Tìm hiểu về tài sản? Tài sản có thể xác định?
Tài sản là thuật ngữ khá quen thuộc đối với mỗi chúng ta và nó đem lại không ít giá trị về lợi nhuận kinh tế cho doanh nghiệp trong suốt vòng đời sử dụng của tài sản. Có nhiều khái niệm được sử dụng xoay quanh vấn đề tài sản. Một trong số đó chúng ta cần phải kể đến tài sản có thể xác định. Tài sản có thể xác định chính là một tài sản của công ty mua lại có thể chuyển nhượng được với một giá trị hợp lí.
Tư vấn luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại: 1900.6568
Mục lục bài viết
1. Tìm hiểu về tài sản:
Khái niệm tài sản:
Chuẩn mực kế toán Việt Nam đưa ra định nghĩa như sau: “tài sản là nguồn lực do doanh nghiệp kiểm soát và có thể thu được lợi ích kinh tế trong tương lai”. Định nghĩa này cho thấy có sự khác biệt giữa quy định của luật pháp và quy định của kế toán về tài sản.
Trên phương diện pháp lí, ta hiểu tài sản của một doanh nghiệp phải thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp đó, tuy nhiên trên phương diện kế toán, tài sản được báo cáo trên bảng cân đối kế toán của một doanh nghiệp không nhất thiết phải thuộc quyền sở hữu, mà chỉ cần thuộc quyền kiểm soát của doanh nghiệp đó nhằm đáp ứng yêu cầu coi trọng bản chất hơn hình thức của kế toán.
Tài sản trong tiếng Anh là gì?
Tài sản trong tiếng Anh là Assets.
Phân loại tài sản:
Tài sản được trình bày trên bảng cân đối kế toán theo tính thanh khoản giảm dần và được chia thành hai hạng mục cơ bản: tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn.
Tài sản ngắn hạn được hiểu cơ bản là những tài sản có thời gian chuyển đổi thành tiền trong vòng một năm (hoặc một chu kì kinh doanh). Tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp thường bao gồm tiền và các tài khoản tương đương tiền, đầu tư ngắn hạn, nợ phải thu ngắn hạn, hàng tồn kho và các tài sản ngắn hạn khác.
Ví dụ cụ thể như: Công ty A báo cáo số dư tiền mặt và tiền gửi ngân hàng tại ngày 31 tháng 12 năm 2015 chỉ là 89,5 tỉ đồng trong khi các khoản tương đương tiền (tiền gửi ngân hàng có kì hạn và các khoản cho công ty con vay có thời hạn không quá 3 tháng) lên tới 331,2 tỉ đồng.
Tài sản dài hạn được hiểu cơ bản là những tài sản có thời gian chuyển đổi thành tiền trên một năm (hoặc một chu kì kinh doanh). Tài sản dài hạn của doanh nghiệp thường bao gồm tài sản cố định hữu hình, tài sản cố định vô hình, tài sản cố định thuê tài chính, đầu tư dài hạn và các khoản trả trước dài hạn.
Ví dụ cụ thể như: Một doanh nghiệp thường có tài sản cố định hữu hình cụ thể như nhà văn phòng, nhà xưởng sản xuất, thiết bị sản xuất, thiết bị quản lí, phương tiện vận tải,… Mặt khác thì các loại tài sản cố định vô hình thường bao gồm các loại tài sản sau đây: quyền sử dụng đất, nhãn hiệu thương mại, sáng chế, phần mềm máy tính,…
2. Tài sản có thể xác định:
Khái niệm tài sản có thể xác định:
Tài sản có thể xác định là một tài sản của công ty mua lại có thể chuyển nhượng được với một giá trị hợp lí và được kì vọng một cách hợp lí để mang lại lợi ích cho công ty mua tài sản đó trong tương lai. Tài sản có thể xác định có thể bao gồm cả tài sản hữu hình và tài sản vô hình. Tài sản không thể xác định thường được gọi là lợi thế thương mại.
– Ta hiểu tài sản hữu hình như sau:
Pháp luật không quy định như thế nào là tài sản hữu hình. Tuy nhiên, ta có thể hiểu dưới góc độ pháp lý, tài sản hữu hình chính là vật chất được sở hữu hoặc có thể sở hữu được. Mà để có thể được sở hữu, vật với tính cách là tài sản phải nằm trong sự chiếm hữu của con người, có đặc trưng giá trị và trở thành đối tượng của giao lưu dân sự.
– Ta hiểu tài sản vô hình như sau:
Tài sản vô hình là tài sản không có hình dáng vật chất, không nhìn thấy được, không cầm nắm được. Thực chất, tài sản vô hình chính là các quyền tài sản, bao gồm quyền tài sản trên một tài sản hữu hình hay còn gọi là vật quyền hoặc có thể trên một tài sản vô hình khác và các trái quyền trị giá được bằng tiền.
– Lợi thế thương mại:
Lợi thế thương mại được hiểu là một tài sản vô hình liên quan đến việc mua một công ty của một công ty khác. Cụ thể, lợi thế thương mại được ghi nhận trong tình huống giá mua cao hơn tổng giá trị hợp lí có thể xác định của tất cả các tài sản hữu hình và vô hình của công ty bị mua lại và các khoản nợ phát sinh trong thương vụ mua lại. Giá trị của một thương hiệu công ty, cơ sở khách hàng vững chắc, mối quan hệ khách hàng tốt, quan hệ nhân viên tốt và mọi bằng sáng chế hoặc công nghệ độc quyền đại diện cho một số ví dụ về lợi thế thương mại.
