Đền thờ Quan Lớn Tuần Tranh, nơi thờ Thủy thần, một trong những ngôi đền linh thiêng nổi tiếng bậc nhất Việt Nam.
Mục lục bài viết
1. Quan Lớn Tuần Tranh là ai?
Quan Lớn Tuần Tranh có tên gọi khác là Ông Lớn Tuần Tranh, là vị tôn quan thứ 5 trong Ngũ vị Tôn Ông- Quan Lớn Đệ Ngũ Tuần Tranh, sau Quan lớn Đệ Tứ Khâm Sai của tín ngưỡng thờ Tứ phủ. Ông được thỉnh cuối cùng nhưng lại là vị Quan Ông hay ngự về đồng nhất (bất cứ ai hầu Tứ Phủ, bất cứ dịp tiệc, đàn lễ nào đều phải thỉnh Quan Tuần Tranh về ngự). Ngài là vị tướng tài ba danh tiếng lẫy lừng, nắm quyền trấn giữ miền duyên hải sông Tranh được nhân dân nhất mực tôn kính phụng thờ. Các giá hầu đồng về ông đều mặc áo bào mầu tím và cầm thanh đại đao – trang phục của ông sinh thời đánh giặc ngoại xâm.
2. Sự tích về Quan Lớn Tuần Tranh:
Có nhiều sự tích, truyền thuyết về Ngài:
2.1. Sự tích Quan Lớn Tuần Tranh vào thời Hùng Vương:
Sự tích cho rằng Quan Lớn Đệ Ngũ Tuần Tranh là con trai thứ năm của Vua Bát Hải Động Đình. Ngài giáng dưới thời vua Hùng Định Vương trong Hùng Triều Thập Bát, là vị tướng quân tài ba kiêm lĩnh thuỷ bộ, được giao quyền trấn giữ miền duyên hải sông Tranh. Tại nơi đây ngài đã lập được nhiều công lao to lớn nên được sắc phong Công hầu. Tại quê nhà, ông có cảm tình với một người thiếu nữ xinh đẹp và cũng được nàng đáp lại tình cảm. Nhưng ông không hề biết người thiếu nữ ấy vốn là vợ lẽ của viên quan ở đó, nhưng cuộc sống không hạnh phúc với cảnh “chồng chung”, không nói cho Ông sự thật. Vậy nên ông vẫn đinh ninh đó là một tình cảm đẹp, hẹn ngày đưa nàng về làm vợ. Đến khi viên quan kia biết chuyện, vu oan cho ông đã quyến rũ vợ mình, khiến Quan Tuần Tranh mắc hàm oan, bị đem đày lên chốn Kì Cùng, Lạng Sơn.
Trong bản văn trầu có câu ca sau:
“…Ngày hai nhăm tháng năm bắt đày chốn sơn cùng thủy kiệt,
Oan vì tuyết nguyệt bởi lòng ái ân…”
Tại đây, ông đã trầm mình xuống dòng sông Kỳ Cùng mong rửa oan, chứng tỏ mình vô tội. Hồn Ông trở lại quê nhà, hiện thành đôi bạch xà. Và được một vợ chồng ông bà lão nông bắt được đem về nhà nuôi nấng, thậm chí tậu gà để nuôi như thể con mình. Sau, quan phủ biết chuyện liền bắt ông bà phải lên cửa công chịu tội và buộc giết chết đôi bạch xà kia đi. Hai ông bà thương xót, xin thả rắn xuống dòng sông Tranh, nhưng lạ thay ngay chỗ thả đó tạo thành dòng xoáy dữ dội. Đến thời Thục Phán An Dương Vương, vua tập hợp thuyền bè để chống Triệu Đà ở ngay bến sông Tranh, nhưng tại chỗ dòng xoáy đó, có cơn giông tố nổi lên giữa dòng, thuyền bè không tài nào qua được. Thấy vậy, Vua bèn mời các vị lão làng đến lập đàn cầu đảo thì lập tức sóng yên bể lặng, thuyền bè đi lại thuận lợi, hơn nữa, quân sĩ ra trận cũng được thắng to. Ghi nhớ công đức, vua Thục giải oan cho ông và phong là Giảo Long Hầu. Từ đó, ông còn nhiều lần hiển thánh linh ứng, có phép nhà trời, cai quản âm binh, ra oai bảo vệ dân, giúp dân dẹp hết những kẻ hại nước hại dân.
