Tác dụng của câu kể Ai là gì? Bài tập về câu kể Ai là gì? Hỗ trợ các em học sinh lớp 4 soạn văn chuẩn bị trước ở nhà để có một kết quả học tập đạt hiệu quả tốt nhất. Đây cũng như một nguồn kiến thức bổ trợ để các em hiểu hơn về cấu trúc câu "ai là gì?"
Mục lục bài viết
1. Tác dụng và cấu tạo của câu kể ai là gì?
Câu kể “ai là gì?” là một câu kể được cấu tạo bởi hai phần “ai (cái gì, con gì)?” là chủ ngữ và phần “là gì?” là vị ngữ.
Câu kể “ai là gì?” có tác dụng được sử dụng để:
– Thể hiện ý nghĩa nhằm mục đích giới thiệu về một người hay một vật nào đó.
– Thể hiện ý nghĩa nhằm mục đích nêu nhận định về một người hay một vật nào đó.
Như vậy, câu kể “ai là gì?” là một trong những loại câu quan trọng trong phần ngữ pháp tiếng Việt mà các em học sinh lớp 4 cần nắm thật chắc kiến thức để phục vụ kiến thức văn học sau này. Câu kể “ai là gì” không chỉ được sử dụng để làm các bài văn miêu tả, tự sự, các bài văn nghị luận sau này” mà nó còn được sử dụng rất nhiều trong văn nói hàng ngày. Chính vì vậy, các em cần phải chú ý học và hiểu bản chất của nó để áp dụng một cách mượt mà, hiệu quả.
2. Ví dụ về cách sử dụng câu kể ai là gì?
– Doraemon là một bộ phim hoạt hình nổi tiếng của Nhật Bản kể về chú mèo máy đến từ tương lai Doraemon với các bảo bối hiện đại và những cuộc phiêu lưu kỳ thú cùng những người bạn.
Ở ví dụ này, chủ ngữ là “Doraemon” trả lời cho câu hỏi “ai (cái gì, con gì)?”. Vị ngữ là “một bộ phim hoạt hình nổi tiếng của Nhật Bản kể về chú mèo máy đến từ tương lai Doraemon với các bảo bối hiện đại và những cuộc phiêu lưu kỳ thú cùng những người bạn.” trả lời cho câu hỏi “là gì?”.
Tác dụng: Nêu nhận định về bộ phim Doraemon.
– Đây là Doraemon, một chú mèo máy đáng yêu.
Ở ví dụ này, chủ ngữ “Đây” trả lời cho câu hỏi “ai (cái gì, con gì)?”. Vị ngữ là “Doraemon, một chú mèo máy đáng yêu” trả lời cho câu hỏi “là gì?”.
Tác dụng: Giới thiệu về chú mèo máy tên Doraemon và nhận định chú ta rất đáng yêu.
3. Bài tập vận dụng:
3.1. Nhận định:
Câu 1: Đọc đoạn văn sau:
Hôm ấy, cô giáo dẫn một bạn gái vào lớp và nói với chúng tôi: “Đây là Diệu Chi, bạn mới của lớp ta. Bạn Diệu Chi là học sinh cũ của trường tiểu học Thành Công. Bạn ấy là một họa sĩ nhỏ đấy. Các em hãy làm quen với nhau đi.” Cả lớp tôi vỗ tay rào rào, đón chào người bạn mới. Diệu Chi bẽn lẽn gật đầu chào lại.
Câu 2: Trong các câu in nghiêng ở bài văn, những câu nào dùng để giới thiệu, câu nào dùng để nhận định về bạn Diệu Chi?
Đáp án:
Trong các câu in nghiêng ở bài văn, các câu dùng để giới thiệu về bạn Diệu Chi là:
+ Đây là Diệu Chi, bạn mới của lớp ta.
+ Bạn Diệu Chi là học sinh cũ của Trường Tiểu học Thành Công
Trong các câu in nghiêng ở bài văn, câu dùng để nhận định về bạn Diệu Chi là:
+ Bạn ấy là một họa sĩ nhỏ đấy.
Câu 3: Trong các câu trên, bộ phận nào trả lời cho câu hỏi Ai (cái gì, con gì)?; bộ phận nào trả lời cho câu hỏi là gì (là ai? là con gì?)
Đáp án:
+ Tại câu thứ nhất: “Đây là Diệu Chi, bạn mới của lớp ta”, bộ phận chủ ngữ là “đây”, trả lời cho câu hỏi “ai?”. Bộ phận vị ngữ của câu là Diệu Chi, bạn mới của lớp chúng ta, trả lời cho câu hỏi “là gì”
+ Tại câu thứ hai: “Bạn Diệu Chi là học sinh cũ của trường tiểu học Thành Công”, bộ phận chủ ngữ là “Bạn Diệu Chi”, trả lời cho câu hỏi “ai?”. Bộ phận vị ngữ là “học sinh cũ của trường tiểu học Thành Công”, trả lời cho câu hỏi “là gì?”
+ Câu văn thứ ba: “Bạn ấy là một họa sĩ nhỏ đấy”, bộ phận chủ ngữ trong câu là “bạn ấy”, trả lời cho câu hỏi “ai?”. Bộ phận vị ngữ trong câu là “một họa sĩ nhỏ đấy”, trả lời cho câu hỏi “là gì?”
Câu 4: Kiểu câu trên khác 2 kiểu câu đã học ”Ai làm gì?, Ai thế nào?” ở chỗ nào?
Đáp án:
Kiểu câu “Ai là gì?” khác 2 kiểu câu đã học “ai làm gì?” và “ai thế nào?” ở các điểm dưới đây:
+ Về mặt ý nghĩa: Kiểu câu “ai là gì?” mang ý nghĩa nhằm mục đích giới thiệu hoặc nêu nhận định về một người hay một vật nào đó.
Trong khi đó, câu kể “ai làm gì?” thì mang ý nghĩa nhằm mục đích cho chúng ta thấy rõ những hành động, hoạt động của người nào đó, sự vật nào đó. Còn “ai thế nào?” mang ý nghĩa nhằm mục đích cho chúng ta biết được đặc điểm, tính chất hoặc trạng thái của một người, một sự vật nào đó.
+ Về mặt cấu tạo từ: Câu “ai thế nào?” hay “ai làm gì?” không có dấu hiệu nhận biết rõ ràng. Còn loại câu “ai là gì?” thì dấu hiệu nhật biết thường có từ “là” đứng giữa bộ phận chủ ngữ và vị ngữ trong câu.
3.2. Luyện tập:
Câu 1:
Tìm câu kể “ai là gì?” trong các câu dưới đây và nêu tác dụng của nó.
a. Thì ra đó là một thứ máy trong cộng trừ mà Pa-xcan đã đặt hết tình cảm của người con vào việc chế tạo. Đó chính là chiếc máy tính đầu tiên của thế giới, tổ tiên của những chiếc máy tính điện tử hiện đại.
Theo Lê Nguyên long, Phạm Ngọc Toàn
b.
Lá là lịch của cây
Cây lại là lịch đất
Trăng lặn rồi trăng mọc
Là lịch của bầu trời
Bà tính nhẩm. Mẹ ơi,
Mười ngón tay là lịch
Con tới lớp, tới trường
Lịch lại là trang sách
c, Sầu riêng là loại trái quý của miền Nam. Hương vị nó hết sức đặc biệt, mùi thơm đậm, bay rất xa, lâu tan trong không khí.
Đáp án:
a, Câu kể “ai là gì?” trong câu này có 2 câu là:
+ “Thì ra đó là một thứ máy trong cộng trừ mà Pa-xcan đã đặt hết tình cảm của người con vào việc chế tạo.” “Đó” là chủ ngữ trả lời cho câu hỏi “Ai (cái gì, con gì)?”. “Một thứ máy trong cộng trừ mà Pa-xcan đã đặt hết tình cảm của người con vào việc chế tạo” là vị ngữ, trả lời cho câu hỏi “là gì?”
Tác dụng: Giới thiệu về loại máy cộng trừ đầu tiên trên thế giới.
+ “Đó chính là chiếc máy tính đầu tiên của thế giới, tổ tiên của những chiếc máy tính điện tử hiện đại.” “Đó” là chủ ngữ trả lời cho câu hỏi “ai (cái gì, con gì)?”. “Chiếc máy tính đầu tiên của thế giới, tổ tiên của những chiếc máy tính điện tử hiện đại” là vị ngữ trả lời cho câu hỏi “là gì?”
Tác dụng: Nêu nhận định về giá trị của chiếc máy cộng trừ.
b, Câu kể “ai là gì?” trong câu này có 5 câu là:
+ “Lá là lịch của cây”. “Lá” là bộ phận chủ ngữ trả lời cho câu hỏi “ai (cái gì, con gì)?”. “Lịch của cây” là vị ngữ trả lời cho câu hỏi “là gì?”
Tác dụng: Nêu nhận định về vai trò của lá là dấu hiệu chỉ thời gian của cây.
+ “Cây lại là lịch đất” . “Cây” là chủ ngữ trả lời cho câu hỏi “ai (cái gì, con gì)?”. “Lịch đất” là vị ngữ trả lời cho câu hỏi “là gì?”.
Tác dụng: Nêu nhận định về vai trò của đất, điều kiện tự nhiên thời điểm nào phù hợp để trồng loại cây gì.
+ “ Trăng lặn rồi mọc là lịch của bầu trời”. “Trăng lặn rồi mọc” là chủ ngữ trả lời cho câu hỏi “ai (cái gì, con gì)?”. “Lịch của bầu trời” là vị ngữ trả lời cho câu hỏi “là gì?”.
Tác dụng: Nhận định thời gian ngày và đêm, đầu tháng, trung tháng cuối tháng qua sự xuất hiện của trăng.
+ “Mười ngón tay là lịch”. “Mười ngón tay” là chủ ngữ trả lời cho câu hỏi “ai (cái gì, con gì)?”. “Lịch” là vị ngữ trả lời cho câu hỏi “là gì?”.
Tác dụng: Nhận định rằng con người thường đếm ngày tháng, thời gian bằng những ngón tay.
+ “Lịch lại là trang sách”. “Lịch” là chủ ngữ trả lời cho câu hỏi “ai (cái gì, con gì)?”. “trang sách” là vị ngữ trả lời cho câu hỏi “là gì?”.
Tác dụng: Nêu nhận định về thời gian trôi qua từng học kỳ, năm học.
c, Có 1 câu kể “ai là gì?”
+ “Sầu riêng là loại trái quý của miền Nam”. “Sầu riêng” là chủ ngữ trả lời cho câu hỏi “ai (cái gì, con gì)?”. “loại trái quý của miền Nam” là vị ngữ trả lời cho câu hỏi “là gì?”.
Tác dụng: Nêu nhận định Sầu riêng là đặc sản của miền Nam.
Câu 2:
Dùng câu kể “ai là gì?” giới thiệu về các bạn trong lớp em (hoặc giới thiệu từng người trong ảnh chụp gia đình em).
Đáp án:
Lớp em là lớp 4A trường trung học cơ sở Thanh Khê. Lớp em có 26 bạn tất cả, trong đó có 15 bạn là nam, còn lại là nữ. Trong lớp em chơi rất thân với một nhóm bạn đó là Linh, Nga, Trang, Bảo, Đức. Linh là lớp trưởng, Nga là lớp phó học tập còn Đức là tổ trường tổ em. Tất cả các bạn đều là những học sinh giỏi của lớp. Em thấy tự hào khi được làm bạn thân của các bạn và vô cùng ngưỡng mộ các bạn. Em sẽ cố gắng học thật giỏi để có thể sánh bằng các bạn.
Trong đoạn văn trên có 5 câu “ai là gì?”, bao gồm:
+ “Lớp em là lớp 4A trường trung học cơ sở Thanh Khê”. “Lớp em” là chủ ngữ trả lời cho câu hỏi “ai (cái gì, con gì)?” còn “lớp 4A trường trung học cơ sở Thanh Khê” là vị ngữ trả lời cho câu hỏi “là gì?”.
+ “Trong đó có 15 bạn là nam, còn lại là nữ” là một câu ghép có 2 ý “15 bạn” là chủ ngữ trả lời cho câu hỏi “ai (cái gì, con gì)?” còn “nam” là vị ngữ trả lời cho câu hỏi “là gì?”. “Còn lại” là chủ ngữ trả lời cho câu hỏi “ai (cái gì, con gì)?” còn “nữ” là vị ngữ trả lời cho câu hỏi “là gì?”.
+ “Đó là Linh, Nga, Trang, Bảo, Đức”. “Đó” là chủ ngữ trả lời cho câu hỏi “ai (cái gì, con gì)?” còn “Linh, Nga, Trang, Bảo, Đức” là vị ngữ trả lời cho câu hỏi “là gì?”.
+ “Linh là lớp trưởng, Nga là lớp phó học tập còn Đức là tổ trưởng tổ em” cũng là câu ghép trong đó: “Linh/ Nga/ Đức” là chủ ngữ trả lời cho câu hỏi “ai (cái gì, con gì)?” còn “lớp trưởng/ lớp phó học tập/ tổ trưởng tổ em” là vị ngữ trả lời cho câu hỏi “là gì?”.
+ “Tất cả các bạn đều là những học sinh giỏi của lớp”. “Tất cả các bạn” là chủ ngữ trả lời cho câu hỏi “ai (cái gì, con gì)?”, “những học sinh giỏi của lớp” là vị ngữ trả lời cho câu hỏi “là gì?”.