Tài nguyên nước là thành phần môi trường gắn liền với sự tồn tại, phát triển mọi sự sống trên địa cầu. Nước có vai trò to lớn đối với đời sống con người. Trong cuộc sống hằng ngày, con người khai thác, sử dụng, tác động tới nước. Tuy nhiên, hiện trạng tài nguyên nước đang ngày một xấu đi.
Mục lục bài viết
1. Tài nguyên nước là gì?
Nước là hợp chất hóa học của oxy và hidro gồm hai nguyên tử hidro và một nguyên tử oxy, có công thức hóa học là H2O. Nước là yếu tố chủ yếu của hệ sinh thái, là một trong các nhân tố quyết định chất lượng môi trường sống. Và nước là tài nguyện tái tạo được, là nhu cầu cơ bản của mọi sự sống trên Trái Đất và cần thiết cho mọi hoạt động kinh tế xã hội của con người.
Tài nguyên nước là toàn bộ lượng nước có trong các khu vực có nước trên Trái Đất mà con người có thể sử dụng được trong cuộc sống hằng ngày, để tồn tại, phát triển, phát triển nền kinh tế xã hội,…
Tại Khoản 1 Điều 2 Luật Tài nguyên nước năm 2012 quy định ” Tài nguyên nước bao gồm nguồn nước mặt, nước dưới đất, nước mưa và nước biển thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Đây là khái niệm tài nguyên nước dùng trong một lãnh thổ.
Trong đó nguồn nước là khái niệm chỉ các dạng tích tụ nước tự nhiên hoặc nhân tạo có thể khai thác sử dụng được, bao gồm: sông, suối, kênh, rạch, hồ, ao, đầm, phá, biển, các tầng chứa nước dưới đất, mưa, băng, tuyết và các dạng tích tụ nước khác .
Tùy theo tính chất, đặc điểm, của các nguồn nước cũng như yêu cầu quản lý , sử dụng chúng vào những mục đích khác nhau, pháp luật phân chia nguồn nước nói chung và các lưu vực sông thành từng loại cụ thể như :
– Nước mặt là nước tồn tại trên mặt đất liền hoặc hải đảo
– Nước dưới đất là nước tồn tại trong các tầng chứa nước dưới đất.
– Nước sinh hoạt là nước sạch hoặc nước có thể dùng cho ăn, uống, vệ sinh của con người.
– Nước sạch là nước có chất lượng đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về nước sạch của Việt Nam.
– Nguồn nước liên tỉnh là nguồn nước phân bố trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.
– Nguồn nước nội tỉnh là nguồn nước phân bố trên địa bàn một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
– Nguồn nước liên quốc gia là nguồn nước chảy từ lãnh thổ Việt Nam sang lãnh thổ nước khác hoặc từ lãnh thổ nước khác vào lãnh thổ Việt Nam hoặc nguồn nước nằm trên đường biên giới giữa Việt Nam và quốc gia láng giềng.
– Lưu vực sông liên tỉnh là lưu vực sông nằm trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.
– Lưu vực sông nội tỉnh là lưu vực sông nằm trên địa bàn một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Tài nguyên nước tiếng Anh là “Water Resources”.
2. Vai trò của tài nguyên nước:
Nước là nguồn tài nguyên quý giá, nước rất cần thiết cho hoạt động sống của con người cũng như các sinh vật. Nước là chất quan trọng để các phản ứng hóa học và sự trao đổi chất diễn ra không ngừng trong cơ thể. Nước là một dung môi. Nước cần thiết cho sư tăng trưởng và duy trì cơ thể bởi nó liên quan nhiều quá trình sinh hoạt quan trọng. Muốn tiêu hóa, hấp thụ sử dụng tốt lương thực, thực phẩm… đều cần có nước.
