Trong nền kinh tế thị trường, doanh nghiệp hoàn toàn tự chủ trong việc sử dụng vốn. Khi nhắc đến vốn, người ta thường chú trọng đến vốn lưu động, loại vốn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản, đặc biệt là ở các doanh nghiệp thương mại. Cùng tìm hiểu về tăng tốc độ luân chuyển vốn lưu động là gì? Phương hướng tăng tốc và ý nghĩa?
Mục lục bài viết
1. Tăng tốc độ luân chuyển vốn lưu động là gì?
Vốn lưu động là số tiền ứng trước về tài sản lưu động và đầu tư ngắn hạn của doanh nghiệp để đảm bảo cho sản xuất và kinh doanh được bình thường, liên tục. Vốn lưu động luân chuyển ngay trong một lần, tuần hoàn liên tục và hoàn thành sau một chu kỳ sản xuất. Quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp diễn ra liên tục nên vốn lưu động cũng vận động liên tục, chuyển hoá từ hình thái này qua hình thái khác. Sự vận động của vốn lưu động trải qua các giai đoạn và chuyển hoá từ hình thái ban đầu là tiền tệ sang các hình thái vật tư hàng hoá và cuối cùng quay trở lại hình thái tiền tệ ban đầu gọi là sự tuần hoàn luân chuyển của vốn lưu động.
Trong thực tế, sự vận động của vốn lưu động không diễn ra một cách tuần tự như mô hình lý thuyết mà các giai đoạn vận động của vốn được đan xen vào nhau, các chu kỳ sản xuất kinh doanh được tiếp tục lặp lại, vốn lưu động được tiếp tục tuần hoàn và chu chuyển có tính chất chu kỳ gọi là sự chu chuyển của vốn lưu động. Do sự chu chuyển của vốn lưu động diễn ra không ngừng nên trong cùng một lúc thường xuyên tồn tại các bộ phận khác nhau trên các giai đoạn vận động khác nhau của vốn lưu động. Khác với vốn cố định, khi tham gia vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, vốn lưu động luôn thay đổi hình thái biểu hiện, chu chuyển giá trị toàn bộ một lần vào giá trị sản phẩm và hoàn thành một vòng tuần hoàn sau mỗi chu kỳ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Việc sử dụng hợp lý tiết kiệm vốn lưu động được biểu hiện trước hết ở tốc độ luân chuyển vốn lưu động của doanh nghiệp nhanh hay chậm. Vốn lưu động luân chuyển càng nhanh thì hiệu suất sử dụng vốn lưu động càng cao và ngược lại. Tốc độ luân chuyển vốn lưu động có thể được đo bằng hai chỉ tiêu là số lần luân chuyển (số vòng quay vốn) và kỳ luân chuyển vốn (số ngày của một vòng quay vốn).
Tăng tốc độ luân chuyển vốn lưu động được hiểu là việc thúc đẩy cho quá trình vận động của vốn lưu động trải qua các giai đoạn và chuyển hoá từ hình thái ban đầu là tiền tệ sang các hình thái vật tư hàng hoá và cuối cùng quay trở lại hình thái tiền tệ ban đầu,
2. Phương hướng tăng tốc độ luân chuyển vốn lưu động:
Cùng với việc tăng tốc độ thu hồi tiền mặt, doanh nghiệp còn có thể thu được lợi nhuận bằng cách giảm tốc độ chi tiêu, để có càng nhiều tiền nhàn rỗi để đầu tư sinh lời càng tốt. Thay vì dùng tiền thanh toán sớm các hóa đơn mua hàng, nhà quản trị tài chính nên trì hoãn việc thanh toán, nhưng chỉ trong phạm vi thời gian mà các chi phí tài chính, tiền phạt hay sự xói mòn vị thế tín dụng thấp hơn những lợi nhuận do việc chậm thanh toán đem lại.
Phân loại theo vai trò trong quá trình sản xuất kinh doanh, theo cách này, ta có thể phân loại vốn lưu động trong doanh nghiệp thành 3 loại chính:
– Vốn lưu động trong quá trình dự trữ sản xuất: bao gồm giá trị của các khoản nguyên vật liệu chính, nguyên vật liệu phụ, công cụ, dụng cụ, phụ tùng thay thế.
– Vốn lưu động trong quá trình sản xuất: bao gồm giá trị các khoản sản phẩm dở dang, bán thành phẩm, các khoản chi phí chờ kết chuyển.
– Vốn lưu động trong quá trình lưu thông: bao gồm các khoản giá trị thành phẩm, vốn bằng tiền (bao gồm cả vàng, bạc, đá quý,…); các khoản đầu tư ngắn hạn (cho vay ngắn hạn, các khoản đầu tư ngắn hạn,…); các khoản thế chấp, ký cược, ký quỹ ngắn hạn; các khoản vốn trong thanh toán.
Cách phân loại này, cho thấy vai trò và sự phân bố của vốn lưu động trong từng khâu của quá trình sản xuất, kinh doanh. Qua đó, các nhà quản trị tài chính có biện pháp điều chỉnh cơ cấu vốn lưu động sao cho có hiệu quả cao nhất.
Chính vì cách phân loại này mà khi nhắc tới phương hướng tăng tốc luân chuyển vốn lưu động thì đối với các quá trình sản xuất khác nhau thì sẽ có các phương hướng khác nhau.
