Doanh nghiệp bảo hiểm thu phí bảo hiểm cho một niên độ và sử dụng vào việc bồi thường cho những thiệt hại xảy ra trong niên độ, phí bảo hiểm không đưa vào tích luỹ để trả lại cho người được bảo hiểm vào thời điểm kết thúc hợp đồng. Vậy quỹ dự phòng nghiệp vụ là gì? Sự cần thiết của quỹ dự phòng nghiệp vụ?
Mục lục bài viết
1. Quỹ dự phòng nghiệp vụ là gì?
Các nghiệp vụ kinh doanh bảo hiểm được phân thành hai nhóm:
– Nhóm bảo hiểm tự nguyện: Bao gồm những nghiệp vụ bảo hiểm mà hợp đồng bảo hiểm được ký kết theo ý nguyện của bên mua bảo hiểm và dựa trên nguyên tắc thoả thuận. Đại bộ phận các nghiệp vụ bảo hiểm thuộc loại bảo hiểm tự nguyện.
– Nhóm bảo hiểm bắt buộc: Bao gồm những nghiệp vụ bảo hiểm mà pháp luật có quy định về nghĩa vụ tham gia bảo hiểm của các tổ chức, cá nhân có mối quan hệ nhất định với loại đối tượng bắt buộc phải được bảo hiểm. Các nghiệp vụ bảo hiểm được triển khai theo quy định của luật pháp.
Tại Khoản 1 Điều 96 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định về dự phòng nghiệp vụ như sau:
“1. Dự phòng nghiệp vụ là khoản tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trích lập nhằm mục đích thanh toán cho những trách nhiệm bảo hiểm đã được xác định trước và phát sinh từ các hợp đồng bảo hiểm đã giao kết.”
Như vậy, có thể hiểu dự phòng nghiệp vụ là số tiền mà công ty bảo hiểm trích ra từ lợi nhuận để chi trả cho các yêu cầu bồi thường. Dự phòng nghiệp vụ cũng chính là các khoản trích lập dự phòng nghiệp vụ theo quy định được tính vào chi phí trực tiếp kinh doanh bảo hiểm vào cuối năm tài chính.
Trong kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, đầu tư vốn nhàn rỗi là một sự bắt buộc, tương tự như các doanh nghiệp thương mại. Vốn đầu tư được sử dụng từ nhiều nguồn khác nhau: từ vốn điều lệ, quỹ dự trữ bắt buộc, các khoản dự phòng nghiệp vụ,… Nguồn vốn này có quy mô tương quan tỷ lệ thuận với quy mô kinh doanh bảo hiểm.
2. Sự cần thiết của Quỹ dự phòng nghiệp vụ:
Dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm là một trong các yếu tố quan trọng nhất đối với sự tồn tại của doanh nghiệp bảo hiểm. Đó là khoản tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm bắt buộc phải trích lập nhằm mục đích thanh toán cho những trách nhiệm bảo hiểm được xác định trước và phát sinh từ hợp đồng bảo hiểm được giao kết. Tính chất bắt buộc của việc trích lập dự phòng bảo hiểm được bắt nguồn từ 2 phương diện: kỹ thuật nghiệp vụ bảo hiểm và luật pháp. Từ phương diện kỹ thuật nghiệp vụ: Trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, năm nghiệp vụ và năm tài chính về cơ bản không trùng nhau. Năm tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm thường bắt đầu từ ngày 01/01 và kết thúc vào ngày 31/12 mỗi năm dương lịch. Thời hạn bảo hiểm khác nhau tuỳ theo từng loại nghiệp vụ bảo hiểm nên trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm phát sinh trong năm tài chính này nhưng lại giải quyết vào năm tài chính sau. Để thực hiện các cam kết với bên mua bảo hiểm là thanh toán các trách nhiệm được xác định trước và phát sinh từ hợp đồng bảo hiểm đã ký kết, doanh nghiệp bảo hiểm phải trích lập các loại dự phòng nghiệp vụ.
Trên phương diện luật pháp: Luật pháp của các quốc gia đều phải bảo vệ tối đa quyền lợi của người được bảo hiểm trước doanh nghiệp bảo hiểm. Bởi vậy Nhà nước kiểm tra chặt chẽ khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm, tránh việc doanh nghiệp bảo hiểm thu phí mà không thực hiện cam kết vào thời điểm cần thiết đối với người được bảo hiểm. Ở các nước, luật pháp bắt buộc doanh nghiệp bảo hiểm phải luôn dự trữ đầy đủ khoản phí bảo hiểm thu được để có khả năng thực hiện được các cam kết của mình. Phần phí giữ lại được sử dụng để bồi thường cho những tổn thất xảy ra thuộc phạm vi của hợp đồng bảo hiểm đã ký kết.
Ở nước ta, Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định tại Điều 77, Khoản 2: “doanh nghiệp bảo hiểm được coi là đủ khả năng thanh toán khi đã trích lập đầy đủ dự phòng nghiệp vụ…”. Dự phòng nghiệp vụ luôn là đối tượng kiểm tra, giám sát của Nhà nước đối với doanh nghiệp bảo hiểm. Kiểm tra việc trích lập đúng, đủ dự phòng nghiệp vụ sẽ cho thấy doanh nghiệp bảo hiểm có tôn trọng các cam kết với người được bảo hiểm hay không. Từ đó, bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm tập trung nguồn vốn đầu tư dài hạn cho nền kinh tế.
