Giám định tâm thần là một công tác được thực hiện cần thiết trong hoạt động tố tụng dân sự hoặc tố tụng hình sự. Quy trình giám định pháp y tâm thần? Phải giám định ở đâu?
Mục lục bài viết
1. Thế nào là giám định pháp y tâm thần?
Giám định pháp y tâm thần được hiểu là công việc được phối hợp thực hiện giữa các ngành y tế, công an, viện kiểm sát và tòa án để nghiên cứu mối liên hệ giữa các trạng thái rối loạn tâm thần với các vấn đề về dân sự và hình sự.
2. Đối tượng tham gia giám định pháp y tâm thần:
Căn cứ quy định tại tiểu mục I Mục A Quy trình Giám định pháp y Tâm thần ban hành kèm theo Quyết định số 2999/QĐ-BYT, đối tượng tham gia giám định pháp y tâm thần bao gồm:
– Giám định viên pháp y tâm thần: được cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm.
– Theo quy định, trường hợp giám định pháp y tâm thần thông thường có ba giám định viên pháp y tâm thần.
– Nếu như rơi vào trường hợp phức tạp, có khó khăn trong việc xác định bệnh hay đánh giá năng lực hành vi, có sự tham gia của nhiều chuyên khoa khác nhau, giám định lại lần thứ nhất: có thể có đến 05 giám định viên pháp y tâm thần.
– Đối với trường hợp giám định lại lần hai hay những lần giám định đặc biệt: có thể được phép mời thêm chuyên gia về giám định pháp y tâm thần, nhưng tổng số không quá 09 giám định viên tâm thần trên 01 ca giám định.
– Điều dưỡng quản lý thực hiện nhiệm vụ theo dõi cũng như chăm sóc các đối tượng giám định.
Theo quy định, sẽ cần 02 điều dưỡng viên giúp việc trong mỗi trường hợp giám định.
3. Quy trình giám định pháp y tâm thần? Phải giám định ở đâu?
3.1. Quy trình giám định nội trú:
Bước 1: Tiếp nhận hồ sơ trưng cầu hoặc yêu cầu giám định:
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định sẽ phải gửi đến Tổ chức pháp y tâm thần để nghiên cứu, xem xét trước khi quyết định việc tiếp nhận trưng cầu hoặc tiếp nhận yêu cầu giám định.
Tổ chức pháp y tâm thần phải có văn bản trả lời người trưng cầu hoặc người yêu cầu giám định về việc tiếp nhận đối tượng giám định. Thời gian trả lời là trong thời hạn 05 ngày làm việc, tính từ ngày nhận được đủ hồ sơ trưng cầu hoặc yêu cầu giám định.
Trường hợp nếu như có đủ căn cứ thì Tổ chức pháp y tâm thần từ chối việc giám định, cụ thể là:
+ Nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định không phù hợp với phạm vi chuyên môn.
+ Không đảm bảo có đủ năng lực, điều kiện cần thiết cho việc thực hiện giám định.
+ Đối tượng giám định, tài liệu liên quan được cung cấp không đầy đủ hoặc không có giá trị để kết luận giám định tư pháp sau khi đã đề nghị người trưng cầu, người yêu cầu giám định bổ sung, làm rõ nhưng không được đáp ứng.
+ Thời gian không đủ để thực hiện giám định.
+ Tính độc lập, khách quan của việc thực hiện giám định không được bảo đảm.
Bước 2: Tiếp nhận đối tượng giám định:
Người trưng cầu hoặc người yêu cầu giám định đưa đối tượng giám định đến bàn giao cho Tổ chức pháp y tâm thần.
Bước 3: Phân công người tham gia giám định:
Thủ trưởng Tổ chức pháp y tâm thần ra quyết định phân công người tham gia giám định pháp y tâm thần.
Bước 4: Nghiên cứu hồ sơ trưng cầu hoặc yêu cầu giám định:
Giám định viên được phân công tham gia giám định có trách nhiệm nghiên cứu hồ sơ do người trưng cầu hoặc người yêu cầu giám định cung cấp.
Bước 5: Tiến hành theo dõi đối tượng giám định:
Đối tượng giám định được đưa vào buồng theo dõi.
Giám định viên phải có trách nhiệm theo dõi sát, ghi chép đầy đủ, trung thực mọi diễn biến của đối tượng giám định.
Bước 6: Khám lâm sàng đối tượng giám định:
Khám lâm sàng trong phạm vi sau:
– Khám tâm thần.
– Khám nội khoa và khám thần kinh.
– Khám các chuyên khoa khác.
Bước 7: Thăm khám cận lâm sàng đối với đối tượng giám định.
Bước 8: Giám định viên thư ký tổng hợp tất cả các tài liệu có liên quan đến đối tượng giám định.
Bước 9: Ra kết luận giám định.
Bước 10: Tiến hành lập hồ sơ giám định và lưu trữ hồ sơ.
3.2. Quy trình giám định tại phòng khám:
Bước 1: Tiếp nhận hồ sơ trưng cầu hoặc yêu cầu giám định.
Bước 2: Thực hiện phân công người tham gia giám định.
Bước 3: Nghiên cứu hồ sơ trưng cầu hoặc yêu cầu giám định.
Bước 4: Tiếp nhận và thăm khám lâm sàng đối tượng giám định.
Bước 5: Thăm khám cận lâm sàng đối tượng giám định
Bước 6: Giám định viên được giao làm thư ký tổng hợp tất cả các tài liệu có liên quan đến đối tượng giám định.
Bước 7: Họp giám định viên tham gia giám định.
Bước 8: Tiến hành kết luận giám định.
Bước 9: Thực hiện lập hồ sơ giám định và lưu trữ hồ sơ giám định.
3.3. Quy trình giám định tại chỗ:
Đối tượng áp dụng quy trình giám định tại chỗ:
– Là người đang bị giam giữ nếu đưa ra ngoài sẽ khó khăn và không an toàn trong công tác quản lý đối tượng giám định.
– Một số trường hợp đặc biệt không thể đưa đối tượng đến giám định tại Tổ chức pháp y tâm thần.
Quy trình thực hiện như sau:
Bước 1: Tiếp nhận hồ sơ trưng cầu hoặc yêu cầu giám định.
Bước 2: Tiến hành phân công người tham gia giám định.
Bước 3: Tiến hành nghiên cứu hồ sơ trưng cầu hoặc yêu cầu giám định.
Bước 4: Tiếp xúc và thăm khám đối tượng giám định.
Bước 5: Đưa đối tượng giám định đi thăm khám cận lâm sàng cần thiết.
Bước 6: Giám định viên thư ký có trách nhiệm thực hiện tổng hợp tất cả các tài liệu có liên quan đến đối tượng giám định.
Bước 7: Họp giám định viên tham gia giám định.
Bước 8: Ra kết luận giám định.
Bước 9: Thực hiện lập hồ sơ giám định và lưu trữ hồ sơ giám định.
3.4. Quy trình giám định trên hồ sơ:
Đối tượng áp dụng quy trình giám định trên hồ sơ này là những đối tượng giám định đã bị chết hoặc bị mất tích hoặc theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Quy trình áp dụng như sau:
Bước 1: Tiếp nhận hồ sơ trưng cầu hoặc yêu cầu giám định.
Bước 2: Phân công người tham gia giám định.
Bước 3: Thực hiện nghiên cứu hồ sơ trưng cầu hoặc yêu cầu giám định.
Bước 4: Giám định viên thư ký có trách nhiệm tổng hợp tất cả các tài liệu có liên quan đến đối tượng giám định.
Bước 5: Thực hiện họp giám định viên tham gia giám định.
Bước 6: Ra kết luận giám định.
Bước 7: Thực hiện lập hồ sơ giám định và lưu trữ hồ sơ giám định.
3.5. Quy trình giám định bổ sung:
Bước 1: Tiếp nhận hồ sơ trưng cầu hoặc yêu cầu giám định bổ sung.
Bước 2: Tiến hành phân công người tham gia giám định bổ sung.
Bước 3: Tiến hành nghiên cứu hồ sơ trưng cầu hoặc yêu cầu giám định bổ sung.
Bước 4: Giám định viên thư ký có trách nhiệm tổng hợp tất cả các tài liệu có liên quan đến đối tượng giám định.
Bước 5: Tiến hành họp giám định viên tham gia giám định bổ sung.
Bước 6: Ra kết luận giám định và biên bản giám định bổ sung.
Bước 7: Thực hiện lập hồ sơ giám định và lưu trữ hồ sơ giám định bổ sung.
Bước 8: Kết thúc việc giám định bổ sung.
3.6. Quy trình giám định lại:
Căn cứ để thực hiện giám định lại:
– Khi có cơ sở cho rằng kết luận giám định lần đầu không chính xác.
– Trường hợp đặc biệt, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định việc giám định lại sau khi đã có kết luận của Hội đồng giám định.
Sau khi có căn cứ để yêu cầu thực hiện giám định lại, Thủ trưởng Tổ chức pháp y tâm thần lựa chọn hình thức giám định pháp y tâm thần phù hợp theo các hình thức liệt kê như trên.
3.7. Quy trình giám định lại lần thứ hai, giám định đặc biệt:
Căn cứ để giám đinh lại lần thứ hai, giám định đặc biệt:
– Khi có sự khác nhau giữa kết luận giám định lần đầu và kết luận giám định lại về cùng một nội dung.
– Việc giám định lại lần thứ hai phải do Hội đồng giám định thực hiện.
– Sau khi đã có kết luận của Hội đồng giám định, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định việc giám định lại.
Hội đồng để thực hiện việc giám định lại lần II hoặc giám định đặc biệt : thành phần phải gồm ít nhất là 3 thành viên, tối đa là 9 thành viên do Bộ trưởng Bộ Y tế ký Quyết định thành lập.
Hội đồng giám định lại lần II hoặc Hội đồng giám định đặc biệt lựa chọn hình thức giám định phù hợp đã liệt kê ở trên để tiến hành giám định lại lần II sau khi có căn cứ là quyết định trưng cầu hay yêu cầu giám định.
CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG BÀI VIẾT:
Quyết định số 2999/QĐ-BYT ban hành quy trình giám định pháp y tâm thần 30 bệnh/rối loạn tâm thần thường gặp.