Môi trường sống có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và hạnh phúc của con người. Như vậy, bảo vệ môi trường đồng nghĩa với việc bảo vệ cuộc sống của chúng ta. Cùng bài viết tìm hiểu rõ hơn về quyền môi trường và quyền được sống trong môi trường trong lành.
Mục lục bài viết
1. Quyền môi trường là gì?
Mối liên hệ giữa môi trường và quyền con người không phải là vấn đề mới và cộng đồng quốc tế đã công nhận việc suy thoái môi trường dẫn tới đói nghèo, làm sâu thêm sự bất bình đẳng trong xã hội. Mối liên hệ này lần đầu được nhắc tới tại Hội nghị của liên Hợp Quốc về Môi trường con người năm 1972 thông qua Tuyên bố Stockholm. Bằng tuyên bố rằng: “... các khía cạnh môi trường của con người, cả tự nhiên và nhân tạo, đều là cần thiết với sự khỏe của con người và việc thụ hưởng các quyền con người cơ bản – ngay cả đối với quyền được sống“.
Hội nghị đã công nhận sự liên kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, thực trạng môi trường và sức khỏe của toàn nhân loại. Do đó, cần xem xét tới các tác hại mà sự phát triển có thể đem lại cho môi trường, thứ mà sẽ ảnh hưởng gián tiếp lên cuộc sống và mức độ hạnh phúc của con người. Hội nghị cũng công nhận việc bảo vệ và cải thiện môi trường cho các thế hệ hiện tại và tương lai là mục tiêu cấp thiết của loài người để đạt được sự hài hòa giữa các mục tiêu cơ bản là hòa bình và phát triển kinh tế, xã hội.
Tuyên bố Stockholm năm 1972 công nhận mối liên hệ giữa quyền con người của từng cá nhân và chất lượng môi trường. Nguyên tắc 1 của Tuyên bố nêu rằng: “Con người có quyền cơ bản về tự do, bình đẳng và các điều kiện sống đầy đủ, trong một môi trường có phẩm chất cho phép một cuộc sống có phẩm giá và hạnh phúc”
Nguyên tắc này không chỉ tuyên bố quyền cơ bản của con người đối với một môi trường trong lành, nhưng ngụ ý rằng yếu tố môi trường là cần thiết cho sự thụ hưởng các quyền tự do và các quyền con người khác đã được công nhận. Theo đó, suy thoái môi trường có thể cản trở các quyền cơ bản của con người ở mức độ mà các quyền đó được coi là bị vi phạm bị vi phạm 9, tr. 176. Mặc dù không phải là một văn bản mang tính pháp lý ràng buộc, Tuyên bố Stockholm đã tạo ra nhận thức quốc tế về vấn đề suy thoái môi trường. Ngày càng có nhiều sự công nhận về sự cần thiết phải bảo vệ môi trường toàn cầu, cũng như nhu cầu đặt thêm các nguyên tắc và quy tắc mới về một số vấn đề môi trường cụ thể. Dần dần, các khái niệm và nguyên tắc mới đã xuất hiện để làm rõ thêm các tác động môi trường tới từ hoạt động của nhà nước. Quyền của con người đối với một môi trường trong lành, do đó, là không thể thiếu để con người có thể sống một cuộc sống có phẩm giá.
Nhìn chung, các nhà lập pháp và cộng đồng quốc tế xem quyền được sống trong môi trường trong lành, hay quyền môi trường (QMT), là một quyền con người cơ bản thuộc nhóm thế hệ quyền mới; vừa là quyền cá nhân vừa là quyền của tập thể (collective right) (Boyle, 2010). QMT bao gồm quyền được sống trong môi trường trong lành, không bị ô nhiễm, quyền được tiếp cận với thông tin về môi trường và quyền được có tiêu chuẩn sức khỏe ở mức cao nhất có thể về môi trường sống, quyền được sử dụng các biện pháp để khắc phục, bồi thường trong những trường hợp quyền này bị vi phạm.
QMT bao gồm các quyền thực định (substantive rights) và quyền thủ tục (procedural rights) (Shelton, 2000). Theo nguyên tắc của luật nhân quyền quốc tế, bất cứ quyền nào cũng bao gồm chủ thể nắm giữ, sở hữu quyền ấy đồng thời chỉ ra trách nhiệm pháp lý của chủ thể có nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ và thực thi quyền ấy.
