Khái niệm của thị trường chứng khoán phi tập trung là gì? Những đặc điểm của thị trường chứng khoán phi tập trung OTC?
Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và sự liên kết giữa người với người qua mạng xã hội các giao dịch mua bán hiện nay không chỉ diễn ra qua sự trao đổi trực tiếp hay qua giấy tờ mà còn thể hiện trên các phương tiện giao dịch điện tử như các giao dịch chứng khoán trong những năm gần đây đang làm mưa, làm gió trên thị trường. Những địa điểm diễn ra các giao dịch này hiện nay chủ yếu trên các sàn giao dịch chứng khoán mà hiện nay phổ biến là sàn giao dịch tập trung và phi tập chung. Tại bài viết này ta sẽ đi tìm hiểu về thị trường chứng khoán phi tập trung.
Mục lục bài viết
1. Thị trường chứng khoán phi tập trung là gì?
Thị trường chứng khoán phi tập trung hay thị trường mạng hay thị trường báo giá điện tử trong tiếng anh được gọi là Over the counter market, viết tắt là OTC. Thị trường OTC là thị trường chứng khoán trong đó việc giao dịch không diễn ra tại một địa điểm tập trung mà thông qua hệ thống nối mạng giữa các thành viên và sự can thiệp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hạn chế, không có ngày giờ hay thủ tục nhất định mà do sự thỏa thuận của người mua và người bán, các hoạt động giao dịch của trị trường chứng khoán OTC được diễn ra tại các quầy (sàn giao dịch) của các ngân hàng và các công ty chứng khóa.
Thị trường chứng khoán phi tập trung (OTC) là loại thị trường chứng khoán xuất hiện sớm nhất trong lịch sử hình thành và phát triển của thị trường chứng khoán. Thị trường được mang tên OTC (Over The Counter) có nghĩa là “Thị trường qua quầy”. Điều này xuất phát từ đặc thù của thị trường là các giao dịch mua bán trên thị trường được thực hiện trực tiếp tại các quầy của các ngân hàng hoặc các công ty chứng khoán mà không phải thông qua các trung gian môi giới để đưa vào đấu giá tập trung. Các chứng khoán được mua bán qua thị trường OTC thường có mức độ “tín nhiệm” thấp hơn các chứng khoán được niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán. Trên thị trường OTC có nhiều loại chứng khoán được giao dịch hơn trên sở giao dịch chứng khoán những chứng khoán được giao dịch trên thị trường OTC có thể bao gồm cổ phiếu, trái phiếu của các công ty cổ phần, trái phiếu, công trái của chính quyền địa phương và Chính phủ, chứng khoán nước ngoài.
Như vậy, có thể hiểu, thị trường OTC là thị trường không có trung tâm giao dịch tập trung, đó là một mạng lưới các nhà môi giới và tự doanh chứng khoán mua bán với nhau và với các nhà đầu tư, các hoạt động giao dịch của thị trường OTC được diễn ra tại các quầy (sàn giao dịch) của các ngân hàng và công ty chứng khoán.
2. Đặc điểm của thị trường chứng khoán phi tập trung:
Thị trường OTC là thị trường khá phổ biến trên thế giới chính vì vậy mà ở mỗi quốc gia tùy thuộc vào đặc thù và quá trình phát triển của từng quốc có những đặc điểm riêng. Nhưng khái quát chung ta có thể đưa ra nhưng đặc điểm sau đây :
Thứ nhất, Về hình thức tổ chức thị trường : Như tên gọi của mình Thị trường OTC được tổ chức theo hình thức phi tập trung, không có địa điểm giao dịch mang tính tập trung giữa bên mua và bán; không có thời gian giao dịch cố định và cũng như không có môi giới giao dịch cố định mà bất kỳ địa điểm, thời gian, môi giới nào cũng có thể gia nhập giao dịch trị OTC. Hiện nay Thị trường OTC thường diễn ra tại các địa điểm giao dịch của các ngân hàng, công ty chứng khoán và các địa điểm thuận tiện cho người mua và bán.
