Trong thời hiện tại, thể chế về chế độ quân chủ phổ thông thời nay là chế độ quân chủ lập hiến. Vậy câu hỏi đặt ra: Quân chủ lập hiến là gì? Hiện nay có những nước nào theo quân chủ lập hiến?
Mục lục bài viết
1. Các hình thức chính thể:
Hình thức chính thể là cách thức và trình tự thành lập cơ quan cao nhất của quyền lực nhà nước, xác lập mối quan hệ giữa cơ quan đó với cơ quan cấp cao khác và với nhân dân. Xem xét hình thức chính thể của một nhà nước nào đó là xem xét trong nhà nước đó: quyền lực tối cao của nhà nước được trao cho cơ quan nào, cách thức và trình tự thiết lập ra cơ quan đó, quan hệ giữa cơ quan đó với các cơ quan cấp cao khác của nhà nước, sự tham gia của nhân dân vào việc tổ chức và hoạt động của cơ quan đó. Căn cứ vào những nội dung này, có thể chia hình thức chính thể thành 02 dạng cơ bản là chính thể quân chủ và chính thể cộng hoà. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, quân chủ là chính thể mà trong đó quyền lực tối cao của nhà nước tập trung toàn bộ hoặc một phần vào tay một cá nhân (vua, quốc vương …) theo phương thức cha truyền con nối (thể tập). Trong chính thể quân chủ, về mặt pháp lí người đứng đầu nhà nước được coi là người có quyền lực cao nhất của nhà nước. Thông thường, nhà vua lên ngôi bằng con đường cha truyền con nối. Trên thực tế cũng có những trường hợp nhà vua lên ngôi do được chỉ định, suy tôn, bầu cử, tự xưng … Tuy nhiên, thường các triều vua sau, phương thức truyền kế ngôi vua lại được củng cố và duy trì. Vua thường tại vị suốt đời nếu không bị truất ngôi hay tự nhường ngôi … Chính thể quân chủ bao gồm nhiều dạng với những đặc trưng khác nhau, trong đó có hai dạng cơ bản là quân chủ tuyệt đối và quân chủ hạn chế.
– Quân chủ tuyệt đối là chính thể mà trong đó nhà vua có quyền lực tối cao và vô hạn trong cả ba lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp, không bị chia sẻ cho ai và cũng không chịu một sự hạn chế nào. Đây là hình thức chính thể mà nhà vua là người ban hành pháp luật, chỉ huy việc thực hiện pháp luật và cũng là vị quan tòa tối cao, thậm chí vua còn có thể có cả quyền lực trong lĩnh vực tôn giáo, tế lễ, có những nghi lễ mà chỉ nhà vua mới được phép chủ trì;
– Quân chủ hạn chế là chính thể mà trong đó nhà vua chỉ nắm giữ một phần quyền lực tối cao của nhà nước, bên cạnh vua còn có cơ quan khác để chia sẻ quyền lực với vua. Trong chính thể này, nhà vua có thể chỉ nắm giữ quyền lực tối cao của nhà nước trên danh nghĩa, thực tế nhà vua có thể bị hạn chế một hoặc tất cả trong các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Cùng nắm giữ quyền lực tối cao của nhà nước với nhà vua còn có thể có các cơ quan như nghị viện, chính phủ… Chính thể quân chủ hạn chế có các dạng điển hình là quân chủ đại diện đẳng cấp, quân chủ nhị hợp, quân chủ đại nghị (quân chủ nghị viện, hay còn gọi là quân chủ lập hiến).
Thứ hai, cộng hoà là chính thể mà trong đó quyền lực cao nhất của nhà nước thuộc về cơ quan (tập thể) đại diện của nhân dân. Mỗi nước có thể có quy định riêng về trình tự, thủ tục thành lập, nhiệm vụ quyền hạn … của cơ quan này. Thực tế cho thấy, cơ quan này thường có tên gọi là quốc hội, nghị viện …, thường được thành lập ra bằng con đường bầu cử và hoạt động trong một thời hạn nhất định được gọi là nhiệm kì.
