Hoạt động tín dụng sẽ giúp nhà nước, người dân và các doanh nghiệp giải quyết được một số vấn đề liên quan đến tiêu dùng, kinh doanh…đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Vậy, Quy trình tín dụng ngân hàng là gì? Ý nghĩa của quy trình tín dụng ngân hàng.
Mục lục bài viết
1. Quy trình tín dụng ngân hàng là gì?
Mỗi một hình thức tín dụng sẽ mang những quy trình vận hành khác nhau. Và quy trình tín dụng ngân hàng được hiểu là bảng tổng hợp mô tả công việc của ngân hàng từ khi tiếp nhận hồ sơ vay vốn của một khách hàng cho đến khi quyết định cho vay, giải ngân, thu nợ và thanh lý hợp đồng tín dụng. Và việc tuân thủ theo quy trình tín dụng tại các ngân hàng là vô cùng quan trọng.
2. Ý nghĩa của quy trình tín dụng ngân hàng:
Trong cuộc sống hiện đại như hiện nay thì hầu như tín dụng chính là một phần không thể thiếu đối với sự phát triển của một quốc gia. Theo đó quy trình tín dụng ngân hàng sẽ có những ý nghĩa cực kỳ quan trọng như sau:
Thứ nhất, quy trình tín dụng giúp cho khách hàng cũng như bản thân ngân hàng có thể xác lập một quy trình tín dụng và không ngừng hoàn thiện được những vấn đề trong quy trình hoạt động tín dụng. Các nhà quản trị sẽ dễ dàng quản lý, nhìn ra những lỗ hỏng và cải thiện. Đối với khách hàng, quy trình này sẽ giúp cho khách hàng dễ dàng hình dung được quá trình vay vốn tại ngân hàng và thuận tiện theo dõi để thực hiện các nghĩa vụ và quyền lợi của mình.
Thứ hai về mặt hiệu quả của một quy trình thì ngân hàng sẽ nâng cao chất lượng và giảm thiếu rủi ro tín dụng. Bởi khi theo một quy trình hoạt động thì hoạt động vay vốn sẽ được thực hiện theo các bước đã được hoạch định trước đó, tất cả các chuyên viên cũng như ban quản lý sẽ căn cứ theo quy trình đó để thực hiện theo đúng trình tự, từ đó hạn chế được những vấn đề xấu xảy ra.
Thứ ba, về mặt quản lý, quy trình tín dụng ngân hàng sẽ là cơ sở cho việc ngân hàng phân định, chia rõ ràng trách nhiệm, nhiệm vụ của từng nhân viên trong ngân hàng. Làm cơ sở để thiết lập các hồ sơ, thủ tục vay vốn theo đúng nhiệm vụ của từng cá nhân. Các thủ tục phải phù hợp nhằm cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết, nhưng không gây phiền hà cho khách hàng cũng như tiết kiệm được thời gian cho cả hai bên. Bên cạnh đó, quy trình này còn giúp chỉ rõ mối quan hệ liên hệ giữa các bộ phận liên quan trong hoạt động tín dụng. Trường hợp xảy ra rủi ro hay sai sót gì thì có thể căn cứ vào quy trình hoạt động mà xử lý, tránh trường hợp bao che, đùng đẩy trách nhiệm lẫn nhau.
Như vậy, ý nghĩa của quy trình tín dụng ngân hàng sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho bản thân ngân hàng và khách hàng, hỗ trợ rất nhiều trong quá trình quản lý cũng như theo dõi những hoạt động trong quá trình vận hành quy trình. Quy trình này giúp hạn chế được rủi ro không đáng có xảy ra, xâm phạm đến quyền và lợi ích của các bên.