Trước hết, tăng tốc độ luân chuyển vốn trong quá trình dự trữ sản xuất, cách được sử dụng ở đây là chọn điểm cung cấp phù hợp, hợp lý làm sao để rút ngắn được số ngày hàng hóa đi trên đường cũng như số ngày cung cấp hàng hóa là có khoảng cách;
Căn cứ nhu cầu vốn lưu động của doanh nghiệp đã xác định từ trước và tình hình cung cấp vật tư để thực hiện việc tổ chức hợp lí công tác mua sắm, dự trữ vật tư nhằm giảm bớt số lượng dự trữ, luân chuyển hàng ngày. Tăng tốc độ luân chuyển vốn lưu động trong quá trình sự trữ sản xuất còn được thực hiện bằng cách áp dụng công nghệ hiện đại để rút ngắn chu kì sản xuất, tiết kiệm chi phí sản xuất, để hạ giá thành sản phẩm.
Thứ hai, tăng tốc độ luận chuyển vốn trong quá trình lưu thông. Ở quá trình lưu thông, đây là quá trình quan trọng nhất và mục tiêu hướng đến của doanh nghiệp thương mại, ở đây, hoạt động chủ yếu là nâng cao sản phẩm sản xuất, bên cạnh đó phải làm tốt công tác tiếp thị để tăng doanh thu tiêu thụ. Phương hướng tăng tốc độ luận chuyển vốn ở giai đoạn này còn đòi hỏi doanh nghiệp phải theo dõi tình hình thanh toán nhằm rút ngắn số ngày xuất vận và thanh toán để thu tiền hàng kịp thời, nhanh chóng, tăng nhanh tốc độ luân chuyển vốn lưu động ở khâu này.
Doanh nghiệp cần chú trọng quản trị để kịp thời phát hiện và tiến hành giải quyết những vật tư, hàng hoá còn tồn đọng trong quá trình sản xuất kinh doanh xuất phát từ nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vật tư hàng hoá ứ đọng (có thể nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan). Vấn đề quan trọng ở đây là làm sao tăng cường kiểm soát để có thể phát hiện được số vật tư, hàng hoá ứ đọng đó, đồng thời có biện pháp nhanh để giải quyết tránh ứ đọng vốn, tăng nhanh tốc độ luân chuyển vốn.
3. Ý nghĩa tăng tốc độ luân chuyển vốn lưu động:
Việc tăng tốc độ luân chuyển vốn lưu động giúp doanh nghiệp tiết kiệm vốn lưu động. Mức tiết kiệm vốn lưu động do tăng tốc độ luân chuyển vốn được biểu hiện bằng hai chỉ tiêu là mức tiết kiệm tuyệt đối và mức tiết kiệm tương đối.(i) Mức tiết kiệm tuyệt đối là do tăng tốc độ luân chuyển vốn nên doanh nghiệp có thể tiết kiệm được một số vốn lưu động để sử dụng vào công việc khác. Nói một cách khác với mức luân chuyển không thay đổi (hoặc lớn hơn so 14 với báo cáo) do tăng tốc độ luân chuyển nên doanh nghiệp cần số vốn ít hơn. (ii) Mức tiết kiệm tương đối là do tăng tốc độ luân chuyển vốn của doanh nghiệp có thể tăng thêm tổng mức luân chuyển vốn song không cần tăng thêm hoặc tăng không đáng kể quy mô vốn lưu động. Hầu hết các tài liệu tham khảo đều thống nhất về nội dung ý nghĩa này của việc tăng tốc độ luân chuyển vốn lưu động.
Việc tăng số vòng quay bình quân của vốn lưu động (hệ số đảm nhiệm vốn lưu động) có ý nghĩa rằng, Chỉ tiêu này cho thấy số vòng quay của vốn lưu động trong kỳ phân tích hay một đồng vốn lưu động bỏ ra thì đảm nhận bao nhiên đồng doanh thu. Trị giá chỉ tiêu này càng lớn chứng tỏ vốn lưu động quay càng nhanh nên hiệu suất sử dụng vốn lưu động càng lớn. Đó là kết quả của việc quản lý vốn hợp lý trong các khâu dự trữ, tiêu thụ, thanh toán. Ngược lại chỉ tiêu này càng thấp chứng tỏ vốn lưu động quay càng chậm nên hiệu suất sử dụng vốn lưu động càng thấp, cần phải có những biện pháp thích hợp trong việc quản lý hàng tồn kho, phải thu và tiêu thụ để làm tăng số vòng quay vốn lưu động. Hiệu suất này thay đổi không những phụ thuộc vào doanh thu mà còn phụ thuộc nhiều vào sự tăng giảm từng loại tài sản lưu động của doanh nghiệp.
Như vậy, từ sự phân tích trên, tác giả có thể khẳng định rằng, tăng tốc độ luận chuyển vốn lưu động là hoạt động mà mọi doanh nghiệp phải thực hiện, đặc biệt là doanh nghiệp thương mại. Đây là cách để doanh nghiệp phát triển hơn trong sản xuất kinh doanh và đảm bảo được sự vận hành ổn định của doanh nghiệp, vừa hợp lý, vừa hợp pháp để tồn tại bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh.