Đối với các doanh nghiệp kinh doanh trên thị trường thì tài trợ vốn lưu động có ý nghĩa và vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ một phần tài chính trong các trường hợp gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất và kinh doanh. Vậy tài trợ vốn lưu động là gì? Phương thức tài trợ vốn lưu động?
Mục lục bài viết
1. Vốn lưu động?
1.1. Vốn lưu động là gì?
Vốn lưu động là một cụm từ không còn xa lạ đối với những nhà quản trị, nó cho biết nguồn lực sẵn có của doanh nghiệp để đảm bảo hoạt động của các doanh nghiệp được diễn ra một cách bình thường
Vốn lưu động có tên gọi là Working capital , đây là một thước đo tài chính thể hiện nguồn lực sẵn có của doanh nghiệp, nhằm phục vụ và đáp ứng những hoạt động kinh doanh hàng ngày của doanh nghiệp như: Chi phí mua trang thiết bị mới, trả tiền lương nhân viên, tiền thanh toán nợ cho ngân hàng khi đến hạn, tiền trả chi phí mặt bằng,…
1.2. Đặc điểm của vốn lưu động:
Hiện nay, có nhiều hình thức vốn lưu động dựa vào các tiêu chí khác nhau mà vốn lưu động sẽ mang những được điểm khác nhau nhưng nhìn chung, dù theo tiêu chí nào thì vốn lưu động vẫn mang những đặc điểm cơ bản sau:
Thứ nhất, Sự vận động của vốn lưu đọng luôn diễn ra theo một quy trình khép kín và có sự biến đổi liên tục chuyển từ hình thái này sang hình thái khác và sau đó quay lại hình thái ban đầu nhưng mang lại một giá trị lớn. Chu kỳ hoạt động của vốn lưu động sẽ là tiêu chí cho việc đánh giá khả năng thanh toán, hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp.
Sự vận động của vốn lưu động trong doanh nghiệp được thông qua một quy trình gồm ba giai đoạn đó là:
Giai đoạn 1 (T – H): Ở giai đoạn này vốn lưu động từ sẽ chuyển từ hình thái tiền tệ sang hình thái vật chất hay hàng hóa là nguyên nhiên vật liệu. Vì vậy ở giai đoạn này sẽ được gọi là giai đoạn mua nguyên vật liệu.
Giai đoạn 2 (H – H’): Sau khi đã tiến hành chuyển tiền thành nguyên vật liệu đến hình thái này vốn lưu động tiếp tục biến đổi từ hình thái là nguyên nhiên vật liệu chuyển sang hình thái là sản phẩm sản xuất ra. Vì vậy ở giai đoạn này thường được gọi là giai đoạn sản xuất, chế biến.
Giai đoạn 3 (H’ – T’): Sau khi đã trải qua một vòng tuần hoàn vốn lưu động lại từ hình thái sản phẩm hình thành từ sản xuất lại quay trở lại hình thái ban đầu là tiền tệ qua các hoạt động buôn bán, cung ứng dịch vụ nhưng thông thường mà một giá trị cao hơn rất nhiều giá trị ban đầu bỏ ra. Vì vậy ở giai đoạn này được gọi là giai đoạn tiêu thụ sản phẩm.
Đối với doanh nghiệp thương mại sự vận động của vốn lưu động sẽ diễn ra trong hai giai đoạn sau:
Giai đoạn 1 (T- H): ở giai đoạn này là giai đoạn đầu tiên theo đó vốn lưu động từ hình thái tiền tệ sẽ chuyển sang hình thái vật chất hay hàng hoá bằng các hoạt động mua sản phẩm từ nguồn tiền tệ ban đầu. Vì vậy ở giai đoạn này còn gọi là giai đoạn mua hàng.
Giai đoạn 2 (H – T’): ở giai đoạn này vốn lưu động tiếp tục chuyển hoá từ hình thái hàng hoá sang hình thái tiền tệ ban đầu qua hoạt động bán lại sản phẩm của doanh nghiệp thương mại cho khách hàng và theo đó chấm dứt kết một vòng tuần hoàn của vốn lưu động. Ở giai đoạn này còn gọi là giai đoạn bán hàng.