Nước chứa trong cơ thể sinh vật một hàm lượng rất cao. Nước là dung môi cho các chất vô cơ, các chất hữu cơ có mang gốc phân cực (ưa nước) như hydroxyl, amin, các boxyl…Nước trong tế bào là một môi trường để các chất dinh dưỡng tham gia vào các phản ứng sinh hóa nhằm xây dựng và duy trì tế bào. Nước là nguyên liệu cho cây trong quá trình quang hợp tạo ra các chất hữu cơ. Nước là môi trường hòa tan chất vô cơ và phương tiện vận chuyển chất vô cơ và hữu cơ trong cây, vận chuyển máu và các chất dinh dưỡng ở động vật. Nước bảo đảm cho thực vật có một hình dạng và cấu trúc nhất định cho thực vật. Nước tham gia vào quá trình trao đổi năng lượng và điều hòa nhiệt độ cơ thể. Nước có tác dụng bôi trơn, đặc biệt là nơi tiếp xúc các đầu nối, màng bao,… tạo nên sự linh động tại đầu xương và sụn… Nước cũng hoạt động như một bộ phận giảm xóc cho mắt, tủy sống và ngay cả thai nhi trong nước ối…
Nước là môi trường sống của rất nhiều loài sinh vật như các loại cá, tôm, cua, rong, rêu… Đồng thời nước giữ vai trò tích cực trong việc phát tán nòi giống của các sinh vật.
Trong nông nghiệp: tất cả các cây trồng và vật nuôi đều cần nước để phát triển. Nước cũng đóng vai trò quyết định trong sự tăng trưởng các sản phẩm cây công nghiệp, như: chè, cà phê, hồ tiêu, mía đường, cao su… Và tài nguyên nước đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nền văn minh lúa nước.
Trong sản xuất công nghiệp nước cũng đóng vai trò rất quan trọng. Nước cho nhu cầu sản xuất công nghiệp rất lớn. Tiêu biểu là các ngành khai khoáng, sản xuất nguyên liệu công nghiệp như than, thép, giấy…đều cần một trữ lượng nước rất lớn. Nước dùng để làm nguội các động cơ, là dung môi làm tan các hóa chất màu và các phản ứng hóa học;…. Mỗi ngành công nghiệp, mỗi loại hình sản xuất và mỗi công nghệ yêu cầu một lượng nước, loại nước khác nhau. Như vậy nước góp phần làm động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế.
Nước cho năng lượng nước cũng đã góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng trong điều kiện nhu cầu về năng lượng không ngừng gia tăng. Tại Việt Na, tiềm năng thủy điện khá lớn, tập trung chủ yếu trên lưu vực sông Hồng, sông Đồng Nai và các lưu vực sông ở miền Trung và Tây nguyên. Nước đóng vai trò quan trọng trong du lịch đường sông, du lịch biển đang ngày càng phát triển.
3. Các hoạt động ảnh hưởng đến tài nguyên nước:
Hoạt động sản xuất kinh doanh có đặc thù là sử dụng nguồn nước tập trung với lưu lượng lớn. Việc sử dụng lượng nước lớn dễ gây tình trạng khai thác quá mức dẫn tới suy thoái, cạn kiện nguồn nước ở những khu vực nhất định. Hoạt động sản xuất công nghiệp thải ra lượng lớn nước thải công nghiệp, lượng nước thải và chất thải này thường chưa qua xử lí hoặc xử lí chưa đạt tiêu chuẩn, được thải trực tiếp vào các nguồn nước mặt, hoặc ngấm qua đất tới các mạch nước ngầm .gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tài nguyên nước.
