Đông Nam Bộ là một trong số những vùng kinh tế vô cùng quan trọng của nước ta. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin hữu ích về thế mạnh cũng như hạn chế về điều kiện tự nhiên của Đông Nam Bộ.
Mục lục bài viết
1. Khái quát chung về Đông Nam Bộ:
Vùng Đông Nam Bộ gồm Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu. So với các vùng khác, Đông Nam Bộ có diện tích vào loại khá nhỏ (23,6 nghìn km2), dân số thuộc loại trung bình trên cả nước (18,04 % dân số cả nước, năm 2018), mặc dù vậy Đông Nam Bộ lại dẫn đầu cả nước về GDP (128,4 triệu, năm 2018), giá trị sản lượng công nghiệp và giá trị hàng xuất khẩu.
Đông Nam Bộ là vùng có nền kinh tế hàng hoá phát triển từ sớm, có cơ cấu kinh tế với các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ phát triển hơn so với các vùng kinh tế khác của cả nước. Với những ưu thế về vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, về nguồn lao động chất lượng cao, cơ sở hạ tầng được đầu tư hiện đại, bên cạnh đó còn có những chính sách phát triển phù hợp, thu hút được nhiều nguồn đầu tư trong và ngoài nước, Đông Nam Bộ vẫn đang sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên và nhân lực, nền kinh tế tiếp tục có tốc độ tăng trưởng cao.
Vấn đề khai thác lãnh thổ theo chiều sâu là vấn đề quan trọng trong sự phát triển của khu vực này. Việc khai thác lãnh thổ theo chiều sâu có thể hiểu là việc nâng cao hiệu quả trong việc khai thác lãnh thổ trên cơ sở thúc đẩy đầu tư vốn, kỹ thuật công nghệ cao, nhằm khai thác thật tốt các nguồn lực về tự nhiên và kinh tế – xã hội, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đồng thời giải quyết tốt các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường.
2. Vị trí địa lí và giới hạn lãnh thổ:
– Diện tích: khoảng 23,6 nghìn km2, (7,5% diện tích cả nước)
– Dân số: chiếm khoảng 18,04 % dân số cả nước, năm 2018
– Gồm các tỉnh, thành phố sau: TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu.
– Vị trí: phía đông giáp với Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ, phía tây giáp với Đồng bằng sông Cửu Long, phía bắc giáp với nước Campuchia và phía đông nam giáp với biển Đông.
– Đông Nam Bộ có vị trí rất đặc biệt: nằm ở vị trí trung tâm ở khu vực Đông Nam Á, là nơi nối liền giữa vùng Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ với Đồng bằng sông Cửu Long vì vậy có ý nghĩa rất quan trọng tác động đến sự phát triển kinh tế – xã hội của vùng. Từ đó tạo ra khả năng giao lưu kinh tế với các vùng xung quanh trong nước và ngoài quốc tế.
3. Thế mạnh về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên:
Các vùng đất badan màu mỡ chiếm đến 40% diện tích đất của vùng Đông Nam Bộ, nối tiếp với vùng đất badan của vùng Nam Tây Nguyên. Đất xám bạc màu trên phù sa chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ hơn chút ít, phân bố chủ yếu ở các tỉnh Tây Ninh và Bình Dương. Đất phù sa cổ tuy có nghèo chất dinh dưỡng hơn đất badan, nhưng ưu thế là thoát nước rất tốt. Ngoài ra nhờ có khí hậu cận xích đạo và điều kiện về thuỷ lợi được đầu tư cải tạo và phát triển, Đông Nam Bộ có tiềm năng rất lớn về phát triển các loại cây công nghiệp lâu năm (ví dụ như cây cao su, cà phê, điều hay hồ tiêu), một số loại cây ăn quả và cây công nghiệp ngắn ngày (đậu tương, mía, thuốc lá…) trên diện tích lớn.
Đông Nam Bộ có địa hình chủ yếu là đồi núi thấp và thoải. Địa hình của Đông Nam Bộ có độ cao giảm dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam, thuận lợi trong xây dựng.
Đông Nam Bộ gần các ngư trường lớn là ngư trường Ninh Thuận – Bình Thuận – Bà Rịa – Vũng Tàu và ngư trường Cà Mau – Kiên Giang. Hơn nữa, ở đây có điều kiện lí tưởng để xây dựng các cảng cá. Ven biển có rừng ngập mặn, thuận lợi để nuôi trồng thuỷ sản nước lợ.
Ngoài ra bờ biển lớn có nhiều địa điểm rất thích hợp để xây dựng cảng hay các bãi tắm tốt như Vũng Tàu, Long Hải cũng như gần các tuyến đường biển quốc tế. Đây là điều kiện thuận lợi phát triển giao thông đường biển, du lịch.
Tài nguyên rừng của vùng không quá lớn, nhưng lại là nguồn cung cấp gỗ cho đời sống và gỗ củi đối với Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long, ngoài ra đây cũng là nguồn nguyên liệu chủ yếu làm giấy cho Liên hiệp giấy Đồng Nai. Tại Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai) nổi tiếng với nhiều loài động thực vật quý hiếm và Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh).