Thứ hai, Trong hoạt động của doanh nghiệp, vốn lưu động sẽ tham gia trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh theo đó toàn bộ giá trị của vốn lưu động sẽ dịch chuyển một lần vào giá trị sản phẩm, hàng hoá và hoàn thành một vòng tuần hoàn sau mỗi chu kỳ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp
1.3. Công thức tính vốn lưu động:
Để biết những thông số về lượng của vốn lưu động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, chúng ta có thể dựa vào công thức như sau:
Vốn lưu động = Tài sản ngắn hạn – Nợ phải trả ngắn hạn
Trong đó:
– Tài sản ngắn hạn là các tài sản mà theo đó có thể chuyển đổi một cách dễ dàng và nhanh chóng thành tiền mặt trong một khoảng thời gian ngắn hạn. Ví dụ như: Vàng, bạc, ngoại tệ, hàng hóa và dịch vụ, tiền gửi ngân hàng, trái phiếu thời hạn dưới 1 năm,…
– Nợ phải trả ngắn hạn là các khoản nợ có nghĩa vụ hoàn trả thông thương trong thời hạn dưới 1 năm. Bao gồm các khoản nợ ngân hàng và cả các khoản mua chịu.
Vốn lưu động có ý nghĩa và vai trò rất lớn đến sự tồn tại và duy trì doanh nghiệp. Căn cứ vào việc xác định vốn lưu động sẽ xác định được tình trạng của doanh nghiệp hiện tại. Thông thường, một công ty sẽ xảy ra 2 tình trạng sau:
Vốn lưu động có giá trị dương: Đây là trường hợp thể hiện tài sản ngắn hạn đang lớn hơn các khoản nợ ngắn hạn. Nhờ thế mà doanh nghiệp có thể dễ dàng chuyển đổi tài sản thành tiền mặt phục vụ cho hoạt động thường ngày của các doanh nghiệp để trả các khoản nợ tới hạn và giúp hoạt động sản xuất được diễn ra một cách ổn định và phát triển.
Vốn lưu động có giá trị âm: Ngược lại với vốn lưu động giá trị dương thì vốn lưu động có giá trị âm thể hiện tài sản ngắn hạn đang nhỏ hơn các khoản nợ ngắn hạn. Cũng đồng nghĩa với việc rằng doanh nghiệp không thể chuyển đổi tài sản thành tiền mặt và theo đó không có khả năng chi trả cho hoạt động thường ngày của doanh nghiệp nếu không có biểu hiện khắc phục trong một thời gian dài có thể dẫn đến tình huống xấu nhất của doanh nghiệp là phá sản.
2. Tài trợ vốn lưu động là gì?
Trong hoạt động của các doanh nghiệp sẽ có những thời điểm mà doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trước sự biến đổi của thị trường và vấp phải sự cạnh tranh gay gắt của các đối thủ trên thị trường khiến cho doanh nghiệp không có đủ nguồn lực tài chính để tiếp tục duy trì sự vận động của doanh nghiệp thì tài trợ vốn lưu động là một giải pháp hợp lý và phù hợp đối với các doanh nghiệp đang cần nguồn vốn để phục vụ cho mục đích chi trả các khoản chi phí cho hoạt động thường ngày của doanh nghiệp như trả tiền lương, trả tiền thuê mặt bằng,…
Tài trợ vốn lưu động là một giải pháp phổ biến đối với các doanh nghiệp hiện nay; đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ có mức doanh thu hàng tháng không ổn định, có sự biến đổi lên xuống một cách thất thường mag thường là xuống nhiều hơn; hay là các doanh nghiệp mới thành lập chưa có chỗ đứng vững chắc trên thị trường tiêu thụ, chịu sự cạnh tranh gay gắt của đối thủ kinh doanh mặt hàng tương tự trên thị trường liên quan hoặc đang chuẩn bị một dự án lớn những tiềm lực tài chính chưa thể đáp ứng.
