Tường trình là một loại văn bản thông tin được dùng rất phổ biến trong đời sống, trong trường học, cơ quan, công ty hay tại nhà. Trong cuộc sống, chắc chắn có những lúc chúng ta phải viết, đọc hay xử lí các văn bản tường trình về một vụ việc nào đó, nhằm giải quyết kịp thời, đúng đắn những vấn đề đáng tiếc nảy sinh. Do vậy, biết cách viết một bản tường trình đúng thể thức là điều mà mỗi người đều nên quan tâm.
Mục lục bài viết
1. Bản tường trình là gì:
Tường trình là một loại văn bản thông tin được dùng rất phổ biến trong đời sống, trong trường học, cơ quan, công ty hay tại nhà. Trong cuộc sống, chắc chắn có những lúc chúng ta phải viết, đọc hay xử lí các văn bản tường trình về một vụ việc nào đó, nhằm giải quyết kịp thời, đúng đắn những vấn đề đáng tiếc nảy sinh. Do vậy, biết cách viết một bản tường trình đúng thể thức là điều mà mỗi người đều nên quan tâm.
2. Thể thức văn bản tường trình:
2.1. Bố cục:
– Phần mở đầu:
+ Phía trên cùng của văn bản là phần ghi quốc hiệu và tiêu ngữ được ghi chính giữa dòng.
+ Dòng tiếp theo ghi địa điểm và thời gian viết bản tường trình được ghi lệch sang bên phải.
+ Tên bản tường trình được ghi ở chính giữa, ba chữ BẢN TƯỜNG TRÌNH (viết chữ in hoa), dòng dưới ghi “Về việc:” và tóm tắt sự việc bằng một câu.
+ Dưới dòng tên văn bản, sau cụm từ “Kính gửi:” là tên người, cơ quan nhận bản tường trình .
+ Thông tin về người viết tường trình gồm họ và tên, nơi ở, chức danh/ chức vụ, đơn vị học tập/công tác,…. có thể bắt đầu bằng cụm từ Tôi tên là… hoặc Tôi là …
– Phần nội dung: Ghi nội dung tường trình: thuật lại vụ việc với đầy đủ thông tin từ thời gian, địa điểm, những người có liên quan, nguyên nhân, diễn biến sự việc theo trình tự, hậu quả, người chịu trách nhiệm.
– Phần kết thúc:
+ Lời cam đoan về nội dung tường trình nêu trên là khách quan, đúng sự thật cùng lời hứa hoặc lời đề nghị đối với người (cơ quan) xử lý vụ việc.
+ Cuối cùng, người viết tường trình kí và ghi đầy đủ họ, tên.
Lưu ý: Nếu bản tường trình được viết tay, chú ý chừa lề hợp lí; không viết sát mép giấy bên trái, bên phải, không để phần trên trang giấy có khoảng trống quá rộng. Nếu bản tường trình được đánh máy, cần dùng khổ giấy A4, phông chữ tiếng Việt Times New Roman; cỡ chữ thường là 13 – 14; lề trang cách mép trên và mép dưới 20 – 25 mm, cách mép trái 30 – 35 mm, cách mép phải 15 – 20 mm…
2.2. Yêu cầu về nội dung:
– Nội dung được cung cấp phải đầy đủ, chính xác những thông tin có liên quan đến sự việc về thời gian, địa điểm, sự việc, những người có liên quan, đề nghị của người viết, người gửi, người nhận và ngày tháng, địa điểm viết tường trình.
– Nội dung sự việc tường trình phải đảm bảo khách quan, trung thực, chính xác, đúng với thực tế diễn ra.
– Xác định trách nhiệm của bản thân người viết đối với sự việc đã xảy ra:
+ Nếu người viết trực tiếp tham gia vào sự việc thì cần trình bày rõ trách nhiệm của người viết đối với từng hành vi, hậu quả đã xảy ra.
+ Nếu người viết chỉ là người chứng kiến sự việc xảy ra thì cần nêu rõ trách nhiệm của người viết là chứng kiến và ghi lại trung thực tất cả những gì đã diễn ra.
3. Các bước viết bản tường trình:
– Trước khi viết:
+ Hình dung và nhớ lại mọi chuyện đã xảy ra theo trình tự thời gian, không gian.
+ Xác định được những thông tin cụ thể cho bản tường trình như mô tả đồ vật, con người, những người liên quan như thế nào …
– Viết bản tường trình:
+ Viết phần mở đầu theo đúng yêu cầu về thể thức của bản tường trình.
+ Tên văn bản tường trình phải ngắn gọn, thể hiện được nội dung khái quát nhất, trọng tâm nhất của vụ việc.
+ Tên người hoặc cơ quan nhận bản tường trình phải chính xác.
+ Trình bày vụ việc ngắn gọn như rõ ràng, đảm bảo có đủ các thông tin về thời gian, địa điểm, người liên quan, nguyên nhân, diễn biến và hậu quả để lại… Cần nói rõ tư cách, trách nhiệm của em trong vụ việc.