3. Các loại dự phòng nghiệp vụ:
Mỗi loại hình kinh doanh bảo hiểm có các nghiệp vụ dự phòng khác nhau. Cụ thể là:
3.1. Trong kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ:
Có 3 loại dự phòng chủ yếu
– Dự phòng phí chưa được huởng (gọi tắt là dự phòng phí): được sử dụng để bồi thường cho trách nhiệm sẽ phát sinh trong thời gian còn hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm trong năm tiếp theo. cơ sở thiết lập của dự phòng phí là sự khác biệt giữa năm tài chính và thời gian hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm. các doanh nghiệp bảo hiểm khoá sổ kế toán vào cuối năm tài chính để xác định kết quả kinh doanh, nhưng các hợp đồng bảo hiểm được ký kết ở mọi thời điểm trong năm. ở thời điểm cuối năm tài chính sẽ có nhiều hợp đồng bảo hiểm mà hiệu lực kéo dài sang năm tài chính sau. như vậy, doanh nghiệp bảo hiểm phải trích lại một phần phí bảo hiểm tương ứng với thời gian hiệu lực còn lại của các hợp đồng bảo hiểm để đảm bảo chi trả cho những rủi ro và chi phí liên quan có thể phát sinh từ những hợp đồng này.
– Dự phòng bồi thường cho khiếu nại chưa giải quyết (gọi tắt là dự phòng bồi thường): Được sử dụng để bồi thường cho các tổn thất đã phát sinh thuộc trách nhiệm bảo hiểm chưa khiếu nại hoặc đã khiếu nại nhưng đến cuối năm tài chính chưa được giải quyết. việc trích lập dự phòng bồi thường là xuất phát từ sự khác biệt về thời điểm xảy ra tổn thất và thời điểm bồi thường và tính không chắc chắn trong việc khai báo tổn thất, phân chia trách nhiệm và mức độ thiệt hại. mặt khác, do thu tiền trước khi bồi thường và trả tiền bảo hiểm nên doanh nghiệp bảo hiểm phải luôn duy trì khoản dự phòng để thực hiện các cam kết với người tham gia bảo hiểm vào bất kỳ thời điểm nào. vì mục đích bồi thường vào bất cứ thời điểm nào cho những tổn thất chưa xảy ra khi hợp đồng đang có hiệu lực, doanh nghiệp bảo hiểm phải trích lập các loại dự phòng nghiệp vụ.
Trong kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ, có nhiều tổn thất xảy ra nhưng chưa được bồi thường ngay trong năm tài chính, thời gian giải quyết bồi thường có thể kéo dài nhiều năm, đặc biệt là bảo hiểm trách nhiệm dân sự có tổn thất phức tạp kéo theo sự kiện tụng đòi hỏi doanh nghiệp bảo hiểm phải lập dự phòng để đảm bảo cho những tổn thất phải bồi thường.
– Dự phòng bồi thường cho các dao động lớn về tổn thất: được sử dụng để bồi thường khi có dao động lớn về tổn thất hoặc tổn thất lớn xảy ra mà tổng phí bảo hiểm giữ lại trong năm tài chính sau khi đã trích lập dự phòng phí chưa được hưởng và dự phòng bồi thường cho khiếu nại chưa giải quyết không đủ để chi trả tiền bồi thường đối với phần trách nhiệm giữ lại của doanh nghiệp bảo hiểm.
3.2. Trong kinh doanh bảo hiểm nhân thọ:
Có 5 loại dự phòng
– Dự phòng toán học: là khoản chênh lệch giữa giá trị hiện tại của số tiền bảo hiểm và giá trị hiện tại của phí bảo hiểm sẽ thu được trong tương lai, được sử dụng để trả tiền bảo hiểm đối với những trách nhiệm đã cam kết khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
– Dự phòng phí chưa được hưởng áp dụng đối với các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có thời hạn dưới một năm: được sử dụng để trả tiền bảo hiểm sẽ phát sinh trong thời gian còn hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm trong năm tiếp theo
– Dự phòng bồi thường: được sử dụng để trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm nhưng đến cuối năm tài chính chưa được giải quyết.
– Dự phòng cam kết chia lãi: được sử dụng để trả lãi mà doanh nghiệp bảo hiểm đã thoả thuận với bên mua bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm.
– Dự phòng bảo đảm cân đối: được sử dụng để trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm do có biến động lớn về tỷ lệ tử vong, lãi suất kỹ thuật và giá trị của các tài sản đầu tư
Tại Thông tư số 50/2017/TT-BTC ngày 15/5/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2017; được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 01/2019/TT-BTC ngày 02/01/2019 của Bộ Tài chính quy định chi tiết về Dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm (trích lập dự phòng nghiệp vụ đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp chuyên kinh doanh bảo hiểm sức khoẻ và chi nhánh nước ngoài; trích lập dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm đối với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp tái bảo hiểm; Thủ tục phê chuẩn việc áp dụng (hoặc thay đổi áp dụng) phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm)… tại Mục 2 của Thông tư.