Hiện nay như chúng ta đã biết thì tín dụng trong hoạt động của ngân hàng thương mại là một nghiệp vụ quan trọng đem lại nguồn thu để duy trì bộ máy và tích lũy lợi nhuận. Tuy nhiên, hoạt động này cũng được đánh giá là tiềm ẩn nhiều rủi ro mà các Ngân hàng thương mại luôn phải đối mặt. Vậy rủi ro tín dụng là gì? Các loại rủi ro tính dụng trong ngân hàng?
Mục lục bài viết
1. Rủi ro tín dụng là gì?
Từ các định nghĩa trên, ta có thể hiểu khái niệm rủi ro tín dụng là một loại rủi ro thất thoát tài sản có thể phát sinh khi một bên đối tác không thực hiện một nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc nghĩa vụ tài chính đối với một ngân hàng. Điều này bao gồm cả việc không thanh toán nợ khi khoản nợ đến hạn cho dù đấy là nợ gốc hay nợ lãi.
Hiểu một cách khác, rủi ro tín dụng đó là loại rủi ro xảy ra khi ngân hàng không thu hồi được nợ khi khoản vay đến hạn do người vay đã không thực hiện đúng cam kết vay vốn theo hợp đồng tín dụng. Rủi ro tín dụng là loại rủi ro gắn liền với hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng.
Nói tóm lại, rủi ro tín dụng là rủi ro gắn liền với hoạt động cấp tín dụng của các ngân hàng. Đây là loại rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào và rất khó tránh khỏi. Có thể nói rằng việc ngân hàng kinh doanh trong lĩnh vực tài chính tín dụng chính là hoạt động kinh doanh thu lợi dựa trên rủi ro phát sinh từ chính hoạt động đó. Rủi ro tín dụng tiềm ẩn trong suốt quá trình trước, trong và sau khi cấp tín dụng cho khách hàng và biểu hiện ra bên ngoài là món vay không thu hồi được, phát sinh nợ quá hạn, nợ khó đòi, nợ có khả năng mất vốn. Hệ quả của rủi ro tín dụng:
+ Đối với bản thân Ngân hàng:
Nếu có tỷ lệ nợ xấu quá lớn thì Ngân hàng đó có thể bị Ngân hàng nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Khi đó thì uy tín của Ngân hàng sẽ bị giảm sút. Những người đang có tiền gửi tại Ngân hàng sẽ ồ ạt rút tiền và chấm dứt quan hệ. Đây là thiệt hại vô hình nghiêm trọng mà không thể lường được giá trị.
Khi phát sinh nợ xấu, Ngân hàng còn phải tốn nhiều khoản chi phí để xử lý nợ như chi phí nhân viên, chi phí đi lại, chi phí gặp gỡ để xử lý nợ… Ngoài ra, Ngân hàng còn mất chi phí cơ hội cho những khoản vay mới, chậm vòng quay tín dụng… Tất cả dẫn đến giảm hiệu quả chi phí và giảm khả năng sinh lời của Ngân hàng.
+ Đối với nền kinh tế đất nước:
Hoạt động ngân hàng liên quan mật thiết đến nhiều cá nhân và lĩnh vực trong nền kinh tế nên khi ngân hàng gặp phải rủi ro tín dụng hay phá sản thì các khách hàng gửi tiền sẽ có tâm lý hoang mang và ồ ạt đi rút tiền gây khó khăn cho toàn bộ hệ thống ngân hàng. Trường hợp ngân hàng phá sản sẽ ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, xã hội bất ổn và có thể dẫn đến suy thoái kinh tế. Rủi ro tín dụng có thể là tác nhân tạo nên một cơn khủng hoảng tài chính ảnh hưởng đến cả khu vực và thế giới. Ngân hàng có ảnh hưởng mạnh mẽ đến chính sách tiền tệ, đến công cụ điều tiết vĩ mô của nhà nước. Nếu rủi ro tín dụng không thể kiểm soát thì sẽ gây nên “phản ứng dây chuyền” đe dọa đến sự phát triển của toàn bộ hệ thống Ngân hàng và nền kinh tế đất nước.
Rủi ro tín dụng tiếng anh là ” Credit risk”
2. Các loại rủi ro tính dụng trong ngân hàng:
2.1. Căn cứ vào nguyên nhân phát sinh rủi ro:
Rủi ro giao dịch: Là một hình thức của rủi ro tín dụng mà nguyên nhân phát sinh là do những hạn chế trong quá trình giao dịch và xét duyệt cho vay, đánh giá khách hàng. Rủi ro giao dịch có ba bộ phận:
+ Rủi ro lựa chọn: là rủi ro liên quan đến quá trình đánh giá phân tích tín dụng khi ngân hàng lựa chọn phương án vay vốn có hiệu quả để ra quyết định cho vay.
+ Rủi ro bảo đảm phát sinh từ các tiêu chuẩn đảm bảo như các điều khoản trong hợp đồng cho vay, các loại TSĐB, chủ thể đảm bảo, cách thức đảm bảo và mức cho vay trên trị giá của TSĐB.
+ Rủi ro nghiệp vụ là rủi ro liên quan đến công tác quản lý khoản vay và hoạt động cho vay, bao gồm cả việc sử dụng hệ thống xếp hạng rủi ro và kỹ thuật xử lý các khoản cho vay có vấn đề.
Rủi ro danh mục: Là rủi ro phát sinh do những hạn chế trong quản lý danh mục cho vay của ngân hàng, bao gồm rủi ro nội tại và rủi ro tập trung.