Chủ thể quyền của QMT là các cá nhân, nhóm xã hội, cộng đồng và các quốc gia cũng như toàn thể nhân loại. Chủ thể nghĩa vụ thực thi QMT, hay chủ thể chịu trách nhiệm chính trong bảo đảm QMT là nhà nước. Nhà nước có trách nhiệm và nghĩa vụ chính trong tôn trọng, bảo vệ và thực thi QMT; Trách nhiệm, nghĩa vụ của nhà nước với tư cách là quốc gia thành viên của các Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người, bao gồm Công ước quốc tế về các quyền dân sự–chính trị và Công ước quốc tế về quyền kinh tế–xã hội và văn hóa năm 1966...
Trong trường hợp xảy ra các sai phạm, vi phạm hay xâm phạm quyền về môi trường của người dân, các cơ quan nhà nước (đặc biệt là cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm liên đới) cần phải thực thi tất cả các biện pháp, bao gồm lập pháp, hành pháp, tư pháp và các biện pháp khác (như giáo dục, phổ biến, tuyên truyền...) để bảo đảm quyền về môi trường cho tất cả mọi cá nhân và nhóm xã hội.
2. Quyền được sống trong môi trường trong lành của các thế hệ tương lai:
Thế hệ tương lai, theo nghĩa rộng nhất, bao gồm trẻ em và cả những người chưa được sinh ra. Hiện nay, pháp luật nói chung chưa thừa nhận hoàn toàn các quyền con người và quyền công dân của những người chưa được sinh ra như đối với những người đã được sinh ra.
Theo quan điểm của tác giả, quyền được sống trong môi trường trong lành của các thế hệ tương lai là quyền của những trẻ em hiện nay, người sẽ tiếp tục sống trong môi trường tương lai vô định, và cả những trẻ em chưa được sinh ra ở thời điểm hiện tại, người mà chưa được hình thành và chưa được công nhận tư cách thể nhân cũng như pháp nhân. Quyền này nhằm đảm bảo tất cả những thế hệ tương lai đang sống và sẽ sống có một môi trường sống trong lành ít nhất là bằng hoặc phải tốt hơn các thế hệ hiện tại chứ không phải là một môi trường ngày càng tồi tệ đi so với hiện giờ.
Quyền được sống trong môi trường trong lành của các thế hệ tương lai có thể được chia thành hai loại chính: quyền môi trường phát triển bền vững) và quyền đạo đức sinh học (bảo vệ tình trạng con người). Về bản chất, ý tưởng về thế hệ tương lai được liên kết với ý tưởng về tính bền vững. Nó ngụ ý mở rộng khung thời gian của luật để bao gồm việc bảo vệ lâu dài các quần thể và loài.
Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn mới – khái niệm về các thế hệ tương lai đã tồn tại về bản chất từ năm 1945 trong các khái niệm về tội ác chống lại loài người và di sản chung của nhân loại. Một trong những bản Hiến pháp đầu tiên trên thế giới để cập trực tiếp tới quyền của thế hệ tương lai là Hiến pháp Nhật Bản năm 1947. Điều 97 của bản Hiến pháp này đã ghi nhận các quyền con người cơ bản là vĩnh cửu, bất khả xâm phạm, các quyền đó không chỉ thuộc về thế hệ này, mà còn là quyền của các công dân trong tương lai.
Một mối liên hệ rõ ràng hơn giữa môi trường và thế hệ tương lai đã được tạo ra vào năm 1972, bằng với việc lồng ghép các quyền con người và môi trường vào Tuyên bố Stockholm. Khái niệm về các thế hệ tương lai sau đó đã xuất hiện một cách rõ ràng hơn với sự thể hiện chính thức của mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là kể từ Hội nghị Rio năm 1992. Hai sự kiện này giúp chúng ta có thể bắt đầu suy ngẫm về phát triển bền vững không làm tổn hại đến năng lực của các thế hệ tương lai trong việc đáp ứng nhu cầu của chính họ. Các quá trình biến đổi khác nhau sau đó đã được thiết lập. Với nguyên tắc phòng ngừa rủi ro mới, đã phát triển từ luật hình sự, thi hành án, thành lập luật dự báo, nhằm mục đích ngăn ngừa các thảm họa về sức khỏe và môi trường.