3. Quy trình tín dụng ngân hàng:
Một hình thức tín dụng ngân hàng sẽ bao gồm quy trình vận hành như sau:
Bước 1: Lập hồ sơ vay vốn để có thể được hỗ trợ vay vốn
Đây là bước cực kỳ quan trọng, quyết định khách hàng có thể được ngân hàng chấp nhận hồ sơ hay không. Bởi sau khi nhận được hồ sơ thì ngân hàng sẽ tiến hành phân tích điều kiện vay vốn của khách hàng đã đủ yêu cầu hay chưa. Những thông tin mà khách hàng cung cấp phải đảm bảo chính xác, đúng tình hình thực tế.
Tại bước này khách hàng cần phải cung cấp các tài liệu và thông tin theo yêu cầu của chuyên viên ngân hàng. Thông thường hồ sơ sẽ bao gồm Giấy đề nghị vay, hồ sơ pháp lý bao gồm: Họ tên, chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, địa chỉ nơi ở, sinh sống, nơi làm việc, tình trạng bản thân là độc thân hay đã lập gia đình, thu nhập hằng tháng, công việc hiên tại…Phương án/dự án trả.
Sau khi chuẩn bị hồ sơ đầy đủ nhân viên tín dụng sẽ trực tiếp liên lạc, làm việc và hướng dẫn, phỏng vấn, trao đổi với khách hàng theo những thông tin mà khách hàng đã cung cấp.
Việc lập hồ sơ đơn giản hay phức tạp đều phụ thuộc vào các nhân tố như:
+ Loại khách hàng thuộc nhóm nào, có quan hệ tín dụng hay chưa, đã từng rơi vào nợ xấu, nợ chậm trả.
+ Loại và kỹ thuật cấp tín dụng: Tức là giai đoạn này, chuyên viên sẽ dựa và nhu cầu vay của khách hàng mà cung cấp hình thức cho vay phù hợp. Hiện nay thì đa số khách hàng đều được hướng dẫn vay thông qua hình thức thẻ tín dụng. Đây là hình thức đơn giản và hiện đại nhất hiện nay được các ngân hàng khuyến cáo khách hàng sử dụng.
+ Quy mô tín dụng: Đối với những khoản vay càng lớn thì đi cùng với nó sẽ là những điều kiện khó khăn hơn, hồ sơ cung cấp cho ngân hàng cũng trở nên đa dạng và phức tạp hơn rất nhiều. Bên cạnh đó thì thời hạn vốn vay càng dài thì yêu cầu thông tin từ hồ sơ càng nhiều hơn. Việc này đảm bảo cho ngân hàng có thể xử lý được trong trường hợp khách hàng trốn nợ, hoặc không thể hoàn khoản vay cho ngân hàng khi đến hạn phải trả.
Bước 2: Phân tích tín dụng
Phân tích tín dụng ngân hàng được hiểu là hoạt động phân tích khả năng hiện tại và tiềm tàng của khách hàng về sử dụng vốn tín dụng khả năng hoàn trả và khả năng thu hồi vốn vay cả gốc và lãi. Và mục tiêu chính của phân tích tín dụng chính là có thể lường trước được những rủi ro, tình huống có thể xảy ra từ đó có thể yêu cầu khách hàng cung cấp thêm một số thông tin cần thiết để có thể đảm bảo khoản vay được hoàn lại, dự kiến được những biện pháp phòng ngừa và hạn chế những thiệt hại có thể xảy ra trên thực tế. Không những thế phân tích tín dụng còn góp phần xem xét hồ sơ vay vốn, những thông tin mà khách hàng cung cấp đã đúng với thực tế hay chưa, từ đó nhận định được thái độ của khách hàng để làm cơ sở quyết định khoản vay và khả năng hoàn lại.
Việc phân tích tín dụng được thực hiện theo trình tự như sau: Thu thập thông tin qua phỏng vấn viếng thăm trao đổi, sau đó tổ chức phân tích và thẩm định các vấn đề về pháp lý và đảm bảo nợ vay. Cuối cùng là ghi nhận biên bản, báo cáo, làm tờ trình cùng với những giấy tờ về đảm bảo nợ.
