Sơ đồ tư duy là gì? Mô tả sơ đồ tư duy? Đặc điểm của sơ đồ tư duy? Cách xây dựng sơ đồ tư duy? Các ứng dụng của sơ đồ tư duy?
Trí nhớ đóng vai trò hết sức quan trọng trong mọi hoạt động của con người. Con người không có trí nhớ thì không có kinh nhiệm, không có kinh nghiệm thì sẽ không thể thích nghi với môi trường xung quanh, không thể thực hiện bất kì hoạt động nào và nhân cách cũng không thể hình thành. Để có được trí nhớ tốt, chúng ta bắt buộc phải rèn luyện. Không phải tự nhiên mà trên thế giới có các bậc thầy về ghi nhớ như Eran Katz – Kỷ lục Guinness người có khả năng nhớ được 500 con số theo thứ tự chỉ sau một lần nghe; Adam Khoo tác giả các cuốn sách nổi tiếng về giáo dục trí não như “Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế! “. Họ đều có một điểm chung là biết xây dựng và sử dụng triệt để sơ đồ tư duy.
Sơ đồ tư duy được mệnh danh “công cụ vạn năng cho bộ não”, là phương pháp ghi chú đầy sáng tạo, hiện đang được hơn 250 triệu người trên thế giới sử dụng, đã và đang đem lại những hiệu quả thực sự, nhất là trong lĩnh vực giáo dục và kinh doanh. Để hiểu thêm về cơ sở lý luận dựa trên nền tảng tâm lý học của “ sự thần kì về sơ đồ tư duy” em xin phân tích đề tài “Trình bày khái niệm, đặc điểm, cách xây dựng và ứng dụng của sơ đồ tư duy. Anh/chị hãy lập sơ đồ tư duy cho một vấn đề trong học tập của anh/chị”.
Mục lục bài viết
1. Sơ đồ tư duy là gì?
Khái niệm sơ đồ tư duy được xây dựng bởi Nhà tâm lý học thế kỉ 20 Tony Buzan trên nền tảng tâm lý học hiện đại. Buzan nghiên cứu chuyên sâu về bộ não, trí nhớ và tìm ra quy luật khi xây dựng bản đồ gồm nhiều nhánh, giúp bộ não ghi chép các sự kiện một cách hệ thống. Theo ông : “Bộ não sinh ra là để ghi nhớ thì mình cần phải tập luyện nó, giống như tay chân nếu không vận động lâu ngày sẽ bị teo đi vậy”. Kết hợp giữa kiên thức tâm lý học đương thời và nghiên cứu trên, Buzan đã đưa ra: Sơ đồ tư duy giúp luyện tập trí não (Mindmap).
Sơ đồ tư duy là phương pháp kết nối mang tính đồ họa có tác dụng lưu giữ, sắp xếp và xác lập ưu tiên đối với mỗi loại thông tin bằng cách sử dụng từ hay hình ảnh then chốt hoặc gợi nhớ nhằm làm “bật lên” những ký ức cụ thể và phát sinh các ý tưởng mới. Mỗi chi tiết gợi nhớ trong Sơ đồ tư duy là chìa khóa khai mở các sự kiện, ý tưởng và thông tin, đồng thời khơi nguồn tiềm năng của bộ não kỳ diệu.
2. Mô tả sơ đồ tư duy:
Sơ đồ tư duy được vẽ trên một mặt giấy phẳng và biểu thị được thời gian, không gian, màu sắc. Thay vì dùng chữ viết để miêu tả một chiều biểu thị toàn bộ cấu trúc chi tiết của một đối tượng bằng hình ảnh hai chiều, nó chỉ ra dạng thức của đối tượng, sự quan hệ hỗ tương giữa các khái niệm (hay ý) có liên quan và cách liên hệ giữa chúng với nhau bên trong của một vấn đề lớn.
Đây là một kỹ thuật để nâng cao cách ghi chép. Bằng cách dùng giản đồ ý, tổng thể của vấn đề được chỉ ra dưới dạng một hình trong đó các đối tượng thì liên hệ với nhau bằng các đường nối. Với cách thức đó, các dữ liệu được ghi nhớ và nhìn nhận dễ dàng, nhanh chóng hơn.
