Dù ở thời kỳ nào hay ở bất kỳ một lĩnh vững nào thì người có tri thức và tài năng luôn là yếu tố tạo lên sự thành công và được nhiều cá nhân, tổ chức. Để vận dụng nguồn lực này một cách tốt nhất thì đòi hỏi người phải có những hoạt động quản lý từ người quản lý. Quản lý tri thức là gì? Sự khác biệt với quản lý tài năng là gì?
Mục lục bài viết
1. Quản lý tri thức là gì?
Trước khi đi vào nội dung nghiên cứu và phân tích về quản lý tri thức ta sẽ tìm hiểu đôi chút về khái niệm quản lý và tri thức để có những hiểu biết nhất định làm cơ sở kiến thức góp phần tìm hiểu chuyên sâu về “quản lý tri thức”
Quản lý là một hoạt động giữ một vai trò không thể thiếu trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người. Quản lý trong tiếng Anh được gọi là Management là sự phối hợp và điều hành giữa các công việc của tổ chức, doanh nghiệp nhằm hướng đến đạt được mục tiêu đã được lên kế hoạch và đề ra từ trước. Để có thể thực hiện được hoạt động quản lý người quản lý cần phải có tổ chức và quyền uy. Tổ chức phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ của những người tham gia hoạt động chung; quyền uy đem lại khả năng áp đặt ý chí của chủ thể quản lý đối với các đối tượng quản lý, bảo đảm sự phục tùng của cá nhân đối với tổ chức.
Quản lý ra đời cùng với những hoạt động chung của con người. Trong đó quản lý có mối quan hệ điều khiển, chỉ đạo, phối hợp các hoạt động riêng lẻ của từng cá nhân tạo thành hoạt động chung thống nhất của tập thể hướng tới mục tiêu đã đề ra từ trước.
Tri thức (Knowledge) là một sự nhận thức hay sự hiểu biết của con người về một cái gì đó, chẳng hạn như những dữ liệu, thông tin, những mô tả, hoặc kỹ năng,… chúng ta có được qua sự trải nghiệm thực tế hoặc học tập. Tri thức có thể chỉ về sự hiểu biết về một đối tượng hay sự vật về lý thuyết và thực hành. Có 2 dạng tồn tại của tri thức là tri thức ẩn và tri thức hiện.
Tri thức hiện (tri thức tường minh) là những thứ đã được thể hiện qua văn bản, hình ảnh, âm thanh,… Những thứ mà ta có thể nhìn thấy, nghe thấy cho nên việc truyền đạt trở lên dễ dàng được truyền đạt dễ dàng qua các hình thức giáo dục.
Tri thức ẩn (tri thức ẩn tàng) là những tri thức được tích tụ lại nhờ sự trải nghiệm thực tế nên nó rất khó để truyền đạt, chuyển giao mà thay vào đó chúng ta cần phải tự trải nghiệm và tập luyện, tích lũy từng ngày. Tri thức ẩn tàng thường bao gồm: niềm tin, giá trị, kinh nghiệm, bí quyết, kỹ năng… Thách thức cố hữu với tri thức ẩn tàng là làm thế nào để nhận ra, tạo lập, chia sẻ và quản lý nó.
Theo Từ điển Oxford, “Tri thức là những sự kiện, thông tin và kỹ năng mà con người có được qua trải nghiệm hoặc giáo dục; là sự hiểu biết lý thuyết hay thực tiễn về một chủ đề”
Về vai trò của tri thức, Sheeja (2012) nhận định rằng: “Tri thức là yếu tố bắt buộc đối với sự phát triển; mọi việc chúng ta làm đều phụ thuộc vào tri thức” . Ngay từ thời cổ đại con người đã biết “Tri thức là sức mạnh”. Hiện nay trong nền kinh tế mà mọi lĩnh vực đều đòi hỏi đến sự kết hợp của trị thức nhân loại vào các hoạt động thì tri thức đang trực tiếp tạo ra quyền lực, tiền bạc và sức cạnh tranh. Tri thức được xem là hàng hoá có giá trị trong các sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm trí tuệ. Việc nắm bắt, sáng tạo và phổ biến tri thức hơn bao giờ hết trở thành yếu tố quan trọng nhất trong việc tạo ra năng lực cạnh tranh.
Đến với khái niệm quản lý tri thức hiện nay có nhiều định nghĩa khác nhau giải thích về quản lý tri thức, tùy thuộc vào góc nhìn nhận và tiếp cận của từng người. Sau đây là một vài định nghĩa điển hình được nhiều người sử dụng:
Theo De Jarnett, 1996 “Quản lý tri thức là … tạo ra tri thức, và việc này được nối tiếp với việc thể hiện kiến thức, truyền bá và sử dụng kiến thức, và sự duy trì (lưu giữ, bảo tồn) và cải biến kiến thức”.
Theo Quintas et al, 1997 “Quản lý tri thức là quá trình của việc quản lý một cách cẩn trọng tri thức để đáp ứng các nhu cầu hiện hữu, để nhận ra và khai thác những tài sản tri thức hiện có và có thể đạt được và để phát triển những cơ hội mới”.
Theo Brooking, 1997 “Quản lý tri thức là hoạt động mà hoạt động này quan tâm tới chiến lược và chiến thuật để quản lý những tài sản trọng tâm là con người (human center assets)”.