Tài trợ vốn lưu động là giải pháp tăng dòng tiền mặt giúp các doanh nghiệp tiếp tục vận hành ổn định trong khi phải chi trả cho các dự án hay thực hiện hay những đơn hàng bán trả chậm.
Trong tiếng anh tài trợ vốn lưu động có tên gọi là working capital financing
3. Phương thức tài trợ vốn lưu động:
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều các phương thức tài trợ vốn lưu động khác nhau và sau đây là một số phương pháp phổ biến được sử dụng:
– Các khoản vay từ ngân hàng truyền thống: Đây là phương pháp tài trợ vốn lưu động được sử dụng phổ biến nhất là việc doanh nghiệp sẽ đến những ngân hàng có uy tín để vay tín dụng hướng đến tài trợ cho nguồn vốn lưu động thiếu hụt của doanh nghiệp mình nhằm chi trả cho các chi phí hoạt động của doanh nghiệp và phục vụ tài trợ cho các dự án mà doanh nghiệp đã lên kế hoạch từ trước.
– Các khoản vay thấu chi: Là việc ngân hàng sẽ cho phép các doanh nghiệp chi tiêu vượt quá số tiền có trong tài khoản của doanh nghiệp để chi trả cho các chi phí giúp duy trì hoạt động của các doanh nghiệp. Có hai hình thức vay thấu chi là vay thấu chi có đảm bảo bằng tài sản (thường là tài khoản tiết kiệm) và vay thấu chi không có bảo đảm.
Ngoài ra các doanh nghiệp có thể tài trợ vốn lưu động bằng hạn mức tín dụng và thẻ tín dụng doanh nghiệp. Tuy nhiên, có một điểm hạn chế là hầu hết những phương thức nêu trên đều tương đối khó tiếp cận vì để sử dụng được những phương pháp trên, bên ngân hàng thường sẽ yêu cầu các doanh nghiệp phải cung cấp tài sản thế chấp có giá trị lớn hơn để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Việc này khiến cho các doanh nghiệp vay càng khó khăn hơn khi mà tiềm lực ở thời điểm hiện tại đã thấp lại phải thế chấp tài sản doanh nghiệp không thể tiến hành giao dịch trong các trường hợp cần giao dịch tài sản là tài sản thế chấp.
Do đó, có một phương pháp tài trợ vốn lưu động rất phù hợp với các doanh nghiệp trong tình trạng này đó là phương pháp bao thanh toán hóa đơn.
Bao thanh toán hóa đơn là quy trình tài trợ tài chính trong đó doanh nghiệp bán các hóa đơn chưa được thanh toán cho một bên thứ ba được gọi công ty bao thanh toán. Khi một hóa đơn được bán, công ty bên thứ ba trả một phần tiền của giá trị hóa đơn của khách hàng và thường chịu hoàn toàn trách nhiệm thu về số tiền đó từ bên mua. Giao dịch này cho phép các doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận với nguồn tiền mặt trước khi hoá đơn đáo hạn, cho phép họ có thể tái đầu tư vào hoạt động kinh doanh ngay lập tức
Theo đó Doanh nghiệp thường sẽ ngay lập tức nhận về khoảng 80% giá trị hóa đơn và sau đó, nhận nốt số tiền còn lại, sau khi đã trừ phí cần thiết, khi khách hàng thanh toán đầy đủ giá trị đơn hàng. Bao thanh toán hóa đơn hay còn được biết đến với tên gọi Chiết khấu hóa đơn và Tài trợ hóa đơn là một giải pháp linh hoạt phù hợp với các doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhu cầu tiếp cận nhanh chóng với nguồn tiền mặt. Phương thức này thường không yêu cầu tài sản thế chấp và các giao dịch được xác thực và chấp thuận nhanh chóng chỉ trong vài ngày.