê Hữu Trác bắt đầu khởi nghiệp y đạo, trị bệnh cứu người. Vì vậy, ông lấy biệt hiệu là Hải Thượng Lãn Ông. Theo nhiều tài liệu cổ ghi chép lại, ông có tên gọi khác là Lê Hữu Huân (theo “Hải Dương phong vật chí”) nhưng đến nay, người đời vẫn quen thuộc gọi ông với cái tên Hải Thượng Lãn Ông. Nhiều người cho rằng, đại danh Hải Thượng Lãn Ông (có nghĩa là ông già lười ở Hải Thượng) là do sự kết hợp giữa hai chữ cái đầu tiên của tên tỉnh và tên phủ (Tỉnh Hải Dương, Phủ Thượng Hồng). Cũng có tài liệu cho rằng, chữ “lười” ám chỉ sự chán ghét công danh, không màng mưu lợi, quyền chức của vị danh y này.
Khi về Hương Sơn ẩn cư học thuốc, ông miệt mài ngày đêm, đọc rất nhiều sách và lặn lội lên rừng kiếm cây thuốc quý… Năm 1751, ông ra Kinh đô tìm thầy học thêm nhưng không gặp được thầy giỏi, ông lại trở về Hà Tĩnh say mê nghiên cứu. Chẳng bao lâu trở thành danh y nổi tiếng khắp vùng, năm 1760, ông mở trường dạy thuốc cho môn đệ, trao đổi với đồng nghiệp về y lý và biện chứng luận trị, sưu tầm phương thuốc… Năm 1782, ông được mời lên Kinh đô chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán, con trai chúa Trịnh Sâm. Chữa bệnh cho thế tử xong, ông được Chúa Trịnh mời ở lại triều để làm quan Thái y, chăm lo sức khỏe cho cung Vua phủ Chúa, nhưng ông đã một mực từ chối xin về quê, lấy cớ phải chắm sóc mẹ già. Trong dịp này, ông viết cuốn Thương kinh ký sự (Kể chuyện lên Kinh), một tác phẩm văn thơ nổi tiếng thời đó, thể hiện nỗi lòng và chí hướng của mình.
2. Sự nghiệp sáng tác của Lê Hữu Trác:
2.1. Sự nghiệp y học:
Sau khoảng thời gian học tập, ông trở lại quê mẹ để chữa bệnh cứu người. Với tài năng học rộng, chẩn bệnh giỏi, bốc thuốc hay, lại không màng tới tiền tài danh lợi, ông đã chữa khỏi bệnh cho rất nhiều người dân. Có người bệnh nhiều năm không khỏi ông cũng chữa được. Chỉ qua một thập kỷ miệt mài cống hiến, tên tuổi của ông nhanh chóng vang danh khắp vùng Hương Sơn và đến tận kinh thành.
Không dừng lại ở đó, Hải Thượng Lãn Ông còn mở thêm Hội y nhằm quy tụ các danh y từ khắp nơi đến để bầu bạn, tâm sự và chia sẻ kiến thức, học hỏi lẫn nhau. Ông cũng mở các lớp dạy y, đào tạo thế hệ thầy thuốc trẻ. Các lớp học của ông thu hút rất đông học viên tới theo học. Là một người thầy thuốc đồng thời cũng là một người thầy giáo, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác luôn căn dặn với học trò như với chính mình về nhân cách của người thầy thuốc chân chính. Trước hết, ông đề cao tính y đức, sau là tuân thủ 8 chữ “Nhân – Minh – Đức – Trí – Lượng – Thành – Khiêm – Cần” (nhân ái – sáng suốt – đức độ – tốt bụng – chân thành – khiêm tốn – cần cù). Bên cạnh đó, đặc biệt tránh lười nhác, keo kiệt, vụ lợi, dối trá, ngu si, bất nhân, sân si, thất đức.
Năm 1782, khi đã 62 tuổi, ông nhận lệnh Chúa Trịnh hồi kinh chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán. Vốn được lòng Trịnh Sâm, ông bị không ít ngự y trong thành ghen ghét. Hải Thượng Lãn Ông vốn không hề nảy sinh thù ghét, chỉ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ và mau chóng thoát khỏi chốn kinh thành. Tuy nhiên không lâu sau đó, Trịnh Sâm lâm bệnh, Trịnh Cán ốm yếu dai dẳng. Ông đành miễn cưỡng lên chữa bệnh. Dù đã được chữa khỏi nhưng do tuổi cao sức yếu, chỉ ít lâu sau Trịnh Sâm băng hà, con trai là Trịnh Cán lên kế vị. Nhân lúc triều đình đang có người tiến cử thái y mới, Hải Thượng Lãn Ông viện cớ tuổi già thoái lui về quê.
2.2. Sự nghiệp văn học:
Sự nghiệp văn học của Lê Hữu Trác rất đồ sộ, nổi bật nhất với bộ sách Hải Thượng y tông tâm lĩnh bao gồm 28 tập, 66 quyển được biên soạn trong gần bốn mươi năm. Đây là một công trình nghiên cứu y học xuất sắc nhất của ông trong thời trung đại Việt Nam không chỉ có giá trị to lớn về y học mà còn có giá trị văn học, lịch sử, triết học.
Ngoài ra, Thượng kinh kí sự cũng là tác phẩm văn học vô cùng quý giá không thể không nhắc đến của ông. Tác phẩm này được soạn năm 1782, vào lúc chúa Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm triệu ông ra kinh đô Thăng Long để chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán.
Một số tác phẩm nổi bật khác của ông là: Vệ sinh quyết yếu; Y hải cầu nguyện; Lĩnh Nam bản thảo; Thượng kinh ký sự;Y dương án; Y âm án; Hiệu phỏng tân phương;…
Hiện nay, để vinh danh và tưởng nhớ đến công lao to lớn của ông, cứ mỗi rằm tháng Giêng hằng năm người dân khắp nơi đã về Hương Sơn dâng hương để tưởng nhớ đại danh y. Đồng thời tên của ông còn được đặt cho rất nhiều đường phố trên khắp Việt Nam.
Năm 2011, tên của ông cũng đã được Thủ tướng Chính phủ đặt cho Học viện Quân y Việt Nam với tên mới là Trường Đại học Y – Dược Lê Hữu Trác.
Suốt cả cuộc đời làm thầy thuốc của mình, Lê Hữu Trác đã góp công rất to lớn cho sự phát triển của nền y học Việt Nam. Ông là người có công sưu tầm, phát triển và bổ sung 305 vị thuốc Nam, thu thập tổng hợp 2.854 phương thuốc hay của các bậc tiền bối lưu truyền trong dân gian.
Ông cũng chính là một người thầy vĩ đại truyền cảm hứng mãnh liệt tới các thế hệ trong tương lai. Đồng thời để lại kho tàng y học, dược học, văn học vô giá, dù trải qua hàng trăm năm vẫn vẹn nguyên giá trị và tính ứng dụng.
2.3. Di sản y học của Lê Hữu Trác:
Trong suốt những năm làm thầy thuốc và đào tạo học trò, Danh y Lê Hữu Trác vẫn luôn mong muốn truyền lại y lý cho thế hệ sau thông qua những cuốn sách. Bộ “Hải Thượng Y tông tâm lĩnh” được ông dày công biên soạn, ghi chép và chắt lọc lại những chân lý ông đã lĩnh hội được từ các đại danh y đời trước và mất gần 10 năm (1760 – 1770) để hoàn thành. Đây là cuốn sách chứa đựng những gì tinh túy nhất trong sự nghiệp của người thầy thuốc vĩ đại này và là tài sản vô giá của nền y học Việt Nam.
Toàn bộ cuốn sách bao gồm 28 tập, 66 quyển về các chuyên ngành nội khoa, sản khoa, phụ khoa, da liễu, nhãn khoa. Đồng thời ông còn phê phán và chỉ ra những điểm không phù hợp khi áp dụng trong điều trị cho người Việt Nam. Trong gần 20 năm sau đó, ông vẫn tiếp tục biên soạn và cho ra đời nhiều tập sách quý giá nữa như “Y hải cầu nguyên” (1782), “Thượng kinh ký sự” (1783) trong đó phê phán nhiều thói quen xa hoa, những điều “mắt thấy tai nghe” khi ông lên kinh khám bệnh cho Thái tử, “Vận khí bí điển” (1786).
Hải Thượng Lãn Ông qua đời hưởng thọ 71 tuổi vào ngày 15 tháng 1 âm năm 1791. Để tưởng nhớ và tri ân công lao của ông, cứ vào ngày này hằng năm, người dân và người làm nghề y lại cùng nhau tề tựu tại Nhà tưởng niệm Đại danh y ở Liêu Xá dâng hương. Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác chính là người thầy vĩ đại truyền cảm hứng không nhỏ tới các thế hệ trong tương lai. Đồng thời để lại kho tàng y học vô giá, đặt nền móng quan trọng cho sự phát triển của y học nước nhà. Mong rằng qua bài viết trên đây, bạn đọc đã có thêm những hiểu biết về cuộc đời và sự nghiệp của vị Thánh Y này.
3. Tác phẩm Thượng Kinh Ký Sự:
Lê Hữu Trác vừa làm thuốc chữa bệnh, vừa viết sách, làm văn, làm thơ. Tác phẩm của ông có tên là “Y tông tâm lĩnh” gồm 65 quyển soạn thảo trên 40 năm, được đánh giá là “Bách khoa toàn thư” y dược học thế kỉ XVIII. Trong bộ sách có một số bài thơ và tác phẩm “Thượng kinh kí sự”.
“Thượng kinh kí sự” là tập 65, được in ở phần cuối bộ “Y tông tâm lĩnh”. Tác giả viết bằng chữ Hán có điểm xuyến vào một số bài thơ, ghi chép lại chuyến đi của Hải Thượng Lãn Ông từ Hương Sơn, Hà Tĩnh ra Kinh đô Thăng Long chữa bệnh cho Thế tử Trịnh Cán (con trai của Trịnh Sâm và nguyên phi Đặng Thị Huệ) theo chỉ triệu của Trịnh Sâm do tiếng tăm lừng lẫy của một đại danh y. Ông tâm sự: “Cây kia có hoa nên bị hái, người ta có cái hư danh nên phải lụy về chữ danh”. Cuốn kí sự cũng ghi lại thời gian sống ở kinh thành với biết bao biến động, ghi lại những điều mắt thấy tai nghe khi tác giả đến Thăng Long, vào phủ chúa chữa bệnh cho Thế tử, kể lại những cuộc tiếp xúc với các công khanh, nho sĩ nơi đế đô kinh kì, và thổ lộ tấm lòng một vị danh y mong thoát khỏi vòng công danh phú quý, trở về với núi cũ non xưa. Ý muốn trở về núi của ông cuối cùng được chấp nhận, ông vui vì tự thấy “thân tuy mắc vào vòng danh lợi nhưng không bị danh lợi mê hoặc. Ra đi thung dung, trở về ngất ngưởng”… Đoạn cuối tập kí sự ông kể việc ông từ Thăng Long về thăm làng Liêu Xá, nơi quê cha đất tổ sau mấy chục năm xa cách, trước khi về lại Hương Sơn.
“Thượng kinh kí sự” là một tác phẩm văn xuôi bằng chữ Hán rất đặc sắc, độc đáo và mang ý nghĩa lịch sử của văn học trung đại Việt Nam. Với tập sách này, Lê Hữu Trác đã cho thấy ông không chỉ là một thầy thuốc lừng danh, mà còn là một nhà văn lỗi lạc. Ngoài mang lại giá trị văn học về cách viết nhẹ nhàng, lôi cuốn, nhiều trang đầy chất thơ, tập ký sự còn là một sử liệu vô giá, ghi lại trung thực cảnh sống đối nghịch giữa một bên là giàu sang của cung Vua phủ Chúa, một bên là nhân dân đói kém, lầm than. Lấy hiệu là Lãn Ông nghĩa ông già lười biếng, nhưng thực chất cho ta thấy Lê Hữu Trác chỉ thờ ơ với vòng danh lợi, thể hiện nhân cách cao đẹp của một danh y: coi trọng việc cứu người, sống đức độ và yêu đời, coi thường danh lợi, ưa cuộc sống thanh nhàn. Những chi tiết về cảnh, việc và người được tác giả nói đến trong tập kí sự mang giá trị tư liệu lịch sử đáng quý. Chính học vấn uyên bác và đức độ của ông đã cảm hóa được lớp nho sĩ đương thời, và vẫn rất gần gũi với chúng ta hôm nay.