Cùng với đà thay đổi này, ít nhất đã có hai quốc gia sửa đổi Hiến pháp của mình, nhằm khẳng định quyền của thế hệ tương lai được sống trong môi trường trong sạch là Na Uy và Bolivia. Bản Hiến pháp Na Uy sửa đổi vào năm 1992 ghi nhận trong điều 110 rằng “Mọi người có quyền được hưởng một môi trường trong lành... Các nguồn tài nguyên thiên nhiên sẽ được quản lý trên sự cân nhắc toàn diện trong dài hạn nhằm bảo vệ quyền này cho cả các thế hệ tương lai”. Các bản sửa đổi sau này của Na Uy, dù có sự thay đổi trong việc sắp xếp các điều khoản, đều giữ nguyên nội hàm của quyền của thế hệ tương lai. Bản Hiến pháp sửa đổi vào năm 2002 của Bolivia thì ghi nhận rõ tại điều 7 rằng mọi công dân đều có quyền cơ bản về hưởng thụ một môi trường trong lành với sự cân bằng sinh thái và phù hợp với sức khỏe, nhưng đồng thời phải cân nhắc tới cả các quyền lợi của thế hệ tương lai. Tuy nhiên, hai bản Hiến pháp trên đây vẫn là hai ví dụ hiếm hoi về việc công nhận rõ ràng quyền về môi trường của thế hệ tương lai.
Từ năm 2000 đến năm 2015, quyền có môi trường lành mạnh và bảo vệ con người trong bối cảnh tiến bộ khoa học, cho đến nay vẫn chưa được công nhận hoàn toàn, nhưng đã được thể chế hóa bằng nhiều công ước quốc tế khác nhau. Mặc dù các nguyên tắc pháp lý đã được củng cố, chúng thường vẫn nằm trong khuôn khổ “luật mềm”: phần lớn các văn bản lập pháp xác nhận các thỏa thuận về nguyên tắc với các khuyến nghị không thiết lập các nghĩa vụ ràng buộc về mặt pháp lý.
Kể từ năm 2015 đến 2020, chúng ta đã chứng kiến một làn sóng phát triển mới về quyền của các thế hệ tương lai hình thành một nền tảng, nhiều vụ việc hiện đang được đưa ra tòa. Trên thế giới, hàng nghìn phiên tòa liên quan đến khí hậu đã được đưa ra để bảo vệ môi trường trong tương lai.
Mặc dù tầm quan trọng của môi trường bền vững ngày càng được khẳng định, nhiều tranh luận liên quan đến tính hiệu quả của luật pháp quốc tế trong việc đảm bảo tính bền vững của môi trường, đặc biệt là trong mối liên hệ với thế hệ tương lai đã nổ ra. Bởi vì, việc định nghĩa quyền của một người chưa được sinh ra là thách thức lớn trong giới luật học. Khó khăn này đã được thừa nhận bởi giám sát viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về các nghĩa vụ nhân quyền liên quan tới quyền được hưởng thụ môi trường an toàn, trong lành và bền vững trong Báo cáo năm 2018 6 ,tr. 17–18. Các chính sách quốc tế về môi trường đặt mối quan tâm tới quyền của thế hệ tương lai dưới góc nhìn về tác động dài hạn của hành động hiện tại. Trong khi đó, luật nhân quyền quốc tế đặt mối quan tâm chủ yếu lên quyền con người của từng cá nhân. Với cách tiếp cận khác nhau như vậy, luật nhân quyền quốc tế không đưa ra định nghĩa cụ thể hay nghĩa vụ rõ ràng nào cho các quốc gia về quyền của thế hệ tương lai. Để giải quyết thế lưỡng nan này, luật nhân quyền quốc tế đã lựa chọn tiếp cận quyền của thế hệ tương lai dưới góc độ quyền của những người đang sống hiện tại, nhưng cũng sẽ sống trong tương lai – đó là quyền con người về môi trường nói chung, và quyền được sống trong môi trường trong lành của trẻ em nói riêng.