Bước 3: Quyết định tín dụng ngân hàng
Đây là hoạt động quyết định cho vay hoặc từ chối cho vay đối với khách hàng. Đây là bước quan trọng nhất, bởi dù chuẩn bị hồ sơ kỹ đến thế nào nhưng nếu có 1 ít hướng nhỏ đến khả năng chi trả, uy tín và làm tiếp các bước tiếp theo. Nếu chấp nhận cho vay, cán bộ tín dụng sẽ hướng dẫn khách hàng ký kết hợp đồng tín dụng và làm tiếp các bước tiếp theo sau khi được chấp thuận. Trình tự thực hiện sẽ bao gồm việc cập nhật thông tin thị trường, chính sách, khung pháp lý. Sau đó, Hội đồng phán quyết và cá nhân phán quyết sẽ có trách nhiệm quyết định tín dụng. Việc quyết định này sẽ căn cứ theo kết quả phân tích và đưa ra từ chối hoặc đồng ý cho vay. Trường hợp từ chối thì phải có Giấy báo lý do, nêu rõ lý do từ chối. Trường hợp chấp thuận thì sẽ soạn văn bản hợp đồng tín dụng, cùng khách hàng đàm phán, ký kết hợp đồng tín dụng và nếu có hợp đồng phụ thì ký kết thêm hợp đồng phụ khác.
Bước 4: Giải ngân, thu nợ và giám sát tín dụng
Sau khi hợp đồng tín dụng được ký kết, ngân hàng sẽ tiến hành giải ngân theo hạn mức tín dụng do các bên đã thỏa thuận trước đó, đã được ký kết trong hợp đồng. Việc giải ngân có thể được thực hiện bằng trực tiếp hoặc chuyển qua tài khoản ngân hàng do khách hàng cung cấp.
Về nguyên tắc giải ngân: Phải gắn liền sự vận động tiền tệ với sự vận động hàng hóa hoặc dịch vụ có liên quan, nhằm kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay của khách hàng và đảm bảo khả năng thu nợ như thu nhập hằng tháng, tiêu dùng… Nhưng đồng thời cũng phải tạo sự thuận lợi, tránh gây phiền hà cho công việc sản xuất kinh doanh của khách hàng. Đây là một yếu tố thường xuyên gặp phải tại một số ngân hàng mặc dù khách hàng chưa đến kỳ trả nợ nhưng thường xuyên gọi điện thoại nhắc nhở, nhắn tin làm phiền.
Nhân viên tín dụng thường xuyên kiểm tra việc sử dụng vốn vay thực tế của khách hàng, hiện trạng tài sản đảm bảo, tình hình tài chính của khách hàng,… để đảm bảo khả năng thu nợ.
Bước 5: Thanh lý hợp đồng tín dụng
Để có thể đi đến được bước này thì đã mất một khoảng thời gian rất dài. Đây là bước cuối cùng trong một quy trình cấp tín dụng. Một khoản tín dụng có thể được kết thúc theo một trong hai cách sau:
- Thanh lý mặc nhiên. Thông thường hình thức thanh lý mặc nhiên được thực hiện sau khi khách hàng đã thanh toán xong khoản vay đối với ngân hàng.
- Thanh lý bắt buộc, thì đây là hình thức sẽ được áp dụng khi khách hàng chậm trả và sẽ được ngân hàng xử lý và yêu cầu bắt buộc phải chấm dứt hợp đồng.
Như vậy, quy trình tín dụng ngân hàng nhìn chung sẽ có quy trình cụ thể như trên. Ngân hàng và khách hàng có thể căn cứ theo những quy trình này mà theo dõi, quản lý và giám sát được quá trình hoạt động của khoản vay, giúp bản thân ngân hàng thuận tiện cho quá trình quản lý và điều hành các dòng tiền.