2. Quân chủ lập hiến là gì?
Quân chủ lập hiến (hay quân chủ đại nghị) là một loại hình tổ chức nhà nước giữ nguyên vai trò nguyên thủ quốc gia của vua hoặc giữ nguyên vai trò của nữ hoàng từ thời phong kiến, nhưng nhà vua không có quyền lực tuyệt đối như chế độ quân chủ chuyên chế, mà quyền lực của vua được giới hạn bởi hiến pháp. Nhìn chung thì chính thể quân chủ lập hiến (hay còn gọi là quân chủ đại nghị) có một số đặc trưng cơ bản sau:
Thứ nhất, quyền lực của nhà vua bị hạn chế trong cả ba lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp. Quyền lập pháp thuộc về nghị viện, quyền hành pháp thuộc về chính phủ, đứng đầu là thủ tướng
Thứ hai, quyền lực của nhà vua chỉ mang tính chất hình thức, nghi lễ và tượng trưng. Nhà vua là nguyên thủ quốc gia, người đại diện chính thức cho quốc gia, dân tộc trong các quan hệ đối nội và đối ngoại, nhưng không trực tiếp giải quyết các công việc của nhà nước, không có thực quyền. Mọi hoạt động của nhà vua chỉ là sự chính thức hoá về mặt nhà nước các hoạt động “đã rồi” của cả nghị viện và chính phủ. Nhà vua được coi là biểu tượng cho truyền thống và sự vững bền của dân tộc, sự thống nhất của quốc gia, nhà vua “ngự trị nhưng không cai trị”. Nhà vua có thể được hưởng những đặc quyền nhất định, kể cả đặc quyền “vô trách nhiệm”, nghĩa là nhà vua không phải chịu bất cứ trách nhiệm nào về các hoạt động của mình.
Thứ ba, chính phủ được hình thành bằng con đường nghị viện dựa trên kết quả bầu cử nghị viện (hạ nghị viện), chính phủ phải chịu trách nhiệm trước nghị viện. Thủ tướng thực sự là nhân vật trung tâm của bộ máy nhà nước, là người hoạch định và thực thi đường lối quốc gia.
3. Các nước theo quân chủ lập hiến hiện nay:
Ngày nay, vẫn có những quốc gia tiếp tục duy trì chế độ quân chủ lập hiến. Hình thức chính thể này hiện đang tồn tại ở một số nhà nước tư sản như Anh, Nhật, Thụy Điển … Còn ở nhà nước xã hội chủ nghĩa thì chính thể quân chủ hoàn toàn không còn tồn tại. Các quốc gia có chế độ quân chủ lập hiến bao gồm những vương quốc sau:
– Vương quốc Bahrain (Châu á). Vua là Hamad bin Isa Al Khalifa;
– Vương quốc Bhutan (Châu á). Vua là Jigme Khessar Namgyal Wangchuck;
– Vương quốc Hashemite của Jordan (Châu á). Vua là Abdullah II;
– Nhà nước Kuwait (Châu á). Tiểu vương quốc là Sabah Al-Ahmad Al-Yaber Al-Sabah;
– Công quốc Liechtenstein (Châu âu). Hoàng tử là Luis xứ Liechtenstein;
– Công quốc Monaco (Châu âu). Hoàng tử là Albert II của Monaco;
– Vương quốc Morocco (Châu phi). Vua là Mohamed VI;
– Vương quốc Tonga (Châu đại dương). Vua là Tupou VI.
Đa số các nhà nước được tổ chức theo mô hình chính thể lập hiến (đại nghị) đều có chế định chịu trách nhiệm của Chính phủ trước nghị viện. Chế định này có nguồn gốc từ Anh quốc và những nước theo chính thể đại nghị.
4. Hình thức nhà nước Việt Nam hiện nay:
Thứ nhất, hình thức cấu trúc của Nhà nước Việt Nam hiện nay là nhà nước đơn nhất, trung ương tập quyền. Chủ quyền quốc gia do chính quyền trung ương nắm giữ, địa phương là các đơn vị hành chính lãnh thổ không có chủ quyền: không được tự tổ chức bộ máy chính quyền của riêng mình, không có quyền ban hành pháp luật cho riêng mình (chỉ được ban hành những văn bản để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành văn bản của trung ương) … Chính quyền địa phương bao gồm ba cấp là tỉnh, huyện, xã, trong đó, cấp dưới. phục tùng cấp trên, địa phương phục tùng trung ương.
Thứ hai, chế độ chính trị của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là chế độ dân chủ. Nhà nước sử dụng các biện pháp dân chủ trong tổ chức và hoạt động của nhà nước. Trong bộ máy nhà nước luôn tồn tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân các đó là các cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và lợi ích của nhân dân. Các cơ quan này được thành lập ra bằng con đường bầu cử dân chủ, tự do. Nhà nước luôn coi trọng và thực hiện nghiêm chỉnh nguyên tắc tập trung dân chủ. Công dân được tham gia quản lí nhà nước, quản lí xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với các cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lí nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân. Công dân được nhà nước thừa nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ các quyền tự do, dân chủ như quyền bầu cử, ứng cử, giám sát hoạt động của các cơ quan và nhân viên nhà nước, mít-tinh, biểu tình, lập hội, hội họp, biểu quyết khi nhà nước trưng cầu ý dân … Quyết định của nhân dân là quyết định cao nhất, nhà nước phải phục tùng. Hoạt động của nhà nước luôn đảm bảo phương châm dân biết, dân bàn, dân kiểm tra.
Trong đời sống chính trị của đất nước luôn tồn tại hình thức mặt trận đoàn kết dân tộc. Hiến pháp và pháp luật quy định, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.