Từ hàng chục năm trước, trong quá trình xây dựng quy hoạch, nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đã chọn mô hình phát triển thành phố vệ tinh để giảm tải áp lực đối với hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Cho đến nay, mô hình này vẫn được cho là hữu hiệu và được áp dụng rộng rãi.
Mục lục bài viết
1. Thành phố vệ tinh là gì?
Hiện nay, tại phần lớn các nước phát triển, do quá trình công nghiệp hóa diễn ra sớm nên quá trình đô thị hóa cũng bắt đầu sớm hơn. Đặc trưng cho quá trình đô thị hóa này là mức tăng tỷ lệ dân cư ở các thành phố tương đối cao và đẩy mạnh quá trình hình thành các siêu đô thị. Tuy vậy, nhịp độ gia tăng số dân thành thị ở các nước này trong thời gian gần đây đã bắt đầu chậm lại. Trong khi đó, sự bùng nổ dân số đi liền với “bùng nổ đô thị hóa” ở các nước đang phát triển vẫn có xu hướng gia tăng. Điểm nổi bật của quá trình này là sự thu hút cư dân nông thôn tới các thành phố lớn, trước hết là thủ đô nhằm tìm kiếm những việc làm có thu nhập khá hơn. Nhịp độ đô thị hóa cao đã kéo theo sự phát triển không cân đối giữa các khu vực thành thị và nông thôn.
Theo ước tính của Liên hợp quốc, đến năm 2050, 66% dân số thế giới sẽ sống ở khu vực thành thị, một tỷ lệ tăng đáng chú ý so với mức 54% hiện nay. Việc ngày càng có nhiều người đổ vào các thành phố lớn sinh sống và làm việc sẽ gây ra nhiều vấn đề đối với các đô thị như: Tình trạng thiếu nhà ở, tỷ lệ thất nghiệp cao, ùn tắc giao thông… Đây là những yếu tố ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động kinh tế và sức khỏe cộng đồng. Sự quá tải và phát triển quá mức ở khu vực trung tâm thành phố còn dẫn đến những hệ lụy về môi trường.
Thành phố Mexico (Mexico) là một dẫn chứng điển hình. Với hơn 90% không gian của thành phố là để xây dựng nhà cửa, trong khi không gian mở chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn. Tỷ lệ “không gian xanh” ở thành phố này còn thấp hơn rất nhiều so với các thành phố có mật độ dân cư cao nhất ở châu Âu hay Bắc Mỹ.
Ngay từ năm 1922, lý thuyết thành phố vệ tinh đã được kiến trúc sư người Anh Raymond Unvin đề cập trong cuốn sách Thực tiễn quy hoạch đô thị. Sau đó, mô hình này được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới và được coi là giải pháp chủ yếu để giảm hiện tượng tập trung đông dân cư vào thành phố trung tâm. Theo Raymond Unvin, mô hình thành phố vệ tinh là thiết lập một mạng lưới các thành phố nhỏ bao quanh một thành phố lớn nhằm phân tán bớt dân ở các đô thị lớn và bảo đảm cho trung tâm đô thị phát triển tương đối độc lập. Các thành phố vệ tinh đặt cách thành phố chính khoảng 40km – 50km.
Trên thế giới hiện nay có rất nhiều đô thị lớn. Các thành phố như Delhi, New York, London, Sydney, Los Angeles, Mumbai, Thượng Hải, Bắc Kinh và Rio de Janeiro là những nơi có dân số rất đông. Có hàng trăm thành phố trên khắp thế giới có dân số trên một triệu người. Một số thậm chí lên tới hơn 20 triệu người. Đây là những siêu đô thị ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới.
Thành phố vệ tinh là những thành phố nhỏ nằm xung quanh những thành phố lớn, tuy nhiên, chúng không phải một phần của các thành phố lớn đó. Các thành phố vệ tinh có hệ thống chính quyền địa phương riêng biệt và mang những đặc trưng riêng của một thành phố.
Đặc biệt, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, việc ứng dụng công nghệ để xây dựng đô thị thông minh sẽ góp phần tạo môi trường, chất lượng và tiện ích cho thành phố mới. Vì vậy, hạ tầng khung kết nối từ đô thị trung tâm ra bên ngoài, tạo sự di chuyển thuận lợi giữa đô thị vệ tinh và đô thị trung tâm là vấn đề cần quan tâm. Thành phố vệ tinh đóng vai trò động lực thúc đẩy phát triển và liên kết vùng, do đó, việc thiết lập các tuyến kết nối truyền thống, kết nối nhanh, tuyến giao thông công cộng… sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ đô thị trung tâm tới đô thị vệ tinh.
Thành phố vệ tinh – danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Satellite City.
2. Đặc điểm của thành phố vệ tinh:
– Đặc điểm cơ bản của một thành phố vệ tinh là nó nằm gần một thành phố nhỏ hơn, và gần một đô thị lớn. Nó có chính quyền địa phương và nền kinh tế độc lập với các thành phố lớn lân cận.
– Các thành phố vệ tinh chịu ảnh hưởng rất nhiều từ các thành phố lớn gần đó. Tuy nhiên các thành phố vệ tinh có văn hóa riêng, lịch sử riêng và cơ sở hạ tầng kinh tế riêng biệt.