Cách tiếp cận của luật nhân quyền quốc tế về quyền của thế hệ tương lai thông qua quyền trẻ em là hợp lý khi nhìn vào ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường tới trẻ em. Số liệu thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy đã có 1,7 triệu trẻ em dưới 5 tuổi tử vong trong năm 2012 vì sống trong môi trường không lành mạnh. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã ghi lại hơn một thập kỷ qua những lần các chính phủ thất bại trong việc bảo vệ trẻ em khỏi tác hại của môi trường.
3. Một số ví dụ điển hình về tác hại của môi trường:
a. Tiếp xúc với các chất độc hại
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã ghi lại việc trẻ em tiếp xúc với các chất độc hại trong nhiều bối cảnh trên video và trong các báo cáo chi tiết. Trên khắp thế giới, trẻ em tiếp xúc với các chất độc hại khi chơi trên mặt đất, tắm sông, đi học, ăn uống hoặc làm việc. 0 Nhiều chất độc hại có hậu quả đặc biệt có hại cho trẻ em, những người mà cơ thể đang phát triển hấp thụ chúng dễ dàng hơn so với người lớn và đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi một số chất độc, trong một số trường hợp, dẫn đến tổn thương lâu dài không thể phục hồi, tàn tật hoặc thậm chí tử vong.
b. Sự tiếp xúc của trẻ em do hoạt động kinh doanh
Hoạt động kinh doanh là nguồn gây ra thiệt hại môi trường đáng kể gây hại cho trẻ em thông qua ô nhiễm không khí, nước uống kém chất lượng và các con đường phơi nhiễm khác. Các chính phủ thường không quản lý các công ty một cách đầy đủ. Ví dụ, trẻ em sống gần hoặc làm việc trong xưởng thuộc da ở Bangladesh đã tiếp xúc với các hóa chất chảy từ sàn xưởng thuộc da vào các rãnh hở trên các đường phố gần đó. Họ đã cho thấy các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm sốt, tiêu chảy, các vấn đề về hô hấp và các bệnh về da, dạ dày và mắt. Các lò luyện kim hoặc nhà máy sản xuất pin đã gây ra tình trạng nhiễm độc chì ở trẻ em ở Trung Quốc và Kenya, và các cuộc phản đối của các bậc cha mẹ đã vấp phải sự đàn áp của chính phủ. Trong nông nghiệp, lao động trẻ em đã tiếp xúc với phân bón và thuốc trừ sâu ở Indonesia, Hoa Kỳ và Israel/Palestine. Trẻ em làm nghề trồng trọt thuốc lá cũng bị các triệu chứng tương ứng với ngộ độc nicotin.
Sức khỏe của trẻ em cũng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tiếp xúc với hóa chất từ các hoạt động khai thác mỏ quy mô lớn và nhỏ. Trong một trong những thảm họa sức khỏe môi trường tồi tệ nhất trong những năm gần đây, hơn 400 trẻ em đã chết ở Nigeria do vô tình tiếp xúc với bụi nhiễm chì sinh ra trong quá trình khai thác vàng thủ công và quy mô nhỏ. Trẻ em từ các nhóm dân tộc thiểu số sống trong các trại dành cho người di cư nội bộ ở Kosovo đã bị nhiễm độc chì do ô nhiễm từ một mỏ công nghiệp gần đó. Tại các khu vực khai thác vàng quy mô nhỏ ở Mali, Ghana, Tanzania, Philippines và những nơi khác, trẻ em đã tiếp xúc với thủy ngân độc hại được sử dụng để chế biến vàng, và trong một số trường hợp có các triệu chứng giống với ngộ độc thủy ngân.
c. Các chất độc hại trong hệ thống cấp nước
Các chính phủ đôi khi đã thất bại trong việc bảo vệ trẻ em khỏi các hóa chất độc hại trong lòng đất, nước ngầm hoặc hệ thống cấp nước. Ví dụ, ở Bangladesh, hàng triệu trẻ em đã tiếp xúc với ô nhiễm asen qua nước giếng, được coi là một nguồn được cải thiện. Tại Canada, các cộng đồng bản địa đã tiếp xúc với nước có chứa uranium, E.coli tự nhiên hoặc sự hiện diện của coliform. Tại Harare, Zimbabwe, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát hiện ra rằng nước thải thô thỉnh thoảng chảy ra từ các vòi của thành phố, khiến trẻ em mắc các bệnh tiêu chảy nguy hiểm do nước.