Theo một số nghiên cứu, rừng nguyên sinh ở Củ Chi là rừng kín thường xanh với các loài thực vật chiếm ưu thế là họ Dầu, họ Đậu rụng lá và họ Lythraceae mọc ở tầng nổi và tán. Họ Dầu (Dipterocarpaceae) được tìm thấy tại rừng thứ sinh trong quần thể địa đạo Bến Đình, với 5 loài: Dầu rái (Dipterocarpus intricatus), Dẻ gai (Cochinchinensis), Anisoptera costata, Hopea odorata, và một loài gỗ quý nổi tiếng gồm: Dâm bụt, Sindora siamensis, dalbergia cochinchinensis, Dialium. cochinchinensis, xylia dolabriformis và lagerstroemia tomentosa. Tầng tán phụ của rừng là nơi cư trú của strychnos nux vomica, croton sp, peltophorum dasyrachi, growia paniculata và wrightia annamensis.
Rừng nguyên sinh ở Thủ Đức cũng giống như rừng nhiệt đới điển hình của miền Đông Nam Bộ như ở Hố Nai, Trảng Bom, Mã Đà của tỉnh Đồng Nai. Nó có một lãnh thổ gợn sóng với đất bao gồm phù sa cổ và một số loại đá. Cây chiếm ưu thế là các loài cây họ dầu ẩm như cây dầu (Dipterocarpus alatus) và cây dầu (Dipterocarpus dyeri).
Tài nguyên khoáng sản của vùng nổi bật là dầu khí trên vùng thềm lục địa. Ngoài ra phải kể đến sét cho công nghiệp vật liệu xây dựng và cao lanh cho công nghiệp gốm, sứ. Có các mỏ dầu, khí ở vùng thềm lục địa, sét xây dựng và cao lanh ỗ Đồng Nai, Bình Dương. Đây là điều kiện phát triển công nghiệp khai thác, lọc hóa dầu, công nghiệp điện lực, công nghiệp vật liệu xây dựng.
Hệ thống sông Đồng Nai có tiềm năng thuỷ điện lớn.
4. Khó khăn về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên:
Khó khăn lớn của vùng Đông Nam Bộ là do mùa khô kéo dài tới 4, 5 tháng (từ cuối tháng XI đến hết tháng IV), nên thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu nước cho các loài cây trồng, cho sinh hoạt của người dân và cho ngành công nghiệp (đặc biệt là mực nước tại các hồ thuỷ điện hạ xuống rất thấp).
Nguồn nước ngầm ngày càng giảm sút, gây ra trở ngại cho sản xuất nông nghiệp vào mùa khô cũng như gây ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt dân cư.
Chế độ nước tại các sông Bé, sông Sài Gòn… hay thất thường, ảnh hưởng lớn đến sự hoạt động của các nhà máy thủy điện trong khu vực (Cần Đơn,Thác Mơ, Trị An), nguồn cung cấp nước cho công nghiệp, cho sinh hoạt và việc nuôi trồng thủy sản trở nên thiếu thốn. Vào mùa khô, xâm nhập mặn diễn ra mạnh hơn, mùa mưa tại các vùng thấp sẽ bị ngập sâu hơn.
Đông Nam Bộ là khu vực có tốc độ tăng trưởng công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, tập trung rất nhiều khu công nghiệp vì vậy tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông do ảnh hưởng của các chất thải có xu hướng tăng trong các năm qua, tác động tiêu cực đến sản xuất (nông nghiệp, công nghiệp, nghề cá), sinh hoạt dân cư và du lịch.
Nguồn khoáng sản không được phong phú, đa dạng.
5. Một số giải pháp bảo vệ môi trường hướng tới phát triển bền vững vùng Đông Nam Bộ:
Sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên, khoáng sản. Khuyến khích các cộng đồng dân cư cũng như các tổ chức, doanh nghiệp tham gia vào hoạt động bảo vệ tài nguyên, khoáng sản. Nâng cao hiệu quả các chính sách, công cụ kinh tế nhằm thực hiện tốt các quy định pháp luật về tài nguyên, khoáng sản. Tăng cường đầu tư cho khôi phục hồi, cải tạo môi trường sinh thái.
Tổ chức, quản lý nghề rừng và thực hiện chủ trương xã hội hoá nghề rừng. Triển khai thực hiện các Chương trình 327, 661 phủ xanh đất trống đồi trọc, đẩy mạnh việc độ che phủ rừng, xây dựng lá phổi xanh cho vùng nông thôn miền núi. Đẩy mạnh phát triển sinh thái, khuyến khích trồng rừng dược liệu ở những vùng có lợi thế. Chuyển đất và rừng của những cơ sở sử dụng kém hiệu quả cho dân, thôn bản và các tổ chức kinh tế khác.
Có kế hoạch và đầu tư thỏa đáng thu gom rác thải: chôn lấp, xử lý đúng tiêu chuẩn, tránh nhiễm bẩn, nhiễm độc nguồn nước. Đồng thời cần chính sách bảo tồn và phát huy hiểu biết của địa phương về chế tài pháp luật trong bảo vệ môi trường.
Chính quyền địa phương cần đưa chính sách bảo vệ môi trường vào chương trình hành động, phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, tăng cường sự tham gia của cả cộng đồng vào quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.