– Các thành phố vệ tinh được kết nối với các thành phố lơn hơn, nhưng hoàn toàn độc lập với các thành phố lớn gần đó. Những thành phố lớn gần đó được gọi là thành phố mẹ, và những thành phố vệ tinh này mặc dù được biết đến tại quốc gia đó, nhưng không nổi tiếng trên toàn thế giới như các thành phố mẹ của nó.
– Thành phố vệ tinh không phải là sự mở rộng của thành phố lớn gần đó. Về mặt địa lí, có sự khác biệt rõ ràng giữa thành phố lớn và thành phố vệ tinh. Ở một số khu vực, khoảng cách giữa thành phố vệ tinh và thành phố lớn thậm chí chỉ là vài km. Tuy nhiên, nhìn chung sẽ có một khu vực nông thôn nhỏ giữa hai thành phố.
– Các thành phố vệ tinh thường kém phát triển hơn so với các thành phố lớn gần nó. Dân số của các thành phố vệ tinh nhỏ hơn nhiều so với các thành phố lớn. Nhiều tiện nghi và cơ sở hạn tầng xuất hiện nhiều ở các thành phố lớn hơn là ở các thành phố vệ tinh.
– Cư dân của các thành phố vệ tinh thường xuyên đi du lịch đến các thành phố lớn gần để phục vụ lí do giải trí, công việc và những lí do khác. (Theo Planning Tank)
3. Ảnh hưởng của thành phố vệ tinh:
Hiện nay, việc phát triển các đô thị vệ tinh đang là xu hướng chung ở các đô thị lớn trên thế giới, Việt Nam không phải là ngoại lệ. Thành phố vệ tinh một mặt giải quyết được nhiều vấn đề như ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông… đó là kết quả tất yếu của quá trình đô thị hóa.
Tuy nhiên, về lâu dài, khi nhiều đô thị vệ tinh phát triển xung quanh một siêu đô thị thì cũng sẽ gây ra những hậu quả tương tự, như ô nhiễm, ùn tắc… Nếu cứ như vậy, bản thân thành phố lớn sẽ phải chịu áp lực từ cả 2 phía. Áp lực từ chính thành phố trung tâm và áp lực do thành phố vệ tinh tạo ra ở cửa ngõ quan trọng vào thành phố trung tâm.
Nhiều mô hình thành phố vệ tinh trên thế giới đã không thành công, dẫn đến là sự sát nhập của thành phố vệ tinh vào thành phố trung tâm tạo nên một đại đô thị siêu to khổng lồ. Như thế, càng tăng áp lực về mọi mặt đời sống – xã hội, kinh tế, dân số, môi trường, giao thông… càng trở nên gay gắt và càng khó quản lý từ các cơ quan chính quyền.
4. Cơ chế của thành phố vệ tinh:
Ở Việt Nam, 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM có tốc độ phát triển mạnh mẽ, kéo theo đó là hình thành và phát triển nên nhiều thành phố vệ tinh.
Do đó, cơ chế phát triển cũng khác nhau ở từng vùng nhất định. Trong đó có 2 cơ chế chính phổ biến nhất là phát triển độc lập và phát triển “ký sinh” theo thành phố trung tâm. Hai hình thức này đều có những ưu nhược điểm riêng, mang đến cho mọi người những trải nghiệm hoàn toàn khác biệt.
Cơ chế phát triển độc lập của thành phố vệ tinh:
Đây là cơ chế được nhiều thành phố vệ tinh phát triển hiện nay. Với cơ chế phát triển độc lập, các thành phố vệ tinh sẽ tự mình thực hiện kế hoạch về dân số và thực hiện các chính sách y tế, giáo dục, văn hóa và xã hội… như thành phố trung tâm.
Trang bị đầy đủ tiện ích thiết yếu phục vụ cho cư dân sống tại đây. Các thành phố vệ tinh này rất được ưa chuộng trong thời gian đây bởi sự tiện nghi có sẵn, cùng với những tiện ích xung quanh của thành phố trung tâm.
Tuy nhiên, những thành phố vệ tinh kiểu độc lập như thế này thì lại gặp nhiều khó khăn trong khâu quản lý và thành phố trung tâm cũng khó kiểm soát được các thành phố vệ tinh.
Phát triển thành phố vệ tinh theo cơ chế “ký sinh”
Các thành phố vệ tinh phát triển theo cơ chế này là các thành phố được quản lý dựa vào các chính sách của thành phố trung tâm, được quản lý trực tiếp từ thành phố trung tâm.
Xây dựng các chính sách y tế, giáo dục và văn hóa phù hợp với lợi ích của nhân dân và tiêu chí của thành phố trung tâm đã đề ra.
Cơ chế này thuận tiện cho việc quản lý các thành phố vệ tinh từ thành phố trung tâm. Các chính sách từ thành phố trung tâm cũng được thành phố vệ tinh thực hiện nhanh chóng.
Tuy nhiên, cơ chế này không giúp thành phố vệ tinh phát triển nhanh chóng và vượt bậc. Hầu hết các chính sách phát triển kinh tế đều phụ thuộc vào thành phố trung tâm.