Nguyên nhân tài khoản ngân hàng bị khóa? Tài khoản ngân hàng bị khóa có nhận được tiền chuyển không? Cách giải quyết khi tài khoản ngân hàng bị khóa? Mở lại tài khoản ngân hàng bị khóa có mất tiền không?
Việc sử dụng tài khoản ngân hàng trong thời đại bây giờ trở nên khá phổ biến, nó đem lại nhiều lợi ích đáng kể nhưng bên cạnh đó cũng có một số rủi ro mà khách hàng không mong muốn. Đặc biệt là tài khoản ngân hàng bị khóa khiến bạn không thể giao dịch được, và một số câu hỏi đặt trong đầu: Tài khoản ngân hàng bị khóa thì có nhận được tiền chuyển không? Làm như nào để giải quyết? Tại sao lại bị khóa?
Một điều cần lưu ý, khóa tài khoản ngân hàng và khóa thẻ ATM là hoàn toàn khác nhau. Nhưng một số người cũng thường hay bị nhầm giữa khóa tài khoản ngân hàng, khóa thẻ ATM và khóa tài khoản Internet Banking. Bạn có thể phân biệt như sau:
– Khóa tài khoản ngân hàng: Khi tài khoản ngân hàng bị khóa tức là bị đóng băng tài khoản, thẻ ATM và tài khoản Internet banking cũng sẽ bị khóa theo và sẽ không còn hoạt động được nữa kể cả giao dịch nhận tiền hay rút tiền qua ATM…
– Khóa thẻ ATM: Khi bị khóa thẻ ATM, tài khoản ngân hàng, tài khoản Internet banking của bạn vẫn hoạt động được bình thường và thực hiện được các giao dịch thông qua tài khoản như: Thanh toán mua hàng online hoặc chuyển – nhận tiền từ người khác. Chỉ có thẻ ATM là bị khóa.
– Khóa Internet Banking: Khi bạn nhập mật khẩu của Internet Banking sai quá 5 lần, thì ngân hàng thực hiện khóa Internet Banking của bạn lại. Trường hợp Internet Banking bị khóa thì bạn sẽ không thể thực hiện được các giao dịch trực tuyến. Tuy nhiên, việc Internet Banking bị khóa sẽ không ảnh hưởng đến tài khoản ngân hàng của bạn. Bạn vẫn có thể rút tiền bằng thẻ ATM (vẫn hoạt động bình thường) hoặc giao dịch chuyển tiền, rút tiền tại quầy giao dịch.
Mục lục bài viết
- 1 1. Nguyên nhân tài khoản ngân hàng bị khóa:
- 2 2. Tài khoản ngân hàng bị khóa có nhận được tiền chuyển không?
- 3 3. Cách giải quyết khi tài khoản ngân hàng bị khóa:
- 4 4. Mở lại tài khoản ngân hàng bị khóa có mất tiền không?
- 5 5. Nếu bị khóa thẻ ATM thì phải mở lại như thế nào?
- 6 6. Nếu bị khóa tài khoản Internet banking thì phải mở lại như thế nào?
1. Nguyên nhân tài khoản ngân hàng bị khóa:
Tài khoản ngân hàng bị khóa do hai nguyên nhân là nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan.
– Nguyên nhân khách quan: Do yêu cầu của khách hàng. Trong trường hợp bạn bị mất thẻ hoặc mất thông tin tài khoản và bạn muốn bảo vệ tài khoản nên yêu cầu phía ngân hàng khóa tài khoản của mình để tránh trường hợp không may.
– Nguyên nhân chủ quan:
+ Do tài khoản ngân hàng hết hạn sử dụng: tài khoản ngân hàng có thời hạn sử dụng nhất định thường là 5 năm. Khi bạn dùng mà không để ý tới hạn để quá thời gian thì tài khoản sẽ tự động khóa.
+ Nợ thẻ tín dụng quá lâu: Trường hợp thông tin tài khoản của bạn nợ thẻ tín dụng thanh toán quá lâu không thanh toán giao dịch thì ngân hàng cũng sẽ thực hiện khóa thông tin tài khoản lại .
+ Tài khoản ngân hàng không giao dịch trong thời gian dài: Khi không giao dịch từ 1 năm trở đi, thì hệ thống bảo mật sẽ khóa tài khoản.
+ Nghi ngờ tài khoản có người khác xâm phạm: Để đảm bảo an toàn cho số tiền của bạn, mỗi một tài khoản ngân hàng sẽ có bảo mật kỹ, vì vậy nếu ngân hàng phát hiện bạn có giao dịch đáng ngờ mà không phải bạn thì sẽ tiến hành khóa tài khoản ngay lập tức.
+ Tài khoản ngân hàng có giao dịch phi pháp: Lý do cuối cùng khiến cho tài khoản bị khóa là ngân hàng phát hiện bạn có thực hiện các giao dịch phi pháp nên cần bạn giải trình trực tiếp để làm rõ.
Ngoài ra, còn có thể rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc tài khoản ngân hàng của bạn bị khóa. Ngay cau khi tài khoản ngân hàng bị khóa, bạn có thể gọi lên các số Hotline của ngân hàng để làm rõ nguyên nhân tại sao tài khoản của mình bị khóa và tìm cách giải quyết.
2. Tài khoản ngân hàng bị khóa có nhận được tiền chuyển không?
Nhiều người vẫn thường nhầm bị khóa thẻ ngân hàng và tài khoản ngân hàng là một nhưng thực tế hoàn toàn khác nhau. Khi thẻ ngân hàng (ATM) bị khóa thì tiền vẫn nhận được.