Hoạt động sản xuất nông nghiệp, làm muối, nuôi trồng thủy sản hiện cũng gây ảnh hưởng xấu tới tài nguyên nước do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng phân hóa học quá giới hạn cho phép… Hoạt động du lịch, giải trí, giao thông đường thủy cũng gây ô nhiễm môi trường nước ở mức độ nhất định do việc xả chất thải từ các phương tiện giao thông khách du lịch xả rác trực tiếp vào nguồn nước
Sinh hoạt của con người cũng ảnh hưởng tới chất lượng, trữ lượng nước ở rất nhiều khía cạnh. Việc khai thác nước ngầm quá mức, dẫn tới cạn kiệt nguồn nước, gây sụt, lún đất . Việc xả thải chất thải sinh hoạt không vừa xử lí vào các nguồn nước mặt gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước
4. Hiện trạng sử dụng tài nguyên nước ở nước ta hiện nay:
Lượng nước sử dụng hằng năm cho nông nghiệp Khoảng 93 tỷ m3, cho công nghiệp Khoảng 17,3 tỷ m3, cho dịch vụ là 2 tỷ m3, cho sinh hoạt là 3,09 tỷ m3. Hiện nay, nước ta với tồng chiều dài các sông và kênh Khoảng 40000km, đã đưa và khai thác vận tải 1500 km, trong đó quản lý trên 800km. có những sông suối tự nhiên, thác nước,… được sử dụng làm các điểm tham quan du lịch.
Về nước mặt, nước lợ thì hiện nay mới sử dụng Khoảng 12,5% diện tích mặt nước lợ, nước mặn và 31% diện tích mặt nước ngọt. Việt Nam có trên 240 nhà máy cấp nước đô thị với tổng công suất thiết kế là 3,42 triệu mét khối/ ngày. Trong đó 92 nhà máy sử dụng nguồn nước mặt với tổng công suất Khoảng 1,95 triệu mét khối/ngày và 148 nhà máy sử dụng nguồn nước dưới đất với tổng công suất Khoảng 1,47 triệu mét khối/ngày. Nước dùng trong sinh hoạt của dân cư ngày càng tăng nhanh do tốc độ tăng dân số nhanh và đô thị hóa. Nước cống từ nước thải sinh hoạt cộng với nước thải của các cơ sở tiểu thủ công nghiệp trong khu dân cư đang gây ô nhiễm trầm trọng ở các đô thị.
Tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước vẫn tiếp tục gia tăng trong khi cơ chế kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm hoạt động chưa hiệu quả , các hoạt động chặt phá rừng, tác động của biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực đến tài nguyên nước đang ngày càng rõ rệt hơn. Thiên tai bão, lũ, lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, ngập úng, nước biển dâng,…đang ngày càng gia tăng cả về mức độ nghiêm trọng và phạm vi ảnh hưởng. Chất lượng nước ở vùng hạ lưu của các con sống chính bị ô nhiễm nặng nề, đặc biệt là các con sông ở trong thành phố. Lụt lội xảy ra , cuốn theo các chất độc hại, hóa chất dù đã được bảo quản trước đo, cuốn theo các loại rác thải,… từ đó làm mất sự trong sạch của nguồn nước. Việc nuôi trồng thủy sản ồ ạt, sử dụng hóa chất quá nhiều, thiếu quy hoạch, không tuân theo các tiêu chuẩn, yêu cầu về kỹ thuật đã gây tác động tiêu cực, tác động trực tiếp tới môi trường nước. Trong sản xuất nông nghiệp, sử dụng quá nhiều, quá mức cho phép các loại thuốc bảo vệ thực vật làm cho nguồn nước ở sông, hồ, kênh, mương bị ô nhiễm…
Môi trường nước ở khu công nghiệp ngày càng bị ô nhiễm bởi nước thải, khí thải và chất thải trong hoạt động sản xuất. Hàm lượng nước thải của các ngành công nghiệp dệt may, công nghiệp giấy có chứa xyanua (CN-) vượt đến 84 lần và các chất khác vượt nhiều lần tiêu chuẩn cho phép nên đã gây ô nhiễm nặng nề.
Mâu thuẫn, tranh chấp trong sử dụng nước tiếp tục gia tăng; nguồn lực đầu tư cho quản lý, bảo vệ tài nguyên nước không đáp ứng yêu cầu; hệ thống pháp luật về tài nguyên nước còn thiếu đồng bộ và việc triển khai thực hiện chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Cơ sở pháp lý:
– Luật Tài nguyên nước năm 2012.