Có nhiều quy luật được sử dụng trong quá trình thực hiện các giao dịch trên thị trường. Mỗi quy luật đều có những ý nghĩa và vai trò quan trọng đối với sự phát triển của các lĩnh vực đời sống xã hội. Một trong số đó chúng ta cần phải kể đến quy luật một giá. Vậy quy luật một giá là gì? Đặc điểm và ví dụ về quy luật một giá?
Mục lục bài viết
1. Quy luật một giá là gì?
Khái niệm quy luật một giá:
Quy luật một giá đã tuyên bố rằng các tài sản hoặc hàng hóa giống hệt nhau thì sẽ có cùng một giá trên mọi địa điểm trong toàn cầu, có tính đến một số yếu tố nhất định.
Quy luật một giá đã giả định thị trường không có chi phí giao dịch, chi phí vận chuyển hoặc hạn chế về mặt pháp lí, tỉ giá hối đoái là như nhau và sẽ không có sự thao túng giá của các chủ thể là những người mua hoặc người bán.
Quy luật một giá tồn tại bởi vì sự khác biệt giá tài sản ở các địa điểm khác nhau cuối cùng sẽ bị loại bỏ do kinh doanh chênh lệch giá.
Quy luật một giá cũng được hiểu là nền tảng của lí thuyết ngang giá sức mua. Ngang giá sức mua phát biểu rằng giá trị của hai loại tiền tệ là bằng nhau khi một giỏ hàng hóa giống hệt nhau được định giá như nhau ở cả hai quốc gia.
Trong thực tế, sức mua tương đương rất khó đạt được, do nhiều loại chi phí phát sinh trong giao dịch và một số cá nhân không có khả năng tiếp cận thị trường.
Quy luật một giá trong tiếng Anh là gì?
Quy luật một giá trong tiếng Anh là Law of One Price.
2. Ví dụ cụ thể về quy luật một giá:
Nếu giá của đa số hàng hóa kinh tế hoặc chứng khoán nào không nhất quán ở hai thị trường tự do sau khi tính đến ảnh hưởng của tỉ giá hối đoái, để có thể kiếm lợi nhuận, các chủ thể là những nhà đầu tư chênh lệch giá sẽ mua tài sản ở thị trường rẻ hơn và bán nó trên thị trường có giá cao hơn.
Lợi nhuận từ kinh doanh chênh lệch giá như thế này sẽ tồn tại cho đến khi giá trên các thị trường hội tụ với nhau.
Nếu chứng khoán Z có sẵn với giá 10 USD ở thị trường A nhưng chứng khoán Z lại được bán với giá tương đương 20 USD ở thị trường B, các chủ thể là những nhà đầu tư có thể mua chứng khoán Z ở thị trường A và bán ngay với giá 20 USD ở thị trường B, kiếm được lợi nhuận 10 USD mà không phải chịu bất kì rủi ro thực sự nào.
Bởi vì chứng khoán từ thị trường A được bán trên thị trường B, giá cả trên hai thị trường sẽ thay đổi theo sự thay đổi của cung và cầu, nếu mọi yếu tố khác là như nhau. Nhu cầu tăng lên đối với chứng khoán Z tăng trên thị trường A sẽ khiến giá của nó tăng lên trong thị trường đó. Ngược lại, nguồn cung tăng lên của chứng khoán Z tại thị trường B sẽ khiến nó giảm giá trong thị trường đó.
Theo thời gian thì điều này sẽ dẫn đến sự cân bằng về giá của chứng khoán Z ở cả hai thị trường, quay trở về trạng thái đúng theo quy luật một giá.
Quy luật một giá trong thực tiễn:
Trong thế giới thực, quy luật một giá thông thường sẽ không chính xác do những giả định của quy luật này vốn không tồn tại trong thực tế, do những nguyên nhân sau:
– Chi phí vận chuyển:
Trong quá trình buôn bán hàng hóa thương mại thì luôn phát sinh chi phí vận chuyển hàng hóa, dẫn đến giá cả của hai hàng hóa có nguồn gốc từ hai địa điểm khác nhau thì đa số luôn khác nhau chỉ trừ khi có tình trạng quá dư thừa hoặc thiếu hụt cung hoặc cầu hàng hóa đó trong một khu vực.
– Chi phí giao dịch:
Bởi vì chi phí giao dịch tồn tại và khác nhau giữa các thị trường và khu vực địa lý khác nhau, giá cho cùng một hàng hóa giữa các thị trường cũng có thể không giống nhau.
– Hạn chế pháp lí:
Rào cản pháp lí đối với thương mại, ví dụ như thuế quan, kiểm soát vốn có thể dẫn đến chênh lệch giá thay vì một giá giữa các thị trường.
– Cơ cấu thị trường:
Do số lượng các chủ thể là những người mua và người bán (và khả năng tham gia thị trường của người mua và người bán) giữa các thị trường có thể khác nhau, mức độ tập trung thị trường và quyền quyết định giá của người mua và người bán cũng khác nhau.
3. Các thuật ngữ liên quan đến quy luật một giá:
Kinh doanh chênh lệch giá:
Kinh doanh chênh lệch giá trong tiếng Anh là Arbitrage.