Giá trị của lợi thế thương mại thường phát sinh trong một vụ mua lại khi bên thâu tóm mua một công ty mục tiêu. Chênh lệch giữa số tiền mà bên mua trả cho giá trị sổ sách của công ty mục tiêu thường chính là giá trị của lợi thế thương mại.
Lợi thế thương mại có thể có giá trị dương hoặc âm. Nếu giá trị thương mại âm thì đó có thể là giá trị của các bản quyền, công nghệ độc quyền,… như các ví dụ trên. Lợi thế thương mại âm nghĩa là bên mua đã mua được công ty mục tiêu với giá hời.
Lợi thế thương mại được ghi nhận là một tài sản vô hình trên bảng cân đối kế toán của công ty mua lại theo tài khoản tài sản dài hạn do nó không phải là tài sản vật chất như các tòa nhà hoặc thiết bị.
Lợi thế thương mại rất khó định giá và lợi thế thương mại âm có thể xảy ra khi bên mua thâu tóm một công ty với giá thấp hơn giá trị thị trường hợp lí của nó. Điều này thường xảy ra khi công ty mục tiêu không thể hoặc sẽ không thương lượng mức giá hợp lí cho việc mua lại.
Do giá trị của các thành phần trong lợi thế thương mại mang tính chất chủ quan, nên có thể xảy ra rủi ro lớn là một công ty có thể định giá quá cao lợi thế thương mại trong vụ mua bán. Điều này có thể trở thành tin xấu cho các cổ đông do có khả năng lớn là các công ty sẽ buộc phải xoá sổ hoặc ghi giảm giá trị của lợi thế thương mại sau này.
Một rủi ro khác có thể xảy ra khi công ty phải đối mặt với khả năng thanh toán, dù trước đó nó là một công ty thành công. Khi gặp phải tình trạng này, các nhà đầu tư cho công ty sẽ giảm trừ lợi thế thương mại khi tính toán vốn cổ phần còn lại của công ty. Lí do cho hành động này đo chính là khi một công ty mất khả năng thanh toán thì lợi thế thương mại mà nó sở hữu không hề có giá trị bán lại.
Tài sản có thể xác định trong tiếng Anh là gì?
Tài sản có thể xác định trong tiếng Anh là Identifiable Asset.
Nội dung về tài sản có thể xác định:
Nếu một tài sản được coi là có thể nhận xác định được thì công ty mua tài sản đó sẽ ghi nhận nó như là một phần của tài sản trên bảng cân đối kế toán. Tài sản có thể xác định bao gồm tất cả các thứ có thể tách rời khỏi việc kinh doanh và chuyển nhượng như máy móc, phương tiện, tòa nhà hoặc thiết bị khác.
Nếu một tài sản không được coi là một tài sản có thể xác định, thì giá trị của nó được coi là một phần của số tiền lợi thế thương mại phát sinh từ giao dịch mua lại.
Ví dụ cụ thể như: giả sử công ty tập đoàn ABC mua cả công ty sản xuất nhỏ hơn và công ty khởi nghiệp marketing trên internet nhỏ hơn. Phần lớn giá trị của công ty sản xuất là gắn liền với tài sản, thiết bị, hàng tồn kho và các tài sản vật chất khác, vì vậy hầu như tất cả các tài sản của nó có thể xác định được.
Mặt khác, công ty khởi nghiệp marketing trên internet có thể sẽ có rất ít tài sản có thể xác định được và giá trị của nó là một công ty dựa trên tiềm năng thu nhập trong tương lai. Chính bởi vì thế việc mua công ty marketing sẽ tạo ra nhiều lợi thế thương mại hơn đối với sổ sách kế toán của công ty tập đoàn ABC, bởi vì nó sẽ thu được ít tài sản có thể xác định hơn từ công ty marketing.
Một số tài sản vô hình có thể xác định cụ thể như:
– Tài sản vô hình liên quan tới hoạt động Marketing: thương hiệu, nhãn hiệu, logo,…
– Tài sản vô hình liên quan tới kĩ thuật công nghệ: giấy đăng kí quy trình sản xuất, giấy đăng kí bản quyền, tài liệu về kĩ thuật công nghệ ( những ghi chép trong phòng thí nghiệm, bí quyết kĩ thuật,….)
– Những tài sản vô hình liên quan tới nghệ thuật cụ thể như: Các tác phẩm hay bản quyền tác giả
– Tài sản vô hình liên quan tới việc xử lí dữ liệu cụ thể như: Những phần mềm máy tính có bản quyền, cơ sở dữ liệu số, phần mềm kiểm soát mạng tích hợp nội bộ…
– Tài sản vô hình liên quan tới công việc thiết kế kĩ thuật: Kiểu dáng công nghiệp, đăng kí bản quyền sản phẩm, bí quyết thương hiệu, bản vẽ và biểu đồ kĩ thuật, bản thiết kế, chứng nhận quyền sở hữu, ….
– Tài sản vô hình liên quan tới khách hàng bao gồm: danh sách khách hàng, các hợp đồng với khách hàng, quan hệ khách hàng,…
– Tài sản vô hình về nguồn lực bao gồm: đội ngũ lao động lành nghề, hợp đồng lao động, hợp đồng liên kết,…