Một trong các biện pháp khám và chữa bệnh hiện nay rất phổ biến mà chúng ta thường hay gặp đó chính là siêu âm, siêu âm có rất nhiều tiện ích và theo đó chúng ta cũng nên có những kiến thức cơ bản để tiến hành khám và chữa bệnh.
Mục lục bài viết
1. Siêu âm nội soi là gì?
Siêu âm nội soi chính là sự kết hợp giữa kỹ thuật nội soi và siêu âm. Đây là phương pháp tiên tiến và hiện đại, sử dụng dây nội soi có gắn đầu dò siêu âm giúp chẩn đoán và can thiệp những tổn thương về đường tiêu hóa, mật, tụy, các tổn thương niêm mạc và ngoài niêm mạc ống tiêu hóa. Đặc biệt, kỹ thuật này có ý nghĩa rất lớn trong việc chẩn đoán ung thư ở giai đoạn sớm (phát hiện khối u ở giai đoạn sớm giúp điều trị khỏi lên đến 98-100%) hay phát hiện những khối u nằm sâu trong ổ bụng với mức độ xâm lấn tối thiểu.
So với các phương tiện chẩn đoán hình ảnh khác như CT đa dãy hay MRI thì siêu âm nội soi được đánh giá cao hơn. Hơn nữa, sự kết hợp siêu âm nội soi với chọc hút sinh thiết kim nhỏ cho phép đánh giá sự liên quan với các hạch lân cận so với các khối u, phát hiện sự xâm lấn của khối u ra các cơ quan xung quanh.
Siêu âm nội soi có vai trò và ý nghĩa lớn trong chẩn đoán bệnh lý thực quản, giúp đánh giá giai đoạn sớm cho ung thư thực quản, sự xâm lấn của khối u tới các lớp của thực quản, đồng thời phát hiện di căn hạch gần, di căn hạch trung thất.
Đối với việc chẩn đoán bệnh lý ở dạ dày thì siêu âm nội soi giúp chẩn đoán phân biệt giai đoạn sớm trong ung thư dạ dày, các u dưới niêm mạc dạ dày, giúp phát hiện di căn hạch gần và các hạch lân cận so với khối u, phát hiện sự xâm lấn của khối u ra cơ quan xung quanh, di căn gan lách.
Hiện nay, trong chuyên ngành nội soi tiêu hóa với việc ứng dụng siêu âm nội soi trong chẩn đoán và điều trị kết hợp với một số thiết bị công nghệ hiện đại, đó là:
+ Đầu dò radial: Thiết bị này cho được hình ảnh 360 độ xung quanh chiếc đầu dò theo mặt phẳng vuông góc với trục ống soi. Đầu dò radial được dùng trong khảo sát các tổn thương ở đường tiêu hóa (thực quản, dạ dày, tá tràng) và vùng mật tụy, các tổn thương ở đại trực tràng. Sử dụng đầu dò radial có thể cùng một lúc cho hình ảnh nội soi và hình ảnh siêu âm.
+ Đầu dò linear: Thiết bị này thu được hình ảnh hình rẻ quạt. Dưới sự hướng dẫn của siêu âm nội soi kết hợp với đầu dò linear có thể cho phép sinh thiết bằng kim nhỏ với các tổn thương đang nghi ngờ.
+ Đầu dò miniprobe: Đầu dò miniprobe sử dụng tần số cao 20 – 30 MH, có thể được đưa vào tiếp cận tổn thương thông qua sinh thiết của các máy nội soi. So với đầu dò radial và linear thì đầu đò miniprobe có tần số cao nhất, giúp thu được hình ảnh rõ nét từng lớp của thành ống tiêu hóa. Từ đó giúp bác sĩ đánh giá được giai đoạn ung thư sớm, hỗ trợ hiệu quả trong chỉ định điều trị.
Siêu âm nội soi Tiếng Anh là: Endoscopic ultrasound
2. Đi siêu âm có bắt buộc nhịn ăn không?
Mặc dù phương pháp siêu âm an toàn và áp dụng rất phổ biến hiện nay nhưng trước khi tiến hành thủ thuật thì cần phải có sự thăm khám và chỉ định của bác sĩ. Tùy vào từng trường hợp bệnh lý khác nhau mà bác sĩ sẽ có những yêu cầu cụ thể trước khi siêu âm. Với nghi vấn đi siêu âm có phải nhịn ăn sáng không của nhiều bệnh nhân thì cũng tùy vào từng vị trí siêu âm để có thể trả lời chính xác.
Trường hợp cần nhịn ăn trước khi siêu âm
Nếu bạn được chỉ định siêu âm ổ bụng hoặc siêu âm đánh giá chức năng của gan, mật, tụy, lách thì cần phải nhịn ăn trước khi tiến hành từ 6 – 8 tiếng. Nếu bạn muốn đánh giá tình trạng các cơ quan bên trong ổ bụng mà thức ăn còn chứa trong dạ dày có thể khiến một số cấu trúc bị che khuất hoặc bị mờ.
Do đó mà để đảm bảo kết quả chính xác thì tốt nhất bạn cần thời gian để thức ăn tiêu hóa hết, thường sẽ mất vài giờ. Điều này khó có thể đảm bảo nếu bệnh nhân thực hiện siêu âm vào buổi chiều, do đó mà thông thường người bệnh sẽ được chỉ định siêu âm vào buổi sáng.