Thứ hai, Địa điểm, thời gian quyết toán : Thông thường được quyết toán tại các công ty được sáp nhập, công ty chứng khoán, ngân hàng,… Về thời gian quyết toán do thị trường OTC phụ thuộc vào sự thỏa thuận giữa các bên tham gia nên thời gian quyết toán được xác định giữa 2 bên mua và bên bán.
Thứ ba, Các loại chứng khoán: Chứng khoán giao dịch trên thị trường OTC bao gồm 2 loại:
Loại thứ nhất, chiếm phần lớn là các chứng khoán chưa đủ điều kiện niêm yết trên Sở giao dịch song đáp ứng các điều kiện về tính thanh khoản và yêu cầu tài chính tối thiểu của thị trường OTC, trong đó chủ yếu là các chứng khoán của các công ty vừa và nhỏ, công ty công nghệ cao và có tiềm năng phát triển. Loại thứ hai là các loại chứng khoán đã niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán. Như vậy, chứng khoán niêm yết và giao dịch trên thị trường OTC rất đa dạng và có độ rủi ro cao hơn so với các chứng khoán niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán.
Thứ tư, Cơ chế lập giá trên thị trường OTC chủ yếu được thực hiện thông qua phương thức thương lượng và thỏa thuận song phương giữa bên mua và bên bán, khác với cơ chế đấu giá tập trung trên Sở giao dịch chứng khoán : Hình thức khớp lệnh trên thị trường OTC rất ít phổ biến và chỉ được áp dụng đối với các lệnh nhỏ. Giá chứng khoán được hình thành qua thương lượng và thỏa thuận riêng biệt nên sẽ phụ thuộc vào từng nhà kinh doanh đối tác trong giao dịch và như vậy sẽ có nhiều mức giá khác nhau đối với một chứng khoán tại một thời điểm. Tuy nhiên, với sự tham gia của các nhà tạo thị trường và cơ chế báo giá tập trung qua mạng máy tính điện tử như ngày nay dẫn đến sự cạnh tranh giá mạnh mẽ giữa các kinh doanh chứng khoán và vì vậy, khoảng cách chênh lệch giữa các mức giá sẽ thu hẹp do diễn ra sự “đấu giá” giữa các nhà tạo lập thị trường với nhau, nhà đầu tư chỉ việc lựa chọn giá tốt nhất trong các báo giá của các nhà tạo lập thị trường.
Thứ năm, Thị trường OTC có sự tham gia của các nhà tạo lập thị trường : Đó là các công ty giao dịch – môi giới. Các công ty này có thể hoạt động giao dịch dưới hai hình thức:
Một là, mua bán chứng khoán cho chính mình, bằng nguồn vốn của công ty – đó là hoạt động giao dịch.
Hai là, làm môi giới đại lý chứng khoán cho khách hàng để hưởng hoa hồng – đó là hoạt động môi giới. Khác với Sở giao dịch chứng khoán chỉ có một người tạo ra thị trường cho mỗi loại chứng khoán đó là các chuyên gia chứng khoán, thị trường OTC có sự tham gia và vận hành của các nhà tạo lập thị trường (Market Makers) cho một loại chứng khoán bên cạnh các nhà môi giới, tự doanh. Nhiệm vụ quan trọng nhất và chủ yếu của các nhà tạo lập thị trường là tạo tính thanh khoản cho thị trường thông qua việc nắm giữ một lượng chứng khoán để sẵn sàng mua bán, giao dịch với khách hàng. Để tạo ra thị trường cho một loại chứng khoán, các công ty giao dịch – môi giới sẽ xướng mức giá cao nhất sẵn sàng mua (giá đặt mua) và giá thấp nhất sẵn sàng bán (giá chào bán), các mức giá này là giá niêm yết của các nhà tạo thị trường và họ sẽ được hưởng các chênh lệch giá thông qua việc mua bán chứng khoán. Hệ thống các nhà tạo lập thị trường được coi là động lực cho thị trường OTC phát triển. Muốn tham gia trên thị trường OTC, các công ty môi giới phải đăng ký hoạt động với các cơ quan quản lý (Ủy ban chứng khoán, Sở giao dịch hoặc Hiệp hội các nhà kinh doanh chứng khoán) và có trách nhiệm tuân thủ các chuẩn mực về tài chính, kỹ thuật, chuyên môn và đạo đức hành nghề.