Còn tài khoản ngân hàng bị khóa thì còn tùy thuộc vào từng dạng khóa tài khoản. Nếu tài khoản chỉ khóa một chiều (chiều chi đi, chuyển đi) thì tài khoản đó vẫn nhận được tiền chuyển đến bình thường. Còn nếu tài khoản đã bị khóa hai chiều (khóa cả chiều chuyển đến và chuyển đi) thì tài khoản sẽ hoàn toàn không nhận được hay thực hiện được bất kỳ giao dịch nào.
Trong trường hợp không may xảy ra là khi bạn lỡ chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng bị khóa thì có sao không, đừng lo lắng. Bên tài khoản bị khóa kia không nhận được tiền và tiền sẽ hoàn về từ 1-2 ngày sau đó.
3. Cách giải quyết khi tài khoản ngân hàng bị khóa:
Khi tài khoản của bạn bị khóa, không cần lo lắng quá, hãy bình tĩnh tới ngân hàng làm việc, nhân viên sẽ tiến hành mở khóa tài khoản cho bạn.
– Bước 1: Mang theo chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân đến chi nhánh ngân hàng. Lưu ý mang đến ngân hàng mà trước kia bạn đã làm ở đó và được cấp thẻ tại nơi đó.
– Bước 2: Trình bày về việc tài khoản bị khóa và yêu cầu nhân viên ngân hàng mở khóa.
– Bước 3: Nhân viên sẽ đưa cho bạn một mẫu đơn mở lại tài khoản. Tiếp đến bạn cần điền các thông tin mà mẫu đơn yêu cầu như: Họ tên, số tài khoản tài khoản, số CCCD, lý do khóa tài khoản,…
– Bước 4: Sau khi điền xong, bạn đưa mẫu điền và kèm theo giấy tờ như CCCD hoặc hộ chiếu để xác thực.
– Bước 5: Nhân viên ngân hàng tiến hành đối chiếu, kiểm tra. Nếu thông tin tài khoản chính xác họ bắt đầu mở lại tài khoản cho bạn. Sau khi mở lại bạn có thể thực hiện các giao dịch như rút tiền, chuyển tiền.
Lưu ý: Tài khoản sẽ chỉ được làm thủ tục mở lại nếu nguyên nhân bị khóa tài khoản được giải quyết. Ví dụ: Nếu bạn bạn bị khóa tài khoản 1 chiều vì nợ thẻ tín dụng quá lâu. Thì bạn cần phải thanh toán toàn bộ dư nợ trước khi yêu cầu mở lại tài khoản. Hoặc việc này sẽ được các ngân hàng thực hiện tự động ngay sau khi các bạn tất toán dư nợ.
4. Mở lại tài khoản ngân hàng bị khóa có mất tiền không?
Việc mở lại tài khoản bị khóa sẽ mất phí tùy theo quy định của từng ngân hàng, nhưng trung bình sẽ rơi vào khoảng từ 10.000 – 20.000 VNĐ. Khi mở thì đồng thời bạn phải mở cả thẻ và tài khoản tại ngân hàng. Đặc biệt, nếu bạn bị khóa tài khoản Internet Banking, ngân hàng sẽ hỗ trợ mở lại và không mất bất cứ chi phí nào.
5. Nếu bị khóa thẻ ATM thì phải mở lại như thế nào?
Thủ tục mở lại thẻ ATM bị khóa ở tất cả các ngân hàng là bạn cần mang chứng minh thư (Căn cước công dân) hoặc hộ chiếu đến ngân hàng để yêu cầu mở lại thẻ. Khi đó, nhân viên sẽ yêu cầu bạn ký tên để đối chiếu chữ ký trên hệ thống. Nếu đúng chữ ký và tất cả các thông tin chi tiết, thẻ ATM sẽ được kích hoạt lại. Thủ tục mở lại thẻ ATM bị khóa thường được các ngân hàng thực hiện miễn phí (trừ trường hợp phải cấp lại thẻ mới).
Thẻ của bạn sẽ được kích hoạt lại ngay sau khi làm thủ tục. Một số trường hợp phải cấp lại thẻ mới, thì bạn có thể phải đợi từ 3-5 ngày làm việc để được nhận thẻ mới. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các ngân hàng đều đã áp dụng công nghệ in thẻ nhanh. Vì thế, bạn vẫn có thể nhận được thẻ và sử dụng được thẻ ngay cả trong trường hợp phải làm lại thẻ.
6. Nếu bị khóa tài khoản Internet banking thì phải mở lại như thế nào?
Nếu tài khoản Internet banking bị khóa, bạn có thể mở lại bằng một trong hai cách sau đây:
– Đến trực tiếp quầy giao dịch của ngân hàng: Cũng như trường hợp bị khóa thẻ ATM, bạn cần mang chứng minh thư (Căn cước công dân) hoặc hộ chiếu đến ngân hàng để yêu cầu mở lại tài khoản giao dịch trực tuyến Internet banking. Khi đó, nhân viên sẽ yêu cầu bạn ký tên để đối chiếu chữ ký trên hệ thống. Nếu đúng chữ ký và tất cả các thông tin chi tiết, tài khoản của bạn sẽ được kích hoạt lại. Mã PIN mới sẽ được gửi về điện thoại của bạn. Và bạn cần thay đổi lại mật khẩu trước khi giao dịch lại bằng Internet banking.
– Mở lại tài khoản bằng chức năng “Quên mật khẩu” trên app hoặc website ngân hàng số của ngân hàng: Nhờ vào sự phát triển của ngân hàng điện tử, hiện nay, khách hàng có thể khôi phục mật khẩu của internet banking mà không cần di chuyển đến chi nhánh ngân hàng. Đây là cách giúp khách hàng tiết kiệm thời gian để khôi phục mật khẩu trong trường hợp tài khoản bị khoá trong ngày cuối tuần, ngày lễ, hoặc ngoài giờ làm việc.