Mục lục bài viết
1. Phương châm hội thoại là gì?
Phương châm hội thoại là các quy định, nguyên tắc bắt buộc mà người tham gia hội thoại cần làm theo và tuân thủ. Trong một cuộc giao tiếp khi đáp ứng đủ các yêu cầu này thì cuộc giao tiếp đó mới được xem là thành công.
Phương châm hội thoại được chia thành 5 loại chính, bao gồm:
– Phương châm về lượng.
– Phương châm về chất.
– Phương châm quan hệ.
– Phương châm cách thức.
– Phương châm lịch sự.
Trong quá trình giao tiếp, người nói cần nắm vững và làm rõ các phương châm hội thoại để thực hiện cuộc giao tiếp thành công, giúp người đối diện sẽ thuận tiện hiểu vấn đề mình nói. Tùy vào từng tình huống hoàn cảnh cụ thể, mà người nói có thể vận dụng các phương châm hội thoại này một cách linh hoạt và cần thiết.
2. Phương châm về lượng là gì?
Phương châm về lượng là trong quá trình giao tiếp, câu cần nói cho đúng nội dung, nội dung của lời nói phải đáp ứng yêu cầu của cuộc giao tiếp, số lượng không thiếu, không thừa vừa đủ.
Nội dung phương châm về lượng:
Lượng ở đây được hiểu là số lượng nội dung không thiếu, không thừa, vừa đủ nghĩa giúp người khác hiểu vấn đề mà mình nói.
Trong phương châm về lượng cần lưu ý một số điểm sau:
– Khi giao tiếp không quan trọng nội dung dài hay ngắn nhưng cần phải đầy đủ nội dung cần truyền đạt đến cho người nghe.
– Lời trình bày đưa ra phải có đủ thông tin, phân tích và lập luận chính xác, mang tính thuyết phục trong lời nói để người nghe thấy được sự thuyết phục, thông tin chính xác mà mình trình bày.
3. Ví dụ phương châm về lượng:
Ngữ liệu 1:
Huy: Cậu có biết đá bóng không?
Hoàng: Tớ biết chứ, còn cậu có biết đá bóng không?
Huy: Tớ không. Cậu học đá bóng ở đâu thế?
Hoàng: Học đá bóng ở sân bóng chứ còn ở đâu?
Phân tích ngữ liệu:
Huy hỏi Hoàng học đá bóng ở đâu mục đích là muốn biết địa chỉ cụ thể nơi bạn Hoàng học bóng đá (như là trung tâm huấn luyện thể thao, câu lạc bộ….)
Câu trả lời của Hoàng không đánh trúng mục đích của Huy hỏi vì đương nhiên ai cũng biết đá bóng thì phải đá ở sân bóng. Cách trả lời của Hoàng thừa không cần thiết, trả lời không đúng nội dung.
Nhận xét: Hoàng đã vi phạm phương châm về lượng trong giao tiếp, tức là nói thừa thông tin không cần thiết và nói thiếu thông tin phải trả lời.
Ngữ liệu 2:
Bố: Thầy giáo đã giao cho con bài tập về nhà ở trong sách bài tập nào thế?
Hưng: Thầy giáo con giao bài tập về nhà trong sách bài tập ạ.
Phân tích ngữ liệu:
Bố hỏi Hưng với mục đích muốn biết Hưng được cô giáo giao bài tập về nhà trong sách bài tập nào (tên sách bài tập cụ thể, tên bài tập cụ thể,…). Trong khi đó Hưng lại không trả lời cụ thể tên sách gì, bài tập số mấy, câu trả lời trên của Hưng chưa đáp ứng được mục đích hỏi của bố, cách trả lời của Hưng là thiếu nội dung.
Nhận xét: Câu trả lời của Hưng đã vi phạm phương châm về lượng trong giao tiếp, tức là câu trả lời của Hưng thiếu nội dung thông tin cần phải trả lời.
Ngữ liệu 3: Sắp tới kỉ niệm Ngày chào mừng nhà giáo Việt Nam 20/11, nhà trường yêu cầu mỗi lớp phải chuẩn bị một tiết mục văn nghệ. Thấy vậy, Lan bèn hỏi Quỳnh?
Lan: Cậu có biết nhảy không?
Quỳnh: Tớ biết chứ, thậm chí tớ còn nhảy rất giỏi đó. Tớ sẽ đăng ký tham gia văn nghệ của lớp.
Lan: Cậu học nhảy ở đâu thế Quỳnh?
Quỳnh đáp: Dĩ nhiên là học ở lớp dạy nhảy chứ còn ở đâu nữa.
Phân tích ngữ liệu: Lan hỏi Quỳnh học nhảy ở đâu nhằm mục đích là muốn biết địa chỉ cụ thể nơi mà Quỳnh học nhảy. Câu trả lời của Quỳnh đã không đánh trúng muốn mục đích của Lan hỏi vì đương nhiên ai cũng biết muốn học nhảy thì phải học ở lớp học dạy nhảy. Trong khi đó, Quỳnh đã không chỉ ra được địa điểm mà mình học nhảy là tên lớp dạy nhảy là gì? Địa chỉ cụ thể ở đâu? Cách trả lời của Quỳnh là thừa không cần thiết và không đúng nội dung.
Nhận xét: Câu trả lời của Quỳnh đã vi phạm phương châm về lượng trong giao tiếp, tức là trả lời thiếu thông tin cần phải trả lời và thừa thông tin không cần thiết.
4. Phương châm về chất là gì?
Phương châm về chất là trong quá trình giao tiếp, không nên nói chắc chắn những thông tin mà mình không tin là đúng, chưa xác định được độ chính xác hay không có bằng chứng xác thực.