Rủi ro nội tại: Xuất phát từ các yếu tố, đặc điểm riêng có, mang tính riêng biệt bên trong của mỗi chủ thể đi vay hoặc ngành, lĩnh vực kinh tế. Nó xuất phát từ đặc điểm hoạt động hoặc đặc điểm sử dụng vốn của khách hàng vay.
Rủi ro tập trung: Khi ngân hàng tập trung vốn cho vay quá nhiều đối với một số khách hàng; cho vay quá nhiều doanh nghiệp hoạt động trong cùng một ngành, lĩnh vực kinh tế, hoặc trong cùng một vùng địa lý nhất định, cùng một loại hình cho vay có rủi ro cao.
Rủi ro tác nghiệp: Là nguy cơ tổn thất trực tiếp hoặc gián tiếp do cán bộ ngân hàng, quá trình xử lý và hệ thống nội bộ không đầy đủ hoặc không hoạt động hoặc do các sự kiện bên ngoài tác động vào hoạt động ngân hàng.
2.2. Căn cứ vào khả năng trả nợ của khách hàng:
Rủi ro không hoàn trả nợ đúng hạn: Khi thiết lập mối quan hệ tín dụng, ngân hàng và khách hàng phải quy ước về khoản thời gian hoàn trả nợ vay. Tuy nhiên, đến thời hạn quy ước nhưng ngân hàng vẫn chưa thu hồi được vốn vay.
Rủi ro do mất khả năng chi trả: Là rủi ro xảy ra trong trường hợp doanh nghiệp đi vay mất khả năng trả nợ, ngân hàng phải thanh lý TSĐB của doanh nghiệp để thu nợ.
Rủi ro tín dụng không giới hạn ở hoạt động cho vay: Bao gồm các hoạt động khác mang tính chất tín dụng của ngân hàng như bảo lãnh, cam kết, chấp thuận tài trợ thương mại, cho vay thị trường liên ngân hàng, tín dụng thuê mua, đồng tài trợ…
3. Đặc điểm và dấu hiệu nhận biết rủi ro tín dụng là gì?
3.1. Đặc điểm của rủi ro tín dụng:
Tính tất yếu: Như đã đề cập tại phần trước, rủi ro tín dụng luôn tồn tại gắn liền với hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại. Điều tất yếu của mọi ngân hàng kinh doanh trong lĩnh vực tài chính tín dụng là phải chấp nhận rủi ro dựa trên mối quan hệ: Lợi nhuận – rủi ro. Do đó, các ngân hàng thương mại cần phải đánh giá tính khả thi của phương án kinh doanh dựa trên mối quan hệ giữa rủi ro và lợi nhuận nhằm tìm ra những cơ hội đạt được những lợi ích phù hợp với mức chấp nhận rủi ro. Ngân hàng sẽ hoạt động tốt nếu mức rủi ro mà họ gánh chịu là hợp lý, kiểm soát được và nằm trong phạm vi khả năng các nguồn lực tài chính và năng lực tín dụng của ngân hàng.
Tính đa dạng, phức tạp: Sự đa dạng, phức tạp của rủi ro tín dụng xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Chẳng hạn như: loại hình thức tín dụng, quy định của pháp luật, sự chuyển biến của nền kinh tế, sự đa dạng của nguyên nhân gây ra rủi ro tín dụng…
Tính gián tiếp, bị động: Về mặt bản chất, sau khi ngân hàng giải ngân vốn vay và trong quá trình sử dụng vốn vay của khách hàng, tình trạng rủi ro tín dụng mới xảy ra. Do đó chỉ khách hàng mới có đầy đủ thông tin về chất lượng, hiệu quả của khoản vay tín dụng đó. Vì thế, ngân hàng thương biết thông tin sau hoặc biết thông tin không chính xác về những khó khăn hay thất bại của khách hàng, dẫn đến tình trạng thông tin bất cân xứng và ngân hàng ở vào thế bị động, đưa ra những ứng phó chậm trễ.
3.2. Dấu hiệu nhận biết rủi ro tín dụng:
Một số dấu hiệu nhận biết rủi ro tín dụng thường gặp như:
+ Dấu hiệu liên quan đến mối quan hệ giữa khách hàng với ngân hàng: Khách hàng không thanh toán đúng hạn hoặc không thanh toán đầy đủ khoản vay (bao gồm cả nợ gốc và nợ lãi); Khách hàng đề nghị gia hạn nợ, cơ cấu nợ, hoặc điều chỉnh kỳ hạn trả nợ; Khách hàng sử dụng vốn khác với mục đích thỏa thuận trong hợp đồng ban đầu; Có biểu hiện giảm vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu; Chu kỳ vay thường xuyên gia tăng.
+ Dấu hiệu liên quan đến phƣơng pháp quản lý và tổ chức của khách hàng: Không có sự thống nhất về quan điểm, mục đích, cách thức quản lý trong hội đồng quản trị hay ban điều hành; Thu hẹp quy mô sản xuất, chủng loại sản phẩm; Nội bộ có mâu thuẫn, tranh giành quyền lực; Quản lý nhân sự yếu kém, cơ cấu không hợp lý, đội ngũ nhân sự không gắn bó lâu dài đặc biệt là cấp quản lý…
+ Dấu hiệu về hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp: Thu nhập không ổn định; chậm thanh toán lương cho nhân viên; Sản lượng hoặc doanh thu của doanh nghiệp suy giảm, hàng tồn kho tăng đột biến; Khả năng thanh toán giảm; Các khoản nợ thương mại gia tăng một cách bất thường
+ Dấu hiệu về mặt pháp luật: Doanh nghiệp có biểu hiện vi phạm pháp luật; Có những thay đổi theo chiều hướng bất lợi về chính sách liên quan đến ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp