Tìm hiểu về rủi ro? Rủi ro kiện tụng?
Rủi ro xuất hiện trong mọi hoạt động và lĩnh vực của đời sống xã hội. Đối với cuộc sống sinh hoạt cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh hàng ngày, dù đã luôn chú ý để có thể ngăn ngừa và đề phòng những con người vẫn có nguy cơ gặp phải những rủi ro bất ngờ xảy ra. Trong quá trình kiện tụng cũng vậy, rủi ro cũng có thể xảy đến với bất kỳ ai. Chính vì vậy mà thuật ngữ rủi ro kiện tụng đã ra đời và ngày nay cũng được sử dụng khá phổ biến.
Mục lục bài viết
1. Tìm hiểu về rủi ro:
Ta hiểu về rủi ro như sau:
Cho đến giai đoạn hiện nay vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất về rủi ro. Những trường phái khác nhau, các tác giả khác nhau cũng sẽ đưa ra những định nghĩa rủi ro khác nhau. Những định nghĩa này rất phong phú và đa dạng, nhưng tập trung lại có thể chia thành hai trường phái lớn cụ thể như sau:
– Thứ nhất: Khái niệm rủi ro theo trường phái truyền thống:
Theo trường phái truyền thống, rủi ro được xem là sự không may mắn, sự tổn thất mất mát, nguy hiểm. Nó được xem là điều không lành, điều không tốt, bất ngờ xảy đến. Rủi ro là sự tổn thất về tài sản hay được hiểu là sự giảm sút lợi nhuận thực tế so với lợi nhuận dự kiến. Rủi ro còn được hiểu là những bất trắc ngoài ý muốn xảy ra trong quá trình kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp và nó sẽ tác động xấu đến sự tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp. Nói chung lại, theo quan điểm này thì rủi ro được hiểu cơ bản là những thiệt hại, mất mát, nguy hiểm hoặc các yếu tố liên quan đến nguy hiểm, khó khăn hoặc điều không chắc chắn có thể xảy ra cho con người.
Như vậy, ta thấy, theo trường phái truyền thống thì rủi ro cũng được hiểu là khả năng xảy ra biến cố bất thường có hậu quả thiệt hại hoặc mang lại kết quả không mong đợi. Có thể hiểu, rủi ro là một điều không may mắn, không lường trước được về khả năng, thời gian và không gian xảy ra, cũng như mức độ nghiêm trọng và hậu quả của nó.
– Thứ hai: Khái niệm rủi ro theo trường phái hiện đại:
Theo trường phái hiện đại, rủi ro được hiểu cơ bản là sự bất trắc có thể đo lường được, nó cùn vừa mang tính tích cực, vừa mang tính tiêu cực. Rủi ro có thể mang đến những tổn thất mất mát cho con người nhưng cũng có thể mang lại những lợi ích, những cơ hội. Nếu tích cực nghiên cứu rủi ro, người ta có thể tìm ra những biện pháp phòng ngừa, hạn chế những rủi ro tiêu cực, cũng như có thể đón nhận những cơ hội mang lại kết quả tốt đẹp cho tương lai.
Rủi ro bao gồm ba yếu tố chính sau đây, cụ thể đó là: xác suất xảy ra (Probability), khả năng ảnh hưởng đến đối tượng (Impacts on objectives) và thời lượng ảnh hưởng (Duration). Bản chất của rủi ro chính là sự không chắc chắn (uncertainty), cũng bởi vì thế, nếu chắc chắn (xác suất bằng 0% hoặc 100%) thì không gọi là rủi ro.
Từ những điều được nêu cụ thể bên trên, có thể hiểu rằng, rủi ro chính là những bất trắc xảy ra ngoài ý muốn, không thể lường trước được. Tuy nhiên, rủi ro cũng vừa mang nghĩa tiêu cực vừa mang nghĩa tích cực. Cụ thể, rủi ro gây ra nhiều tổn thất cho con người nhưng cũng chính từ những rủi ro đã gặp phải mà con người có thể tìm ra các biện pháp phòng ngừa và hạn chế những rủi ro có thể xảy ra.
Nguyên nhân rủi ro xảy ra:
Các rủi ro xảy ra có thể do nhiều nguyên nhân đến từ chủ quan và khách quan. Cụ thể:
– Nguyên nhân khách quan bao gồm: Rủi ro do thiên nhiên như dịch bệnh, hạn hán, bão lũ; Rủi ro do sự phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghệ thúc đẩy nền kinh tế phát triển và tạo cho cuộc sống con người phát triển thuận lợi nhưng mặt khác nó luôn tồn tại mặt trái của nó, đó là làm tăng nguy cơ thất nghiệp, tai nạn lao động, tai nạn giao thông… bất ngờ xảy ra; Rủi ro do môi trường kinh tế, chính trị, xã hội gây nên như: Ô nhiễm môi trường, chiến tranh, khủng bố… hay nhiều nguyên nhân khác.
– Nguyên nhân chủ quan: Do lỗi bất cẩn của con người hay do lỗi của người thứ ba.
Bất kể rủi ro do nguyên nhân chủ quan hay khách quan thì khi xảy ra thường đem lại cho con người những tổn thất về thu nhập, tính mạng, sức khỏe con người, tài sản…
Mức độ của rủi ro:
Để chúng ta có thể đánh giá được mức độ của rủi ro, người ta thường căn cứ vào tần xuất xuất hiện rủi ro. Cụ thể:
– Tần suất xuất hiện rủi ro: Tần suất xuất hiện rủi ro được hiểu cụ thể là số lần có thể xuất hiện rủi ro được xác định trong khoảng thời gian nhất định hoặc là khoảng cách trung bình của thời gian xuất hiện các rủi ro.