Hình 1: Sơ đồ tư duy thể hiện những hoạt động tiếp thu của não bộ con người
3. Đặc điểm của sơ đồ tư duy:
Sơ đồ tư duy có 4 đặc điểm chủ yếu:
Thứ nhất: Đối tượng được quan tâm, xác định rõ ràng và được kết tinh thành một hình ảnh trung tâm.
Thứ hai: Từ hình ảnh trung tâm, những chủ đề chính của đối tượng tỏa rộng thành các nhánh. Quan hệ tương hỗ giữa mỗi ý được chỉ ra tường tận, ý càng quan trọng thì sẽ nằm vị trí càng gần với ý chính.
Thứ ba: Các nhánh đều cấu thành từ một hình ảnh chủ đạo hay từ khóa trên một dòng liên kết. Những vấn đề phụ cũng được biểu thị bởi các nhánh gắn kết với những nhánh có thứ bậc cao hơn.
Thứ tư: Các nhánh tạo thành một cấu trúc nút liên hệ nhau
Ngoài ra màu sắc, hình ảnh, kích thước, mã số có thể được sử dụng để làm nổi bật và phong phú Sơ đồ tư duy, khiến nó có thêm sức thu hút, hấp dẫn, cá tính. Nhờ đó mà đẩy mạnh tính sáng tạo, khả năng ghi nhớ, đặc biệ là sức gợi nhớ thông tin.
4. Cách xây dựng sơ đồ tư duy:
Một sơ đồ tư duy có thể được thực hiện dễ dàng trên một tờ giấy với các loại bút màu khác nhau. Nguyên lý hoạt động của nó là theo nguyên tắc liên tưởng “ý này gợi ý kia” của bộ não. Chúng ta có thể tạo Sơ đồ tư duy ở dạng đơn giản theo nguyên tắc phát triển ý: từ một chủ đề tạo ra nhiều nhánh lớn, từ mỗi nhánh lớn lại tỏa ra nhiều nhánh nhỏ và cứ thế mở rộng ra vô tận. Tuy nhiên để có một sơ đồ tư duy hiệu quả bắt buộc chúng ta phải thực hiện theo các bước cơ bản:
Thứ nhất: Xác định mục tiêu của bạn
Sơ đồ Tư duy thể hiện hành trình suy nghĩ của cá nhân trên trang giấy, và giống như bất kỳ cuộc hành trình thành công nào, nó cũng cần được lên kế hoạch để thành công. Bước đầu tiên trước khi bắt đầu lập sơ đồ Tư duy là hãy xác định xem bạn đang hướng đến đâu. Đây là nguyên tắc đầu tiên để lập sơ đồ tư duy:
– Mục tiêu hoặc tầm nhìn cùa bạn là gì?
– Những mục tiêu phụ và các hạng mục để đóng góp cho mục tiêu chính là gì?
– Bạn có đang lập kế hoạch cho một dự án hay không?
Quyết định được điều này là việc quan trọng vì một Sơ đồ tư duy thành công cần phải có được chuẩn bị và suy nghĩ mạch lạc, khoa học có định hướng và mục đích cụ thể.
Thứ hai: Sơ đồ hóa mục tiêu bằng hình vẽ, từ khóa và những đường nối
Sơ đồ hóa mục tiêu cần phải được thực hiện theo trình tự sau:
1. Đặt trang giấy nằm ngang trước mặt để bắt đầu vẽ sơ đồ tư duy ở giữa trang giấy. Giấy khổ rộng đặt nằm ngang cho phép bạn tự do thể hiện tự do tất cả các ý tưởng của mình.
2. Vẽ một hình ảnh lớn ở trung tâm để thể hiện mục tiêu của bạn – Có thể tự do sử dụng tất cả màu sắc mà bạn thích, hình ảnh sinh động thể hiện sáng tạo mục tiêu
– Không nên đóng khung hoặc che chắn mất hình vẽ chủ đề vì chủ đề cần được làm nổi bật, dễ nhớ.
3. Vẽ một loạt liên kết đậm toả ra từ tâm của hình ảnh.
– Đây là những nhánh chính của sơ đồ tư duy chúng sẽ giúp bạn liên kết các thông tin lại với nhau.