Theo Trung tâm Năng suất và Chất lượng Hoa Kỳ – Trích dẫn bởi Serban và Luận “Quản lý tri thức là quá trình có hệ thống của việc nhận dạng, thu nhận, và chuyển tải những thông tin và tri thức mà con người có thể sử dụng để sáng tạo, cạnh tranh, và hoàn thiện”.
Dựa trên các cơ sở đã được tổng kết từ các định nghĩa điển hình về quản lý tri thức, McAdam và McCready (1999) đã chỉ ra rằng các định nghĩa về quản lý tri thức thể hiện một miền rộng lớn từ những quan điểm có tính cơ giới (coi tri thức là tài sản) tới quan điểm thiên về định hướng xã hội (tri thức được tạo ra trong tổ chức thông qua những quan hệ xã hội).
2. Đặc trưng của quản lý tri thức:
Nhìn chung dù định nghĩa theo nghĩa nào thì quản lý tri thức đều thể hiện nổi bật các đặc tính sau:
Thứ nhất, Quản lý tri thức là một lĩnh vực có liên quan chặt chẽ với lý luận và thực tiễn. Đây là một lĩnh vực mang tính đa ngành đa lĩnh vực;
Thứ hai, Quản lý tri thức không phải là công nghệ thông tin mà công nghệ thông tin chỉ là những tiến bộ giúp hỗ trợ, bồi dưỡng cho việc hình thành và phát triển tri thức một cách tốt hơn mà thôi;
Thứ ba, Những vấn đề của con người và học tập là điểm trung tâm của quản lý tri thức.
Quản lý tri thức liên quan đến việc nâng cao hiệu quả hoạt động của mọi tổ chức, gồm hai vấn đề chính:
Vấn đề tạo là một tập hợp điều hành sự sáng tạo, phổ biến, và sử dụng tri thức; Cùng với quá trình bồi dưỡng và rèn luyện kiến thức, kỹ năng để hình thành nền lượng kiến thức cần thiết cho việc áp dụng vào các hoạt động thường ngày.
Vấn đề dùng là quá trình áp dụng các nguồn tri thức chất lượng vào các hoạt động của con người sao cho thật hợp lý để đem lại những thành quả tích cực cho người áp dụng và cho cộng đồng, xã hội.
Sử dụng và quản lý tri thức của tổ chức dựa trên thực tiễn quản lý thông tin, tập trung vào việc học tập của tổ chức, nhận thức về đóng góp và giá trị của người lao động, và có thể thực thi nhờ vào công nghệ. Quản lý tri thức là một khái niệm trong đó một doanh nghiệp thu thập, tổ chức, chia sẻ, và phân tích tri thức như tài nguyên, tài liệu, kỹ năng của con người một cách có ý thức và toàn diện.
Quản lý tri thức ở đây không phải là sản phẩm phần mềm hoặc một phạm trù phần mềm nào cả. Quản lý tri thức thậm chí không bắt đầu với công nghệ. Nó bắt đầu với mục tiêu kinh doanh và các quá trình và nhận thức về sự cần thiết của việc chia sẻ thông tin.
Trong tiếng anh Quản lý tri thức có tên gọi là Knowledge Management
3. Sự khác biệt giữa Quản lý tri thức và Quản lý tài năng:
Về khái niệm về Quản trị tài năng được giải thích là một chiến lược toàn diện cho việc tuyển dụng, đào tạo, sử dụng và duy trì nhân viên giỏi trong doanh nghiệp. Tài năng là những người giỏi, có tiềm năng vượt trội trong một tổ chức, một doanh nghiệp, một lĩnh vực kinh doanh.
Từ những phân tích trên, cùng với khái niệm về quản lý tài năng ta có thể thấy mặc dù hai khái niệm về Quản lý tri thức và quản lý tài năng có nhiều sự tương đồng bởi chúng đều sử dụng hai thuật ngữ là tài năng và tri thức những thuật ngữ đều được sử dụng để chỉ những người giỏi, đó là lý do tại sao mọi người thường nhầm lẫn khi nói đến hai khái niệm này.
Đối với khái niệm Quản lý tài năng là một tập hợp các hoạt động được thiết kế để xác định, thu hút và thuê nhân tài giỏi nhất và giữ chân nhân tài trong một tổ chức vì các công ty tin rằng hiệu suất vượt trội là kết quả của tài năng vượt trội. còn Quản lý tri thức là một quá trình xác định, tạo và phân phối kiến thức trong lực lượng lao động để cải thiện công ty.
Trên đây, là những thông tin cơ bản về quản lý tri thức và quản lý tài năng đã được chúng tôi tìm hiểu qua các tài liệu có liên quan và hiểu biết của mình; qua đó giúp người đọc có thêm sự hiểu biết về quản lý tri thức và quản lý tài năng góp phần có những nhận biết phân biệt hai hoạt động này với nhau, hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích đối với bạn, mọi thắc mắc bạn có thể liên hệ với công ty Luật Dương Gia theo thông tin liên lạc được cập nhật trong bài viết, chúng tôi với đội ngũ nhân viên trẻ sôi nổi đầy nhiệt huyết sẽ giúp bạn giải đáp các thắc mắc.