d. Khí hậu thay đổi
Biến đổi khí hậu tác động đến khả năng tiếp cận nước, thực phẩm và chăm sóc sức khỏe của trẻ em. Các chính phủ cần giải quyết các hậu quả nhân quyền của biến đổi khí hậu đối với trẻ em. Trẻ em từ các cộng đồng bản địa thường đặc biệt dễ bị tổn thương vì văn hóa và sinh kế của họ gắn liền với đất đai của họ, và các nhóm yếu thế này thường thiếu các nguồn lực và sự hỗ trợ của chính phủ để ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu.
Tại khu vực Turkana của Kenya, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nhận thấy rằng biến đổi khí hậu cùng với các thách thức phát triển kinh tế, chính trị và môi trường khác đã hạn chế khả năng tiếp cận thực phẩm và nước sạch của các cộng đồng bản địa địa phương. Do đó, nhiều trẻ em đã mắc bệnh vì gia đình không thể cung cấp đủ thức ăn và nước sạch cho các em. Các em gái thường đi bộ quãng đường cực dài để đào nước ở các lòng sông khô cạn, khiến các em gặp nguy hiểm dọc tuyến đường và khiến các em ít có thời gian đến trường hoặc nghỉ ngơi. Các nghiên cứu khoa học cho thấy hạn hán tái diễn và mất an ninh lương thực cũng có thể gây ra những ảnh hưởng gián tiếp đến sức khỏe. Ví dụ, biến đổi khí hậu đã làm thay đổi hành vi của muỗi và bọ ve truyền bệnh như sốt rét.
Biến đổi khí hậu cũng đã có những tác động khác ảnh hưởng đến khả năng của các chính phủ trong việc bảo vệ quyền trẻ em. Ở Bangladesh, các gia đình đã dàn xếp các cuộc hôn nhân trẻ em cho con gái của họ dưới 18 tuổi vì hoàn cảnh nghèo khó cùng với thiên tai và biến đổi khí hậu. Do thiếu mạng lưới an sinh của chính phủ, một số gia đình đã vội vàng cho những cô gái này kết hôn sớm.
Từ những bằng chứng trên, có thể thấy rằng trẻ em là đối tượng chịu nhiều hệ quả tiêu cực bởi biến đổi khí hậu. Và rõ ràng, biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường đem tới những nguy cơ trong dài hạn, gây ảnh hưởng tới cuộc sống của trẻ em trong nhiều năm sau đó. Tình trạng này có thể trầm trọng hơn nếu trẻ em không được hưởng thụ đầy đủ các quyền cơ bản khác như quyền tiếp cận thông tin hay quyền tham gia vào các vấn đề có liên quan trực tiếp tới trẻ em. Do đó, để bảo vệ quyền được sống trong môi trường trong lành của thế hệ tương lai, việc bảo vệ quyền trẻ em và các quyền môi trường là cấp thiết.
Mặt khác, các luật hiện hành về nhân quyền và môi trường vẫn tập trung vào các vi phạm trong quá khứ đối với các luật đó và yêu cầu vi phạm đó phải xảy ra trước khi có bất kỳ biện pháp khắc phục nào. Việc các chính phủ và tập đoàn thiếu hành động trong thời điểm hiện tại có thể ít tác động đến các thế hệ hiện tại, nhưng lại có khả năng gây ra tác động thảm khốc đến cuộc sống của các thế hệ mai sau, tác động mà nhân loại sẽ phải chịu trách nhiệm cuối cùng. Do đó, tầm quan trọng của quyền môi trường cho thế hệ tương lai là thúc đẩy cộng đồng quốc tế thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong hiện tại, nhằm mang lại quyền có một môi trường trong lành cho tương lai. Quyền có một môi trường trong lành đã được lựa chọn cụ thể vì các thế hệ tương lai là một khái niệm của luật pháp quốc tế liên quan đến tính bền vững của môi trường.