Thứ sau, Cơ chế vận hành : Là thị trường sử dụng hệ thống mạng máy tính điện tử diện rộng liên kết tất cả các đối tượng tham gia thị trường. Vì vậy, thị trường OTC còn được gọi là thị trường mạng hay thị trường báo giá điện tử. Hệ thống mạng của thị trường được các đối tượng tham gia thị trường sử dụng để đặt lệnh giao dịch, đàm phán thương lượng giá, truy cập và thông báo các thông tin liên quan đến giao dịch chứng khoán… Chức năng của mạng được sử dụng rộng rãi trong giao dịch mua bán và quản lý trên thị trường OTC. Quản lý thị trường OTC: Cấp quản lý thị trường OTC cũng giống như quản lý hoạt động của thị trường chứng khoán tập trung và được chia thành 2 cấp là cấp quản lý nhà nước và cấp tự quản :
Một là, Cấp quản lý Nhà nước : Do cơ quan quản lý thị trường chứng khoán trực tiếp quản lý theo các quy định của pháp luật về lĩnh vực chứng khoán, thị trường chứng khoán và các luật có liên quan, cơ quan này thường là Ủy ban chứng khoán ở các nước.
Hai là, Cấp tự quản : Ngoài sự quản lý của các Ủy ban chứng khoán; thị trường chứng khoán phi tập trung còn có thể do Hiệp hội các nhà kinh doanh chứng khoán quản lý như ở Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản… hoặc do trực tiếp Sở giao dịch đồng thời quản lý như ở Anh, Pháp, Canada,… Nhìn chung, nội dung và mức độ quản lý ở mỗi nước có khác nhau, tùy thuộc vào đặc thù và tình hình của từng nước nhưng nhìn chung mục tiêu hướng đến đều là đảm bảo sự an toàn và ổn định, phát triển liên tục của thị trường chứng khoán nói riêng và thị trường cả nước nói chung.
Thứ bảy, Cơ chế thanh toán trên thị trường OTC là linh hoạt và đa dạng : Do phần lớn các giao dịch mua bán trên thị trường OTC được thực hiện trên cơ sở thương lượng và thỏa thuận nên phương thức thanh toán trên thị trường OTC linh hoạt và đa dạng giữa người mua và bán, khác với phương thức thanh toán bù trừ đa phương thống nhất như trên thị trường tập trung. Thời hạn thanh toán không cố định như trên thị trường tập trung mà rất đa dạng T + 0, T + 1, T + 2, T + x trên cùng một thị trường, tùy theo từng thương vụ và sự phát triển của thị trường.
Thị trường OTC đóng vai trò của một thị trường thứ cấp, tức là thực hiện vai trò điều hòa, lưu thông các nguồn vốn, đảm bảo chuyển hóa các nguồn vốn ngắn hạn thành dài hạn để đầu tư phát triển kinh tế. Quá trình phát triển của thị trường OTC là quá trình phát triển từ hình thái thị trường tự do, không có tổ chức đến thị trường có tổ chức có sự quản lý của Nhà nước hoặc của các tổ chức tự quản và được phát triển từ hình thức giao dịch truyền thống, thủ công sang hình thức giao dịch điện tử hiện đại. Hiện nay, thị trường OTC được coi là thị trường chứng khoán bậc cao, có mức độ tự động hóa cao độ.
Qua nhưng phân tích trên Thị trường chứng khoán phi tập trung rất phù hợp đối với cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc các công ty mới chưa đáp ứng nhu cầu niêm yết và các doanh nghiệp vừa và lớn sắp được niêm yết, các công ty chỉ cần đạt yêu cầu số lượng cổ đông quy đinh và vốn đăng kỹ đã có thể tham gia thị trường OTC. Mặc dù cách thức hoạt động đơn gian với khả năng rủi ro cao nhưng thị trường OTC cũng tìm ẩn những cơ hội to lớn cho các nhà mua bán chứng khoán khám phá.