2.2. Thần tích giúp vua Hùng Duệ Vương chống giặc:
Tương truyền, Ông là người con trai thứ năm trong một gia đình người lái đò trên dòng sông Vĩnh, phủ Ninh Giang (nay thuộc Hải Dương) (có truyền thuyết kể là ở vùng sông Chanh thuộc về tỉnh Đông). Nhưng tuổi già mà vợ chồng người lái đò chưa có con, trong một lần ông bà bắt được bào thai, bên trong có một ổ trứng trắng liền mang về nhà. Trải 9 mùa trăng đi qua, 9 quả trứng nứt vỏ và 9 con rắn ra đời vào một ngày trời đầy mưa giông, bão táp. Ngày tháng đi qua, lũ rắn cũng lớn dần lên. Năm ấy, đất nước có giặc ngoại xâm, vua Hùng sai sứ giả đi chiêu tập hiền tài huấn luyện binh sĩ, đồng thời lập đàn cầu khẩn các vị Thần linh giúp sức. Nghe tiếng loa truyền, 9 con rắn hoá thành 9 chàng trai cao to, vạm vỡ, cùng vào yết kiến nhà vua xin tham gia dẹp giặc. Chín anh em cùng thuồng luồng, thuỷ quái ra trận đánh tan giặc chỉ một ngày mang lại thanh bình cho đất nước. Vua Hùng truyền lệnh khen thưởng, phong cho 9 chàng trai đó là 9 ông Hoàng. Về sau, đúng ngày 22/8 năm Bính Dần, bỗng có một vầng hào quang chói loà, 9 chàng trai đều hóa trở lại thành 9 con rắn trở rồi trở về với dòng sông Tam Kỳ. Từ đó dân làng tưởng nhớ, truy ơn nên lập 9 ngôi đền thờ các dũng tướng đã giúp vua diệt giặc, với duệ hiệu Trấn Tây Tam Kỳ giang linh ứng, Vĩnh Công đại vương, Bát Hải động đình gọi nôm là vua cha Bát Hải.
2.3. Sử tích Cao Lỗ- Vương Quan Đề Ngũ Tuần Tranh:
Trong Đại Việt Sử ký toàn thư, Cao Lỗ là một Đại thần – Danh Tướng của Thục Phán An Dương Vương. Ông sinh ra tại xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh ngày nay (thời Hùng Vương là bộ Vũ Ninh, đời Tần thuộc Tượng quận, đời Hán thuộc quận Giao Chỉ là đất của hai huyện Long Biên và Luy Lâu). Có một số thư tịch cổ lại ghi tên ông là Cao Nỗ, Đô Lỗ, Thạch Thần, Cao Thông hay Đại Thần Đô Lỗ Thạch Thần. Theo lệnh An Dương Vương, ông làm nỏ thần móng rùa, tên là Linh quang kim trảo thần nỏ, hay còn gọi là nỏ liên châu (bắn được nhiều mũi tên một phát). Ông cũng khuyên Thục An Dương Vương dời đô xuống đồng bằng, tìm đất đóng đô tại nơi xưa là đất kinh đô nhà nước Việt Thường. Ông được Vua giao cho việc xây thành Cổ Loa và tổ chức và luyện tập quân đội Âu Lạc trở nên hùng mạnh. Dước sự thống lĩnh của Cao Lỗ, quân đội Âu Lạc nhiều lần đánh thắng quân xâm lược của Triệu Đà (lúc đó là Nam Việt Vương từ vùng Lưỡng Quảng tấn công xâm lược lãnh thổ Lạc Việt). Vì có công lớn nên ông được giao chức vụ đứng đầu trong Triều đình.
