Tài chính là một thuật ngữ rộng mô tả các hoạt động liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, đòn bẩy hoặc nợ, tín dụng, thị trường vốn, tiền và đầu tư. Có nhiều thuật ngữ được sử dụng xoay quanh vấn đề tài chính như phong vũ biểu trong tài chính. Vậy phong vũ biểu trong tài chính là gì? Đặc trưng và liên hệ thực tiễn?
Mục lục bài viết
1. Phong vũ biểu trong tài chính là gì?
Định nghĩa phong vũ biểu trong tài chính:
Thuật ngữ tài chính ra đời đã thể hiện ra là sự vận động của vốn tiền tệ, diễn ra ở mọi chủ thể trong xã hội. Tài chính đã phản ánh tổng hợp các mối quan hệ kinh tế nảy sinh trong phân phối các nguồn tài chính thông qua việc tạo lập hoặc sử dụng các quỹ tiền tệ nhằm đáp ứng các nhu cầu khác nhau của các chủ thể trong xã hội.
Như đã phân tích bên trên ta nhận thấy tài chính là hiện tượng đặc trưng bằng sự vận động độc lập tương đối của tiền tệ với chức năng phương tiện thanh toán và phương tiện cất trữ trong quá trình tạo lập hay sử dụng các quỹ tiền tệ đại diện cho những sức mua nhất định ở các chủ thể kinh tế và xã hội.
Phong vũ biểu được hiểu là những chỉ số về kinh tế và thị trường, thể hiện và dự báo cho một xu hướng hay trào lưu nào đó trong tương lai, ví dụ như giá cả hay chứng khoán được coi là nhiệt kế của nền kinh tế.
Thực chất thuật ngữ phong vũ biểu là một dụng cụ đo gió và áp suất không khí nhằm để dự báo thời tiết. Trong giới tài chính phong vũ biểu được sử dụng để nhằm mục đích chỉ sức mạnh của một loại cổ phiếu hay một thị trường nào đó, và chỉ số chứng khoán Dow Jones là ví dụ điển hình.
Phong vũ biểu trong tiếng Anh là gì?
Phong vũ biểu trong tiếng Anh là Barometer.
2. Đặc trưng của phong vũ biểu:
– Phong vũ biểu là các điểm dữ liệu đại diện cho xu hướng hoặc cảm tính trên thị trường hoặc nền kinh tế chung.
Ví dụ cụ thể chỉ số Standard & Poor’s 500 và Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones (DJIA) đóng vai trò là thước đo hiệu suất của thị trường chứng khoán và thường được sử dụng làm thước đo cho toàn bộ nền kinh tế Mỹ.
– Phong vũ biểu được hiểu là chỉ số chứng khoán hoặc chỉ số trao đổi được sử dụng khá phổ biến như một phong vũ biểu cho sức khỏe kinh tế quốc gia.
– Phong vũ biểu cũng có thể được sử dụng để đo lường hành vi ở cấp độ người tiêu dùng.
Ví dụ cụ thể như việc bán hàng chậm lại tại các nhà hàng cao cấp trong khi doanh thu tại các quán ăn nhanh tăng có thể là một dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng đang chi phối chi tiêu của họ.
Liên hệ thực tiễn:
Một trăm năm qua, Dow Jones (DJIA) vẫn là chỉ số lâu năm nhất trong thị trường Mỹ, bao gồm cổ phiếu của 30 công ty với sự lớn mạnh đi kèm, đó là những công ty đầy quyền lực và ta có thể kể tên cụ thể như Proctor & Gamble, Home Depot, Coca Cola, và Microsoft…
DJIA chính là chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones (Dow Jones Industrial Average) là một chỉ số theo dõi 30 công ty lớn thuộc sở hữu công đang giao dịch trên thị trường chứng khoán New York (NYSE) và NASDAQ. (Dow Jones Industrial Average – DJIA, Investopedia)
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones là một chỉ số biểu thị thị trường nổi tiếng nhất thế giới, một phần vì nó đã đủ chín muồi để nhiều thế hệ các chủ thể là những nhà đầu tư trở nên quen thuộc khi định giá nó, và một phần vì thị trường cổ phiếu Mỹ là thị trường danh giá nhất trên thế giới.
Tuy bao gồm tất cả những công ty lớn, nhưng nó được thiết kế để đại diện cho hầu hết bất kì công ty Mỹ nào. Cách tính chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones là theo nguyên tắc trung bình, cộng tất cả giá cổ phiếu vào và chia cho số cổ phiếu, chỉ số này được tính hàng ngày dựa trên giá của mỗi công ty.
Như một chỉ số lâu đời nhất và chỉ số tác động thường xuyên nhất, khi mọi người hỏi thị trường hoạt động như thế nào, người ta sẽ thường hỏi về chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones có vài sản phẩm tài chính liên quan đến nó bao gồm chỉ số các quỹ và chỉ số các quỹ ngoại thương như Dow Diamond.
Những công ty DJIA không thể biến mất – chúng là một vài trong số những công ty lớn nhất của Mỹ. Một chủ thể là nhà đầu tư đang tìm kiếm sự ít mạo hiểm, bảo tồn vốn và nhiều thu nhập từ các cổ phần sẽ là người mua lí tưởng của những sản phẩm liên kết với Dow.
3. Tìm hiểu về tài chính:
Ta hiểu về tài chính như sau:
Tài chính bao gồm các quỹ tiền tệ, được hình thành bởi nhà nước nhằm mục đích để có thể thực hiện những chức năng và nhiệm vụ của nhà nước. Tài chính không phải là tiền tệ, nhưng các quỹ tiền tệ được hình thành bởi Nhà nước chính cũng chính là những biểu hiện bên ngoài của tài chính.