Kinh doanh chênh lệch giá về cơ bản là mua chứng khoán ở một thị trường và đồng thời bán nó ở một thị trường khác với giá cao hơn, nhờ đó thu được lợi nhuận từ sự chênh lệch tạm thời về giá. Đây được coi là loại lợi nhuận phi rủi ro cho nhà đầu tư hoặc người thực hiện giao dịch chứng khoán.
Trong thị trường chứng khoán, những chủ thể là những người giao dịch thông thường sẽ cố gắng tận dụng tối đa các cơ hội chênh lệch giá.
Một người có thể mua cổ phiếu trên một thị trường ngoại hối mà giá chưa được điều chỉnh trong khi tỉ giá hối đoái liên tục biến động. Do đó, giá của cổ phiếu trên thị trường ngoại hối bị định giá thấp so với giá trên sàn giao dịch trong nước và người đó có thể kiếm được lợi nhuận từ sự chênh lệch này.
Ngang giá sức mua:
Ngang giá sức mua được hiểu cơ bản là một thước đo phân tích vĩ mô so sánh khả năng sản xuất và mức sống giữa các quốc gia. Ngang giá sức mua là học thuyết kinh tế so sánh tiền tệ của các quốc gia thông qua cách tiếp cận về giỏ tiền tệ.
Theo khái niệm này, hai loại tiền tệ đang ở trạng thái cân bằng được gọi là hai loại tiền tệ ngang giá khi một giỏ hàng hóa có giá như nhau ở cả hai quốc gia, có tính đến tỉ giá hối đoái.
Nhà đầu tư chênh lệch giá:
Nhà đầu tư chênh lệch giá được hiểu là chủ thể những nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận từ sự không hiệu quả của thị trường. Sự không hiệu quả này có thể là bất kì thứ gì từ giá cả, cổ tức hay yếu tố pháp lí. Kinh doanh chênh lệch giá thường gặp nhất là dựa trên giá cả của tài sản.
Nhà đầu tư chênh lệch giá tận dụng sự không hiệu quả về giá bằng việc thực hiện những giao dịch bù trừ cùng một lúc để đem về khoản lợi nhuận phi rủi ro.
Lấy ví dụ cụ thể như một người đầu tư chênh lệch giá sẽ tìm sự khác biệt về giá của cùng một loại chứng khoán được niêm yết trên nhiều sàn khác nhau. Họ mua chứng khoán bị định giá thấp ở sàn này đồng thời bán chứng khoán được định giá cao ở sàn khác nhằm đem về một khoản lợi nhuận phi rủi ro khi giá của hai sàn tiệm cận nhau.
Đôi khi, họ còn tìm cơ hội kinh doanh chênh lệch giá từ những thông tin nội bộ. Ví dụ cụ thể như một chủ thể là nhà đầu tư chênh lệch giá sẽ mua cổ phiếu của một công ty khi biết tin công ty đó sắp sát nhập và kiếm lợi nhuận từ giá sát nhập thật sự sau này.
Thuế quan:
Thuế quan được hiểu là thuế đánh vào hàng hóa khi di chuyển qua cửa khẩu của một quốc gia.
Thuế quan là một công cụ tài chính được nhà nước sử dụng để nhằm các mục đích sau đây:
– Thuế quan giúp điều tiết hoạt động xuất nhập khẩu hoặc bảo hộ sản xuất trong nước.
Thuế quan là một bộ phận cấu thành của giá cả hàng hóa xuất khẩu hoặc nhập khẩu. Giá cả hàng hóa thấp hoặc cao có ảnh hưởng đến sức mua của thị trường và đến khối lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Để khuyến khích (tăng qui mô) xuất, nhập khẩu, Nhà nước áp dụng mức thuế quan thấp; ngược lại, để hạn chế (giảm qui mô) xuất, nhập khẩu Nhà nước áp dụng mức thuế quan cao.
– Thuế quan là một nguồn thu quan trọng trong ngân sách nhà nước.
– Thuế quan cũng là công cụ để phân biệt đối xử trong quan hệ thương mại và gây áp lực với bạn hàng trong quá trình đàm phán.
Kiểm soát vốn:
Kiểm soát vốn được hiểu là các biện pháp được thực hiện bởi chính phủ, ngân hàng trung ương hoặc các cơ quan quản lí khác để hạn chế dòng vốn nước ngoài vào và ra khỏi nền kinh tế trong nước.
Những kiểm soát này bao gồm: thuế, thuế quan, luật pháp, hạn chế khối lượng và các biện pháp dựa trên thị trường khác. Kiểm soát vốn cũng có thể gây ảnh hưởng lên nhiều loại tài sản như cổ phiếu, trái phiếu và giao dịch ngoại hối.
Kiểm soát vốn được thiết lập nhằm mục đích chính đó là để điều chỉnh dòng vốn tài chính từ thị trường vốn vào và ra khỏi tài khoản vốn của một quốc gia. Những kiểm soát này có thể áp dụng cho toàn bộ nền kinh tế hoặc cho một hoặc vài ngành.
Việc thực hiện kiểm soát vốn cũng có thể hạn chế khả năng công dân trong nước sở hữu tài sản nước ngoài (được gọi là kiểm soát dòng vốn ra) hoặc khả năng mua tài sản trong nước của người nước ngoài (được gọi là kiểm soát dòng vốn vào).
Kiểm soát vốn chặt chẽ thông thường được thực hiện trong các nền kinh tế đang phát triển, nơi dự trữ vốn thấp hơn và dễ bị biến động.