– Mức độ nghiêm trọng của rủi ro được hiểu là tính khốc liệt của tổn thất, hậu quả trực tiếp của rủi ro. Khi gặp rủi ro, đối tượng khác nhau sẽ chịu tổn thất khác nhau.
2. Rủi ro kiện tụng:
Khái niệm rủi ro kiện tụng:
Rủi ro kiện tụng được hiểu là khả năng hành động pháp lí sẽ được thực hiện do một cá nhân hoặc công ty thực hiện một hành động, không hành động, có sản phẩm, dịch vụ không đúng như thỏa thuận hay các sự kiện khác.
Các công ty thông thường sẽ sử dụng một số phương pháp phân tích và quản lí rủi ro kiện tụng để nhằm mục đích xác định các lĩnh vực chính có rủi ro kiện tụng cao, từ đó thực hiện các biện pháp thích hợp để hạn chế hoặc loại bỏ những rủi ro đó.
Rủi ro kiện tụng trong tiếng Anh là gì?
Rủi ro kiện tụng trong tiếng Anh là Litigation Risk.
Đặc điểm rủi ro kiện tụng:
Rủi ro kiện tụng có thể được định nghĩa một cách đơn giản đó chính là khả năng bị đưa lên tòa án của một công ty hoặc một người. Trong một xã hội hay diễn ra tranh chấp tất cả các thành phần trong cộng đồng đều có rủi ro kiện tụng.
Các công ty lớn có hầu bao lớn đặc biệt có rủi ro kiện tụng cao bởi vì phần bồi thường cho đa số bên nguyên đơn nào cũng tương đối lớn khiến cho họ là những mục tiêu dễ bị kiện tụng nhất.
Chính bởi vì nguyên nhân đó mà các tập đoàn hay công ty lớn thường có các biện pháp xác định và giảm thiểu rủi ro kiện tụng, điển hình như đảm bảo an toàn sản phẩm và tuân theo tất cả các luật và qui định phù hợp.
Một số lưu ý về rủi ro kiện tụng:
Các tổ chức khi thực hiện việc đánh giá rủi ro kiện tụng sẽ cần phải xem xét đưa vào các chi phí bảo vệ pháp lí tại tòa án và dự liệu các hình thức giải quyết khác như hòa giải có khả thi hơn không.
Ngược lại với việc xem việc kiện tụng tại tòa án là một chi phí tiềm năng, khả năng thắng kiện cũng cần được các công ty cân nhắc trước khi thực hiện kiện tụng. Các công ty nên so sánh khả năng xảy ra của cả hai trường hợp và không quá thiên về kịch bản duy nhất nào.
Ví dụ cụ thể như các công ty khởi nghiệp sẽ thường phải đối mặt với rủi ro kiện tụng từ các chủ thể tuyên bố công ty đã xâm phạm bằng sáng chế của họ trong các sản phẩm hay dịch vụ mà họ đang cung cấp.
Với nguồn lực sẵn có còn hạn chế, việc gặp phải các vụ kiện tụng như vậy có thể gây ra sự tốn kém lớn cho nhiều công ty còn mới, buộc họ phải tìm cách giải quyết và đôi khi có thể ngừng hoạt động.
Các loại rủi ro kiện tụng bao gồm:
– Rủi ro kiện tụng từ khách hàng: các công ty khi hoạt động sẽ có thể phải đối mặt với các vụ kiện tụng từ những khách hàng không hài lòng với các dịch vụ và sản phẩm của họ như quá trình cung cấp dịch vụ bị gián đoạn hay bị cắt dịch vụ.
– Rủi ro kiện tụng từ nhân viên: các thương tích và tổn hại của nhân viên có liên quan đến quá trình hoạt động sản xuất và cung cấp sản phẩm và dịch vụ của công ty.
– Rủi ro kiện tụng do vi phạm hợp đồng và quyền sở hữu trí tuệ: các công ty cũng phải đối mặt với các vụ kiện hợp đồng với các doanh nghiệp và cá nhân khác, hay vi phạm các quyền sở hữu trí tuệ và bằng sáng chế do công ty sử dụng trong các sản phẩm mà không được cấp phép.
– Rủi ro kiện tụng từ các cổ đông do hiệu quả tài chính và sổ sách kế toán của công ty.
Ví dụ cụ thể như các cổ đông trở nên không hài lòng với thu nhập của công ty và các cổ đông đó tin rằng các chủ thể là ban giám đốc đã thực hiện các hành động không phù hợp hay đã không thực hiện công việc đầy đủ trách nhiệm.
Nếu một công ty sửa đổi báo cáo thu nhập do các lỗi kế toán hoặc cố ý trình bày sai các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của công ty, các cổ đông có thể kiện công ty với tội lấp liếm thông tin.
Với nhiều loại rủi ro kiện tụng khác nhau, các công ty giao dịch công khai sẽ có trách nhiệm cần phải trích ra các khoản dự phòng ngân sách của họ để nhằm mục đích trang trải chi phí pháp lí theo các nguyên tắc kế toán được chấp nhận chung cũng như các chuẩn mực kế toán quốc tế.