+ Nêu cam kết về tính trung thực của nội dung tường trình.
+ Nêu lời hứa hoặc lời đề nghị.
+ Kí và ghi đầy đủ họ tên ở phần dưới cùng, lệch góc phải trang giấy.
– Chỉnh sửa bản tường trình:
Dựa vào phần Thể thức của văn bản tường trình để tự rà soát và chỉnh sửa:
Nội dung | Hướng chỉnh sửa |
Tên văn bản đã phản ánh đúng nội dung chính được tường trình chưa. | Nếu chưa thì phải sửa lại cho phù hợp. |
Sự việc tường trình đã đầy đủ, cụ thể chưa? | Nếu thấy chi tiết nào thừa thì lược bỏ, chi tiết nào thiếu thì bổ sung. Cần sắp xếp các chi tiết theo một trình tự hợp lí. |
Tư cách, vai trò của bản thân trong vụ việc đã được xác định rõ ràng chưa? | Nếu chưa, cần sửa lại để làm rõ: bản thân là người gây hậu quả hay chịu hậu quả, là người phải chịu trách nhiệm hay chỉ là người làm chứng. |
Có chỗ nào diễn đạt như văn nói không? | Loại bỏ những từ địa phương, những từ mang tính chất khẩu ngữ, những tiếng lóng (nếu có). |
Hình thức bản tường trình đã được trình bày đúng quy cách chưa? | Chỉnh sửa theo thể thức của văn bản tường trình đã giới thiệu và bản tường trình tham khảo ở trên. |
4. Mẫu bản tường trình tham khảo:
4.1. Mẫu bản tường trình 1:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 6 tháng 7 năm 2015
BẢN TƯỜNG TRÌNH
Về việc: Mất xe đạp
Kính gửi: Công an Phường Dương Nội, quận Hà Đông.
Tên tôi là: Nguyễn Thúy Hiền, học sinh lớp 8B Trường Trung học cơ sở Lê Quy Đôn.
Địa chỉ: Số 59, ngõ 230, đường Ỷ La, Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội.
Tôi xin được tường trình về sự việc như sau: Vào khoảng 17 giờ ngày 9 tháng 7 năm 2015, tôi đến hiệu sách Fahasa ở số 44 đường Ỷ La, Dương Nội, Hà Đông để mua sách và để xe ở bên ngoài cửa hàng, trên vỉa hè và có khóa bằng khóa càng. Khoảng 30 phút sau tôi ra thì không thấy xe của mình đâu. Tôi đã hỏi những người xung quanh nhưng không ai để ý cả nên không biết. Tôi làm bản tường trình này kính mong Công an phường Dương Nội tìm giúp tôi chiếc xe. Đó là một chiếc xe đạp, loại mini Nhật, đã cũ, màu đỏ, có giỏ xe màu đen bị rách bên phải.
Tôi xin cam đoan những điều tôi tường trình trên đây là đúng sự thật.
Tôi xin trân thành cảm ơn!
Người viết tường trình
Hiền
Nguyễn Thúy Hiền
4.2. Mẫu bản tường trình 2:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 30 tháng 9 năm 2020
BẢN TƯỜNG TRÌNH
Về việc không làm bài tập
Kính gửi: Cô Trần Phương Thảo, giáo viên chủ nhiệm lớp 7B, trường THCS Ba La.
Em tên là Hoàng Thu Cúc, hiện đang là học sinh lớp 7B.
Em viết văn bản này để tường trình về một sự việc như sau:
Vào hôm chủ nhật, ngày 29 tháng 9 năm 2020, do là cuối tuần nên em đã được bố mẹ đưa đến nhà ông bà chơi. Mặc dù bố mẹ em đã dặn dò và nhắc nhở em phải ngồi làm hoàn thành xong hết bài tập về nhà trước khi đi. Nhưng do chủ quan, nghĩ là sẽ đi chơi sớm rồi khi về em sẽ làm ngay có thể hoàn thành xong nhưng buổi đi chơi hôm đó gia đình em về muộn quá do nhà ông bà ở xa nhà em, về đến nhà em quá buồn ngủ nên đã ngủ quên mất. Hậu quả là vào lúc 8h sáng thứ 2, ngày 30 tháng 9 năm 2020, lớp trưởng đã kiểm tra bài tập các bạn trong lớp nhưng em chưa hoàn thành xong nên làm ảnh hưởng đến thi đua của tổ mình.
Em xin nhận lỗi về hành vi của mình và chịu trách nhiệm về sự việc trên vì đã quá chủ quan, không nghe lời bố mẹ và ham chơi nên đã không hoàn thành bài và làm ảnh hưởng tới cả tổ.
Em xin hứa từ nay sẽ luôn hoàn thành tát cả bài tập về nhà đầy đủ trước khi đến lớp, nghe lời bố mẹ và thầy cô hơn, không làm ảnh hưởng đến thành tích học tập của bản thân và thi đua của lớp.
Người làm đơn tường trình
Cúc
Hoàng Thu Cúc