Những điều cần biết về tài chính:
– Tài chính bao gồm các lĩnh vực ngân hàng, đòn bẩy hoặc nợ, tín dụng, thị trường vốn, tiền tệ, đầu tư và việc tạo ra và giám sát các hệ thống tài chính.
– Các khái niệm tài chính cơ bản dựa trên các lý thuyết kinh tế vi mô và vĩ mô.
– Lĩnh vực tài chính được chia làm ba phân mảng chính bao gồm: tài chính cá nhân, tài chính doanh nghiệp và tài chính công (chính phủ).
– Dịch vụ tài chính là các quá trình mà các chủ thể là những người tiêu dùng và doanh nghiệp có được hàng hóa tài chính. Lĩnh vực dịch vụ tài chính là động lực chính của nền kinh tế nhiều quốc gia phát triển.
4. Vai trò của tài chính:
Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, tài chính có những vai trò chủ yếu sau đây:
– Tài chính có vai trò điều tiết kinh tế:
Nhà nước thực hiện vai trò này thông qua sự kết hợp hai chức năng: phân phối và giám đốc. Trên cơ sở kiểm tra, giám sát bằng đồng tiền, Nhà nước nắm được thực tế hoạt động của nền kinh tế, từ đó phát hiện ra những vấn đề cần can thiệp, điều tiết. Bằng các chính sách cụ thể như phân phối, Nhà nước điều tiết nền kinh tế theo kế hoạch đã định.
Nhà nước có thể dùng biện pháp đầu tư thêm vốn, bổ sung vốn để đẩy mạnh những ngành phát triển kém và các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế quốc dân.
Nhà nước cũng có thể dùng biện pháp giảm vốn đầu tư và hỗ trợ để hạn chế phát triển những ngành và những khâu chưa cần thiết…
Ngoài ra thì Nhà nước cũng có thể thông qua việc nâng cao hoặc hạ thấp thuế suất để điều tiết hoạt động đầu tư kinh doanh giữa các ngành. Với tác dụng điều tiết kinh tế, tài chính là công cụ trọng yếu thúc đẩy nền kinh tế quốc dân phát triển cân đối theo định hướng các mục tiêu kinh tế vĩ mô.
– Tài chính có vai trò xác lập và tăng cường các quan hệ kinh tế – xã hội:
Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đều được tự chủ về vốn kinh doanh thông qua vốn tự có, các loại vốn tín dụng và một phần do chiếm dụng vốn lẫn nhau, dẫn đến tình trạng nợ nần dây dưa làm rối loạn tài chính.
Để có thể làm lành mạnh hoá quan hệ tài chính, một mặt, Nhà nước cần có những biện pháp điều chỉnh các quan hệ tài chính kể cả biện pháp cấp bách buộc các doanh nghiệp thanh toán nợ nần trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó, Nhà nước còn phải chủ động tạo điều kiện thúc đẩy sự ra đời các thị trường vốn trung hạn, dài hạn, nhất là thị trường chứng khoán và hướng dẫn chúng phát triển đúng hướng.
– Tài chính có vai trò tích tụ và tập trung vốn, cung ứng vốn cho các nhu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá:
Trong nền kinh tế luôn diễn ra quá trình di chuyển nguồn tài chính hai chiều từ lĩnh vực sản xuất sang lĩnh vực phi sản xuất, từ trong nước ra nước ngoài và ngược lại. Nếu Nhà nước có chính sách tốt điều chỉnh các quan hệ tài chính nảy sinh trong các quá trình di chuyển nói trên thì có thể thúc đẩy quá trình tập trung vốn cho đầu tư phát triển, giảm bớt các chi phí không cần thiết và thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài. Đây là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, nhất là trong giai đoạn đầu của công nghiệp hoá, hiện đại hoá nhằm xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội.
– Tài chính có vai trò tăng cường tính hiệu quả của sản xuất, kinh doanh:
Thông qua việc điều chỉnh các quan hệ thu – chi tài chính và phân phối thu nhập, theo nguyên tắc khuyến khích vật chất, xử lý chính xác mối quan hệ về lợi ích kinh tế giữa nhà nước, doanh nghiệp và người lao động, tài chính có thể nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh; thông qua giám đốc tài chính mà duy trì kỷ luật tài chính, góp phần đẩy lùi lãng phí, tham ô…
– Tài chính có vai trò hình thành quan hệ tích luỹ, tiêu dùng hợp lý:
Trong nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, việc phân phối thu nhập được thực hiện theo nhiều nguyên tắc khác nhau, trong đó có nguyên tắc phân phối theo vốn hay theo tài sản, có khả năng dẫn đến sự phân phối không công bằng, thiếu hợp lý.
Chính vì vậy, Nhà nước cần thường xuyên thực hiện việc phân phối lại và điều chỉnh sự phân phối từng bước cho phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhà nước có thể điều tiết bằng cách đánh thuế thu nhập người có thu nhập cao, hỗ trợ các chủ thể là những người có thu nhập thấp; hoặc cũng có thể thành lập các quỹ xoá đói, giảm nghèo, quỹ hỗ trợ tạo việc làm cho người nghèo, nâng lương cho người lao động ở các ngành có thu nhập thấp…
– Tài chính có vai trò củng cố liên minh công – nông, tăng cường vai trò của Nhà nước và an ninh quốc phòng:
Lý luận và kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, một nền tài chính lành mạnh theo hướng tăng trưởng kinh tế gắn liền với tiến bộ xã hội, sẽ tạo ra cơ sở kinh tế – xã hội vững chắc cho việc củng cố liên minh công – nông – trí thức, nền tảng cho việc tăng cường vai trò của Nhà nước và an ninh quốc phòng.