Khi ấy, Ông đem lòng yêu công chúa Mị Châu – con gái An Dương Vương Thục Phán, nhưng Mị Châu lại phải lòng con của Triệu Đà- Trọng Thủy, có âm mưu hào thân để tìm bí mật về tổ chức quân sự và quy cách vũ khí nỏ liên châu. Đoán được âm mưu ấy, Cao Lỗ can ngăn An Dương Vương không cho Mị Châu lấy Trọng Thủy song An Dương Vương không tin Cao Lỗ mà tin rằng sự hòa hiếu để tránh được chiến tranh xâm lược của Nam Việt, đồng ý kết thông gia với Triệu Đà. Sau đó Trọng Thủy trở về Nam Việt trình lên vua Nam Việt Vương Triệu Đà tất cả bí mật về quốc phòng của Âu Lạc khiến quân ta nhiều lần bị thất bại nặng nề.
Tuy nhiên, An Dương Vương cho rằng Cao Lỗ đã để lộ bí mật quân sự, bãi hết chức đầy Cao Lỗ lên vùng biên ải (nay là tỉnh Lạng Sơn). Do bị oan ức cùng tính cương trực không chịu khuất, Cao Lỗ đã thề lấy cái chết để rõ mình vô tội và nhẩy xuống sông Kỳ Cùng tự vẫn, đó ngày 25/5 năm Nhâm Thân ( năm 179 Tr.CN) trên đường bị đày ải. Sau khi ông chết triều đình chia rẽ, quân đội Âu Lạc không có Cao Lỗ thống lĩnh đã thất bại hoàn toàn trước sức tấn công của quân Nam Việt của Triệu Đà vào năm Giáp Tý (năm 177 Tr.CN). An Dương Vương đem theo con gái Mị Châu trốn chạy. Do có sự chỉ dẫn bằng cách rắc lông ngỗng của Mị Châu, Trọng Thủy tìm theo, vì vậy An Dương Vương không thể thoát, trước khi chết, nước Âu Lạc bị diệt, nhập vào Nam Việt của Triệu Đà mở đầu cho thời kỳ Bắc thuộc lần thứ nhất trong lịch sử Việt Nam.
Mọi chuyện sáng tỏ, dân Việt nhớ ghi công đức lập đền thờ Cao Lỗ tại nơi ông tuẫn tiết ở bên sông Kỳ Cùng và tại nơi ông hiển linh là bến Tranh xã Ninh Giang, huyện Vĩnh Lại (nay là Ninh Giang, tỉnh Hải Dương bây giờ).
Sau này, qua nhiều Thánh Lễ hầu đồng của Đạo Thánh Mẫu Việt, danh tính chính thức tên ông mới được xác nhận. Quan Lớn Tuần Tranh chính là Cao Lỗ, người đã hy sinh vì Nước rồi hiển linh là một trong 72 Vị Thánh trong Đạo Thánh Mẫu Việt, vị anh hùng cứu nước đầu tiên của Dân tộc Lạc Việt. Kết quả nghiên cứu thực nghiệm này cũng là thực hiện tâm nguyện của các bậc Tiên Liệt là không có ai là người anh hùng vô danh.
3. Đền thờ Quan Lớn Đệ Ngũ ở đâu?
Quan Tuần Tranh được thờ ở rất nhiều nơi, trong tất cả các đền, phủ, điện mẫu nhưng đền chính là đền Tranh – thị xã Ninh Giang,Hải Dương và đền Kì Cùng – Lạng Sơn.
Đền Tranh hay đền Quan Lớn Tuần Tranh lập bên bến sông Tranh ở xã Tranh Xuyên, tổng Bất Bế, huyện Vĩnh Lại thời Lê và Nguyễn- quê nhà của ông, nơi ông trấn giữ duyên hải sông Tranh, cũng là nơi ông hiển tích. Nay thuộc thị trấn Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, hàng năm có lễ hội rất lớn ngày sinh của ông là ngày 14/2 Âm lịch, và ngày giỗ kỵ 25/5 Âm lịch.
Đền Kì Cùng lập bên bến sông Kì Cùng,nơi ông bị lưu đày, ở xã Vĩnh Trại – Châu Thoát Lãng, nay thuộc thành phố Lạng Sơn.