Nếu trường hợp bạn đã ăn cách thời điểm siêu âm một khoảng thời gian ngắn thì nên thông báo với bác sĩ và có thể hẹn lịch siêu âm lùi lại sau để đảm bảo kết quả khám chữa bệnh không có sự sai sót nào. Ngoài ra trong khoảng thời gian nhịn ăn, tốt nhất bạn chỉ nên uống nước lọc và nếu bạn đói có thể ngậm một ít đường. Sau khi siêu âm xong thì bạn có thể ăn uống trở lại như bình thường.
Trường hợp nhịn tiểu trước khi siêu âm
Bên cạnh vấn đề đi siêu âm có phải nhịn ăn không thì một số trường hợp bệnh nhân còn được yêu cầu nhịn tiểu trong khoảng thời gian nhất định. Nếu bạn được chỉ định siêu âm kiểm tra bàng quang, dạ con, tiền liệt tuyến,…
Việc nhịn tiểu và uống nước nhiều sẽ làm cho bàng quang tích nhiều nước tiểu và căng to, từ đó cho hình ảnh siêu âm rõ hơn, giúp các bác sĩ có được những nhận xét và đánh giá kết quả chính xác hơn.
3. Trường hợp không cần chuẩn bị trước khi siêu âm:
Với các trường hợp siêu âm ở các cơ quan còn lại như siêu âm tim, tuyến vú, các mô mềm, tuyến giáp,… thì hầu như bệnh nhân không cần chuẩn bị bất cứ điều gì trước khi siêu âm kể cả là nhịn ăn hay nhịn tiểu.
Một số cơ sở khám chữa bệnh có thể yêu cầu bạn mặc quần áo bệnh viện để quá trình siêu âm được thuận lợi hoặc có bất cứ yêu cầu nào thì bác sĩ sẽ báo trước cho bệnh nhân nên bạn không cần phải lo lắng.
Các trường hợp nói trên được áp dụng với các bệnh nhân khám bệnh thông thường, còn với những ca cấp cứu thì việc siêu âm là cần thiết, các bác sĩ sẽ cho tiến hành ngay để kịp thời đánh giá tình hình bệnh.
Siêu âm là kỹ thuật thăm khám không xâm lấn, không gây đau và là phương pháp tiện dụng, rẻ tiền nhưng có giá trị chẩn đoán cao; cho đến nay về cơ bản vẫn chưa thấy những tác dụng có hại của siêu âm trên con người. Vì vậy nó có thể được thực hiện lặp đi lặp lại nhiều lần để chẩn đoán, theo dõi và kết hợp làm các thủ thuật điều trị bệnh. Do các tính ưu việt đó nên siêu âm đã được sử dụng rộng rãi như một xét nghiệm thường qui để tầm soát ung thư và khảo sát nhiều bệnh lý ở ổ bụng: gan, thận, tụy, lách, bàng quang, tiền liệt tuyến, tử cung, phần phụ, một số bệnh lý đường tiêu hóa: viêm ruột thừa, các khối u lớn của ruột, đánh giá dịch ổ bụng và khoang màng phổi…. Siêu âm là phương pháp thăm khám có vai trò quyết định quan trọng trong chẩn đoán các bệnh lý tim van tim, mạch máu… tầm soát các khối u tuyến giáp, tuyến vú và khảo sát các vùng mặt cổ, mắt, phần mềm, cơ khớp,…, đặc biệt là phương pháp hữu hiệu để chẩn đoán và theo dõi ở những phụ nữ mang thai và thai nhi.
Tuy nhiên, thực ra không phải siêu âm chẩn đoán được tất cả các bệnh như nhiều người nghĩ. Sóng siêu âm bị cản trở bởi hơi hoặc không khí, do đó siêu âm không phải là phương tiện chẩn đoán hình ảnh lý tưởng cho các bệnh lý phổi và ruột cũng như các cơ quan bị phổi và ruột che khuất. Vì vậy siêu âm khảo sát khí quản, thực quản, động mạch chủ ngực, dạ dày, ruột non, và ruột già rất bị hạn chế… Trong nhiều trường hợp khí ở ruột non có thể ngăn cản không quan sát được những cấu trúc nằm sâu hơn như tụy và động mạch chủ. Những bệnh nhân béo phì cũng khó siêu âm hơn do các mô mỡ làm sóng âm yếu đi khi nó xuyên sâu hơn vào cơ thể. Sóng âm cũng khó xuyên thấu được xương, do đó chỉ có thể nhìn thấy được mặt ngoài của các cấu trúc xương mà không nhìn được những gì nằm bên trong.
Thông thường khám siêu âm có thể được thực hiện ngay mà không cần chuẩn bị như siêu âm tim, mạch máu, tuyến giáp, vùng mặt cổ, mắt, tuyến vú, phần mềm cơ khớp… Tuy nhiên, trong một số trường hợp nếu không chuẩn bị trước khiến cho việc thăm khám kéo dài hoặc phải lặp lại nhiều lần tạo cảm giác không thoải mái cho cả người thầy thuốc và bệnh nhân.
Kết luận, siêu âm nội soi là một bước tiến vượt bậc trong chuyên ngành nội soi tiêu hóa hiện nay. Kỹ thuật hiện đại này đang bổ sung những hạn chế của các phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng khác, từ đó nâng cao hiệu quả điều trị bệnh chính xác và kịp thời hơn.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là cơ sở y tế chất lượng cao tại Việt Nam với đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản, chuyên sâu trong nước và nước ngoài, giàu kinh nghiệm.