– Khi vẽ vạch liên kết nên vẽ đường cong hơn là đường thẳng, màu sắc nổi bật vì chúng hấp dẫn hơn với mắt và dễ ghi nhớ hơn đối với não
4. Điền các từ khoá vào hình ảnh trung tâm, các nhánh chính.
– Các từ khóa phải ngắn gọn, xúc tích, viết bằng chữ in hoa để dễ quan sát, liên tưởng.
– Các từ khoá quan trọng cần thay đổi màu sắc và kích cỡ để tăng sự tập trung.
5. Vẽ các nhánh phụ cấp hai, cấp ba, để thể hiện các nội dung con của các nhánh trước
– Các nhánh phụ vẽ bằng nét mảnh để dễ phân biệt với nhánh chính.
– Điền số thứ tự vào các nhánh nếu bạn muốn sắp xếp thứ tự quan trọng, hoặc thứ tự các nhánh phải xem nếu thông tin yêu cầu sự tuần tự.
6.Tạo các liên kết giữa các nhánh nếu chúng có liên quan đến nhau.
– Các liên kết nên vẽ bằng nét đứt để dễ phân biệt với nhánh phụ và nhánh chính
Chú ý: Bạn có thể sơ đồ hóa mục tiêu bằng các phần mềm tạo sơ đồ tư duy trên máy tính như: Edraw Mind Map, Open Mind, Blumind, Freeplane hay ThoughtStack. Đây là 5 phần mềm xây dựng sơ đồ tư duy rất thích hợp cho những ai muốn một phần mềm đơn giản, không vi phạm bản quyền, và đặc biệt là miễn phí.
Thứ ba: Hoàn thiện sơ đồ tư duy bằng khả năng sáng tạo của riêng bạn
Bạn có thể hoàn thiện sơ đồ tư duy bằng cách trích dẫn một câu nói nhỏ yêu thích vào góc bên trái sơ đồ, hoặc cũng có thể trang trí thêm các hình ảnh sinh động bên cạnh các từ khóa nhằn kích thích khả năng hưng phấn của bộ não…
5. Ứng dụng sơ đồ tư duy:
Con người có 2 bán cầu não, phải và trái. Não phải thiên về tư duy trừu tượng, cảm nhận hình ảnh, màu sắc. Não trái lại có thế mạnh về tư duy logic, ghi nhớ các con số, phân tích…Như vậy, gần như tất cả mọi người chỉ làm việc với bán cầu não trái và não phải chị động đậy khi nhìn thấy trai xinh, gái đẹp hay lúc giải trí… Tony Buzan, đã sáng tạo ra Sơ đồ tư duy để giúp chúng ta làm việc bằng cả 2 bán cầu não (Dual Core). Với Sơ đồ tư duy, bạn sẽ ghi nhớ lâu hơn, nắm bắt vấn đề nhanh hơn, sáng tạo hơn…Vì vậy Sơ đồ tư duy được mệnh danh là “công cụ vạn năng cho bộ não”, là phương pháp ghi chú đầy sáng tạo, hiện đang được hàng trăm triệu người trên thế giới sử dụng, đã và đang đem lại những hiệu quả thực sự đáng kinh ngạc.
Sơ đồ tư duy có thể được sử dụng cho bất kỳ mục đích nào trong cuộc sống. Có thể kể ra một vài ví dụ như sau:
*Trong trường học: đọc sách, ôn tập, ghi chú, phát triển những ý tưởng sáng tạo, quản lý dự án giảng dạy, thuyết trình, thảo luận nhóm
*Trong công việc: động não, quản lý thời gian, phát triển dự án, lập nhóm, thuyết trình, thương lượng đàm phán, lên kế hoạch, thiết lập mục tiêu
*Trong các lĩnh vực chuyên môn: quản lý đội ngũ bán hàng, lên kế hoạch chiến lược marketing, nghiên cứu thị trường, hữu ích nhất trong việc phát triển sản phẩm mới, quản lý điều hành công ty, xây dựng văn hóa doanh nghiệp
*Trong gia đình: sắp xếp công việc theo thứ tự ưu tiên, lập kế hoạch cho công việc, lập kế hoạch cho cuộc sống, mua sắm, quản lý việc nhà và các sự kiện
*Trong xã hội: nắm được những cuộc hẹn quan trọng, ghi nhớ tên người cùng địa điểm, lên kế hoạch cho kỳ nghỉ và các sự kiện giao tế, giao tiếp.
Sơ đồ tư duy giúp chúng ta lên kế hoạch và quản lý thông tin một cách hiệu quả, đồng thời nâng cao khả năng thành công của mỗi cá nhân. Những người sử dụng Sơ đồ tư duy như một phần của cuộc sống hàng ngày và thường xuyên xem xét sự tiến bộ của bản thân thường cho biết họ cảm thấy rất tự tin rằng họ có thể đạt được những mục tiêu và đang trên con đường tiến gần đến mục tiêu của mình.
Ai cũng có nhiều lần trong đời cảm thấy không chắc chắn về tương lai của mình. Vào những lúc như vậy, Sơ đồ tư duy là một công cụ vô giá để giải quyết vấn đề. Khi đối diện với việc đưa ra những quyết định khó khăn, điều quan trọng mà chúng ta cần nhớ là việc có một mục tiêu luôn tốt hơn việc không xác định được mục tiêu nào. Lợi ích của việc lập Sơ đồ tư duy cho tương lai là giúp chúng ta đi đúng hướng trong cuộc đời.
Sơ đồ tư duy cũng là công cụ vô cùng có giá trị trong công việc tập hợp và sắp xếp thông tin, để nhận biết được những từ khóa và những sự kiện từ sách, báo, Internet; những bài giảng, những ghi chú trong khóa học, tài liệu nguyên cứu; những cuộc họp bàn về công việc, những biên bản, những cuộc nói chuyện, những danh sách; Với Sơ đồ tư duy, người ta có thể tìm ra gần như vô hạn số lượng các ý tưởng và sắp xếp lại các ý đó bên cạnh những ý có liên hệ. Điều này biến phương pháp này trở thành công cụ mạnh để soạn các bài viết và tường thuật, khi mà những ý kiến cần phải được ghi nhanh xuống. Sau đó tùy theo các từ khóa thì các câu hay đoạn văn sẽ được triển khai rộng ra.
Một ví dụ điển hình là việc đọc sách nghiên cứu khoa học, thay vì chỉ đơn thuần đọc, dùng giản đồ ý trong khi đọc mỗi lần nảy ra được vài ý hay hoặc quan trọng thì chỉ thêm chúng vào đúng vị trí trong giản đồ. Sau khi đọc xong cuốn sách thì người đọc sẽ có được một trang giấy tổng kết tất cả những điểm hay mấu chốt của cuốn sách đó. Có thể thêm vào nhiều ý tưởng nghĩ ra trong lúc đọc. Điều này sẽ làm tăng chất lượng hấp thụ kiến thức từ cuốn sách. Nếu muốn nắm tường tận các dữ liệu đọc được thì chỉ việc tiến hành vẽ lại cái giản đồ này bằng trí nhớ vài lần.
Có rất nhiều học sinh, sinh viên thích ngủ hơn học, thậm chí ngủ trong giờ học. Đơn giản vì các bạn cho rằng bộ não đã đầy, không thể chứa thêm được nữa. Các bạn ghi chép đầy ra giấy và dung nạp kiến thức vào não thụ động. Lối ghi chép thụ động sẽ làm “chìm” các từ khóa quan trọng trong một rừng chữ ít quan trọng hơn làm não bộ cảm thấy chán nản và “bỏ quên” các ý trọng tâm. Không chỉ lãng phí thời gian, hay quên mà còn có thể đánh mất niềm đam mê học tập, nghiên cứu khoa học.
Khoa học chứng minh rằng, trong mỗi giây, một tế bào não có thể tiếp nhận luồng thông tin, xử lí toàn bộ dữ liệu và truyền đi trong từng một phần triệu giây. Vì vậy, bộ não của con người là một cỗ máy kì diệu nhất hành tinh và con người không bao giờ sử dụng hết khả năng của bộ não. Sử dụng sơ đồ tư duy không chỉ làm nảy sinh những ý tưởng độc đáo mà còn giúp soạn thảo văn bản, bài thuyết trình hợp lí hơn và người học cũng “ngán ngẩm” vì bài vở quá dài.